LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

CHIẾN THẮNG NÚI NGANG

Trích từ hồi ký " CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG"
của Trung tướng Nguyễn Huy Chương

Cuộc tấn công đồng loạt của quân và dân ta trong mùa xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ. Tuy nhiên quân địch vẫn lộng lộn điên cuồng tung quân đánh phá vào vùng giải phóng. Ở Quảng Nam trong chiến dịch “Toàn thắng”, “Đẩy Việt cộng về rừng”, hai lữ đoàn kị binh 196. 198 đóng tại Tuần Dưỡng, huyện Thăng Bình và núi Quế, huyện Quế Sơn mở cuộc càn vào vùng giải phóng phía tây huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước. Lữ đoàn 196 cho tiểu đoàn kị binh và đại đội pháo 105mm đóng chốt tại dãy núi Ngang nằm trên đại phận 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà thuộc huyện Tiên Phước, khống chế vùng hậu phương của ta. Hằng ngày tiểu đoàn kị binh ở núi Ngang dùng từ một đến hai đại đội lùng sục ra khu vực chung quanh và cho đồng bọn chiếm sườn núi Liệt Kiểm (cao 446 mét), núi Vú (cao 428 mét) để phòng ngự từ xa.

Khu chiến thứ hai đã xuất hiện. Để thử hiện ý đồn mở khu chiến thứ 2, Bộ Tư lệnh Quân khu điện gọi tôi trở về cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu. Ở hướng Khâm Đức, Tư lệnh sư đoàn Giáp Văn Cương, Chính ủy sư đoàn Nguyễn Ngọc Sơn trực tiếp chỉ huy tiến hành phương án giải phóng Khâm Đức. Tôi vừa bước vào cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu liền được đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu nói:
“Đồng chí mới về Quân khu, ưu tiên giao cho đồng chí và Sư phó Lê Kích, nghiên cứu mở khu chiến núi Ngang” - Nói đến đó, đồng chí Tư lệnh nắm lấy tay tôi siết mạnh - “Chắc ăn nghe!”. Tôi đứng nghiêm ráng chịu cái đau của bàn tay đồng chí Tư lệnh siết chặt, để thể hiện quyết tâm của mình.

Đoàn cán bộ nghiên cứu khu chiến núi Ngang ngoài tôi và sư đoàn phó Lê Kích, còn có ban chỉ huy trung đoàn 31 và tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn. Chúng tôi hình thành 2 mũi, một mũi do tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10 đặc công tổ chức nghiên cứu tiêu diệt bọn Mĩ đóng tại núi Ngang, mũi nghiên cứu địa hình chốt chặn, thực hiện ý đồ đánh địch của Bộ Tư lệnh Quân khu giao theo kế hoạch sau đây:


- Tiêu diệt đại đội kị binh Mĩ ở núi Ngang, diệt xong chốt lại, buộc địc phải dùng máy bay lên thẳng, đưa quân phản kích giải tỏa, lôi bọn kị binh ra khỏi
“công sự” di động là máy bay lên thẳng, biến chúng thành những tên lính bộ binh để tiêu diệt.

- Thực hiện ý định của Quân khu, kiềm giữ chân địch từ 20 đến 25 ngay cho các bộ phận của sư đoàn rảnh tay giải phóng hoàn chỉnh chi khu quận lị Khâm Đức.


- Rút kinh nghiệm cách đánh của Bộ Tư lệnh Tây Nguyên (B3), Tộ Tư lệnh Quân khu 5 bổ sung và thực hiện chiến thuật
“Chốt” kết hợp với cơ động để diệt địch tại núi Ngang, sau trận đánh này hoàn chỉnh chiến thuật: “Chốt” kết hợp với cơ động của bộ đội ta. Đây là một hình thức chiến thuật mới mà đồng chí Chu Huy Mân rất quan tâm.

Như vậy, trong chiến dịch giải phóng Khâm Đức, sư đoàn 2 chiến đấu trên 2 khu vực khác nhau và cách xa nhau:


- Sư đoàn đảm nhận tiêu diệt cụm cứ điểm Khâm Đức mở thông đường vận chuyển cơ giới.


- Trung đoàn 31, được sư đoàn tăng cường 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm, mở khu chiến tại núi Ngang, chủ động kéo quân của sư đoàn American ra để tiêu hao tiêu diệt và giữ kèm tại chỗ không cho chúng chi viện cho chi khu quận lị Khâm Đức.


Núi Ngang là một dải đồi dất đỏ chen đá núi, có độ cao 348 mét so với mặt biển. Mặt đồi núi Ngang bằng, thuận tiện cho điểm đóng. Núi Ngang nằm phía tây huyện Tiên Phước trên địa bàn 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà. Cách Tam Kì 30km và cách Việt An 2,5km. Bao quanh núi Ngang có Chóp Chài (407 mét) núi Gai (434 mét), núi Liệt Kiểm (446 mét), núi Ông Giai (434 mét), núi Dương Vọng (396 mét). Đối diện và cách núi Ngang khoảng 2km là con sông Khang, qua sông Khang đến núi Hàm Yên (112 mét), núi Đầu Voi (205 mét) đến núi Hàn Thôn (583 mét). Ở phía bắc núi Ngang là con đường 16 từ Hà Lam lên Việt An - Từ Việt An đi Đắc Nhe, đường 586 từ Cẩm Khê đi Quán Rường lên Phước Hà, Phước Hà lên An Tráng. Đây là những con đường huyện lộ và hương lộ có ý nghĩa cho hành quân vận chuyển và cơ động chiến đấu. Khu vực núi Ngang địa hình trung du, dưới chân núi Ngang xen kẽ đồng ruộng bậc thang, các lưng núi là đồi Cỏ tranh, lưa thưa các bụi cây sim, cây gió, cây bời lời…
Xa chiến trường Quảng Nam quá lâu, khi đặt chân trở lại trên những con đường hồi 9 năm, lòng tôi chợt bồi hồi trước thiên nhiên phong cảnh cũ. Dốc Lưng, Na Sơn, Sơn - Cầm - Hà, An Tráng… vùng chiến khu của 3 thơi kì cách mạng: Nguyễn Duy Hiệu (1885). đánh Pháp 9 năm (1945-1954), và nay là cuộc kháng chiến chống Mĩ đã có nhiều đổi thay lạ lẫm, đồng bào sinh sống thơ thớt, sản xuất chưa mấy phát triển. Sau 3 ngày nghiên cứu từng điểm cao, từng khu đồi, bố trí tuyến công sự chốt hút địch, đoàn cán bộ cắm tiền trạm và cho trinh sát trở về đưa công binh và bộ đội “thợ” lên chiếm lĩnh khai thác cây rừng làm kéo lắp chữ A. Địa hình của 12 khu đồi, xanh một màu cây cỏ, cũng có những lưng đồi đất đỏ, từ núi này nhìn sang đồi kia nếu không nghi trang kĩ địch sẽ dễ phát hiện ngay màu đất mới đào. Ban ngày, bộ đội nghỉ, đêm đến lên đào công sự và phải nghi trang thật tốt không cho địch phát hiện. Các đơn vị phải đào 3 loại công sự, loại lắp hầm kèo chữ A chống bom, chống pháo, loại hầm để thương binh chứa lương thực, loại công sự cá nhân chiến đấu. Cả ba loại công sự đều có giao thông hào dẫn về hầm chính của chốt trưởng chỉ huy để trận chiến nổ ra, ta di chuyển địch không phát hiện được.

Để phục vụ cho các đơn vị, trung đoàn 31 tổ chức lò rèn, lấy sắt ấp chiến lược rèn cuốc, xà beng, dao, rựa, xẻng phục vụ cho bộ đội đào công sự. Mọi công tác chuẩn bị cho khu chiến đều được làm rất khẩn trương. Tuyến công sự trên 12 khu đồi được hoàn tất, từ núi Dương Chấn qua đèo Cây Trâm, từ núi Dương Vọng đến núi Ông Giai, từ núi Hoắc qua sang dốc Xoài, từ núi Lớn qua núi Lợn, và từ núi Liệt Kiểm qua ngã ba Đồng Tranh… giao thông hào liên kết như những mạch máu trong cơ thể. Tất cả hỏa lực, súng bộ binh đều có thể chi viện cho nhau khi quân Mĩ nhảy vào khu chiến đánh phá, tháo chạy hay cứu viện.


Sau khi hoàn thành công tác
“độn áo giáp” công sự cho bộ đội có sự quan tâm của đồng chí Tư lệnh Quân khu, cử cán bộ xuống trực tiếp giúp đỡ. Bộ Tư lệnh sư đoàn và trung đoàn 31 mở lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ từ trung đội trưởng trở lên, để khi trở về đơn vị huấn luyện cho bộ đội. Phương án tác chiến của từng tiểu đoàn, đại đội đến trung đội, tiểu đội được thảo luận thông suốt, mọi vướng mắc đều được giải quyết dứt điểm.

Hậu cần trung đoàn chuẩn bị đủ gạo và thực phẩm cho toàn trung đoàn chiến đấu trong thời gian quy định. Mỗi chiến sĩ có 5 ngày lương khô, 2 cặp đường bát, mỗi chốt có 5 - 10 mét ni lông lót hầm đựng nước. Đến ngày 2/5 các tiểu đoàn, đại đội được phân công triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chốt bám công sự.


Do lộ bí mật, mất yếu tố bất ngờ, tiểu đoàn 10 đặc công không diệt được đại đội Mĩ ở núi Ngang như dự kiến. Có lẽ vì phát hiện được hoạt động của quân ta, tiểu đoàn kị binh của lữ 196 đóng ở núi Ngang xin thay quân.


Ngày 4/5, lữ 198 cho một tiểu đoàn kị binh lên thay tiểu đoàn 196 chốt núi Ngang. Bọn này chỉ bốc quân, còn trận địa pháo 6 khẩu 105mm vẫn để lại.


Ngaỳ 5/5, trung đoàn trưởng 31 Dương Bá Lợi lệnh cho cố 82mm, DKZ 75mm bắn trực tiếp vào bọn Mĩ đóng trên núi Ngang, vì bọn này mới đến nên hoàn toàn bị động không dám chống trả, im lặng nghe ngóng.


Ngày 7/5, bọn Mĩ ở núi Ngang cho 2 đại đội kéo xuống thôn 5 Phước Sơn lên chiếm núi Hoắc. Nếu để cho quân kị binh Mĩ chiếm núi Hoắc, trận địa ta sẽ bị chia cắt thành đôi. Các đại đội 1, đại đội 2 và đại đội 5 của tiểu đoàn 7 chốt tại đây được lệnh nổ súng. Ngay loạt đạn đầu hơn 10 tên Mĩ ngã gục trên sườn đồi. Những tên sống sót lôi bọn bị thương lùi ra. Các phía trước sau, bên sườn, quân ta đều đánh rát vào bọn kị binh Mĩ. Suốt ngày 7/5, những trận đánh ác liệt diễn ra ở hai nơi Dốc Xoài và núi Hoắc, lực lượng quân ta làm chủ trận địa, ghìm quân địch để tiêu diệt.


Ở khu chiến núi Ngang đã mở màn theo kế hoạch trước Khâm Đức 4 ngày. Sáng ngày 8/5, không quân Mĩ cho 2 tốp máy bay phản lực và máy bay AD6 (Skraider), có máy bay trinh sát OV10, OV13 dẫn đường ồ ạt ném bom xuống khu chiến núi Ngang. Chúng dùng nhiều loại bom khác nhau và thay đổi cách đánh. Chúng ném bom phá, là loại bom đào sâu xuống mặt đất mới nổ để phá công sự, còn bom phạt là loại bom vừa chạm đất là phát nổ để chặt (phạt) tất cả những gì có trên mặt đất, bom napal để đốt sạch cây cỏ trên mặt đất và bom khói tung hỏa mù, để cho bọn kị binh Mĩ luồn trong khói dấu mình tràn lên chiếm điểm chốt. Nhưng tất cả những thủ đoạn đó không thắng được sự cảnh giác và tinh thần chiến đấu quả cảm của chiến sĩ ta. Bọn kị binh luôn bị đánh bật trở lại.
Mặt trời đứng trưa, hai đại đội Mĩ từ phía tây tràn lên Dốc Xoài. Khảu đội súng máy phòng không của sư đoàn tăng cường bố tí ở hướng này lập tức hạ nòng theo góc tà nhả đạn. Cùng lúc đó, chính trị viên Nguyễn Minh Trang cho đơn vị nổ súng tạt sườn, bọn kị binh Mĩ đang hung hăng bỗng khựng lại. Tức thì những quả đạn cối 82mm, 60mm của đại đội trợ chiến tới tấp băm nát đội hình quân địch. Đợt tấn công của quân kị binh Mĩ bị đập tan. Những tên sống sót cố chạy tháo thân, có tên chúi đầu vào các thân cây tránh đạn trong cảnh khói lửa và tiếng nổ át cả một vùng.

Trong ngày 8/5, cán bộ chiến sĩ đại đội 1 của Nguyễn Minh Trang và các bộ phận trợ chiến phối thuộc, đã đánh bại 6 đợt tấn công của bọn kị binh. Đánh thiệt hại nặng một đại đội, tiêu hao 1 đại đội khác thuộc tiểu đoàn 1 lữ đoàn 198 Mĩ. Từ chỉ huy sở trung tâm tại đồi Liệt Kiểm, sư đoàn phó Lê Kích và tôi quan sát toàn cảnh khu chiến, chúng tôi thống nhất nhận định khả năng diễn biến chiến sự và quyết định tổ chức đưa đội cơ động của ta lên phía trước chờ địch.


Sáng ngày 9/5, sau những đợt bom pháo tàn khốc, địch tiếp tục đưa vào khu chiến 2 đại đội kị binh, mở đợt tấn công ác liệt lên Dốc Xoài và núi Hoắc cố chiếm giữ bằng được hai ngọn đồi này. Trận địa ta đã sẵn sàng chờ bọn kị binh bò lên lưng chừng sườn núi, liền cho hỏa lực bắn nát đội hình của chúng. Hỏa lực vừa dứt, đội cơ động được lệnh xuất kích dùng lưỡi lê đâm vào lưng bọn tháo chạy. Vùng trời và mặt đất trận địa Dốc Xoài, núi Hoắc rung chuyển tiếng pháo tiếng bom và tiếng gầm rú của máy bay địch. Từ trận địa súng máy phòng không, xạ thủ Lê Hữu Tựu cùng đồng đội ngẩng cao đầu bám chắc từng mục tiêu, bắn rơi liền 8 máy bay lên thẳng, có 1 chiếc HU1A bị đứt làm 3 đoạn.


Trải qua 3 ngày chiến đấu anh dũng, bộ đội tiểu đoàn 7 trung đoàn 31 giữ 02 chốt Dốc Xoài và núi Hoắc đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 lữ đoàn 198 kị binh Mĩ, chúng buộc phải rút chạy khỏi khu chiến.


Trong những ngày chiến trận, cán bộ sư đoàn, trung đoàn chúng tôi lên từng chốt nắm tình hình thăm hỏi động viên chiến sĩ, bộ phận cơ động của khu chiến, tích cực tu sửa bổ sung sự canh gác cho các chiến sĩ trên chốt nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu. Nhân dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà thẩm thỏm lo âu, nhưng luôn sẵn sàng vượt qua bom đạn cử người lên chốt đem quà bánh bồi dưỡng cho chiến sĩ và chuyển thương binh ra khỏi khu chiến để chăm sóc. Việc làm của bà con càng làm thắm đượm thêm tình quân dân gắn bó, chia sẻ những khó khăn ác liệt cùng bộ đội, động viên các chiến sĩ bám giữ trận địa chiến đấu đến cùng.


Ngày 12/5, tiểu đoàn Mĩ thay thế chốt ở núi Ngang, cho pháo 105 bắn ác liệt vào trận địa ta. Hai đại đội kị bình của tiểu đoàn này tổ chức nhiều đợt tấn công lên Dốc Xoài đều bị thất bại.


Ngày 14/5, các trận địa pháo núi Ngang, Tuần Dưỡng, Cấm Dơi chấu nòng bắn vào trận địa Dốc Xoài, núi Hoắc cùng 6 chiếc phản lực, 3 chiếc AD6 (Skraider) theo bọn trinh sát OV10, OV13 nhào lộn ném bom. Luồn trong khói bom dày đặc đó, bọn trực thăng HU1A quần đảo bắn rốc két, cho bọn CH47 rà thấp đổ quân. Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ giữ chốt Dốc Xoài bước vào những giây phút hiểm nghèo. Các trận địa pháo buổi sáng của địch làm hư hại một số vũ khí, bộ đội thương vong chưa kịp bổ sung, một vài công sự của ta bỏ ngỏ. Quân kị binh Mĩ liều lĩnh đã chiếm được 2 công sự tiền duyên của chốt, chúng liền theo giao thông hào trào lên chốt. Chính trị viên Nguyễn Minh Trang, linh hồn của chốt, anh động viên chiến sĩ “Còn người, còn vũ khí ta còn chiến đấu!”. Các chiến sĩ đại đội 1 từ trong những công sự đổ nát bật dậy dùng AK, lựu đạn đánh xối xả vào các tốp lính liều lĩnh. Những tên kị binh Mĩ cao to chết gục trong đường giao thông hào vào hầm thương binh của ta. Mũi tấn công của chúng bị chặn đứng dồn lại lúc nhúc. Lập tức những chùm lựu đạn được ném ra tới tấp, những tiếng nổ kép gầm lên đẩy xác Mĩ lăn lông lốc xuống đồi. Ở chốt phía nam Dốc Xoài, ta chỉ còn 2 chiến sĩ, nhưng bọn Mĩ không nhích lên được bước nào. Trước sức chiến đấu kiên cường của quân ta, bọn kị binh chạy thụt lùi ra khỏi trận địa Dốc Xoài, nhưng chúng làm sao thoát được thế trận khu chiến núi Ngang, nơi nào cũng nằm trong tầm ngắm của các chiến sĩ, theo sát và ghìm chúng vào thế bị động đối phó.


Cùng thời gian, trận địa chiến đấu ở chốt núi Hoắc cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Bọn Mĩ giành giật với ta từng khu đồi, từng công sự. Cuối cùng 140 tên xâm lược gục ngã trước mép công sự của các chiến sĩ giữ chốt.


Hồi học tập ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, tôi đã từng đọc truyện nói về trận đánh “Thượng Cam Lãnh” của Bắc Triều Tiên với quân Mĩ, đến nay so sánh với trận chiến trên núi Ngang thì ác liệt còn hơn thế nữa.
Thua đau, bọn chúng càng lồng lộn. Ngày 18/5, chúng tiếp tục tăng quân. Những trận đánh mở rộng ra trên toàn khu chiến núi Ngang. Hai đại đội kị binh Mĩ đánh lên núi Lớn liên bị đại đội 6, của tiểu đoàn 8 xuất kích 3 lần diệt gần hết một đại đội, tiêu hao một đại đội. Học tập tinh thần chiến đấu của đại đội 6, ngày 19/5, đại đội 11, lực lượng cơ động của tiểu đoàn 9 tại chốt núi Ông Giai đã loại khỏi vòng chiến đấu 80 kị binh Mĩ.

Khu chiến núi Ngang trong những ngày cuối tháng 5 tiếp tục lập công. Ngày 23, 25/5, 2 tiểu đoàn Mĩ đổ xuống chốt Hòa Yến bên tả ngạn sông Khang, bị lực lượng cơ động của trung đoàn 31 diệt 1 đại đội. Trong các ngày 5 và 6/6, trung đoàn 31 tập hợp lực lượng cơ động của tiểu đoàn 8 và 9 tập kích quân Mĩ tại Hòa Yến, diệt 240 tên.


Một điều phấn khởi cho ban chỉ huy khu chiến và đơn vị chiến đấu là một ngày, đồng chí Tư lệnh Quân khu gởi 2 bức điện: Buổi trưa thăm hỏi bộ đội liên tục chiến đấu, buổi chiều hướng cách đánh cho ngày hôm sau. Vì vậy ban chỉ huy khu chiến đã xử lí kịp thời.


Cả hai lữ đoàn 196, 198 kị binh Mĩ đã bị sa lầy trong thế trận “chốt” kết hợp với cơ động, hiểm hóc của trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5. Trong suốt thời gian lâm chiến, quân Mĩ không hề diệt được một “chốt” nào của ta, trái lại bị cán bộ chiến sĩ trung đoàn 31 đánh chúng “thất điên bát đảo”. Thế trận của ta giăng sẵn buộc quân Mĩ sa vào là thất bại, chúng muốn rút lui cũng không dễ dàng vì “chốt” của ta nằm cạnh sườn quân địch, như cái gai đâm vào mắt nhức nhối không chịu được, buộc địch phải đưa quân đối phó, mà càng đối phó càng bị sa lầy.


Hòa trong tiếng súng tấn công đợt 2 của toàn miền Nam, sư đoàn 2 Quân khu 5 hoàn thành chiến dịch giải phóng chi khu quận lị Khâm Đức. Mục tiêu phối hợp chung trên chiến trường và phối hợp chiến dịch trong phạm vi của sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 12/06/1968 nhận lệnh của Quân khu, trung đoàn 31 chủ động rút quân ra khỏi khu chiến núi Ngang.


Trải qua 38 ngày đêm liên tục chiến đấu, trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5 chốt chặn khu chiến núi Ngang đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên kị binh Mĩ, bắn rơi 65 máy bay, có 15 chiếc phản lực, 2 AD6 (Skraider).


Chiến thắng núi Ngang phát triển và nâng cao chiến thuật “cơ động, kết hợp chốt” dài ngày tạo cơ sở cho sư đoàn đúc rút kinh nghiệm trong việc dùng lực lượng ít, nhưng thu hút và kéo, kìm, giữ chân một lực lượng lớn của địch, thực hiện tốt kế hoạch hợp đồng chiến dịch.


Thành công của chiến dịch giải phóng Khâm Đức và mở khu chiến núi Naang là thành công của sự hợp đồng giữa điểm và diện, sử dụng lực lượng hợp lí giữa 2 khu chiến. Riêng ở núi Ngang, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 31, sư đoàn 2 đã hoàn thành 6 yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra:


1. Thực hiện đúng ý đồ kéo địch ra để diệt. Dùng chiến thuật “chốt” kết hợp cơ động thu hút quân địch vào khu chiến, đây là một sáng tạo mới làm cho quân địch bất ngờ.


2. Trên một địa bàn giữa 4 bên là địch, có điều kiện binh khí kĩ thuật hiện đại, vũ khí tối tân chi viện cho nhau. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chọn đúng địa điểm mở khu chiến đánh địch giữa ban ngày, tìm được chỗ nhược điểm của địch để đánh địch, buộc địch phải ra khỏi trực thăng, biến quân kị binh bay thành bộ binh để diệt.


3. Với chiến thuật này, sư đoàn 2 Quân khu đã diệt được nhiều sinh lực địch, bắn rơi nhiều máy bay, bên ta ít thương vong.


4. Khu chiến núi Ngang kèm giữ quân địch vượt thời gian trên giao, buộc địch điều quân chiến đấu theo ý của ta.


5. Trận núi Ngang là một chiến thuật mới, được áp dụng để đánh với một binh chủng sừng sỏ trên chiến trường là quân kị binh - Một binh chủng đặc thù của quân đội Mĩ.


6. Lần đầu tiên trên chiến trường đồng bằng Khu 5 chiến thuật “chốt” kết hợp với cơ động diệt địch được áp dụng thành công trong chiến dịch góp phần đánh địch hiệu quả trên chiến trường.


( Còn nữa) 

CHIẾN CÔNG TIÊU DIỆT CẤM DƠI

Khi ta hoàn thành trận đánh tiêu diệt Cấm Dơi, đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong bản tin ngày 21.8.1972 bình luận: “Mất Quế Sơn, một chi khu quận lỵ có căn cứ Cấm Dơi được phòng ngự mạnh vào bậc nhất Việt Nam chứng tỏ quân đội Việt Nam Cộng hòa không đủ sức đương đầu với cộng sản ở Nam Việt”.


NỖI ĐAU LỚN
Cấm Dơi - cứ điểm lớn của địch bố trí ở vùng tây Quế Sơn, tập trung cả pháo tầm xa, công sự vững chắc, khống chế yết hầu tây nam của căn cứ quân sự Đà Nẵng, chắn con đường chiến lược nối vùng tây xuống phía đông, đồng bằng ven biển Quảng Nam. Mọi động tĩnh, an nguy của Cấm Dơi, chỉ trong chốc lát sẽ có quân chi viện cơ động từ Đà Nẵng lên. 
Ta đã tổ chức đánh Cấm Dơi nhiều lần nhưng không bứt được cứ điểm này hoàn toàn. Có trận ta đánh quyết liệt, song sau đó địch chiếm lại và củng cố chắc hơn. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân 1968, vào cuối năm 1967 cả Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2 của Quân khu 5 đi khảo sát xây dựng phương án đánh Cấm Dơi, bất ngờ bị máy bay trinh sát địch phát hiện trên dải Động Mông - Đá Hàm của Hòn Tàu. Rồi máy bay trinh sát Mỹ gọi thêm 4 chiếc HU1A ào tới, quét trung liên, Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ ra lệnh chiến đấu. Ở thế bất lợi, toàn bộ các đồng chí chỉ huy của Sư đoàn 2 từ Sư trưởng Lê Hữu Trữ đến Chính ủy Nguyễn Minh Đức, các cán bộ chủ chốt của các ban tham mưu, hậu cần, chính trị và các Trung đoàn trưởng 21, 31 đều hy sinh.

RỬA HỜN
Do làm nhiệm vụ đi thị sát, điều nghiên chuẩn bị một hướng khác. Lúc máy bay địch ào tới thì anh Nguyễn Chơn còn ở Sơn Long.

Tổn thất của Sư đoàn 2 quá lớn, khiến sau đó, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia do Nguyễn Chơn chỉ huy đã thề quyết tổ chức một trận tiêu diệt Mỹ để rửa hờn. Trận đánh lớn ở An Sơn (Hiệp Đức) nổ ra vào đầu tháng giêng năm 1968 đã loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên Mỹ là một chiến công được lập nên từ nỗi đau thương biến thành hành động như thế.

QUYẾT TÂM NHỔ GAI “ CẤM SƠN”
Trận đánh Cấm Dơi - Quế Sơn vào tháng 8.1972 là một chiến công lớn của quân chủ lực Khu 5, trong đó đơn vị thực hiện chủ yếu là Sư đoàn 711 (thành lập vào 7.11.1971 - Nguyễn Chơn từ Sư đoàn 2 mới được điều về chỉ huy Sư đoàn 711). Trước tháng 8 thì sư đoàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức các trận đánh “bóc vỏ” ngoại vi, và đến đầu tháng 8,.
Anh Hai Mạnh (Đại tướng Chu Huy Mân) xác định trận đánh Cấm Dơi có ý nghĩa chiến lược lớn nên đích thân xuống chỉ đạo, điều pháo xe kéo loại 130 ly, hỏa tiễn có điều khiển B72. Đây là loại hỏa lực mạnh lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường đồng bằng Khu 5, do  đó tạo thế bình phong từ phía sau để Nguyễn Chơn thỏa sức tung hoành.

Trước khi đánh Cấm Dơi, ta cũng đã giải phóng Hiệp Đức (30.4.1972), do đó có thể kéo pháo lớn lên các điểm cao để pháo kích vào căn cứ địch ở quận lỵ Quế Sơn. Trung đoàn 38 của anh Trí (sau này lên Thiếu tướng) nhận lệnh tác chiến trên vùng rộng phía tây nhằm nghi binh che mục tiêu chủ yếu.

Nguyễn Chơn vốn là người chỉ huy gan dạ, điều nghiên sát tận hàng rào căn cứ địch. Vì vậy, khi trình bày quyết tâm với quân khu anh cũng đầy cơ sở lập luận. Tuy nhiên, trận đánh sắp mở màn thì địch liên tục điều máy bay ở Đà Nẵng lên quần đảo, và các báo cáo quân báo cho thấy địch có thể nắm bắt ý đồ của ta nên rục rịch điều quân tăng viện..
Trong khi ta đã bố trí gần xong thế trận đánh vào Cấm Dơi mà quyết tâm đánh hay không còn phải bàn. Mà thực là địch dường như “ngửi thấy” ý đồ của ta, tăng viện thêm hai khẩu pháo lớn cho căn cứ này. Pháo địch vừa kéo lên tới quận lỵ Quế Sơn thì cũng đúng lúc ta pháo kích. Ai dè một quả pháo trúng ngay vào khẩu 175 ly của địch, một quả trúng vào khẩu kia làm hư bánh xe. Địch hoảng hốt, cho rằng ta phát hiện và điểm pháo phá hủy vũ khí hạng nặng của chúng. Tin này làm rúng động hàng ngũ địch ở căn cứ Cấm Dơi, tạo thêm điều kiện để anh Chơn đặt quyết tâm cao bứt nhổ cứ điểm này.
Lại nói khi ta đã cài gần xong thế trận đánh Cấm Dơi thì có điện của Bộ Tổng tham mưu yêu cầu dừng trận đánh nếu không chắc thắng. Lúc ấy, nếu quân của Nguyễn Chơn phải dừng và lui ra thì sẽ thiệt hại lớn.
Lại nói, Nguyễn Chơn là con người quyết đoán, nắm được thời cơ, ngày 18.8.1972, với sự hỗ trợ của hỏa lực các loại của Sư đoàn 711 và hỏa lực tăng cường của quân khu, có pháo 130 ly lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường đồng bằng Khu 5, dồn dập bắn vào Cấm Dơi, quận lỵ Quế Sơn. Cùng lúc các cánh quân vây lấn của ta tiếp cận cứ điểm địch. Đến 1 giờ 15 ngày 19.8, mũi ở hướng chủ yếu của ta là Trung đoàn 31 và mũi ở hướng thứ yếu của Trung đoàn 38 đã chiếm được các khu vực phân công. Ở hướng của Trung đoàn 38, phát hiện quân ta đang cắt rào, xe tăng địch tiến ra phản kích quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng mép rào, mõm đá…

8 giờ ngày 19.8.1972, theo tin quân báo, các đơn vị địch có thiết giáp đi kèm theo đường 105 từ Núi Quế tiến về phía Cấm Dơi, Sư đoàn 711 lệnh cho Trung đoàn 9 đánh chặn lực lượng địch tăng viện. Ta dùng hỏa lực mạnh với pháo 130 ly, hỏa tiễn có điều khiển B72, cối 120 ly,  hơn 10 khẩu DKZ 75 và 82 ly  bắn dồn dập các khu vực cố thủ của địch ở trong cùng. Dứt đợt pháo, quân ta xung phong vượt cửa mở đánh vào tung thâm. Quân địch chống cự quyết liệt nhưng đến 10 giờ sáng, bộ đội ta đã phát triển đến sở chỉ huy Trung đoàn 5 ngụy. Tên Đại tá Tôn Thất Lữ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 ngụy chết tại trận. Khoảng 11 giờ, lá cờ chiến thắng của ta được kéo lên trên cứ điểm địch. Cấm Dơi thất thủ, các lực lượng ta thừa thắng xông lên làm chủ hoàn toàn quận lỵ Quế Sơn, đồng thời triển khai truy kích các cánh quân địch tháo chạy.

18 giờ ngày 19.8.1972, trận đánh địch trong công sự vững chắc ở Cấm Dơi, tiêu diệt quận lỵ Quế Sơn và đánh địch tháo chạy kết thúc. Thung lũng Quế Sơn, sau 18 năm bị địch chiếm đóng đã được giải phóng.

Với trận tổng tấn công vào công sự vững chắc của địch ở Cấm Dơi, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Quế Sơn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3 nghìn tên địch, xóa sổ phiên hiệu 7 tiểu đoàn địch. Đặc biệt trong trận này ta đã phá hủy 40 khẩu pháo lớn của địch, thu hơn 500 súng các loại và 30 xe cơ giới, trong đó có 12 xe M113 và xe tăng. Chiến công này đã vang danh trong lịch sử quân sự đất Quảng, là trận đánh thắng lớn sau mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, cho thấy thực lực ta có thể đánh bại quân chủ lực địch với cách đánh hiệp đồng binh chủng.

Nguồn : Báo QUẢNG NAM

VỀ SƯ ĐOÀN 2

Trích từ hồi ký " CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG"
của Trung tướng Nguyễn Huy Chương


CHƯƠNG VI -VỀ SƯ ĐOÀN 2


Thế là tôi phải xa chiến trường Quảng Ngãi, xa quê hương Núi Ấn - Sông Trà mang truyền thống khởi nghĩa Ba Tơ (1945), khởi nghĩa Trà Bồng (1959), xa biển Sa Kì, Mĩ Á… quanh năm lộng gió, xa những con đường tỉnh lộ thân quen: Châu Ổ - Trà Bồng, Sơn Tịnh - Sơn Hà, Minh Long - Giá Vụt; xa thiên nhiên miền tây Quảng Ngãi, nơi phát nguyên sông Rin, sông Tang, sông Xàlò, sông Re (H’Re) và các con sông đầu nguồn cần mẫn quanh năm đưa nước về sông Trà Bồng, Trà Khúc, để cho những guồng xe mang nước tắm mát những cánh đồng Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa trù phú, làm nên những mùa vàng nuôi quân đánh giặc. Quảng Ngãi với những đặc sản đường phổi, đường phèn, mạch nha, những đồng suối Sa Huỳnh đã từng cứu sống đồng đội tôi trong những năm tháng ở căn cứ Nước Rễ, và những di tích và cảnh đẹp mà hai năm qua tôi đã biết trong những lần đi nghiên cứu chiến trường như: “Thành Gấm” nằm bên bờ sông Trà Khúc, “Thiên Ấn - Niêm Hà, Long đầu hí thủy, Thiên Bút phê văn, Hà Nhai vãn độ, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn…” khó quên trong kí ức chúng tôi. Ngoài cảnh đẹp và di tích lịch sử, chính nơi đây đã sinh ra nhiều văn thân chí sĩ yêu nước như danh tướng Bình tây Đại nguyên soái Trương Công Định, cầm quân chống Pháp ở Gò Công Nam Bộ, như Lê Trung Đình, Cảnh Thụy, Lê Ngung khởi nghĩa Duy Tân 1916. Vào thời có Đảng Cộng sản lãnh đạo như Thủ tưởng Phạm Văn Đồng, một nhà ngoại giao, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tướng lãnh tài ba như Nguyễn Chánh, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Trần Văn Trà… mà cả nước đều biết đến, làm sao không lưu luyến khi xa vùng đất này.

Tôi về đến căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu, tại đây tôi gặp đồng chí Hà Văn Trí. Hai anh em tay bắt mặt mừng, lòng dạt dào cảm xúc, nhưng rồi phải chia tay sau đó. Tôi nhận quyết định về làm Phó chính ủy sư đoàn 2 Quân khu 5. Hà Văn Trí về làm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà, và anh hi sinh sau mùa tổng tiến công 1968. Được tin Hà Văn Trí hi sinh, tôi bàng hoàng và thương tiếc một cán bộ quân sự tài năng, thông minh và đức độ. Trong tâm tưởng tôi tự hẹn rằng, nếu ngày thống nhất đất nước tôi còn sống, sẽ về thăm quê của Trí và thắp nén nhang của anh. Tôi chưa thực hiện được ước mong đó, mà chỉ gặp con gái anh đang là cô giáo dạy học ở Quảng Ngãi.


Nhận công tác ở sư đoàn 2, ấn tượng trong tôi tươi nguyên hình ảnh và kỉ niệm hồi năm 1965-1966, khi chiến dịch Sơn Tịnh nổ ra. Khi đó, tôi là thành viên của bộ chỉ huy chiến dịch, được tiếp xúc với Sư trưởng Nguyễn Năng (quê Thanh Hóa). Ngay lần gặp đầu tiên anh đã để lại cho tôi ấn tượng đậm nét. Người anh cao nghệu, giọng nói sang sảng, tác phong sâu sát từng đơn vị, khi chiến đấu thì bình tĩnh và dũng cảm, trong sinh hoạt thì tôn trọng tổ chức, khi tiếp xúc với mọi người thì đôn hậu ôn hòa. Với sư đoàn phó Lê Hữu Trữ (Lê Thạch), quê Quảng Trị, Phó chỉ huy sư đoàn, đẹp trai, thông minh, quyết đoán. Anh là một trong những thanh niên
“xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” Trong cương vị một sĩ quan trong đoàn quân Nam tiến thơi đánh Pháp hồi 9 năm, tính tình hiền lành nhưng rất nghiêm trong sinh hoạt, nhất là khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới tỉ mỉ và cụ thể. Với Chính ủy sư đoàn, Nguyễn Minh Đạo (quê Thanh Hóa), anh là một cán bộ mẫu mực trong sinh hoạt, tận tụy với đồng đội, gặp giai đoạn khó khăn, đơn vị thiếu lương thực, thực phẩm, anh cùng cần vụ lội suối bắt ốc, chia ngọt sẻ bùi cùng chiến sĩ. Trong lãnh đạo anh nắm vững nguyên tắc Đảng, tôn trọng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trước một việc quan trọng bao giờ anh cũng đem ra bàn bạc rồi mới quyết định.

Điều đáng tiếc là khi tôi về sư đoàn, anh Lê Hữu Trữ và Nguyễn Minh Đạo đã hi sinh, anh Năng thì đi nhận công tác khác. Đội ngũ lãnh đạo của sư đoàn về sau này là những tướng lĩnh tài ba như: Đồng chí Thượng tướng Giáp Văn Cương, Hoàng Anh Tuấn, Lê Kích và đồng chí Nguyễn Chơn, sư trưởng trực tiếp chỉ huy đường 9 Nam Lào, về sau là Thượng tướng, thứ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đơn vị cảm phục tặng anh cái tên trìu mến:
“Anh hùng Nguyễn Chơn, suốt đời say mê đánh giặc”.

Sư đoàn 2 là sư đoàn chủ lực của Quân khu, được thành lập ngày 20/10/1965 tại làng An Tráng, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Có mặt trong đội hình sư đoàn là trung đoàn 1, trung đoàn 21, tiểu đoàn 12 pháo cối, tiểu đoàn cao xạ 19/5, cùng với nhiều đơn vị hợp thành, bảo đảm về kĩ chiến thuật và sức chiến đấu cơ động.



Trung đoàn 1 là trung đoàn quy tụ phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở các tỉnh trong Quân khu 5 ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Họ là những cán bộ chiến sĩ đã cùng với nhân dân và dân quân du kích địa phương diệt đồng, phá ấp dành dân, mở rộng phong trào trong những năm quân địch thực hiện chiến dịch “tố cộng diệt cộng” ở miền Nam. Từ tháng 3/1962, trung đoàn được tăng cường cán bộ, chiến sĩ con em các tỉnh Khu 5 tập kết ra Bắc, trở về và trở thành trung đoàn, kiêm luôn công việc của tỉnh đội Quảng Nam, do đồng chí Quách Tử Hấp, làm trung đoàn trưởng, Dương Loan, chính ủy trung đoàn. Đến cuối năm 1963, được cấp trên quyết định tách khỏi nhiệm vụ quân sự địa phương để tập trung xây dựng thành một đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu. Biên chế trung đoàn lúc này có các tiểu đoàn bộ binh 40, 60, 90 và tiểu đoàn 400 trợ chiến do đồng chí Lưu Thành Đức, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Trọng, chính ủy. Mùa thu 1964, trung đoàn đánh trận Kì Sanh, Tam Kì. Trận đánh có ý nghĩa lớn, mở đầu đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch trên chiến trường đồng bằng Khu 5. Mùa xuân 1965, trung đoàn diệt cứ điểm Việt An, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở phía tây tỉnh Quảng Nam. Trong trận này, trung đoàn thực hiện khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, liên tiếp đánh bại 5 cuộc hành quân giải tỏa của quân ngụy trên đường 16. Trong chiến dịch Sơn Tịnh 1965, tiểu đoàn 90 của trung đoàn, đã diệt gọn tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 ngụy. Trận thứ hai, trung đoàn tập trung 3 tiểu đoàn, đã diệt gọn một chiến đoàn quân ngụy gồm tiểu đoàn 39 biệt động quân, tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ, tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 ngụy. Trận thứ 3, trung đoàn diệt cứ điểm Gò Cao, do 1 tiểu đoàn ngụy đóng giữ. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu 3 kỉ lục: Tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn ngụy, trung đoàn ta diệt chiến đoàn ngụy, tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn địch trong cứ điểm có công sự vững chắc. Trung đoàn còn hỗ trợ cho địa phương tiến công và nổi dậy diệt địch, giải phóng 27 xã và 20 vạn dân. Đây là chiến dịch tiến công tổng hợp đầu tiên tương đối hoàn chỉnh trên chiến trường Quân khu 5.

Từ bám dân, bám đất đánh du kích, hỗ trợ cho phong trào địa phương, khi Mĩ vào, trung đoàn 1 trở thành trung đoàn nòng cốt của sư đoàn trong điều kiện quân Mĩ 8 ta 1, trung đoàn dã đánh thắng Mĩ trận đầu ở Vạn Tường (18/8/1965). Trung đoàn 1 nổi dậy với cái tên
“Trung đoàn Ba Gia” “Trung đoàn thép” và chiến công đi vào lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 5 với những trận đánh như:

Nhanh như Chóp Nón
Gọn như Ba Gia
Dũng cảm như Vạn Tường
Kiên cường như Hội Đức


Trung đoàn 21 là trung đoàn tập trung, con em của nhân dân hai tỉnh Hải Dương và Hà Bắc. Một số cán bộ chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển ngành về địa phương công tác được gọi trở lại đội ngũ theo tiếng gọi chống Mĩ cứu nước của Đảng. Tháng 7/1965, trung đoàn 21 vào chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Đây là một trung đoàn “cựu binh” có truyền thống và tinh thần quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ xâm lược khi được vào miền
Nam. Trong chiến dịch tây Sơn Tịnh đầu năm 1966, trung đoàn đã đánh tiêu diệt một tiểu đoàn Mĩ và đánh bại một tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu 800 tên Mĩ, bắn rơi 6 máy bay.

Trung đoàn 31 tiền thân là Trung đoàn 54 của sư đoàn 310, một trong những trung đoàn chiến đấu giỏi trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ thời kháng chiến chống Pháp, đã được Bác Hồ tặng danh hiệu
“Dũng cảm đánh hăng”. Trung đoàn do đồng chí Nguyễn Việt Sơn, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Thận, chính ủy. Tháng 10 năm 1966, trung đoàn 31 về đứng chân trong đội hình sư đoàn 2. Thêm trung đoàn 31, sức chiến đấu của sư đoàn tăng lên rõ rệt và lịch sử của sư đoàn cũng thêm phần phong phú.

Sau khi trung đoàn 31 về sư đoàn 2, tiểu đoàn 70, được Quân khu quyết định điều trở lại chiến trường Quảng
Nam.
Tiểu đoàn súng máy phòng không, sinh ra trên đất Tổ Hùng Vương, tiểu đoàn vinh dự được mang tên ngày 19/5. Hầu hết cán bộ chiến sĩ là con em của Thủ đô Hà Nội, với hào khí Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Theo lời kêu gọi chống Mĩ cứu nước, tiểu đoàn vào Nam đánh Mĩ được cấp trên bổ sung về sư đoàn 2.

Tiểu đoàn 12 pháo, cối, cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn là con em của tỉnh Thanh Hóa, tiểu đoàn có 1 đại đội DKZ 75, 1 đại đội sơn pháo 75, 1 đại đội súng cối 120 li. Với truyền thống
“Chân đồng vai sắt” của pháo binh quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1965, tiểu đoàn có mặt trong đội hình chiến đấu của sư đoàn 2.

Trong đội ngũ của sư đoàn có những đơn vị được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là cán bộ chiến sĩ của trung đoàn 1, từng lăn lộn chiến đấu nhiều năm trên chiến trường được rút về làm công tác chuyên môn như trinh sát, thông tin, quân y, vận tải, hậu cần…


Sư đoàn 2 Quân khu lấy nhiệm vụ tác chiến tập trung tiêu diệt địch, giành dân mở rộng vùng giải phóng. Sư đoàn 2 phải vưa tác chiến vừa xây dựng, không ngừng nâng cao trình độ quy mô tác chiến tập trung diệt sinh lực và phá hủy phương tiện chiến tranh, phá vỡ từng khu vực phòng thủ của địch.


Địa bàn tác chiến của sư đoàn 2 là từ các tỉnh Quảng Ngãi đến thành phố Đà nẵng. Đảng bộ sư đoàn có 3 Đảng bộ trung đoàn, 3 Đảng bộ cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần và 11 Đảng bộ tiểu đoàn, gần 100 chi bộ, tổng số đảng viên hơn 2.000 đồng chí, chiếm 30% quân số trong sư đoàn.


Tôi về đến sư đoàn bộ hôm trước, liền hôm sau được Bộ Tư lệnh phân công cùng đồng chí Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương, đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị phương án chiến dịch giải phóng chi khu quận lị Khâm Đức, ở phía tây tỉnh Quảng Nam.


Chủ trương của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu là tiêu diệt cụm cứ điểm quận lị Khâm Đức, giải phóng địa bàn này thành khu liên hoàn nối đường vận chuyển chiến lược của Trung ương, đưa lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men vào chi viện cho các hướng chiến trường Khu 5.


Thung lũng Khâm Đức có chiều dài 3km, chiều rộng 1,5km, phía nam giáp sông Nước Chè, bên kia sông Nước Chè là trại nuôi dê nằm trên độ cao (676 mét) Ngọk Tà Vák (738 mét), phía Đông có sông Nước Trảo, ngầm nước Mĩ, phía tây là rừng đại ngàn. Đường 14 từ Hòa Cầm qua Thượng Đức đến Khâm Đức, gặp đường 165 tạo thành ngã ba Khâm Đức, đi vào Nam Bộ. Tại đây, quân địch xây dựng một trung đoàn huấn luyện biệt kích, tạo bàn đạp đánh phá phong trào cách mạng ở khu tam giác các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Sau nhiều lần củng cố và mở rộng, Khâm Đức có 10 cứ điểm phòng ngự. Khu trung tâm chi khu có 5 cứ điểm, khu ngoại vi có 5 cứ điểm, quân số địch gồm 7 đại đội, nằm trong hệ thống công sự ngầm kiên cố.


Tuy nhiên, chi khu quận lị Khâm Đức là một cứ điểm bị cô lập giữa bốn bề là rừng đại ngàn và vùng kiểm soát của ta, nên tiếp tế của bọn địch trông cậy vào đường hàng không mỗi tháng 2 lần.


Đứng trước nguy cơ chi khu quận lị Khâm Đức bị tiêu diệt, quân địch đã lập tuyến tiền tiêu hướng tây nam - Hướng duy nhất quân ta triển khai đánh chiếm Khâm Đức nên quân địch thường xuyên cho quân sục sạo quanh địa bàn có bán kính từ 1 - 2km, sân bay Khâm Đức cũng gấp rút được sửa chữa để có thể đổ quân tăng viện trong trường hợp khẩn cấp.


Khi giao nhiệm vụ cho sư đoàn đi nghiên cứu chiến trường, Tư lệnh Quân khu đã đề ra một yêu cầu quan trọng là phải chủ động kìm giữ, không cho quân địch đưa quân tiếp viện lên Khâm Đức.


Phân tích thế và lực của địch, nếu ta đánh Khâm Đức, lực lượng chi viện tốt cho Khâm Đức, chỉ có thể là sư đoàn không vận số 1 (sư đoàn American) với 2 lữ đoàn 196 và 198 đóng ở Quảng Nam. Với khả năng của địch như vậy, để việc tấn công giải phóng Khâm Đức đạt kết quả, Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho sư đoàn 2 tổ chức một khu chiến mới. Khu chiến này có nhiệm vụ nổ súng trước để căng kéo, đánh tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, khiến quân địch không thể chi viện cho Khâm Đức và nếu chi viện thì lực lượng địch cũng không đáng kể. Sư đoàn 2 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trận đánh này.

( Còn nữa)

TỰ HÀO LÀ LÍNH CỦA TƯỚNG NGUYỄN CHƠN


Là lính Quân khu 5 nhưng tôi chưa được gặp người chỉ huy đã một thời vang bóng ở chiến trường khu 5. Trong nhiều thước phim về chiến tranh Việt Nam đều thấy xuất hiện gương mặt Nguyễn Chơn.
Cuối năm 1983 khi chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1983 -1984 tôi mới “thấy” Cụ, khi chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường từ Phnom Tabeng đến Cầu Cháy.
Tôi được nghe những câu chuyện kể về Cụ lần đầu tiên khi còn ở Biên giới Tây nam.
Trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công tháng 12/1978, đơn vị tôi cùng với trung đoàn 31 sư đoàn 309 phối hợp đánh bứt các căn cứ của Pốt ở phía Nam đường 19, chuẩn bị hành lang an toàn cho chiến dịch và các trận địa pháo của E572. (Trung đoàn trưởng 31 lúc này là Nguyễn Văn Hồng). Trong căn hầm ngập đầy nước ở Bãi Sắn khu Xa – Xb, tôi được nghe anh Tự lúc đó là Tiểu đoàn trưởng D9 E31 kể về Cụ. Anh Tự trong KCCM là lính của E31 F711 đã từng sát cánh cùng Cụ Chơn trong những trận đánh ở mặt trận Quảng Đà, khi đánh phối thuộc cùng F2 cũng như sau này Cụ về làm sư trưởng 711.
Không biết những chuyện anh kể lại chính xác thế nào, nhưng ít nhiều cũng nói lên nhân cách, bản lĩnh của một người chỉ huy đối với cấp dưới thuộc quyền.

Trận đánh anh Tự kể là trận đánh Quế Sơn.
Công tác chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn chỉnh và các đơn vị đã xuất phát. Trong khi đang hành quân thì có điện của Bộ tổng tham  mưu là không nên đánh Quế Sơn vì không chắc thắng. Tướng Chu Huy Mân khi đó là tiền phương Quân khu đắn đo suy nghĩ và bàn với Cụ Chơn. Nguyễn Chơn đã trình bày với tiền phương Quân khu những ý kiến của mình và hạ quyết tâm sẽ đánh dứt điểm Quế Sơn. Rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và không còn cách nào khác, các Cụ nhà mình giấu kín điện của trên và vẫn cho đánh Quế Sơn. Trận này ta thắng lợi giòn giã.
Khi Tướng Mân ra Hà Nội họp thì Cục trưởng Cục tác chiến BTTM đến xin lỗi về chuyện này. Nguyễn Chơn là người chỉ huy dám đưa ra những quyết định tại chiến trường và hiển nhiên dám chịu mọi trách nhiệm.

Trận Nông Sơn năm 1974.
Trận này F2 có nhiệm vụ đánh tiêu diệt một tiểu đoàn địch (anh Tự là C phó và bị thương ở trận này). Gần đến giờ nổ súng thì địch có sự thay đổi quân. Như vậy lúc này căn cứ của địch có 2 tiểu đoàn. Cấp trên không chấp thuận cho nổ súng vì tình hình có thay đổi. Cụ lại phải thuyết phục cấp trên và đưa ra những cơ sở để quyết định nổ súng và hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nói chuyện với anh em đi trinh sát căn cứ địch Cụ bảo “Đến giờ nổ súng, nếu địch chưa thay quân kịp thì cũng đánh luôn, mai kia khỏi phải đi tìm nó mà đánh”.
Cụ kéo 2 khẩu pháo 75 hay 85 gì đó đặt cách căn cứ địch non cây số và khi nổ súng ta bắn thẳng. Trong đời lính của mình anh Tự chứng kiến cảnh pháo bắn thẳng và uy lực của nó.

Trong một tập thể, bản lĩnh và nhân cách của người chỉ huy có những ảnh hưởng rất lớn. Trong KCCM Khu 5 chỉ có 2 sư đoàn chủ lực là F2 và F3 Sao Vàng. Bản lĩnh trận mạc đã tạo cho F2 và sư đoàn Sao Vàng là cái nôi cung cấp những cán bộ có dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Trong nhiều trận đánh ở Biên giới Tây Nam cũng như sau này ở MT579, nhiều chỉ huy xuất thân từ hai đơn vị này đã vận dụng cách đánh truyền thống của mình thời chống Mỹ. Nhiều đơn vị từ F2 tách ra đã đóng vai trò trụ cột trong những đơn vị mới thành lập trong chiến tranh BGTN mà điển hình là E31 F309.

Những năm làm Nghĩa vụ Quốc tế ở chiến trường K. Sư đoàn 2 luôn có mặt ở những thời điểm và những trận đánh quyết định của MT579. Dấu chân của những người lính trung đoàn Ba Gia, F2 lặn lội khắp các vùng.
Tôi không phải là người lính F2 trong những năm tháng đó, nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng: Nhiều thời điểm MT579 không phải thiếu quân số cấp trung đoàn, nhưng điều chiến trường cần là sự từng trải đã được trui rèn đến mức thiện chiến.



Nguồn : Ở ĐÂY

TRUNG ĐOÀN BA GIA


Trong cuộc đời làm lính, chúng tôi luôn nghĩ về 2 người Sư đoàn trưởng tài hoa (mà 2 vị sư trưởng này có một sự gắn bó keo sơn cho đến ngày 27-3-1984), đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng cán bộ chiến sỹ của sư đoàn qua các tài liệu, lời kể của các thế hệ đàn anh đi trước, một trong 2 người ấy là sư trưởng Nguyễn Chơn. Chúng tôi xin mạn phép được kể về ông, về sư đoàn mang tên ông như những người đồng đội giữa 2 thế hệ, như những đứa cháu kể về bậc cha chú của mình.

Chúng tôi, những người lính sư đoàn bộ binh 2 quân khu 5 sinh ra trong lúc đất nước đang bị chia cắt, miền Bắc đang khắc phục hậu quả của chiến tranh để lại và xây dựng CNXH, ở miền Nam đang bị chế độ Ngô Đình Diêm đàn áp dã man bằng luật 10/59.
Là những người cuối cùng lên tàu Ba lan tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Nguyễn Chơn ra Bắc, ông theo học khóa 10 Trường Sĩ quan Lục quân do Lê Trọng Tấn làm hiệu trưởng. Ra trường, Nguyễn Chơn được điều về Sư đoàn 305, một đơn vị gồm những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra bắc.
Ngày 17 tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố không có tổng tuyển cử vào ngày 20 tháng 7 năm 1956!

Đầu năm 1959, Nguyễn Chơn chấp hành mệnh lệnh của cấp trên để trở lại miền Nam với lời dặn văng vẳng bên tai trước lúc lên tàu tập kết của đồng chí Nguyễn Chánh - Bí thư Khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 ở Tam Quan: "Nếu kẻ thù không để cho chúng ta trở về dưới ngọn cờ hòa bình, thì chúng ta sẽ trở về bằng ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng".


Trở về Nam, ông cùng đồng đội và các cán bộ chủ chốt xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang của Quảng nam. Sau khi trung đoàn 1 được tách ra trực thuộc khu 5 thì ông được điều về làm cán bộ tác chiến của trung đoàn 1 (D40 + D60 + D90), rồi làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 90.



Để đập tan ý đồ của đế quốc Mỹ và tay sai, trung đoàn 1 cơ động vào Quảng Ngãi, tại Ba Gia (xã Tịnh Bắc huyện Sơn Tịnh - cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 20km về phía Tây Bắc) Đêm 28 rạng ngày 29/5/1965 đến ngày 31/05/1965 đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn tinh nhuệ của nguỵ, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn miền Tây Sơn Tịnh và góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế Quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Tiểu đoàn trưởng D90 - QK5 Nguyễn Chơn đã đánh trận Ba Gia nổi tiếng này và từ đó Trung đoàn 1 được mang tên Trung đoàn Ba Gia.

Nguồn :Ở ĐAY

Đánh quỵ sư đoàn 1 ngụy

Sau khi triển khai chiếm lĩnh xong khu vực tập kết, ngày 8-2, được sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ, 7 trung đoàn bộ binh, dù và thiết giáp ngụy hình thành 3 cánh quân vượt biên giới Việt-Lào.
Cánh quân chủ yếu tiến theo Đường 9 lên Bản Đông. Hai cánh quân khác đổ bộ bằng máy bay lên thẳng chiếm một loạt các điểm cao ở Nam Bắc Đường 9, lập các căn cứ, hỏa lực bảo vệ sườn cho cánh quân chủ yếu. Trên khu vực phía Bắc Đường 9, tuy bị lực lượng tại chỗ, nhất là phòng không của ta đánh trả quyết liệt nhưng lữ đoàn 3 dù và liên đoàn biệt động 2 địch cũng đổ được quân xuống các điểm cao 500, 316, 655, 543, 456 lập các căn cứ hỏa lực. Trên khu vực phía Nam, sư đoàn 1 bộ binh địch (thiếu) chiếm khu vực Cô Bốc và các điểm cao 619, 537, 550, 532, 540. Quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở Tây Đường 9, đưa 2 binh đoàn (GM 30 và GM 339 gồm 9 tiểu đoàn) đánh ra khu vực Mường Pha Lan.

Ngay từ khi địch tiến công, Đoàn 559 đã tổ chức các chốt ngăn chặn ở Cô Bốc, Cô Rốc, các điểm cao 660, 723; Trung đoàn 24 tổ chức chốt ở điểm cao 351, cầu Cha Ky; Sư đoàn 308 tổ chức chốt ở điểm cao 311; lực lượng của B5 và đặc công hải quân đánh chìm 9 tàu chở vũ khí của địch ở Xuân Khánh, Vinh Quang, phục kích địch ở Bông Kho, Đầu Màu, tập kích địch ở Kế Sóc, Ba Lào… Tiếp đó, trên hướng chủ yếu Binh đoàn 70 đã phản công đánh tan cánh quân chủ yếu của địch ở phía Bắc Đường 9. Đặc biệt, từ ngày 19 đến 25-2, Trung đoàn bộ binh 64 cùng Trung đoàn pháo 45 và một đại đội xe tăng đã thực hiện thành công trận then chốt tiêu diệt căn cứ 31 của địch ở điểm cao 543, xóa sổ lữ đoàn 3 dù, bắt sống Đại tá Thọ và ban tham mưu lữ đoàn.
Bị chặn đánh cả ở phía trước, phía sau và 2 bên sườn, nhất là cánh quân phía Bắc Đường 9 bị tiêu diệt, địch đưa thê đội 2 vào chiến đấu, chuyển cánh quân phía Nam Đường 9 thành cánh quân chủ yếu tiến lên Sê Pôn. Ngày 4-3, sư đoàn 1 ngụy đổ quân xuống chiếm các cao điểm 660, 723, 748 làm bàn đạp chiếm Sê Pôn. Trong đó, Trung đoàn 1 ở điểm cao 723, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 ở các điểm cao 660, 462 và 651. 

Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy mặt trận Đường9 - Nam Lào                         xem xét phương án tác chiến. -      Ảnh tư liệu.

Quyết tâm bẻ gãy cánh quân phía Nam, tiêu diệt sư đoàn 1 địch, không cho chúng tiến lên Sê Pôn, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) được tăng cường 1 tiểu đoàn (Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), Trung đoàn pháo binh 368 thực hiện trận then chốt tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy ở điểm cao 723, tiếp theo là trung đoàn 2 ở các điểm cao 660, 462.
Điểm cao 723 nằm trong dãy Phu Rệp, phía Nam Đường 9 và sông Sê Pôn, cách Lao Bảo khoảng 15km về phía Tây. Điểm cao nằm trên trục đường vận tải chiến lược 559, gần dốc Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng mà các đơn vị hành quân bộ vào Nam đều phải đi qua. 723 là một điểm cao đột xuất, có thể khống chế từ Sê Pôn xuôi về phía Đông đến ngã t­ư Bản Đông.
Kế hoạch ban đầu đánh 723 là dùng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của cả sư đoàn được hỏa lực của chiến dịch chi viện tiến công địch. Sau khi đi trinh sát, nghiên cứu lại, tôi thấy đánh theo phương án này có nhiều bất lợi. Địch ở trên cao, lại có hệ thống công sự, trận địa khá kiên cố nên ta tiến công sẽ rất khó khăn và tốn nhiều vật chất, lực lượng. Mặt khác, qua tin trinh sát tôi thấy địch đang muốn tiến về Sê Pôn, nên đề xuất phương án mới: Đánh ép mặt trước, buộc địch phải rời công sự, kéo về Sê Pôn; ta sẽ dùng 6 tiểu đoàn thực hiện bao vây, đón lõng dọc đường địch hành quân để đánh địch ngoài công sự, tiêu diệt toàn bộ trung đoàn địch. Phương án mới được Đảng ủy Sư đoàn và Bộ tư­ lệnh chiến dịch chấp nhận.
Thực hiện theo phương án trên, Sư đoàn 2 sử dụng Tiểu đoàn 10 đặc công và Tiểu đoàn 15 công binh đón lõng ở phía Đông Bắc điểm cao 723. Trung đoàn 141 vây lấn từ phía Nam lên. Trung đoàn Ba Gia (được tăng cường Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48) vây lấn từ phía Tây và Tây Nam. Hai trung đoàn này sẵn sàng cơ động lực lượng tiêu diệt địch trong khu vực dự kiến ở thung lũng phía Đông Bắc điểm cao 723.
Đêm 8-3-1971, các lực lượng bao vây, đón lõng bắt đầu triển khai chiếm lĩnh trận địa. Sau khi hình thành thế bao vây, Sư đoàn tăng sức ép cả bằng hỏa lực và xung lực đối với trung đoàn 1 ngụy, đồng thời khống chế chặt chẽ đường không, cắt tiếp tế của địch cho 723. Trong các ngày 13, 14, 15 tháng 3, các loại hỏa lực của ta từ cối 82mm, ĐKZ 75, pháo Đ74, cối 160... liên tục bắn vào 723. Pháo phòng không của Sư đoàn và chiến dịch cắt đứt đường không, không một máy bay trực thăng nào của địch tới được 723. Ngày 15-3, phát hiện địch có triệu chứng rút quân. Ngay trong đêm 15, tôi triệu tập Thư­ờng vụ Đảng ủy hạ quyết tâm diệt trung đoàn 1 ngụy, đồng thời lệnh cho Tiểu đoàn 15 công binh nới vây để địch rút về Sê Pôn, đôn đốc các đơn vị bao vây đón lõng nắm chắc địch, không được bỏ lỡ thời cơ diệt địch.
Vòng vây nới lỏng, sáng 16-3 địch bắt đầu rút khỏi 723 theo hướng Tây-Bắc lên Sê Pôn. Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 141 được lệnh lên chiếm lĩnh 723 để đánh vào phía sau địch. Pháo binh được lệnh bắn chặn các ngả đường buộc địch phải dồn vào khu vực ta có lực lượng đón sẵn. Theo kế hoạch, đợt bắn phá này pháo chiến dịch chỉ bắn 500 quả. Song trước thời cơ diệt gọn cả trung đoàn địch, Sư đoàn đã đề nghị bắn 1000 quả và được chấp nhận nên mật độ pháo khá lớn, quân địch buộc phải đi vào các khu vực sư đoàn đã dự kiến. Khi pháo ngừng bắn, các tiểu đoàn bộ binh được lệnh đồng loạt bám sát địch, thực hành tiến công, chia cắt để tiêu diệt từng cụm địch.
Quân địch thoát ly công sự, lại bị ta tiến công từ cả bên sườn phía sau nên hoang mang ngay từ đầu. Máy bay địch liều mạng vượt qua l­ưới lửa phòng không của ta đến ném bom chi viện cho bộ binh. Bom na-pan, bom phá, bom sát thương nổ dữ dội. Cả khu rừng khói bụi, lửa cháy mù mịt, song bộ đội vẫn dũng cảm bao vây, chia cắt tiêu diệt từng cụm quân địch. Đến 11 giờ ngày 16-3, vòng vây của ta đã xiết chặt và tiểu đoàn 1 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn, các tiểu đoàn khác của trung đoàn 1 ngụy ở vào tình trạng hoang mang dao động, tinh thần rệu rã.
Để vừa tiêu diệt được toàn bộ trung đoàn 1, vừa không để trung đoàn 2 ngụy đang ở cao điểm 660 có cơ hội chạy thoát, Thường vụ Sư đoàn đã táo bạo quyết định đưa một phần lực lượng sang vây ép 660, lực lượng còn lại nhanh chóng tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy rồi chuyển sang cùng các đơn vị vây ép, tiêu diệt địch ở cao điểm 660.
Các đơn vị đã nghiêm chỉnh thực hiện quyết định mới của Sư đoàn. Trung đoàn 141, Tiểu đoàn 40 của Trung đoàn Ba Gia cùng các tiểu đoàn đặc công, công binh xốc lại lực lượng, áp sát đội hình địch, tiến công mãnh liệt vào các cụm quân địch còn lại dư­ới chân 723. Cùng lúc, Trung đoàn Ba Gia (thiếu Tiểu đoàn 40) cùng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và một bộ phận hỏa lực nhanh chóng vận động sang vây ép trung đoàn 2 ngụy ở điểm cao 660.
14 giờ ngày 16-3, trận chiến đấu ở khu vực 723 tiếp tục. Bộ đội ta từ các hướng xung phong mãnh liệt tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy. Từ phía Tây, Trung đoàn 141 đánh xuống. Từ hướng Đông Bắc, Tiểu đoàn 40 Trung đoàn Ba Gia đánh vào. Từ hướng Đông – Nam, Tiểu đoàn Đặc công và Tiểu đoàn 15 công binh đánh thốc lên. Trước sức tiến công liên tục của bộ đội ta, trung đoàn 1 ngụy dần tan rã hoàn toàn và bị tiêu diệt. 10 giờ 30 phút ngày 17-3, sở chỉ huy trung đoàn 1 bị tiêu diệt, đại tá trung đoàn trưởng đã bị bắn chết từ trước đó, trận đánh ở khu vực 723 kết thúc. Ta diệt và bắt sống 1.700 tên, bắn rơi nhiều máy bay, thu hàng trăm vũ khí và nhiều phương tiện, quân trang, quân dụng.
723 bị diệt làm binh lính trung đoàn 2 ngụy ở 660 hết sức hoang mang. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt bọn cầm đầu cuộc hành quân của Mỹ ngụy cho trung đoàn 2 tháo chạy. Song quyết định tháo chạy của địch đã quá muộn. Trung đoàn Ba Gia đã cố gắng vượt bậc, vượt qua bom đạn và sự mệt nhọc, chạy thi với thời gian, đến được 660 và xiết chặt vòng vây trước khi quân địch nhận được lệnh tháo chạy. Cả trung đoàn địch cố tìm đường chạy nhưng đến đâu cũng gặp các chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia chặn đánh. Đêm 20-3, sau khi hội ý với Chính ủy Nguyễn Tá, Trung đoàn trưởng Trần Quang Lập quyết định đưa Tiểu đoàn 40 vừa mới từ 723 về, phối hợp với Đại đội 7, Tiểu đoàn 60 hình thành hai mũi tiến công vào cụm quân địch. 3 giờ 30 phút ngày 21-3, trận tiến công dứt điểm trung đoàn 2 ngụy bắt đầu. Sau một loạt pháo chuẩn bị, bộ đội ta đồng loạt xung phong. Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Lũy cùng tiểu đội đánh thốc ngang đội hình địch, diệt và bắt 50 tên. Mũi tiến khác, có sự tham gia của Nguyễn Khắc Hoàng, trận đầu ở 723 đã diệt 16 tên, trận này lại cùng đồng đội đánh thẳng vào sở chỉ huy tiểu đoàn địch, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Nguyễn Xuân Huy. Ngày 21-3, sau hơn ba ngày chiến đấu liên tục Trung đoàn Ba Gia gần như­ xóa sổ trung đoàn 2 ngụy, diệt và bắt sống gần 1.300 tên, thu 4 khẩu pháo 105mm, 54 máy PRC 25, bắn rơi 36 máy bay.
Ngày 23-3-1971, sau khi giải phóng bản Đông, chiến dịch phản công Đư­ờng 9 - Nam Lào kết thúc. Trong chiến dịch, Sư đoàn 2 đã đánh thắng hai trận lớn, tiêu diệt trung đoàn 1 và đánh thiệt hại nặng trung đoàn 2, như vậy, đã đánh quỵ sư đoàn 1 ngụy. Chiến công của Sư đoàn đánh dấu một bước tiến bộ mới rất quan trọng của Sư đoàn và góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi rất to lớn của chiến dịch lịch sử Đường 9 - Nam Lào mùa Xuân năm 1971.

Đại tá Phạm Hữu Thắng (Ghi theo lời kể của Thượng tướng NGUYỄN CHƠN

Nguồn : Báo QĐND

Chuẩn bị cho trận đánh lớn

Ngay từ giữa năm 1970, phán đoán địch sẽ mở các cuộc hành quân lớn ra vùng Trung Lào, Hạ Lào, Ngã ba biên giới và Đông Bắc Cam-pu-chia, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các chiến trường điều chỉnh lực lượng, xây dựng kế hoạch tác chiến, chuẩn bị vật chất, thiết bị chiến trường, phối hợp với bạn Lào sẵn sàng đánh địch.
Đang chiến đấu trên chiến trường Khu 5, ngày 10-6-1970, Sư đoàn 2 nhận lệnh hành quân ra bắc Đường 9 nhận nhiệm vụ mới. Một nhiệm vụ thật đột ngột khó tin. Sư đoàn 2 là đơn vị chủ lực của Quân khu 5, sao lại hành quân ra tận bắc Đường 9. Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho rằng: Cơ yếu dịch điện nhầm nên điện hỏi lại Quân khu. Từ đầu dây bên kia, Tư lệnh Quân khu trả lời dứt khoát: “Đó là mệnh lệnh, hãy nghiêm chỉnh chấp hành. Không hỏi lại!”.
Cuối tháng 6-1970, sư đoàn bắt đầu hành quân. Trung đoàn 141 được điều về đội hình của sư đoàn, thay cho Trung đoàn 21 tiếp tục đứng chân chiến đấu ở Quảng Ngãi. Đến Binh trạm 61, sư đoàn được lệnh bàn giao lại toàn bộ vũ khí nặng và đạn dược, sau đó theo Đường 559 Tây Trường Sơn hành quân ra phía Bắc. Sau hơn một tháng hành quân, đến giữa tháng 8, toàn bộ sư đoàn đã tập kết ở vùng rừng núi bắc Đường 9, thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Hội nghị bàn và quyết định phương án tác chiến
 trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Ảnh tư liệu.
Tháng 9, sư đoàn được bổ sung quân số. Lớp chiến sĩ mới đợt này có trình độ văn hóa cao, phần lớn tốt nghiệp phổ thông cấp 3, có nhiều đồng chí là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Các tiểu đoàn đã đủ quân (hơn 500 quân), trung đoàn có hơn 2000 quân. Vũ khí, trang bị được trang bị mới, đầy đủ và khá hiện đại.

Thời gian này trên cương vị sư đoàn phó, tôi cùng một số cán bộ sư đoàn ra Bắc dự lớp tập huấn cán bộ quân khu, binh chủng, sư đoàn trong toàn quân do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức. Ngày 24-8-1970, lớp tập huấn khai mạc. Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn, xác định: Đợt tập huấn này phải xác định tư tưởng đánh tập trung, hợp đồng binh chủng; phải đánh lớn, thắng to, đánh tiêu diệt trung đoàn, chiến đoàn, sư đoàn địch…
Trong những ngày tôi đi tập huấn ở miền Bắc, Sư đoàn trưởng Hoàng Anh Tuấn cùng một số cán bộ từ đại đội trưởng trở lên đi trinh sát thực địa dọc tuyến Đường 9, từ Bản Đông đến Sê Pôn, Tha Mê… để nghiên cứu địa hình trên thực địa và lập phương án đánh địch theo kế hoạch của cấp trên. Đoàn cán bộ đối chiếu với bản đồ hầu hết các điểm cao, đồi trọc, khe suối trong khu vực; chọn khu vực đặt trận địa hỏa lực và đo đạc phần tử xạ kích cho các trận địa.
Cũng thời gian này, sư đoàn sôi nổi bước vào đợt huấn luyện quân sự, chính trị tương đối chính quy. Bộ Tổng tham mưu trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ đạo. Trường Sĩ quan Lục quân cử một đoàn cán bộ giúp sư đoàn tổ chức và thực hành huấn luyện. Một số đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng cũng được lệnh của Bộ đến phối hợp tập luyện với sư đoàn. Đây là lần đầu tiên sư đoàn được huấn luyện chiến thuật, chiến dịch có hiệp đồng binh chủng, với vũ khí trang bị hiện đại. Một số cán bộ tiểu đoàn có tư tưởng cho rằng, ra Bắc là để nghỉ ngơi nên tổ chức huấn luyện còn đơn giản. Song cán bộ sư đoàn đã sớm kiểm tra, phát hiện và kiên quyết yêu cầu các đơn vị phải xây dựng bãi tập đúng yêu cầu, bảo đảm huấn luyện có chất lượng.
Trinh sát nghiên cứu địa hình và huấn luyện đơn vị là việc làm thường xuyên của bất kỳ người chỉ huy nào trong chiến trận, song đối với Sư đoàn 2 đợt này thực sự là đợt có ý nghĩa trước khi bước vào trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào.
Tháng 12-1970, đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Sư đoàn trưởng được điều động về làm Tham mưu trưởng Quân khu 5, tôi được trên đề bạt làm Sư đoàn trưởng. Trung đoàn 31 hành quân trở lại chiến trường Tây Nguyên. Ngày 21-1-1971, khi mà địch chưa mở cuộc hành quân thì Sư đoàn 2 nhận được lệnh của Bộ: “Triển khai đội hình chiến đấu, sẵn sàng đánh địch đổ bộ trong khu vực từ Bản Đông đến Sê Pôn. Nhiệm vụ của sư đoàn là diệt nhiều sinh lực địch, bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ vững chắc đường vận chuyển chiến lược…”.
Như vậy, trước khi tham gia trận đánh lớn, Sư đoàn 2 đã có sự chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt như: Được bổ sung quân số, trang bị; được huấn luyện về tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng; được nghiên cứu địa hình từ trước khi địch đến và hoàn toàn chủ động đón đánh cuộc tiến công của địch ở địa hình có lợi.
Qua việc Bộ chuẩn bị cho Sư đoàn 2 và sau này nghiên cứu, tôi càng thấy sự chủ động, tầm nhìn xa của Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh trong việc chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9- Nam Lào cũng như cho việc tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng lớn của quân đội ta.
Đầu năm 1970, Bộ tổng Tham mưu dự kiến địch sẽ tiến công chia cắt chiến lược trên 3 hướng: Một là Đường 9-Nam Lào, cắt đoạn Bản Đông-Sê Pôn; hai là, phản công ra vùng Ngã ba biên giới và Hạ Lào; ba là, phản công sang Cam-pu-chia. Trong đó, Đường 9-Bản Đông-Sê Pôn là hướng chủ yếu, địch hy vọng cắt ta từ “cuống họng”, chặn nguồn chi viện tiếp tế từ “đầu nguồn”. Từ nhận định trên, trên hướng Đường 9-Nam Lào, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: Đây là địa bàn gần miền Bắc, có nhiều kho dự trữ chiến lược, ta có điều kiện phát huy sức mạnh của các đơn vị chủ lực, tập dượt chiến đấu hiệp đồng binh chủng và giao cho Bộ tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy, điều hành chiến dịch phản công với lực lượng binh chủng hợp thành nhằm giành thắng lợi lớn, đánh bại bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Do vậy, từ tháng 3-1970, Cục Tác chiến đã bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch chiến dịch, chủ yếu là nhận định tình hình, dự kiến sử dụng lực lượng trên các hướng, chuẩn bị hậu cần-kỹ thuật. Tháng 10, hoàn thành tổ chức binh đoàn chiến dịch B70, gồm các sư đoàn: 308, 304, 320 và một số đơn vị binh chủng (đây là lần đầu tiên ta hình thành tổ chức binh đoàn chiến dịch, tương đương quân đoàn). Tiếp đó, Bộ đã cử đoàn cán bộ có các đồng chí: Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh, Cục phó Cục Tác chiến vào Bộ Tư lệnh 559 và một số đơn vị phía Nam để phổ biến ý định của Quân ủy Trung ương và công việc chuẩn bị chiến trường trên Đường 559, đồng thời trực tiếp thu thập các ý kiến từ chiến trường.
Tháng 11-1970, kế hoạch chiến dịch được Quân ủy Trung ương thông qua lần đầu, sau đó bổ sung và thông qua chính thức vào tháng 12-1970. Tiếp đó, Quân ủy quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn làm tư lệnh, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm Chính ủy, đồng chí Cao Văn Khánh làm Phó tư lệnh chiến dịch, chỉ huy Binh đoàn 70.
Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Đây là chiến dịch có ý nghĩa quyết định về chiến lược và do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp tổ chức và chỉ huy đầu tiên ở phía Nam nên nhất định phải đánh thắng; phải nhân cơ hội này mà rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành lên một bước mới trong tác chiến tập trung đánh lớn, hiệp đồng binh chủng.
Về tổ chức lực lượng, Bộ Tổng Tham mưu xác định: Lực lượng ngăn chặn, tạo thế gồm Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 và các đơn vị tại chỗ của Đoàn 559; Cụm lực lượng trên hướng chủ yếu phía bắc gồm Binh đoàn 70 (thiếu) và phần lớn xe tăng, pháo binh chiến dịch; Cụm lực lượng trên hướng thứ yếu phía nam gồm: Sư đoàn 324 (thiếu), Sư đoàn 2 và một bộ phận pháo binh, xe tăng, phòng không chiến dịch; Lực lượng đánh địch ở phía sau gồm lực lượng tại chỗ của B5, một số tiểu đoàn đặc công Bộ, Trung đoàn pháo binh 84 và Trung đoàn 2 Sư đoàn 324; Lực lượng đánh địch trên hướng phối hợp ở phía tây có Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 và lực lượng tại chỗ. Cho đến trước ngày địch mở cuộc hành quân lớn, mọi công tác chuẩn bị của ta từ cấp chiến lược đến các đơn vị đã cơ bản hoàn thành.
Trước giờ nổ súng chiến dịch, tôi nhận được điện trực tiếp của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn hỏi về tình hình đạn dược, lương thực, thông tin đã bảo đảm chưa? Tôi vui mừng báo cáo: Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cho sư đoàn đầy đủ. Nhất định chúng tôi sẽ đánh thắng! Bên kia đầu dây, giọng đồng chí Tư lệnh trầm ấm động viên: Phải kiên quyết chặn đứng, bao vây, tiêu diệt không cho địch có đường về! Chúc Sư đoàn 2 giành thắng lợi.
Ngày 31-1-1971, Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn bắt đầu cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra Đường 9-Nam Lào. Chúng đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm hơn 40.000 quân nguỵ Sài Gòn, hơn 6000 quân Mỹ, với một lực lượng không quân, xe tăng, thiết giáp, pháo binh yểm trợ(*), hùng hổ đổ quân đánh chiếm các điểm cao dọc theo Đường 9, hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ Đư­ờng số 9 đoạn Bản Đông-Sê Pôn lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào và bịt được ”con đường sống” của ta vào chiến trường miền Nam.
Tuy nhiên, địch không ngờ rằng chúng đang lọt vào thế trận đã giăng sẵn của ta. Các lực lượng tham gia chiến dịch được chuẩn bị kỹ càng đang chủ động chờ chúng “chui đầu vào rọ” để tổ chức những trận đánh lớn, mang tính quyết định.

(*Lực l­ượng địch trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất là 55.000 quân, gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp, 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 pháo, 700 máy bay các loại. Ngoài ra còn có hai binh đoàn quân nguỵ Lào.

Nguồn : ST
Đại tá Phạm Hữu Thắng (Ghi theo lời kể của Thượng tướng Nguyễn Chơn).


ĐÁNH THẮNG NGAY TRẬN ĐẦU

Chiến trường Khu V, trong kháng chiến chống Mỹ gồm 6 tỉnh đồng bằng ven biển Miền Trung: Quảng Đà, Quảng Nam (nay là tỉnh Quảng Nam & TP Đà Nẵng), Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và 3 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc (nay là Đăk Lăk và Đăk Nông).

Phần lớn đất đai Khu V là rừng núi hiểm trở. Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng, giữ vị trí chiến lược trọng yếu ở chiến trường Miền Trung Đông Dương. Đồng bằng ven biển là kho nhân lực, tài lực, nơi có khả năng khai thác lực lượng tại chỗ cho kháng chiến lâu dài. Các cảng Đà Nẵng, Cam Ranh, Quy Nhơn là những quân cảng lớn, tàu biển trọng tài 1 vạn tấn có thể ra vào dễ dàng. Ở khoảng giữa của Tổ quốc, trước mặt là Biển Đông, phía sau có dải Trường Sơn, và Tây Nguyên hùng vĩ. Khu V là chiến trường có vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc, là căn cứ địa vững chắc và lâu dài của cách mạng, là chỗ dựa và bàn đạp để toả ra các hướng chiến lược khác ở phía Nam Đông Dương.
Do có vị trí chiến lược xung yếu như vậy cho nên ngay từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ - nguỵ đã chọn Khu V là một trong những địa bàn tập trung đánh phá, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.
Sau hơn 6 năm kiên trì và anh dũng đấu tranh, nhân dân Khu V đã cùng với nhân dân miền Nam đánh bại chính sách thống trị độc tài, phát xít thông qua biện pháp chiến lược “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm.
Nhằm cứu vãn bọn tay sai khỏi nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, đầu năm 1961, đế quốc Mỹ lại chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với quốc sách “Ấp chiến lược” và “Kế hoạch Stalây- Tay lo” để bình định Miền Nam trong vòng 18 tháng
Cuộc đọ sức giữa địch và ta từ đầu năm 1961 đến cuối năm 1963 diễn ra giằng co, vô cùng quyết liệt. Địch “bình định”, gom dân, lập “Ấp chiến lược”. Ta chống “bình định”, giành dân, giữ dân, mở rộng vùng làm chủ. Địch càn quét, ta chống càn quét. Cuộc chiến đấy anh dũng, bất khuất của nhân dân Miền nam đã đầy cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ vào con đường hầm không có lối thoát. 
Kế hoạch Stalây - Tay lo, tuy đã kéo dài thêm một năm nhưng vẫn không thực hiện được. Đế quốc Mỹ buộc phải phế bỏ anh em Diệm - Nhu để cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Việc thay ngựa giữa dòng đã không xoay chuyển được tình thế mà còn làm cho các kế hoạch chiến tranh của Mỹ thêm khó khăn. Cao trào đấu tranh vũ trang và chính trị của nhân dân Miền Nam ngày càng phát triển.
Đến cuối năm 1964, quân và dân Khu V đã phá tan 1248 ấp chiến lược ở đồng bằng và 292 ấp chiến lược ở miền núi. Số dân làm chủ và tranh chấp lên đến 1,897 triệu người. Căn cứ là vùng rừng núi nối liền từ Trị - Thiên đến Đắc Lắc. Vùng giải phóng ở đồng bằng xã liền xã, huyện liền huyện, hình thành trong thế bao vây, uy hiếp các thị xã, thị trấn, căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ - nguỵ. Đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân nông thôn và đô thị lên mạnh.

Tiếp đến Xuân - Hè 1965, các đơn vị chủ lực và địa phương trong khu đã đánh một loạt trận xuất sắc: tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh và một chi đoàn xe bọc thép M113 của sư đòan 22 nguỵ ở Đèo Nhông (Phù Mỹ - Bình Định); tập kích tiêu diệt 300 quân Mỹ, phá huỷ 42 máy bay ở căn cứ Hô-lu-uây và sân bay Cù Hanh (Gia Lai); tiêu diệt gọn một chiến đoàn quân nguỵ ở Ba Gia (Quảng Ngãi); tấn công sân bay Đà Nẵng (Quảng Đà) và sân bay Nha Trang (Khánh Hoà) phá huỷ gần 80 máy bay, diệt hàng trăm tên giặc lái Mỹ. Quân Nguỵ buốc phải rút bỏ các quận lỵ, thị trấn: Tam Quan, Vân Canh (Bình Định), Thuận Mẫn (Đắc Lắc). Đường số 1 từ Tài Lương đi Bình Đê (Hoài Nhơn - Bình Định), nơi tiếp giáp giữa Quân khu 1 và Quân khu 2 của địch bị cắt đứt. Cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng sôi động. 10 vạn nhân dân Quảng Ngãi kéo vào thị xã đòi quân Mỹ rút về nước, đòi xác chồng con bị chết trận.


Chiến lược chiến tranh đặc biệt bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Quân chiến đấu Mỹ ào ạt đổ vào Miền Nam, chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 -1965), Mỹ đã đưa vào chiến trường khu 5 hai sư đoàn lính thuỷ đánh bộ số 1 và số 3; sư đoàn kỵ binh không vận số 1, lữ đoàn 1 sư đoàn dù 101. Tháng 10, chúng đưa vào thêm sư đoàn Mãnh Hổ và lữ đoàn 1 sư đoàn Rồng Xanh lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Tổng quân số của địch trên chiến trường khu 5, từ 156.000 tên cuối năm 1964 tăng vọt lên 257.000 tên vào cuối năm 1965 (104.000 quân Mỹ). Cùng với quân lính, một khối lượng vũ khí, trang bị khổng lồ gồm 1200 máy bay, 600 đại bác, 855 xe tăng, xe bọc thép và nhiều phương tiện chiến tranh khác được Mỹ cho đổ bộ ồ ạt lên bờ biển Khu V.
Quy mô và cường độ chiến tranh đã khác trước. Cuộc chiến đấu của quân, dân miền Nam, quân và dân Khu V bước sang giai đoạn mới.
Nắm vững quy luật và nhạy bén trong chỉ đạo chiến tranh, lại được sự chi viện tích cực của hậu phương lớn, chỉ từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1965, Khu V đã tăng nhanh các đơn vị chủ lực từ 2 trung đoàn lên 6 trung đoàn (1). Bước phát triển nhảy vọt về lượng tạo ra sự nhảy vọt về chất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo ra hàng loạt chiến thắng vang dội trong mùa Xuân và mùa Hè năm 1965, góp phần đẩy nhanh tốc độ sụp đổ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt “ của đế quốc Mỹ.
Trong tình hình mới, trước đối tượng tác chiến mới, quy mô tác chiến tập trung cao hơn, yêu cầu đánh tiêu diệt địch lớn hơn, do đó nhất thiết phải có những đơn vị tập trung lớn hơn mới đáp ứng kịp yêu cầu của chiến tranh trong bước ngoặt mới.
Lúc này, vùng giải phóng đã bao gồm tuyệt đại bộ phận vùng rừng núi và phần lớn nông thôn đồng bằng. Phần lớn khối nhân lực và tài lực của vùng đồng bằng ven biển đã nằm ở trong tay ta. Đường hành lang chiến lược Bắc – Nam ngày càng mở rộng. Mức độ chi viện của hậu phương lớn cho chiến trường ngày một tăng nhanh. Yêu cầu khách quan và điều kiện chủ quan đã đủ.
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Thường vụ Đảng uỷ Quân Khu V họp và ra quyết định thành lập các sư đoàn chủ lực.

Sư đoàn 2, với các trung đoàn bộ binh 1; 21; tiểu đoàn bộ binh 70, tác chiến trên địa bàn trọng điểm của quân khu từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam.
Sư đoàn 3, với 3 trung đoàn 2, 12, 22, địa bàn tác chiến chủ yếu từ Quảng Ngãi đến bắc đường 19.
Trung đoàn 10 ở Phú Yên.
Cùng lúc này Tây nguyên thành lập sư đoàn 1 gồm các trung đoàn 320, 33, 66.
Khối chủ lực mạnh, cơ động trên các hướng kết hợp với phong trào đấu tranh du kích phát triển rộng rãi, đều khắp ở cả 3 vùng chiến lược, kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, tạo nên thế trận bao vây tiến công địch mọi chỗ, mọi nơi.

Có mặt trong đội hình chiến đấu của sư đoàn trong ngày đầu thành lập là các trung đoàn 1, trung đoàn 21, tiểu đoàn 70 bộ binh, tiểu đoàn pháo cối 12, tiểu đoàn súng máy phòng không 14, và các đơn vị bảo đảm.

*Trung đoàn 1 là đơn vị mang truyền thống trung đoàn 108 của Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn đã có mặt tại chiến trường ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương diệt kẹp, phá ấp, giành dân, mở phong trào trong những năm 1960-1961.

Tháng 11 năm 1963 (20-11-1963), theo quyết định cuả Quân Khu V, trung đoàn bộ binh 1 - một trong hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường được thành lập. Lúc này trung đoàn còn kiêm nhiệm vụ của tỉnh đội Quảng Nam. Các đồng chí Quách Tử Hấp, Trung đoàn trưởng kiêm Tỉnh đội trưởng, Dương Loan (Liên) Chính uỷ kiêm Chính trị viên tỉnh đội.
Cuối năm 1963, thực hiện chủ trương xây dựng và đẩy mạnh tác chiến tập trung, trung đoàn tách khỏi nhiệm vụ địa phương để chăm lo xây dựng thành một đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu. Biên chế trung đoàn lúc này có các tiểu đoàn bộ tinh 40, 60, 90, tiểu đoàn trợ chiến 400.
Đồng chí Phạm Huy Minh về làm Trung đoàn trưởng thay đồng chí Quách Tử Hấp, đồng chí Nguyễn Đình Trọng (Huyền) làm chính uỷ thay đồng chí Dương Loan.
Vừa tập trung lại, trung đoàn đã liên tiếp lập công xuất sắc. Trong hoạt động mùa thu năm 1964, trung đoàn đã đánh trận Kỳ Sanh - trận thắng có ý nghĩa lớn, mở đầu đánh bại chiến thuật thiết xa vận của địch trên chiến trường đồng bằng Khu V. Mùa xuân 1965, trung đoàn tiêu diệt cứ điểm Việt An, phá vỡ phòng tuyến sông Khang của địch ở tây Quảng Nam. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu cao tinh thần “nắm thắt lưng địch mà đánh”, liên tiếp đánh bại 5 cuộc hành quân giải toả dọc theo đường 16 của địch.
Mùa hè năm 1965, được tăng cường tiểu đoàn 45, trung đoàn phối hợp cùng lực lượng địa phương và nhân dân Quảng Ngãi mở chiến dịch ở tây Sơn Tịnh. 
+ Trong trận đầu, tiểu đoàn 90 của trung đoàn tiêu diệt gọn tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 nguỵ. 
+ Trận thứ 2, trung đoàn tập trung 3 tiểu đoàn, diệt gọn một chiến đoàn nguỵ gồm tiểu đoàn 39 biệt động quân, tiểu đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ, tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 nguỵ. 
+ Trận thứ 3, đánh công sự vững chắc, diệt gọn cứ điểm Gò Cao do một tiểu đoàn quân nguỵ đóng giữ. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu ba kỷ lục: tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn địch, trung đoàn ta diệt chiến đoàn địch, trung đoàn ta diệt tiểu đoàn địch trong cứ điểm có công sự vững chắc. Trung đoàn còn hỗ trợ cho địa phương tiến công và nổi dậy diệt địch giải phóng 27 xã với 20 vạn dân. Đây là chiến dịch tấn công tổng hợp đầu tiên tương đối hoàn chỉnh ở chiến trường Khu V. Với chiến thắng này trung đoàn được mang danh hiệu Trung Đoàn Ba Gia.
Quân Mỹ vào, trong điều kiên ta 1 địch 8, trung đoàn đã đánh bại hoàn toàn cuộc ra quân đầu tiên của 8 nghìn lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Vạn Tường (18-8-1965). Đây là trận đánh Mỹ và thắng Mỹ đầu tiên của các đơn vị bộ đội chủ lực ta ở chiến trường Miền Nam.
Từ bám dân, bám đất, đánh du kích hỗ trợ phong trào địa phương, trưởng thành lên, trở thành một đơn vị chủ lực mạnh, trung đoàn là đơn vị nòng cốt của sư đoàn. 
* Trung đoàn 21, thành lập tháng 4 năm 1965 tại tỉnh Hà Bắc. Phần lớn cac chiến sĩ của trung đoàn là con em của nhân dân 2 tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) và Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng yên). Một số từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển ngành về điạ phương công tác, nay trở lại đội ngũ theo tiếng gọi chống Mỹ, cứu nước của Đảng. Cán bộ từ đại đội đến trung đoàn là những sĩ quan được đào tạo cơ bản ở các trường trung, cao cấp quân sự, chính trị, trường sĩ quan lục quân, có kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp. Các đồng chí Phan Viên trung đoàn trưởng, Nguyễn Ngọc Tiến là chính uỷ Trung đoàn.
Được sự chăm sóc tận tinh của đảng uỷ Bộ Tư lệnh quân khu Tả Ngạn, các tỉnh uỷ Hà Bắc, Hải Hưng và nhân dân địa phương, trung đoàn khẩn trương rèn luyện, xây dựng. Tháng 7 - 1965 trung đoàn hành quân vào chiến trường.
Trung đoàn 21 là biểu tượng rực rỡ của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của tình cảm ruột thịt Bắc - Nam.
* Tiểu đoàn 70 bộ binh, là tiểu đoàn tập trung của tỉnh đội Quảng Nam. Phần lớn cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn là bộ đội Khu V tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Gắn chặt với phong trào địa phương, tiểu đoàn phân tán từng đại đội, trung đội để diệt ác, phá kìm, phát động quần chúng gây cơ sở. Cuối năm 1962, tiẻu đoàn cùng các đơn vị chủ lực của Quân khu mở chiến dịch vượt sông Tiên, giải phóng một khu vực liên hoàn 7 xã. Sau đó tiểu đoàn trụ lại, chiến đấu liên tục trong 6 tháng cùng với nhân dân và du kích điạ phương đánh bại chiến dịch “Bình Châu” của 10 tiểu đoàn quân Nguỵ, giữ vững khu căn cứ Sơn Cẩm Hà. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, tiểu đoàn ngày một trưởng thành, liên tiếp đánh địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ trong nhiều vùng rộng lớn ở Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn. Đặc biệt, trong hoạt động hè năm 1965, tiểu đoàn đã đánh một trận xuất sắc tiêu diệt gọn tiểu đoàn 4 trung đoàn 6 sư đoàn 2 nguỵ ở Mộc Bài (6-7-1965), nêu kỷ lục lần đầu tiên trên chiến trường: tiểu đoàn địa phương ta tiêu diệt tiểu đoàn chủ lực nguỵ.
*Tiểu đoàn súng máy phòng không (tiểu đoàn 19-5), thành lập ngày 19/5/1965 tại Đền Hùng - Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Sinh ra tại đất Tổ và đúng ngày sinh của Bác, tiểu đoàn được vinh dự mang tên tiểu đoàn 19-5.
Cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn hầu hết là con em của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Sư đoàn quân Tiên Phong, sự chăm sóc ruột thịt của nhân dân Hà Nội, tiểu đoàn nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp nhận trang bị và huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật.
Cuối tháng 7 năm 1965, theo lời kêu gọi đánh Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu đoàn 19-5, với hào khí Đông Đô – Thăng Long - Hà Nội, lên đường vào Nam đánh Mỹ.
*Tiểu đoàn 12 pháo cối, thành lập tháng 4-1965 tại Đông Lĩnh, tỉnh Thanh Hoá. Chiến sĩ của tiểu đoàn phần lớn là con em nhân dân Thanh Hoá. Cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn là của trung đoàn pháo binh 164 Quân khu 4.
Tiều đoàn gồm 1 đại đội súng cối 120 mm, một đại đội ĐKZ 75mm và một đại đội sơn pháo 75mm (2 khẩu). Là một đơn vị pháo phải mang vác cho nên việc di chuyển rất nặng nề, vất vả. Phát huy truyền thống “chân đồng vai sắt“ của pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam, tiểu đoàn đã nêu cao tinh thần khổ luyện, khổ tập.
Tháng 8-1965, những người con của đất Lam Sơn lịch sử lên đường vào Nam chiến đấu. Đường xa, nhiều đèo dốc mang vác nặng nhưng chỉ non 2 tháng tiểu đoàn đã đưa đủ pháo, đạn đến chiến trường đúng thời hạn.
Trong đội ngũ sư đoàn, còn có các đơn vị thông tin, trinh sát, công binh, quân y, vận tải… những đơn vị được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là các đơn vị của trung đoàn 1 đã từng lăn lộn chiến đấu trên chiến trường từ những ngày đầu đánh Mỹ.
Bộ Tư lệnh sư đoàn gồm : 
*đồng chí Nguyễn Năng (Việt) Sư đoàn trưởng, 
*đồng chí Nguyễn Minh Đức (Đạo) Chính uỷ, 
*đồng chí Lê Hữu Trữ (Thạch) Sư đoàn phó.
-Cơ quan chính trị do đồng chí Nguyễn Thiệu (Nguyễn Trọng Nghĩa) làm Phó chủ nhiệm 
(Tháng 12-1965, đồng chí Bùi Dư về làm Chủ nhiệm chính trị).
-Cơ quan hậu cần do đồng chí Nguyễn Thanh Phong làm chủ nhiệm


Nguồn : Khucquanhanh.vn