LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Trận cao điểm 547 (Campuchia) 4.1984




Sau 4 lần đánh, kể cả lần vào tháng 5.83 của Sư đòan 307 không thành công. Trận đánh căn cứ 547 lần này của QK5 là một trận đánh qui mô lớn, hiệp đồng binh chủng, do Tư lệnh QK5 trực tiếp chỉ huy.

Cao điểm 547 nằm trên dãy Đăng rếch (Dangreak/chiếc đòn gánh), dài khỏang 40km, chiều rộng 30km. Dãy núi nằm sát biên giới Thái lan, đứng dưới chân núi nhìn lên như một bức tường thành vững chắc, án ngữ một vùng rộng lớn.
Một trục đường lớn từ Thái lan vắt qua dãy núi. Dãy núi này về mùa khô nước chỉ có ở chân núi. Trong nội địa Campuchia, hầu hết là rừng khộp, lại càng khan hiếm nước. Hết mùa mưa là các khe suối cạn, nước chỉ còn đọng lại thành từng vũng nhỏ, có nơi đi hàng buổi đường mới tìm thấy nước. Dân cư thưa thớt, chủ yếu ở dọc theo trục đường từ Thái lan sang.

Bọn Polpot chọn dãy Đăng rếch làm căn cứ phía trước của chúng, gồm 2 chức năng:
1. Tạo chân hàng từ Thái lan qua
2. Dùng sức người tổ chức gùi hàng vào các căn cứ của địch ở sâu trong đất Campuchia.
Căn cứ địch có 2 tầng phòng thủ: tầng trên là các lọai hỏa lực, tầng dưới là mìn. Ở mặt đất địch gài mìn chông bộ binh, mìn chống tăng, địch còn treo hàng nghìn quả mìn trên đá, trên cây thay cho lính cảnh giới.
Đây là một căn cứ phòng ngự kiên cố, nhiều tầng, có chính diện, có chiều sâu kết hợp với đội hình phức tạp, núi cao trung bình 400-500m, có nơi 600-700m, đá lởm chởm, vách núi cheo leo, nhiều hang động, nhiều vách đứng có độ dốc từ 45 đến 60 độ, có nơi thẳng đứng muốn leo lên phải dùng thang dây.

Căn cứ 547 do sư 612 (thiếu) và sư 616 (thiếu) của Polpot chiếm giữ. Ngòai lực lượng bộ binh, địch có cả hỏa lực mạnh chi viện từ 1 đến 2 tiểu đòan pháo binh, 10-12 lần chiếc máy bay/ngày của Thái lan, bố trí cách đó 9-10km. Trên cơ sở 2 tần phòng thủ, hệ thống chốt điểm ở 547 chia làm 3 tuyến:
1. Tuyến an ninh cảnh giới bên ngòai
2. Tuyến đề kháng chính do bộ binh kết hợp với hỏa lực bố trí dựa vào các hang động hình thành từng điểm tựa có công sự gỗ tương đối vững chắc, có hệ thống vật cản thiên nhiên kết hợp với rào dây thép gai và các lọai mìn
3. Tuyến trung tâm gồm sở chỉ huy, lực lượng bảo vệ, kho tàng thành từng cụm, có những khu kho vào sâu trong biên giới (TL?).


Về phía ta lực lượng tham gia trận đánh gồm:
- F307 đủ,
- E1/F2,
- E143/F315
- 1 E pháo
- 1 E Cao xạ
- 1D xe tăng
- 1D xe bọc thép M113 (35 xe)
- 1D cao xạ 37mm


Khó khăn của quân ta trong trận đánh này là khó khăn về tư tưởng, vì nhiều lần đánh 547 không thành công, đặc biệt lần đánh thứ 4 của F307, trận đánh không giải quyết được vì thiếu nước uống, thương vong cao, bỏ sót thương binh, liệt sỹ lại chiến trường.

Đồng chí Tư lệnh mới về nhận nhiệm vụ tư lệnh QK5 khi đi kiểm tra MT579 và nghiên cứu chiến trường tại chỗ, xác định khâu chuẩn bị, đảm bảo cho trận đánh là vấn đề tiên quyết, nên đã đề ra một số nội dung cần chuẩn bị:
1. Tổ chức trinh sát nắm địch:
a. Tổ chức 7 tóan trinh sát của các E, F và MT579 và sau đó tổ chức trinh sát của người chỉ huy theo dự kiến phân công theo từng hướng.
b. Tư lệnh và các cơ quan chủ chốt của QK và MT579 đi kiểm tra. Trong thời gian 2 tháng đã có hơn 200 lượt người đi trinh sát chuẩn bị.
c. Đồng thời QK tổ chức hệ thống trinh sát quân báo gồm: đặt 4 đài quan sát, 4 đội trinh sát luồn sâu, 25 tóan trinh sát cơ động, 1 tóan trinh sát bắt tù binh và 13 tóan trinh sát dự bị.

2. Tổ chức tập huấn, huấn luyện:
Tuy là đơn vị cũ, nhưng phần lớn cán bộ chiến sỹ mới nên việc tổ chức tập huấn huấn luyện rất quan trọng. Đối với cán bộ chỉ huy từ cấp C đến F: tập huấn về chiến thuật E, F đánh địch trong công sự vững chắc, tổ chức tập bài về phần quyết tâm và đồng thời rút kinh nghiệm trận đánh 547 lần 4 của F307. Đối với bộ đội tổ chức huấn luyện theo hình thức tiến công địch trong công sự vững chắc từ cơ bản đến diễn tập phân đội, có bắn đạn thật và luyện tập theo phương án.

3. Tổ chức cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào khu tập kết gồm hơn một vạn quân (11.000) trong đó đưa từ Việt nam sang 3.000 quân (E1/F2). Huy động 438 chuyến xe và 5 chuyến chyên cơ bằng trực thăng và AN 26 cho cán bộ từ Pleiku sang và phân đội A72 từ Hà nội vào Tà beng.
Vận chuyển vật chất hậu cần đảm bảo cho trên 11 nghìn quân có đủ lương thực, thực phẩm ăn trong thời gian chuẩn bị và bước vào chiến đấu (25 ngày, có 5 ngày lương khô/gạo sấy)
Đảm bảo vận chuyển 531 tấn vũ khí, đạn dược và phương tiện. Bảo đảm kỹ thuật cho 591 pháo, cối và cho tòan bộ súng bộ binh theo biên chế.
Để đảm bảo cho việc cơ động, vận chuyển QK giao lực lượng công binh bảo đảm và khai thông 3 mạng đường chính và đường nhánh dài trên 100km. Xây dựng và thiết bị 3 sân bay trực thăng. Khi bước vào chiến đấu, tổ chức 3 đội đảm bảo và hộ tống xe tăng thiết giáp, pháo binh chiếm lĩnh và cơ động chiến đấu. Tổ chức 6 đội khắc phục vật cản mở đường cho đột phá và tiến công của các đơn vị.
Về đảm bảo thông tin, QK tổ chức 2 xe tổng đài tiếp sức, 2 xe công trình. Huy động 830 máy vô tuyến điện và hữu tuyến điện, 670km dây và 1.628 cán bộ chiến sĩ thông tin.

4. Một công tác đảm bảo hết sức quan trọng trong trận đánh này là đảm bảo nứơc cho bộ đội. Rút kinh nghiệm trận đánh 547 lần 4 vì thiếu nước uống, bộ đội bị ngất xỉu, bộ đội đi tìm nước uống vấp mìn thương vong làm mất sức chiến đấu. Có đơn vị hành quân cả đêm, sáng ra hết nước không đánh được. Lần này có quy định rõ ràng bình quâ mỗi cán bộ chiến sĩ đảm bảo 5 đến 6 lít nước/ngày. 100% quân số tham gia chiến đấu có bi dông nước lọai 1 lít và 0,75lít, 40%-60% quân số được trang bị lọai bi đông 5 lít và can nhựa 4lit. hậu cần QK cấp hơn 1000 can nhựa lọai 10l, 20l, bao nilong lọai lớn có dây gùi cho đội vận chuyển nước cho từng E. Các tiểu đội và khẩu đội được cấp 1 bao nilong lớ bảo quản nước khi chiếm lĩnh.
Phương thức cung cấp nước của QK được tổ chức chu đáo. Đội xe chuyển nước của QK gồm 30 xe có 10 xe bọc thép hộ tống dẫn đường. Mỗi xe chở nước có 2 tec chứa nước lọai 3 khối. Các tec nước làm tại Đà nẵng từ các khoanh tôn làm cống nước của Mỹ còn lại. Số xe này chia làm 4 đội, có trang bị máy bơm nước. Từ nguồn về nơi trữ nước xa 40km. Tại 3 trạm tiếp nước, QK cấp 15 thuyền nhôm, các đội xe chở nước đổ vào thuyền nhôm rồi quay lại chở tiếp. F2 và F307, mỗi F có 2 trạm tiếp nước, tại đây các E lấy nước về phân phối cho các đơn vị. Có trạm tiếp nước ở sau lưng, sát ngay khu chiến làm cho bộ đội yên tâm chiến đấu, không sợ chết khát như các lần đánh trước. Đối với các đơ vị binh chủng, mỗi xe tăng, thiết giáp đều phải có thùng phuy (có nắp) chứa 100L, mỗi xe kéo pháo được cấp 1 phuy có nắp chứa 200L.

Diễn biến trận đánh:
Ngày 20.4 (N-5) các E của F307 thực hiện đánh tạo thế và vây cắt. E678 đánh ép từ đông nam căn cứ tạo điều kiện cho công binh mở đường, làm trận địa và triển khai hệ thống thông tin, E678 đã đánh tan một cánh quân địch ra ngăn chặn và đã chiếm được hồ nước Suối tre, điểm cao 106.
Cùng thời gian đó từ 20.4 đến 24.4, các E 94, 95, 29 của F307, E143/F315 phái trinh sát đi trước chuẩn bị hành lang và vào vị trí chuẩn bị vây cắt. Địch phát hiện được đã dùng cối 82 ly, B40, B41 bắn chặn. Quân ta vẫn khôn khéo giữ bí mật, cánh n ào lộ thì tổ chức đánh chiếm vị trí, cánh nào không lộ thì tránh địch, không cho địch phán đóan ý đồ của ta.
Trên hướng tấn công đột phá chính diện, E1/F2 và xe thiết giáp K63 (hay M113?), một đại đội xe tăng T54, pháo binh, cao xạ cũng vào triển khai chiếm lĩnh.
Ở mũi đánh phối hợp ngày 22.4, 23.4, trung đòan 19K của bạn bao vây và đánh chiếm khu vực Anlung.

7 giờ sáng 25.4, quân ta đồng lọat nổ súng tiến công. E1 của F2 được hỏa lực pháo binh chi viện, phát huy hỏa lực đi cùng của bộ binh, hỏa lực của xe tăng, thiết giáp, các đơn vị lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu được quy định. E1 nhanh chóng đánh chiếm được mục tiêu Z6. Đến hết ngày 25.4, E1 làm chủ hòan tòan các mục tiêu Z1, Z12, Z14.
Các trung đòan của F307 thực hành bao vây phía sau địch ở cánh phải. Đánh từ sau lưng địch đánh ra. Quân ta lần lượt chiếm các điểm cao, cắt con đường địch có thể chạy từ 547 sang Thái lan.
Ở cánh trái, mặc dù đã ở vị trí xuất phát, nhưng E143/F315 theo lệnh của MT719 (là mật danh Tiền phưong BTTM/BQP) không được đánh sâu vào đất Thái lan, do vậy nhiệm vụ của F307 (ở cánh phải) nặng hơn, phải nhanh chóng phát triển phối hợp với E1/F2 diệt gọn bọn địch.
Ngày 26.4, mức độ chống trả của địch ở các mục tiêu còn lại quyết liệt hơn. Lợi dụng các hang đá trên vách núi, chúng bố trí DKZ, trọng liên, đại liên bắn dữ dội khi ta nổ súng xung phong. Quan sát trực tiếp những thủ đọan chống trả của địch, sư đòan trưởng (F2) Trương Hồng Anh lệnh cho trận địa pháo 85 ly và pháo cao xạ 37 ly hạ nòng bắn “xăm” vào từng hỏa điểm của địch. Đại đội xe tăng T54 cũng được lệnh cơ động lên phía trước, dùng pháo trên xe tham gia tiêu diệt các hỏa điểm địch trên vách núi. E1 vừa theo dõi phát hiện mục tiêu cho pháo bắn vừa chớp thời cơ tổ chức xung phong đánh chiếm mục tiêu. F307 từ trên thế cao tiếp tục khép chặt vòng vây, đánh dồn địch lại. Đánh thẳng vào các căn cứ, kho tàng của địch. Đến hết ngày 26.4, quân ta đã chiếm được các mục tiêu chủ yếu như Z1, Z1a, Z4.
Sáng 27.4, E1/F2 đã bắt liên lạc được với F307, phối hợp tấn công dứt điểm các mục tiêu còn lại quanh khu vực căn cứ 547 và tiến hành lùng sục, tảo trừ, truy quét tàn quân địch.

Kết quả:
Trận đánh này quân ta đã xóa sổ 2 sư đòan 612 và 616 quân Pol Pot (mỗi sư đòan địch thường từ 600 đến 1000 tên), lọai khỏi vòng chiến đấu 1800 tên, trong đó bắt sống 300 tên. Thu 515 súng các lọai gồm:
+ 1 khẩu cối 120 ly
+ 2 khẩu cối 100 ly
+ 92 khẩu cối 82 ly
+ 15 khẩu DKZ 75 ly
+ 16 khẩu DKZ 82 ly
+ 15 khẩu 12,7 ly
+ 17 đại liên
+ 33 trung liên
+ 147 khẩu B40, B41
+ số còn lại là AK và CKC
Thu nhiều quân trang quân dụng, hàng trăm tấn đạn, 30 tấn lương thực, một số tài liệu quan trọng.
Phá hủy 5 kho trang bị, lương thực và súng đạn. Triệt phá hòan tòan căn cứ cửa khẩu 547, chiếm giữ các khu vực qaunh các điểm cao then chốt. Quân ta tổ chức chốt giữ, xoay ngược các điểm chốt, nhằm mục tiêu về phía Thái lan.

Ghi chú
Khu vực điểm cao 547 chính là khu vực đền Preah Vihear.
Sư trưởng F2, Đại tá Trương Hồng Anh đã hy sinh sau trận đánh do trúng mìn địch còn sót lại ngay lúc đi xe lên khu vực đền.
F307 đã đánh vòng và vây ép chặn quân địch từ phía đất TL. Trong khi đó F2 và các đơn vị khác đánh chính diện từ phía đất
CPC.


Nguồn : Tập tin được lưu ở: Uncategorized

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Qua sông Cổ Cò

Ảnh chỉ có tính minh họa

Chính ủy bơi bì bõm giữa anh em
Không có thuyền, súng đặt lên bè chuối
Địch ở gần. Này đừng có nói
Bám vào vai tớ, tớ đưa sang.

Chị nuôi sang chưa? Tiếng chuyền râm ran
Cái phao thủng phì phì mặt nước
Khẩu A.K vẫn chưa mò lên được
Sắp sáng rồi, rét càng đậm hơn

Còn ba ca là chuyển hết thương
Y sĩ Tiểu đoàn tới bờ quay lại
Đừng để cậu Cường ướt nhé!
Tiếng thì thầm cứ lập bập vào nhau.

Sông Cổ Cò nhỏ thế mà nước thật sâu
Đêm tối đen không nhìn rõ mặt
Đố cậu biết tên Cổ Cò ai đặt
Có con cò nào cũng vượt sông đêm nay?


Nguồn : Dương Đức Quảng
Điện Bàn, Quảng Đà 8/1974


NỖI ĐAU THỜI HẬU CHIẾN




 Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2


Lời hẹn ước khi chia tay trong buổi chiều thu năm 1972, bên dòng Sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi như một định mệnh cuộc đời.

Chúng tôi tìm được Đồng Văn Khải, người thương binh cùng nằm viện trên núi rừng Tây Nguyên theo lời hứa khi chia tay về đơn vị, Khải đang lang thang đi bán chè khô ở thị trấn Đông Anh, thành phố Hà Nội, người anh mang nhiều dấu tích của chiến tranh với đôi chân tập tễnh, cùng hai tai bị sức ép bom nghe không rõ.
Trên vai chiếc ba lô mang chè ngon của đất Thái Nguyên, bộ quần áo bạc màu điểm mấy miếng vá. Anh em ôm hôn nhau nhớ về một thời gian khó, trên đường về gia đình anh đã khóc và kể cho đồng đội nghe về nỗi đau sau chiến tranh của vợ chồng trong gia đình Khải:
Sau khi kết hôn xong người vợ mang thai cả nhà Khải mừng lắm. Nhưng rồi cái thai chẳng được bao lâu nằm trong bụng mẹ. Thuốc men chạy chữa mãi thì vợ sinh được một trai, một gái. Nhưng cả hai lại mang hậu quả của chất độc da cam/dioxin, chất độc tàn ác đã cướp đi quyền làm người của cả hai đứa con vợ chồng mình sinh ra.
Thằng con đầu mười mấy năm quằn quại trên giường bệnh như một con rắn, chữa mãi rồi cháu vẫn chết, đứa con gái thì loạn điên phá phách.
Chính từ bệnh tật của hai đứa, đã làm cho gia đình rơi vào cảnh nghèo khó và túng quẫn. Vợ chồng tần tảo khắp nơi, ai thuê việc gì cũng làm, mới có tiền mua gạo mắm muối cùng thuốc uống an thần cho hai đứa.
Lúc đầu hai con Khải mắc bệnh dị tật quái ác, do chưa hiểu biết đã có người nói độc mồm độc miệng, nào là hướng đất cát, mồ mả và ăn ở của gia đình. Năm cháu 18 tuổi bệnh quá nặng phải đưa đi bệnh viện, nhưng gia đình thì vô cùng khó khăn, chạy khắp xóm vay mượn được hơn triệu đồng bạc cho cháu đi viện. Rồi đứa con cũng vẫn ra đi trong nỗi buồn thảm thiết của gia đình. Còn món nợ vay của bà con hàng xóm cũng đã khá lâu mà vẫn không sao trả được, nhân dân nơi đây, còn khó khăn lắm.
Đứa con gái thứ hai đến nay mười bảy mười tám tuổi rồi, lẽ ra tuổi nó cũng sắp đi xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Thế nhưng người vợ chịu thương chịu khó lại phải ở nhà chăm sóc phục dịch cho con, sợ nó lên cơn phá phách chạy ra ngoài va phải ô tô, xe máy, nhẩy xuống cầu cống sông ngòi, moi móc chuột bọ cho vào miệng…
Gia đình họ hàng cũng cố chạy chữa, nhưng cũng khó mà qua được cái chất độc tàn ác ấy. Nhiều lúc nghĩ cơ cực quá vợ chồng Khải đã định liều mình xoá đi tất cả. Nhưng nghĩ đến những đồng chí đã một thời ra trận cũng vơi đi phần nào của nỗi buồn nghiệt ngã…

Chúng tôi còn cho nhau biết, anh em đồng đội đến thăm một số gia đình cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, nhìn thấy mà đau xót thương tâm.

Đó là anh Hạnh người thành phố Thái Bình, sinh bốn đứa thì đã chết mất ba. Vợ chồng Tôn người Nam Sách Hải Dương, sinh được hai cháu thì cả hai đều làm cho vợ chồng anh chị ấy sợ hãi trong những cơn hung dữ.

Đồng chí Nguyễn Đại Số, phường Hà Lầm thành phố Hạ Long, ba đứa con lúc đầu học giỏi, từng tham gia giải cờ vua cấp tỉnh. Không ngờ cả ba cháu lớn lên đều phát bệnh và phá phách những gì có trong nhà anh chị ấy vất vả làm ra.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xoay hai đứa con gái sinh đôi, gào thét mỗi khi nắng gió trở trời, cấu xé nhau lúc ăn cơm và mặt trời mới mọc.

Vào nhà hai chị em ruột Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Văn Tâm, con của vợ chồng đồng chí Liên ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, da hai cháu bị nứt vỡ như những con rắn lột và máu mủ rỉ ra ngày đêm. Dẫu đã biết hai cháu như vậy, nhưng mỗi lần vào thăm mà vẫn giật mình và người bị tăng huyết áp.

Mỗi gia đình Cựu chiến binh, Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến, tham gia chiến trường có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, là một biểu tượng được phơi bày bởi tội ác của chiến tranh do Mỹ gây ra. Chúng ta phải lên tiếng, các công ty sản xuất ra chất tác hại của Hoa Kỳ, phải có trách nhiệm về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này.

Tạm biệt Khải người thương binh nghèo, mang hậu quả tàn khốc của chiến tranh do Mỹ gây ra, chúng tôi quặn đau về một thời binh lửa, tôi và anh cùng biết bao đồng đội, từ chiến trường khói lửa trở về mà cuộc chiến vẫn quẩn quanh.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

CÕNG BẠN VỀ QUÊ


May mày vẫn còn
Không bị mối xơi
Không bị lũ cuốn trôi
                              như nhiều đứa khác.

Hôm chôn mày, vội vã
Đá tảng chặn nhát xẻng đào sâu
Sợ hòa bình lâu
Đồng đội ngậm ngùi,
                            lo lắng!

Mà hòa bình
Cũng chẳng ai tìm mày
Bao nhiêu việc
Kẻ quên
Người nhớ

Tao cứ tưởng mày đã vào Nghĩa trang
Đâu ngờ mày vẫn nằm đó!

Mẹ không còn
Cha không còn
Ở đâu cũng được
Nhưng người yêu mày
                               còn cất giữ ảnh của mày.

Thôi thì cứ theo người yêu về quê
Tao bỏ mày vào ba lô
Cõng đi tàu Thống nhất

Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết
Họ ách lại giữa đường thì khổ mày ơi!




Nguồn : Tác giả: Lý Hoài Xuân.
Với Liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhơn.
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số cuối tháng 5 năm 2008

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Người chỉ huy giữ chốt trên cao điểm: Păk Kụt. Tô Ngọc Lâm


Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2

 Chúng tôi thuộc C7 – D2 – E1 – F2. Hay còn gọi là Đoàn Ba Gia. Mà không ai không biết đến một đơn vị đã được Đảng Nhà nước phong tặng ba lần danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Với những chiến công vang dội của chiến thắng Ba Gia-Vạn Tường ở tỉnh Quảng Ngãi. Rồi năm 1971 với chiến thắng ở Bản Đông- Sê Pôn- Đồi không tên. Điểm 660 và 723 trong chiến dịch đường 9 Nam Lào. Trên Cao nguyên Pôlôven. Đến chiến thắng lẫy lừng ở Đắc Tô, Tân Cảnh, năm 1972. Cùng mảnh đất khu 5 anh hùng.

Sau chiến dịch đánh ngăn chặn địch ở đường 9 Nam Lào năm 1971 “Lam Sơn 719”. Đơn vị tôi nhận lệnh đến cao nguyên Pôlôven. Trung đoàn đánh thắng và giao cho trung đội tôi chốt giữ cao điểm Pắc Kụt, một cao điểm rất quan trọng của địch, vì đó là một điểm án ngữ cho một vùng rộng lớn của miền hạ Lào. Chính vì vậy, cao điểm trở nên vô cùng khốc liệt.

Địch cay cú bị quân ta đánh bật khỏi cao điểm mất vị trí án ngữ. Nên chúng đã điên cuồng dùng máy bay pháo kích và bộ binh đánh phá. Có bao nhiêu bom đạn ở vùng hạ Lào, đều được chúng huy động đến bắn phá cao điểm. Pháo từ xa nã tới, lính bộ binh phản công, chiếm lại cao điểm. Chúng bắn và la hét xông lên như một lũ thiêu thân.
Từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9, tháng 6, địch tấn công lên chốt vô cùng ác liệt. Nhưng chúng đã bị trung đội tôi đánh trả quyết liệt, làm cho giặc thiệt hại, ba đại đội lính nguỵ Lào & quân Thái Lan.

Mỗi khi địch xông lên, tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm, bình tĩnh và ra lệnh.  “ Phải để địch đến thật gần mới được nổ súng…”. Những tên lính địch hiện rõ qua làn khói đạn, nghe rõ hơi thở hồng hộc của chúng. Địch tưởng đơn vị tôi không thể tồn tại sau những trận bom pháo dày đặc như mưa đổ xuống, có thằng kéo lê súng bước khật khưỡng như những thằng say rượu.

Tiểu đội trưởng Lâm ra lệnh: Bắn – chúng tôi nhất tề nổ súng, địch khựng lại, từng loạt đạn quật ngã binh lính địch liều lĩnh đi đầu. Chúng bất ngờ hoảng hốt trước cách đánh gần táo bạo gan dạ dũng cảm của tiểu đội, địch cuống cuồng la hét rút chạy. Anh Lâm hô lớn “ Xung phong ….”. Chúng tôi bật khỏi chiến hào, quét đạn tới tấp sát lưng địch, số địch còn lại tháo thân chạy xuống chân cao điểm. Tranh thủ cơ hội ấy chúng tôi thu lượm vũ khí trang bị địch bổ sung khi sắp hết đạn giữ chốt.

Máy bay, bom pháo địch đánh xuống, nổ gần ùng ục, oàng oàng. Tai chỉ còn nghe tiếng o….o. Hết bom, đến pháo kích, địch tụ lại dưới chân cao điểm, bắn đổ đạn rồi hò hét tiến lên. Nhưng không một thằng nào dám xuất hiện, vì cú đánh giáp mặt của đơn vị, đã dạy cho chúng biết thế nào là “ Cộng sản”.
Khói lửa mịt mùng đen đặc, tiếng súng dần thưa thớt. Tiếng máy bay ầm ì xa dần. Chỉ còn tiếng lốp đốp của những đám cháy quanh khu rừng gần cao điểm. Gió Lào cuồn cuộn mang theo cát bụi và cái nóng xua dần khói bom, khói súng. Trận địa quang dần, lúc này mới nhìn thấy mặt trời đỏ cũng dần xuống sau dãy núi phía xa.

Đồng đội tìm lại nhau theo vị trí phân công, chiến hào biến dạng. Khi đến vị trí của tiểu đội trưởng, thì anh ngã vật xuống hào, một tay ôm chặt chiếc mũ cối ở bụng, lúc này tôi mới biết là anh bị thương rất nặng và ruột xổ ra nằm trong chiếc mũ anh đang nén giữ.  Máu từ bụng đã đổ ra đen quánh dưới vị trí anh đứng chiến đấu. Anh nói với mấy người còn lại trên cao điểm trong hơi thở đứt quãng.

 “…Các đồng chí … các em … quyết chiến đấu đến cùng, phải giữ chốt bằng được. Trả thù cho anh và đồng đội …”.
 Anh ra hiệu bằng cái đầu khẽ nhúc nhích, ba chúng tôi ghé sát vào người anh, nghe anh thều thào nói.
“… Sau này chiến tranh kết thúc … em nào còn sống trở về, nhớ tìm về quê cha mẹ anh ở đất Thái Bình kể lại trận đánh này cho gia đình anh nghe về cuộc chiến đấu giữ chốt và việc anh hy sinh ngày hôm nay…”

Ba chúng tôi là: Vũ Minh Quỳnh, Phạm Văn Tiến và Nguyễn Đăng San, từng người ghé sát xuống để anh đặt đôi môi khô ráp hôn vào má, bắt tay và anh mỉn cười thảnh thản ra đi tin tưởng vào những người còn lại.
Người tiểu đội trưởng dũng cảm kiên cường của đơn vị ra đi trong vòng tay của đồng đội lúc 16 giờ ngày mùng 9 tháng 6 năm 1971. Chúng tôi còn lại trên cao điểm chống trọi giữ chốt. Mấy tiếng sau đơn vị tăng cường lực lượng củng cố trận địa, cho những cuộc chiến đấu tiếp theo.

CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH


Như thấy lại tuổi hai mươi
Như thấy lại một thời trong tôi lửa cháy
Một thời khát khao khờ dại
Chỉ biết dấn thân, đâu sợ hy sinh !

Như thấy lại năm tháng chiến tranh
Bạn và tôi, chúng ta cùng một hướng
Gian khổ khó khăn quyết không lùi bước
Khát khao dâng hiến... vì Tổ Quốc - độc lập tự do !

Những niềm tin ấu trĩ và ngây thơ
Bốn mươi năm sau, bất ngờ nhìn lại
Xác đồng đội đè lên xác giặc
Những linh hồn đều chấp chới bay lên ?!

Chỉ có em thôi, em vẫn mãi ngây thơ
Đợi chờ các anh trong vô vọng
Bốn mươi năm rồi bạn lính
Vẫn biệt tăm trong những cánh rừng...

Cuộc chiến tranh nào cũng đều bạo tàn
Và mọi người lính đều hóa thành tấm bia cho cuộc đời
ngắm bắn !


Nguồn : Kiều Anh Hương

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

TÌNH NGƯỜI ĐẤT QUẢNG



Ảnh minh họa - Nguồn Trên NET
Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2

 Tháng 8 năm 1973. Trung đoàn hành quân về chiến đấu trên vùng đất Quảng Nam, Quảng Đà. Những chiến sỹ làm công tác hậu cần xuống ngay các huyện, Hiệp Đức, Duy Xuyên, tiếp nhận mua lương thực thực phẩm, ngày nào cũng có các tổ vào các ấp chiến lược, để tiếp cận vận động vợ con binh lính địch cho người vào khu quân sự địch mua hàng về bán cho bộ đội giải phóng. Nên việc tiếp cận với mọi người rất thận trọng. Đường đi lối lại theo chỉ dẫn của du kích địa phương, dò phá mìn của tổ trinh sát, có ký tín hiệu cụ thể chính xác cho từng ngày đêm vào vùng thôn ấp có địch kiểm soát.
Những ngày qua lại cánh đồng trên núi có đồn bốt địch chiếm đóng, phải vác cày cuốc đi làm đồng cùng nhân dân, được sự giúp đỡ của bà con thôn ấp đi mua hàng về hộ. Đồng chí Vui và tôi được giao nhiệm vụ qua đèo le đến thôn Đồng Nùng xã Sơn Trung, tại đây được sự giúp đỡ tận tình của Trần Thị Bốn một cô gái xinh đẹp, đã vận động bà con trong vùng địch bán trang sức đi mua lương thực thực phẩm từ vùng địch về bán lại cho bộ đội.

Một hôm ba đồng chí du kích khiêng quả mìn tự tạo về kiểm tra, vì địch đạp vào mà không tác dụng. Nhưng khi vừa gõ vào thì quả mìn phát nổ bay vào nhà, làm cho các cháu trong một gia đình tử vong, chúng tôi chạy đến cả ba cháu đã đứt thành mấy mảnh, ông bố nhặt để trong chiếc nia tre đan. Hình ảnh này vô cùng đau thương cho gia đình và nhân dân nơi đây. Đường vào thôn ấp dày đặc các loại vũ khí cài đặt, trâu bò vào bụi tre cây cối ăn cũng chạm phải mìn nổ.
Khi bị địch trên núi Hòn Tàu phát hiện bắn phá, đơn vị được lệnh chuyển hoạt động khu vực tiếp giáp cầu Bà Rén. Được cô dì chú bác nơi đây vào thị xã Hội An liên hệ mua hàng giúp đỡ, mỗi khi xuống giao nhận đều có kế hoạch cùng thời gian hoạt động. Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao là có sự giúp đỡ tích cực của nhân dân thôn xóm nơi giáp gianh giữa ta và địch, đặc biệt là gia đình thím Ba ở xã Phước Thạch.
Gần tết nguyên đán 1974, các đồng chí nuôi quân tiểu đoàn 3 cùng Trung đoàn, đi xuống vùng ven mua hàng nhưng không nắm được qui luật hoạt động của địch, đã bị chúng phục kích ném lựu đạn, làm ba đồng chí hy sinh, trong đó có Đồng Văn Hiệp, người xã Cẩm La cùng nhập ngũ đi chiến trường với nhau một ngày. Khi các anh hy sinh nhân dân trong ấp tưởng tôi bị tử nạn, hơn chục ngày sau đơn vị cho trinh sát xuống nối lại đường dây hoạt động, bà con gửi hương hoa đưa về thắp hương.
Lúc này càng khó khăn trong việc mua mắm, muối, về cấp phát cho các đơn vị, Ban hậu cần cử một tổ xuống các xã vùng ven huyện Đại Lộc- Duy Xuyên, sau gần một tháng ra vào nắm tình hình, nhưng khó khăn trong việc mua vận chuyển hàng đưa ra ngoài khu vực địch kiểm soát. Do vậy đơn vị tôi trở về Đèo le, Đá trắng, Đồng Nùng, trà trộn với nhân dân vào vùng địch mua hàng, nhận được việc giúp đỡ của nhân dân thị trấn Đông Phú, nhiều đêm phải bí mật mang vác hàng qua đồn bốt địch kiểm soát.

Trung đoàn cử 3 đồng chí trong ban tham mưu xuống làm việc, đi vấp phải mìn đã làm cho anh Phi bị thương gẫy chân. Nằm trong vùng địch kiểm soát, làm chúng tôi chạy chữa cho đồng chí gặp không ít khó khăn, mất gần chục ngày sau mới nhờ được người khiêng anh qua đồn bốt giặc kiểm soát.
Tôi cùng đồng chí Trường- Vui, mua hàng xong chưa có người xuống vận chuyển, bị địch phát hiện cho pháo bắn phá và cho quân vào càn quét, cướp mất hết số hàng trị giá trên 12.000 đồng (tiền Sài Gòn cũ), cất dấu trong khu nhà bỏ hoang và vườn cây rậm rạp. Sau khi bị địch càn quét, lãnh đạo địa phương cùng đơn vị  nghiêm khắc kiểm điểm, đảm bảo cho việc hoạt động trong những ngày tiếp theo.

 Khi Trung đoàn đánh vào Nông Sơn- Trung Phước và khu công nghiệp Đức Dục, đơn vị đem hàng qua dẫy núi Bàn Thùng qua xã Sơn Phúc, bị địch phát hiện bắn pháo hơi cay và chất độc, vừa thoát khỏi vùng ngạt thở thì bị pháo từ căn cứ Thượng Đức bắn tới. Công việc vận tải bằng đường bộ gặp nhiều khó khăn, nên đã cho vận chuyển bằng thuyền từ huyện Hiệp Đức xuôi theo dòng sông Thu Bồn, cấp đủ lương thực thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu. Mưa nước sông Thu dâng cao, thuyền bị trôi đột ngột nghiêng đổ hết người và hàng xuống nước, trong địa danh của đoạn  dốc dựng đá dừng. Khu trước đây quân đội địch thường cho máy bay luyện tập bắn phá trước khi bay ra đánh phá cầu cống miền Bắc. Những chuyến hàng đến vị trí chiến đấu của đơn vị tôi tại khu vực Nông Sơn- Trung Phước, cũng đầy những khó khăn gian khổ của các chiến sỹ làm công tác hậu cần.

Nhiều ngày phải luồn sâu trong vùng địch kiểm soát, bị chúng rình phục bắn phá. Được nhân dân cho xuống hầm che dấu tránh bom đạn, pha cho cốc nước bột khoai sắn sấy phơi khô, hát cho nghe những khúc tráng ca về tình người đất Quảng. Bao tấm gương cùng hình ảnh của bà con nhân dân nơi đây, vẫn mãi là động lực để mỗi người chúng tôi có thêm sức mạnh trên bước đường công tác.
Khu đơn vị đóng quân có thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà, các đồng chí trong đội biệt động hoạt động ở thành phố Đà Nẵng- Hội An- Tam Kỳ. Chúng tôi được các anh chị kể cho nghe về tình hình địch trong thành phố thị xã. Qua các anh các chị kể chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn, cùng thử thách của các đồng chí trong sào huyệt địch.

Ngày còn đi học tôi được đọc và xem tuyển tập: Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc. Là quyển truyện tập hợp các lá thư của nhân dân miền Nam gửi ra cho người thân của mình ngoài miền Bắc. Thư và Bưu thiếp của đồng bào phương Nam đều khắc hoạ về việc khó khăn và ác liệt cùng tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm.
Đồng bào rừng núi bị đói cơm nhạt muối, nhân dân các tỉnh miền Trung- Cao Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long bị giặc đàn áp bằng luật 10/59, máy chém, nhà tù đi đến đâu là nơi ấy người dân bị đầu rơi máu chảy, chúng thực hiện chính sách bằng việc bắn nhầm còn hơn bỏ xót, chôn sống người nghi là đi theo cách mạng đến vai, đem trâu bò cày bừa trên thân xác đến chết.
Hôm nay đứng bên đập nước Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đã làm tôi nhớ đến tội ác của quân thù được tố cáo trong truyện viết cách đây không xa: Mấy chục đồng chí và người dân bị giặc cắt tai mổ bụng cho vào bao tải vất xuống đập nước trong xanh này. Bên đập nước mà lòng tôi se lại, bởi dấu ấn cùng tội ác của kẻ thù còn đọng mãi nơi đây.

Người thanh niên ném quả đạn xuống đập nước vớt cá, lựu đạn nổ mà nước hơi gợn sóng, một lúc cá mới nổi lên được vì đáy hồ quá sâu, anh thanh niên nói: "Đồng chí San ơi có rất nhiều cá, anh biết bơi xuống vớt về cho đơn vị nấu canh ăn nhé."
Tôi nhảy xuống dòng nước rồi vội bơi lên ngay, vì khi người vừa chạm vào lòng hồ, thì tôi nghĩ dưới đập nước có các chiến sỹ và người dân vô tội đã bị giặc tra tấn giết hại đem vất xuống hồ nước này.
Thấy tôi lên người thanh niên nói: Sao nhiều cá thế mà anh không bắt lại lên ngay? Tôi bình tĩnh hỏi lại; đây có phải đập nước Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên không. Người thanh niên trả lời: Vâng, đập nước Vĩnh Trinh đấy anh ạ ... Tôi lặng người chân như có ai níu kéo, trên đường về tôi nói cho anh biết, trước đây những chiến sỹ cách mạng cùng người dân vô tội nơi đây đã bị bọn Quốc dân đảng và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đem tra tấn giết hại vô cùng dã man rồi đem quăng xác vất xuống đập nước này. Người thanh niên nghe câu chuyện xảy ra trong hồ nước rất xúc động nói: Tội ác kẻ thù được khắc cốt máu xương.

Trở lại Ban hậu cần Trung đoàn, tôi được giao công tác trợ lý cho các đồng chí lãnh đạo ban. Cùng các bộ phận trong hậu cần lập kế hoạch, tiếp nhận vũ khí súng đạn, lương thực thực phẩm chuẩn bị cho những trận chiến đấu của đơn vị.

Cơ quan Trung đoàn đóng quân tại xã Sơn An, huyện Hiệp Đức. Quanh khu đơn vị, là đội sản xuất của các đồng chí bị địch bắt giam mới được trả về từ bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, theo ký kết của Hiệp định Pa-ri năm 1973. Chúng tôi đến thăm động viên và được nghe các anh chị nói về sự tàn bạo của kẻ thù ở các nhà tù trong đất liền, cũng như ngoài Côn Đảo và Phú Quốc. Các đồng chí vừa kể vừa khóc, về nỗi đắng cay tủi nhục bởi những trận đòn roi nơi địa ngục trần gian của giặc. Ngày trở về với nhân dân đồng đội cũng không ít những khó khăn cùng câu hỏi đặt ra… chị cứng rắn hơn thì nói: Chúng tôi còn may mắn so với nhiều đồng chí, có người bị địch đem đi tháo khớp cưa chân tay, cắt gân, bẻ răng và bắt nuốt vào bụng. Có người bị chúng tra tấn đóng đinh vào các khớp và bắn giết hàng chục người cùng một lúc, các đồng chí ấy không còn nhìn thấy tương lai của đất nước như chúng tôi ngày hôm nay… Các chị được trao trả đã trên ba mươi tuổi, đan áo len hộ anh em bộ đội lộ rõ vẻ suy nghĩ: Chị em tôi bị địch bắt trả về nhưng rất khó xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái, vì trong lao tù bị địch tra tấn hành hạ giã man quá.  Nhìn đội quân chiến thắng với bộ quần áo bà ba đen, trồng cấy trên đồng ruộng cùng nương sắn đồi ngô. Chúng tôi không khỏi nghĩ suy về những năm tháng, đầy sóng gió trong cuộc đời các anh các chị.

Cuối năm 1974 theo chỉ thị của Bộ tư lệnh, các phân đội trong Trung đoàn được cấp phát đầy đủ vũ khí súng đạn, lương thực, thực phẩm, đảm bảo cho những trận đánh dài ngày của chiến trường. Ban hậu cần tổ chức cho bộ đội làm kho chứa với khối lượng lớn để phục vụ cho chiến đấu. Hàng tháng trời Ban hậu cần chỉ đạo đơn vị thu mua, vận tải, làm kho trong khe núi phía đông xã Sơn An, Sơn Tú... Do diễn biến của chiến trường có phần thuận lợi, nên việc làm kho dự trữ tạm dừng. Đầu năm 1975 các đơn vị cho học cách đánh địch trong thành phố thị xã. Các tiểu đoàn đại đội, được bổ sung quân số và vũ khí súng đạn, đảm bảo cho việc chiến đấu dài ngày.

Đường vận tải chiến lược của đoàn 559 được mở đến thị trấn Hiệp Đức. Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến, đi lại tấp nập đông vui. Máy bay pháo kích địch giảm dần, bà con tham gia tăng gia sản xuất tiếp lương tải đạn cho chiến dịch. Tiếp xúc với nhân dân, được bà con nói về tình hình binh lính địch đóng ở Hội An, cầu Bà Rén, thị xã Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng, và tư tưởng địch bị giảm sút nhiều khi Mỹ giảm bớt cố vấn và vũ khí súng đạn. Địch hoảng loạn nghe những binh đoàn Cộng sản rất thiện chiến, sắp tập trung đánh lớn vào sào huyệt chúng tại miền Trung. Địch còn nói nếu đụng vào quân của Trung đoàn 1(đoàn Ba Gia) Sư đoàn 2, do ông Nguyễn Chơn Sư chỉ huy đánh đâu thắng đấy, thì bỏ chạy cho an toàn tính mạng.

Thời cơ đánh địch và tin chiến thắng từ Buôn Ma Thuột trên Tây Nguyên truyền về, làm tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sỹ tiến lên giải phóng các khu căn cứ địch phòng thủ ngoan cố. Trung đoàn hạ quyết tâm theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh: Một ngày bằng hai mươi năm. Với khí thế tin tưởng vào ngày toàn thắng, đơn vị tiến vào giải phóng huyện lỵ Thăng Bình, Duy Xuyên, thị trấn Nam Phước và thị xã Tam Kỳ… Tin chiến thắng làm nức lòng cán bộ chiến sỹ bao ngày mong đợi, đồng chí nào cũng muốn làm thêm một việc gì cụ thể, góp phần vào việc giải phóng thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí từ cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Trung đoàn, muốn được xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu. Quân giặc từ các đồn bốt hoảng loạn di tản. Thời cơ đánh địch đã đến, các phân đội đồng loạt tiến lên đánh vào sào huyệt của trung tướng địch: Ngô Quang Trưởng, đang hô hào tự thủ. Các cánh quân phát triển đánh nhanh vào khu phi quân sự, quanh thành phố. Địch dùng máy bay pháo kích đánh phá giữ dội, cho trực thăng di chuyển cố vấn và bộ máy chỉ huy tại các khu đồn trú. Bầu trời thành phố Đà Nẵng, hàng chục chiếc trực thăng bay đến vận chuyển gia đình tướng tá, vợ con binh lính tháo chạy.

Thời cơ tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng đã đến, quân ta từ các hướng đồng loạt nổ súng, đánh vào trung tâm bộ máy chỉ huy địch trên sân bay, quân cảng và dinh luỹ sào huyệt của chúng tại miền Trung. Cờ mặt trận giải phóng và cờ đỏ sao vàng tung bay trên dinh luỹ đồn bốt địch trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975. Bộ đội nhân dân ôm hôn nhau trong niềm vui chiến thắng đầy xúc động. Dòng người cùng cờ hoa chiến thắng mà đồng chí nào cũng rơi nước mắt. Cha con gặp nhau, vợ gặp chồng và đồng đội gặp nhau, sau bao năm xa cách vì khói lửa chiến tranh bởi người còn người mất.

Chúng tôi đứng sát nhau ngân vang ca khúc: Giải Phóng Miền Nam và bài Tiến Quân Ca, đồng đội nhìn nhau mà bùi ngùi xúc động. Cờ tung bay trên dải đất miền Nam đã thấm đẫm máu xương của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, ngã xuống trên chiến trường đầy khó khăn cùng thử thách của khói lửa chiến tranh.

BÀI CA KHÔNG QUYÊN

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Nhớ về đồng đội


Có bao giờ quên được đồng đội ơi!
Mộ phần các anh ở nhiều vùng đất nước
Dẫu những mộ phần chúng tôi chưa tìm được
Đất nơi nào cũng là đất quê hương.

Nhớ lúc hành quân anh nằm lại chiến trường
Vĩnh biệt anh không nén hương để thắp
Mới thấu hiểu sự tận cùng đau xót
Từng cuộc chia ly nóng bỏng căm hờn.

Thương những chàng trai chưa biết đến nụ hôn
Chữ "yêu" tôi tìm cũng vắng trong nhật ký
Chỉ ăm ắp những dòng chứa chan về mẹ
Hỏi trang nào dành trọn vẹn cho em?

Thương những chàng trai tôi chưa kịp quen
Mới đôi lời hỏi thăm miền Bắc
Đã vội hành quân cùng nhau đánh giặc
Đêm vẫn đêm trường sao phải tiễn anh đi?

Các anh mãi là những ánh sao khuê
Còn chúng tôi vẫn trong đội ngũ
Nhớ về các anh không bao giờ là đủ
Nghĩa tình này đâu biết đến phôi phai.



Nguồn : AChau (Theo bulletin.vnu.edu.vn)

Trận MỘ ĐỨC-QUẢNG NGẢI và cái chết của một vị Tiểu Đoàn Trưởng TQLCVN.

Bài viết này của cựu sĩ quan VNCH về trận càn năm 1966 tại Mộ Đức. Đây là một góc nhìn khác của cuộc chiến dũng cảm của bộ đội địa phương và quân chủ lực khu V.



Gần nữa thế kỹ đã qua, biết bao nhiêu là mưa nắng đổi dời. Thiếu úy lờ quờ mới ra trường LÊ VĂN THỜI ngày xưa giờ đã là Ông cụ, đang bước thật gần vào tuổi CỔ LAI HI, cô đơn ngồi nhớ lại bạn bè đứa còn, đứa mất không khỏi ngậm ngùi !!
….
Nằm tại núi Thiên Ấn, bên cầu Trà khúc, Quảng ngãi, Tiểu đoàn 5/TQLC chúng tôi biệt phái cho Quân đoàn 2, Vùng 2 chiến thuật tính đến nay đã hơn 1 tháng.
Theo chúng tôi được biết tình hình Quảng Ngãi hiện tại cũng chẳng có chi đáng quan ngại, mặc dù trước đây Quảng Ngãi là nơi hang ổ cuả quân Cộng sản, nhưng những quận nổi tiếng nhất cuả Quảng Ngãi như Nghĩa hành, Mộ đức, Đức phổ ...

Ngay trong những ngày đầu tiên đến đây, chúng tôi có nghe xầm xì từ những anh em binh sỉ quê quán tại địa phương là đã có một Tiểu đoàn Điạ phương quân ly khai, kéo nhau ra Huế để hổ trợ cho đồng bào Phật tử xuống đường, chống chính phủ. Bằng chứng rỏ rệt hơn là đồng bào quanh vùng chúng tôi đóng quân, biểu lộ nhiều hành động kém thân thiện và không ngần ngại gọi thẳng thừng chúng tôi là lính Thiệu, Kỳ ...
Tôi còn nhớ, có một đêm, Trung uý NGUYỄN ĐĂNG HOÀ và tôi có đến thăm, đàm đạo cùng vị Thượng toạ chủ trì chuà Thiên Ấn. Trước mặt chúng tôi, vị chủ trì nầy không ngớt lên án Chính quyền Miền nam, biểu lộ nhiều cử chỉ, hành động kém thân thiện mặc dù chúng tôi rất mực cung kính Ông.
….
Tuần cuối tháng 6/1966, ngay những ngày đầu tuần, tất cả Tiểu đoàn, không khí bổng dưng nhộn nhịp sôi động hẳn lên khi chúng tôi được lệnh chuẩn bị 2 hôm nữa, chúng tôi sẽ được về lại Sàigòn. Anh em binh sĩ đổ xô đi mua quà kỷ niệm. Hai thứ được ưa chuộng nhất là nón lá bài thơ cuả Huế và Mè xửng, kẹo gương đặc sản địa phương Quảng Ngãi. Nhìn binh nhì NGUYỄN VĂN TỴ, tỉ mỉ gói những phong kẹo gương, cột chặt lại mấy cái nón lá bài thơ với gương mặt rạng rở, tôi bổng vui lây với cái vui hồn nhiên cuả hắn.

Buổi chiều, trong khi tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê bên quán cóc dựng bên bờ sông Trà khúc, thả hồn mênh mang theo lượn nước lững lờ, mơ màng nghĩ đến những ngày vui sau ngày mai, khi trở lại Sài gòn thì Thượng sỉ thường vụ Đại đội đến mời tôi về Đại đội họp gấp. Ngạc nhiên, tôi hỏi Thuợng sỉ biết họp có chuyện gì ? ông ta chỉ lắc đầu:
- Dường như là chuẩn bị hành quân ngày mai, tôi cũng không rỏ lắm.
- Uả, ngày mai mình có lệnh về Sài gòn mà ??
Thượng sỉ già thường vụ chỉ lắc đầu, quày quả bỏ đi.
Tôi hối hả đến chổ Ông già HUỆ, ( Đại úy VÕ TRÍ HUỆ, Đại đội trưởng ĐĐ1/TĐ5 TQLC ) đến nơi tôi thấy NGUYỄN NGỌC TƯ (TƯ LỰU ĐẠN Trung đội trưởng trung đội 2), NGÔ ĐÌNH LỢI ( Trung đội trưởng, trung đội 3 ), 2 thằng bạn cùng khoá 20/VBDL với tôi, TRẦN VĂN HÊN ( HÊN ĐUI, Trung đội trưởng, trung đội súng nặng ) đã có mặt.

Chúng tôi được phát mỗi thằng một phóng đồ hành quân. Với nét mặt đầy bất mãn, cộng thêm với những cái khắc khổ sẳn có, Đ/u ĐĐT cho biết là Bộ tư lệnh SĐ2/BB yêu cầu chúng ta ở lại thêm một ngày, giúp họ thêm một lần hành quân lục soát trước khi rời khỏi nơi đây. Cuộc hành quân thực là đơn giản, Tiểu đoàn sẽ nhảy trực thăng vào một ngôi làng, nằm dọc theo bờ sông vệ, thuộc quân Mộ đức, khoảng 2 cây số Đông cuả Quốc lộ 1. Tiểu đoàn sẽ cho lục soát từ đó thẳng ra Quốc lộ 1. Đến Quốc lộ 1 là chấm dứt cuộc hành quân, sẽ có xe GMC cuả SĐ2, đón về lại núi Thiên ấn.

Lực lượng địch, được cho biết là có khoảng hơn trung đội du kích, thường hay khuấy phá, có thể có tăng cường quân chính qui, không rỏ cấp số.

Phần bạn, có một Tiểu đoàn Điạ phương quân nằm án ngử, cách Quốc lộ 1 vài trăm thước, cũng là thành phần trừ bị cho Tiểu đoàn.

Lệnh: mang theo một ngày cơm vắt, dự trù sẽ chấm dứt sớm trong ngày, chỉ cần mang theo trang bị hoả lực cá nhân, không mang theo ba lô, đồ ngủ cồng kềnh ...

Đại úy Đại đội trưởng nhấn mạnh: Đây là vùng dân cư, tuy còn là xôi đậu, nhưng cấm không được phá hoại, làm thiệt hại tài sản cuả dân, phải tuyệt đối thận trọng vì có thể bọn du kích trà trộn, bất ngờ gây thiệt hại cho ta.

Kế hoạch hành quân được Đại úy VÕ TRÍ HUỆ cho biết, dự trù như sau:
Tiểu đoàn sẽ trực thăng vận, đổ quân làm 2 cánh vào khoảng trống cuả 2 bên bià làng. Từ nơi đổ quân đi ra, phiá bên trái là sông Vệ, dân chúng ở nối dài dọc theo bờ sông , chiều ngang cuả làng không quá 200 mét, xa về bên phái có rặng núi thấp, nhấp nhô ( Tôi không nhớ tên là núi gì )
Để nhanh chóng chấm dứt cuộc hành quân, Tiểu đoàn chia ra làm 2 cánh, tiến song song. Bên trái, cạnh bờ sông, do Đại úy PHẠM NHẢ, Tiểu đoàn phó chỉ huy, cánh phải, do đích thân Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá DƯƠNG HẠNH PHƯỚC chỉ huy.
Cánh quân bên phải, đi đầu là Đại đội 4, Trung uý DƯƠNG BỬU LONG, Đại đội trưởng, với sự phụ giúp cuả Thiếu uý LÊ ĐÌNH QUỲ, khoá 20 VBDL, Đại đội phó, kiêm Trung đội trưởng. Kế tiếp là Bộ chỉ huy Tiểu đoàn với Trung đội Quân báo, theo sau là Đại đội 2, Trung úy NGUYỄN VĂN PHÁN, Đại đội trưởng, Đại đội phó: không nhớ. Phiá cánh trái, đi đầu là Đại đội 1, Đại uý VÕ TRÍ HUỆ, Đại đội trưởng, Trung uý NGUYỄN ĐĂNG HOÀ/ Hoà râu, Đại đội phó, phiá sau là Bộ chỉ huy nhẹ Tiểu đoàn, Đaị uý PHẠM NHẢ, Tiểu đoàn phó và sau cùng là Đại đội 3, Trung uý NGUYỄN ĐÌNH THUỶ /Khoá 16 VBDL, Đại đội trưởng, Thiếu uý LÊ QUÍ BÌNH /Khoá 19 VBDL, Đại đội phó.
- Ngày mai, tất cả phải sẳn sàng lúc 5 giờ sáng để ra bải trực thăng cuả SĐ2, Thời, trung đội 1, toa trực, sẽ nhảy chuyến đầu tiên, sau đó là Tư và Lợi ....Các toa có thắc mắc gì không ?
Đại uý HUỆ kết thúc buổi họp với sự phân công như trên. Chúng tôi, là những Thiên lôi, chỉ đâu đánh đó, đã quá quen với những cuộc hành quân như thế nầy, nên chẳng ai có thắc mắc gì, tuy nhiên đặc biệt trong lần nầy, mấy thằng Trung đội trưởng chúng tôi đều có thắc mắc ngoài lề.
- Sao lại có chuyện kỳ cục vậy Đại uý, không phải mai mình về Sai gon ? Chỉ là hành quân lục soát chứ có phải đụng nặng đâu mà phải xử dụng khẩn cấp mình ? Chuyện gì đây ???
- Moi cũng đâu có biết đâu, ngay Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng ổng cũng không ngờ, Chiều mai mình mới được bốc về Sài gòn, Bà ấy từ Sài gòn ra, có làm tiệc khoản đải từ giả mấy xếp ở đây, tại Câu lạc bộ Phượng hoàng sáng ngày mai.
Trước khi ra về, chuẩn bị cho cuộc hành quân ngày mai, Trung uý HOÀ RÂU, Đại đội phó, lầu bầu với chúng tôi:
- Mẹ ! đúng là con ghẻ, mồ côi, được dịp xài, xài cho quá mức...!!
Chúng tôi im lặng không nói gì, chỉ có Tư Lựu đạn lắc lắc đầu ( Tật cố hửu cuả hắn ) nhoẻn miệng cười ruồi !! Tôi thật tình không hiểu nụ cười cuả hắn hôm nay là bất mản hay là ... đau khổ !!
…..
Chúng tôi có mặt sẳn sàng tại bãi bốc SĐ2 lúc 6 giờ sáng. Trực thăng Mỹ sẽ bốc chúng tôi vào 6:30. Có 10 chiếc trực thăng bốc quân và vì phải đổ quân một lúc cho 2 cánh nên mỗi lần bốc 5 chiếc cho mỗi cánh quân. Trung đội tôi trực hôm nay nên sẽ được bốc đầu tiên.
Chưa quá 5 phút bay, trực thăng bổng bất ngờ đột ngột đổi cao độ, xà xuống bãi đáp. Không hiểu vì quá chủ quan hay vì một lý do đặc biệt nào khác mà cuộc đổ bộ hôm nay có vẻ khác thường hơn những lần đổ bộ khác, tôi không thấy có trực thăng chỉ huy và trực thăng cobra yểm trợ. Trong lúc trực thăng vừa xà xuống, tôi nghe từng loạt AK bắn bốp bốp vào chúng tôi. Do kinh nghiệm và phản ứng tự nhiên, khi trực thăng còn khoảng 3 thước cách mặt đất, chúng tôi đã bung mình nhảy xuống. Ngay lập tức trung đội tôi bung rộng ra an ninh chung quanh bãi đáp, chưa kịp gọi báo về Đại đội, chúng tôi đã hạ 5 tên, bắt sống 2 tên tại chổ !!. Một phép lạ nào đó, khi kiểm soát lại, trung đội tôi chưa bị một thiệt hại nào.
Vừa gọi báo tỉnh hình về Đại đội, vừa ra lịnh Trung đội nhanh chóng tiến chiếm mấy vuông nhà trước mặt theo hướng tiến quân. Tiếng AK và Garant cuả ta và địch vang động không ngừng.
Tiến chiếm liên tục khoảng 5 vuông nhà, nhà ở đây gần giống như ở thôn quê miền Nam, có từng vuông vườn riêng biệt, san sát nhau vừa tre, vừa khóm ...nhưng khô ráo, không có mương rảnh như trong Nam, lúc vừa chiếm xong vuông nhà thứ 6, tôi ngoảnh sang bên hỏi to:
- Tụi bây có lục soát căn nhà nầy chưa ?
Binh nhì Tỵ, đệ tử ruột cuả tôi, từ cửa sau căn nhà bước ra, vừa nói:
- Dạ xong rồi Thiếu uý.
Ngay khi tiếng uý vừa dứt, một tràng AK trước mặt bắn xả về phía chúng tôi. Khi nghe Tỵ trả lời, tôi quay sang nhìn hắn, Tỵ chỉ cách tôi khoảng 2 thước, tôi thấy Tỵ giật người lên, ngả xuống như một thân cây vừa mới đốn. Phản ứng tự nhiên, tôi nhào lại đở Tỵ dậy. Nguyên một tràng AK đi chéo từ dưới lên trên đã ghim vào thân thể cuả Tỵ. Máu trong người Tỵ bắn vọt lên đầy quần áo, mặt mũi cuả tôi .... Tôi chỉ kịp thấy Tỵ trợn trừng cặp mắt nhìn tôi, thân hình giật giật lên mấy cái rồi nghẻo xuống, bất động.

Thật khó mà diễn tả cho hết được những gì trong tôi hiện tại, mùi máu tanh cuả Tỵ, hoà lẫn với mồ hôi cuả tôi, chảy dài trên mặt, thấm vào miệng vừa mặn, vừa tanh đã không làm cho tôi hải sợ, mà trái lại, đã làm máu điên trong người tôi bừng bừng nổi dậy. Tuy mới ra trường, về TQLC chưa quá 7 tháng, tôi đã nổi tiếng là một sỉ quan du đảng, chịu chơi, rảnh ra là uống rượu và đánh lộn. Cái máu nầy đã làm cuộc đời binh nghiệp cuả tôi ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh về sau nầy .... Buông Tỵ xuống, máu nóng trong người tôi hừng hực dâng lên, tôi khoát tay ra lệnh toàn Trung đội XUNG PHONG !.không cần là chân vịt, chân vẹt chi nữa cả. Binh nhất Nguyễn văn Chiến, xạ thủ Trung liên BAR, vừa khom mình nắm tay nắm trung liên định chạy theo tôi thì lại một loạt đạn AK nữa nổ về phía chúng tôi, Chiến lãnh 2 viên vào Mông trái, Tôi thấy rõ ràng mảnh thịt và máu văng lên, thêm một lần nữa, máu cuả Chiến lại văng vãi lên tôi.
Không ngờ chúng tôi phản ứng liều lĩnh và thần tốc như vậy, nguyên một toán Việt công khoảng 6 tên trước mặt phóng lên, bỏ chạy. Nhưng quá trể rồi, chạy đi đâu được với những chiến sĩ Hắc Long chúng tôi, bọn chúng bị hạ ngay tại chổ ( thời gian nầy TQLC chúng tôi còn xử dụng Garant, Trung liên Bar, Đại liên 30 ...)
Tiến chiếm một lúc thêm hơn 5 vuông nhà nữa, đến một đống rơm, tôi ra hiệu cho Trung đội dừng lại để thở. Hạ sĩ SANG, hiệu thính viên PRC10 ngồi cạnh bên tôi, thấy mặt mày, mình mẩy tôi đầy máu, Sang hỏi tôi:
- Ông thầy có bị thương đâu không vậy ?
Tôi bảo là cũng không biết có bị chỗ nào không, đâu xem thử dùm coi có bị gì không vậy ?
Sang quan sát, rờ vào những chỗ nhiều máu nhất trên người tôi xong xác nhận không thấy có vết nào, tôi bảo hi vọng là không sao, không nghe đau đặc biệt ở đâu cả. Móc bi đông làm một ngụm nước, máu và mồ hôi lần nữa được dịp thấm vào giọng cuả tôi. Bình thường, mùi máu tanh nầy sẽ làm tôi nôn mửa, nhưng hôm nay, tự mình nếm những giọt máu cuả đồng đội, hoà với mồ hôi mặn cuả mình, tôi chẳng những đã không buồn mửa mà cảm thấy như là những cốc rượu Martel không pha đá, làm đắng miệng và nóng hừng hực lòng tôi !!
Vì chủ quan, không mang cơm theo, sau một lúc quần thảo, tôi cảm thấy hơi sót ruột. Trong lúc quan sát phiá trước, chuẩn bị tấn công tiếp, tôi nghe mùi Mít chín thơm lừng, Chiêu, tà lọt tôi, móc ra từ đống rơm một trái mít ướt đã chín, banh ra trước mặt:
- Kệ Mẹ nó, tính sau, dớt đở đi ông thầy.
Cuộc đời những thằng lính TQLC cuả chúng tôi là như vậy, cái chết thật hết sức bình thường và cũng chính từ cái bình thường đó, chúng tôi đã tự xem thường hết tất cả mọi sự. Thử hỏi Cái chết đã chẳng còn quan trọng thì còn có cái gì thật sự được xem là quan trọng đây ??

Trong lúc ngồi nuốt vội mấy miếng mít ướt nhảo nhẹt, nghe tiếng heo, gà kêu la eng éc chung quanh, tôi bỗng giật mình nghĩ ra: Lạ thật, khi họp hành quân được cho biết đây là vùng dân cư đang ở, thế mà tôi có thấy bóng dáng người dân nào đâu? mỗi căn nhà chiếm qua, chúng tôi đều có lục soát cẩn thận, thế mà nào đã thấy ai đâu ? Tôi chợt nghĩ loé lên, không lẽ chúng tôi đã xông vào một chiến trường được chuẩn bị và sắp đặt từ trước ? Không lẽ tin tình báo cuả Sư đoàn 2 lại tồi tệ đến mức như vậy sao? Cả một khối dân di tản mà không một ai hay biết ?? Nghĩ thì nghĩ như vậy, nhưng là một thiếu úy quèn, chỉ huy vỏn vẹn không quá 30 người lính, cho dù có đúng hay sai, tôi sẽ phải làm được gì đây? Hơn nữa, tình hình hiện tại không cho phép tôi suy nghĩ nhiều hơn khi mà trong máy lại vang vang tiếng Đại uý Huệ hối thúc tôi nhanh chóng xông về phiá trước.

Lấy lại bình tỉnh, tôi bắt đầu cho áp dụng đúng binh pháp, cho tiến chiếm theo thế chân vẹt, Tiểu đội yểm trợ, Tiểu đội xung phong, cứ thế lần lượt thay nhau. Lần tấn công nầy không mấy khó khăn như những vuông nhà trước, địch chỉ bắn vu vơ xong bỏ chạy, trái lại, bên phải tôi, cánh quân cuả Đại đội 4, tiếng súng cuả ta và địch vẫn dòn dả, tôi nghe được cả tiếng chửi thề vang vọng cuả quân ta. Nhưng cánh quân Đại đội 4 cũng thanh toán và tiến rất nhanh, gần song song với tôi. Thêm mấy vuông nhà nữa, Trung đội tôi lọt ra một vùng đất trống, đúng hơn đó là bải cát và rừng chồi lúp xúp ngang bụng. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao áp lực bên tôi nhẹ hẳn đi. Thì ra bọn VC chỉ nằm ở các vuông vườn nhà dân mà không nằm ở khoảng rừng chồi trước mặt, có lẻ nhằm tránh hoả lực yểm trợ từ trực thăng võ trang cuả ta. Đại đội 4 cũng vừa ra khỏi vuông nhà, phiá trước mặt là một dãy đất cao, giống như bờ đê ấp chiến lược. Sau khi chiếm dãy đất cao, tất cả Tiểu đoàn được lệnh dừng lại tạm nghỉ.

Phiá trước mặt Đại đội 4 bây giờ là một khoảng đất trống ngắn, ước khoảng không hơn 20 thước, có rừng chồi lưa thưa. Qua khỏi khoảng trống ngắn đó là một khu nhà dân, bề ngang khoảng hơn trăm thước, chạy dài ra tới gần Quốc lộ. Khoảng cách cuả chúng tôi từ đây ra Quốc lộ cũng khoảng 1000 thước thôi. Trong làng có nhiều tre và trông có vẻ rất um tùm, khó quan sát. Trước khi vào bià làng, phải qua một con mương rộng khoảng 4 thước, xâu khoảng 1 thước rưởi. Đây có lẻ là hào chống chiến xa. Hào nầy chắc đã có từ lâu, dưới lòng hào không có nước, nhưng có nhiều cỏ ngắn. Phiá bên phải cuả làng cũng là khu rừng chồi lưa thưa.

Trên đầu chúng tôi lúc nầy, đang có một L19 cuả Không quân Việt nam vòng vòng quan sát. Tiếng súng được tạm thời im lặng khoảng gần 20 phút. Bây giờ có lẽ cũng hơn 3 giờ chiều, ánh nắng mặt trời hơi chếch về tây. Hạ sỉ Sang đưa ống liên hợp cho tôi bảo là Đại bàng muốn gặp. Đại uý Huệ bảo tôi chuẩn bị sẵn sàng, khi nghe hô xung phong sẽ cùng đồng loạt nhào lên. Tôi đáp nhận và thông báo, ra lệnh Trung đội sẵn sàng !!

Phút chờ đợi thật hết sức là ngột ngạt !! Vài phút sau, khẩu Đại liên 30 tăng phái cho Đại đội 4 bắt đầu tác xạ vào làng...

Vừa dứt tràng đại liên, súng nhỏ đồng loạt khai hoả. Tiếng hô xung phong từ Đại đội 4 vang động cả một vùng. Tôi và cả Trung đội, nhổm dậy cùng tiếp hô xung phong và phóng mình lên phiá trước.

Tiếng súng nhỏ phiá Đại đội 4 bổng dưng thưa thớt, tôi bất ngờ nghe một tiếng xung phong vang vọng lần thứ 2, lần nầy không phải từ phiá ta mà là phát lên từ phiá trong làng, tôi chỉ kịp thấy loáng thoáng những bóng người từ trong làng lao vụt ra, hướng về phiá Đại đội 4. Bọn địch bật dậy từ những hầm chử A kiên cố ở bià làng. Hai bên đã bắt đầu lao vào nhau cận chiến. Cận chiến ngay tại bià làng, ngay dưới hào chống chiến xa ... Đồng thời, hoả lực từ trong bià làng chuyển thẳng về phiá cánh trái chúng tôi, mấy khẩu thượng liên ào ạt bắn rát về phiá trung đội tôi. Vì là rừng chồi thưa, cao chỉ ngang bụng, khoảng cách không hơn 50 thước, chúng tôi không còn cách gì khác hơn là nằm xuống tại chỗ, chịu trận. Đã vậy, phiá sau chúng tôi, 2 đại đội bọc hậu cũng đang bị đồng loạt tấn công. Thì ra, chúng tôi đã bị luà vào chỗ chết, bốn bề thọ địch, không còn ai có thể cứu ai !!

Trong lúc đó tiếng la hét, chửi rủa vẫn còn rầm rập vang động phiá Đại đội 4. Biết Đại đội 4 đang lâm nguy nhưng tôi không làm sao ngóc đầu lên được ở cái điạ thế quái ác nầy. Bất ngờ một người chạy lao đến, nằm bên tôi. Nhìn lại thì ra là Trung sỉ THẠCH RÊN, trưởng toán cận vệ cuả Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng. Tôi hết hồn:
- Thiếu tá ra sao rồi ?? sao Anh lại ở đây ?
Thạch Rên nhìn tôi lắc đầu không nói gì cả. Tôi bổng thấy rợn cả người !! Không lẽ Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng đã hi sinh ? Thú thật tôi không thể ngờ, cũng không thể tưởng tượng được ra rằng Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng thật sự đã hi sinh !!.

Chiếc L19 vẫn lượn trên đầu chúng tôi. Nhìn sang bên kia bờ sông Vệ, xa về phiá Quốc lộ 1, tôi thấy rỏ căn cứ hoả lực với mấy khẩu đại bác, nhưng chắc chắn không thể giúp gì được trong hoàn cảnh hiện tại cuả chúng tôi.
Súng đạn và sự hỗn loạn dần dần tạm lắng xuống. Lúc nầy Thạch Rên mới lấy lại bình tỉnh kể sơ lại tôi nghe.Vì luôn luôn kề cận bên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nên lời hắn kể nhất định là chính xác. Theo như lời Thạch Rên tóm tắt với tôi là khi dừng lại nghĩ trên bờ đất, Quan sát viên L19 có báo cho Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng là có nhiều dấu hiệu trong ngôi làng phiá trước mặt có thể có một đơn vị lớn cuả địch, nhưng Thiếu tá Phước không tin, cho rằng có thể là dân chúng trong đó thôi. Lúc xung phong vào làng, chính Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng cùng toàn ban tham mưu Tiểu đoàn đã nhào lên phiá trước với Đại đội 4.

Khoảng gần nữa tiếng sau, tiếng súng dần dần im, cái im lặng thật hãi hùng. Đại uý PHẠM NHẢ, Tiểu đoàn phó, cho các Đại đội quây lại, nằm tại chỗ. Kiểm điểm lại, Đại đội 4 bị thiệt mất gần 3 trung đội, trung uý Long không sao. Toàn ban tham mưu Tiểu đoàn chỉ có Trung uý LÊ VĂN HUYỀN, Ban 2 và một số thật ít Quân báo, chạy ngược được về phiá sau, Đại đội 2, sống sót, còn lại tất cả đều đã hi sinh: Thiếu tá DƯƠNG HẠNH PHƯỚC, Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Cố vấn trưởng, trung uý phụ tá Cố vấn và thượng sĩ truyền tin, Bác sĩ Tiểu đoàn LÊ HỮU SANH cùng một số sĩ quan, quân nhân chuyên môn trong ban chỉ huy Tiểu đoàn.

Trung đội tôi, dù dưới áp lực thật nặng nề cuả hoả lực địch trong một tầm bắn rất gần, nhưng may mắn chỉ vài anh em bị thương nhẹ.
Đến giờ phút nầy, tất cả cấp chỉ huy lớn nhỏ chúng tôi đều hiểu rằng chúng tôi đang lọt vào vòng vây đã được sắp dặt sẳn cuả địch. Không thể tiến và cũng chẳng có thể lùi, chỉ duy nhất là tử chiến tại chỗ. Chúng tôi, mấy tên Trung đội trưởng, được gọi đến gặp Đại uý Đại đội trưởng. Đại uý Huệ, đôi mắt đỏ hoe, cố ngăn ngấn lệ, thông báo cùng chúng tôi tin buồn sơ khởi trên, đồng thời báo cho chúng tôi biết là Giặc có khả năng sẽ tràn ngập chúng tôi bất cứ lúc nào. Lệnh: Đào hố, sẵn sàng tử chiến tại chỗ, tất cả nếu có bất cứ ai bỏ chạy khỏi vị trí sẽ bắn ngay. Chỉnh đốn lại đơn vị, chờ lệnh mới.

Đại úy Cố vấn phó đề nghị cho không lực Hoa kỳ đến dội bom nhưng Đại úy NHẢ không đồng ý vì xác Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng, Cố vấn, Bác sĩ ... và nhất là không nắm rõ tình hình quân ta ai còn, ai mất bên trong làng ? !
Trở lại Trung đội, đang họp thông báo cùng quí vị Tiểu đội trưởng, qua ám danh truyền tin, Đại đội kêu tôi cho thả trái khói màu vàng( Có lẻ theo yêu cầu cuả L19 ). Tôi vừa cho bật trái khói màu vàng, thì ngay tức khắc bên trong làng cũng bật trái khói màu vàng, tôi được lệnh bật tiếp trái khói màu tím, thì cũng vậy, ngay tức khắc trong làng cũng bật trái khói màu tím !!!.

Khoảng hơn 4 giờ chiều, trong lúc chúng tôi căng mắc theo dõi từng diễn tiến cuả địch, chờ đợi một cuộc tấn công tràn ngập thì phiá Quốc lộ 1, nơi Tiểu đoàn Điạ phương quân án ngữ và trừ bị cho chúng tôi, tiếng súng bỗng vang lên rầm rộ, dòn dã, chứng tỏ họ cũng đang đụng nặng. Thì ra, họ được lệnh vào tiếp viện cho chúng tôi, nhưng vừa rời khỏi vị trí, họ đã bị chận đánh, không vượt qua được !!

Theo suy nghĩ cuả chúng tôi, nếu tình trạng nầy kéo dài, chúng tôi có thể sẽ bị tiêu diệt trong đêm nay. Nghĩ thì nghĩ nhưngchúng tôi vẫn tin tưởng vững chắc ở chính mình vì muốn tiêu diệt chúng tôi, một Tiểu đoàn TQLCVN thiện chiến, bọn VC cũng sẽ phải trả một giá thật đắt cho hành động liều lĩnh đó, cho dù bọn chúng đông đến cở nào, chúng tôi trong thế thủ, bọn chúng sẽ là những bia thịt cho chúng tôi xơi tái. Nổi lo lớn nhất cuả chúng tôi lúc nầy là số đạn dược cá nhân trên mình Anh em binh sĩ, sau một ngày chiến đấu đã vơi đi khá nhiều, sẽ không đủ để xử dụng nếu không được tiếp tế kịp thời trước hành động tấn công biển người cuả bọn chúng !!.

Hạ sĩ Sang đưa ống liên hợp bảo là Đại bàng muốn nói chuyện với tôi. Đại uý Đại đội trưởng báo một tin mừng là sẽ có một Chi đoàn Thiết quân vận sẽ vào tiếp viện và tiếp tế đạn dược cho chúng tôi, từ Quốc lộ, họ sẽ tiến dọc bờ sông về hướng Trung đội cuả tôi, bảo tôi sẳn sàng, ra hiệu khi họ đến, tránh ngộ nhận. Tin nầy đến thật đúng lúc, làm cho tất cả mọi người phấn chấn hẳn lên. Chưa đầy 30 phút sau, chúng tôi đã nghe được tiếng xe Thiết giáp M113 ầm ì phiá Quốc lộ hoà lẫn với tiếng Đại liên dồn dập cuả Thiết giáp. Tôi cắt cử 3 khinh binh bò xa ra phiá trước sẵn sàng ra hiệu để đón họ.

Mặc dù về Tiểu đòan được gần 7 tháng nhưng với Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng DƯƠNG HẠNH PHƯỚC, tôi thực chẳng hiểu chi nhiều về Ông, chỉ được biết, qua mấy đàn Anh trong Tiểu đoàn, Ông là Đại Niên trưởng cuả chúng tôi, xuất thân từ khoá 10 VBLQDL. Dáng người cao to, nghiêm nghị ( Có Ông Tiểu đoàn trưởng nào, nhất là Tiểu đoàn trưởng cuả một Tiểu đoàn TQLC, mà không nghiêm nghị ! ). Lần tiếp xúc duy nhất cùng Ông đó là lần 5 thằng Thiếu uý mới ra lò chúng tôi về trình diện Tiểu đòan tại hậu cứ SUỐI LỒ Ồ. Và cũng gần như là một thông lệ, những thằng nhóc Trung đội trưởng mà tiếng lóng dành gọi chúng tôi là những HẠ SĨ CHỊU CHƠI !, muốn khỏi bị nắng chiếu đen da, xám mặt, chúng tôi luôn luôn tìm chổ tránh MẶT TRỜI !!

Thời gian lúc nầy quả thực là dài, quá dài !!! tiếng xe thiết giáp cứ vang động dồn dập nhưng khoảng cách từ Quốc lộ 1 vào chỉ 1000 thước thôi mà chờ hoài vẫn không thấy... Và rồi khi gần 6 giờ chiều, chiếc M113 dẫn đầu đã đến với chúng tôi. Quá vui mừng, tôi bật dậy, quên cả nguy hiểm, chạy ra tiếp đón họ. Từ trên xe, một Ông Trung tá, mặc bộ đồ Jumpsuit màu đen ( Giống như đồ bay cuả Pilot ) nhảy xuống. Ông vồn vả hỏi tôi: "Chào em, Em giúp Anh cho gặp cấp chỉ huy lớn nhất cuả Em ở đây". Tôi đưa tay lên chào và kịp nhìn tên NHƠN, thêu trên ngực áo cuả Ông. Thì ra Ông là Trung tá MÃ SANH NHƠN. Tôi báo cáo cho Ông biết là Đại úy Tiểu đoàn phó cuả tôi đang ở phía sau, tôi gọi Trung sĩ nhất VŨ ĐÌNH THU, Trung đội phó cuả tôi, đưa Ông đến gặp Đại úy Phạm Nhả. Lần lượt cả Chi đoàn M113 đều đã đến, nằm thành một hàng dọc trước trung đội tôi. Quá sung sướng, cả trung đội đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô Thiết giáp !!

Trời vừa sụp tối, nguyên chi đoàn Thiết quân vận dàn hàng ngang bên hông làng, tác xạ tối đa hoả lực vào làng. Đại đội 3 cuả Trung uý NGUYỄN ĐÌNH THUỶ, biệt phái một trung đội do Chuẩn Uý LƯƠNG VĂN CƯỜNG ( Cường Tây lai ) chỉ huy, nương theo hoả lực, bò vào hướng tấn công cận chiến lúc ban chiều để tìm lấy xác Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng, Cố vấn, Bác sĩ SANH và các Sĩ quan trong ban tham mưu Tiểu đoàn. Công tác nhanh gọn, hoàn tất trong vòng 15 phút.

Phần chúng tôi, cấp tốc mang những đạn dược vừa được tiếp tế từ M113 ra sau Ban chỉ huy Tiểu đoàn để phân chia cho các Đại đội. Sau đó, Chi đội M113 bố trí thàng vòng tròn, trong phạm vi phòng thủ cuả Trung đội tôi. Máy bay C123 bắt đầu bao vùng, thả trái sáng và sẳn sàng yểm trợ cho chúng tôi.
Với đạn dược vừa được bổ xung đầy đủ, nỗi lo cuả chúng tôi đã vơi nhẹ hẳn đi. Bây giờ thì chúng tôi đã sẵn sàng, tới đâu thì tới ....

Chiến trường sau một ngày thật sôi động giờ đã hoàn toàn im lặng, lợi dụng thời gian, chúng tôi móc sửa lại những hố cát đào vội ban chiều. Chúng tôi hầu như không có một ai ngủ được vì hầu hết không ai mang theo cơm, cái đói bây giờ có dịp thoải mái hành hạ chúng tôi !! Hơn nữa, qua trái sáng, quan sát vào làng, chúng tôi thấy rất rõ ràng bọn VC di chuyển lủ lượt bên trong, Không yên tâm, tôi đến gặp Đại uý Đại đội trưởng báo cáo tình hình và xin chỉ thị. Với giọng khàn khàn pha chút mệt mỏi, Đại uý Huệ bảo:
- Thây kệ nó, Toa dặn con cái cẩn thận quan sát, theo dõi. Nếu nó nhào ra chơi mình thì mình chơi lại, không cứ kệ bố nó đi !!

Khoảng gần 5 giờ sáng, toàn Đại đội 1chúng tôi sẳn sàng chờ dứt đợt tác xạ cuả Thiết giáp là bắt đầu xung phong vào làng, lần nầy chúng tôi sẽ vào bên hông trái cuả làng tức là từ phiá đóng quân đêm cuả chúng tôi. Thiết giáp vừa ngưng tác xạ, Toàn Đại đội 1 chúng tôi, lần nữa đồng loạt hô xung phong phóng thẳng vào làng !!

Nhưng, không có một phản ứng nào cuả địch, bọn chúng đã di chuyển khỏi nơi đây. Chúng tôi đổ ra lục soát. Ôi ! thật là thê thảm, Anh em binh sĩ Đại đội 4 và Trung đội Quân báo Tiểu đoàn chết đủ kiểu: Đứng, ngồi, nằm, quì, đâm, bắn, bóp cổ .... dưới hào chống chiến xa, trên bià làng ... Chỉ còn có 3, 4 người còn sống sót, bị thương, giả chết và sau đó bò trốn vào những lùm bụi cạnh hào chống chiến xa, trong đó có Thượng sỉ NGUYỄN VĂN LÔ, Trung đội phó cuả LÊ ĐÌNH QUỲ, Ông bị bắn bể gót chân, giả chết chui vào giữa bụi tre trốn kín trong đó. Ngay khi vừa vào, tôi đã cố công tìm kiếm Lê Đình Quỳ, nhưng không tìm thấy đâu cả, nghe tin Thượng sĩ Lô còn sống, tôi vội vả tìm đến hỏi thăm, Thượng sĩ cho biết lần cuối cùng còn thấy Lê Dình Quỳ đang cận chiến 1 lúc với 3 thằng VC dưới hào, nếu không tìm được xác như vậy chắc là đã bị bắt rồi !!( Điều nầy đúng, Lê Đình Quỳ bị bắt làm tù binh, được trao trả năm 1973 ). Có vài binh sĩ Đại đội 4 thoát chạy dọc bên phải làng và đã chạy đến Tiểu đoàn Địa phương quân Blocking force ngoài Quốc lộ 1.

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ lục soát, tản thương và di chuyển hoàn tất những Anh em tử sĩ, Tiểu đoàn được lệnh rút ra Quốc lộ 1. Xe cuả Sư đoàn 2 đã túc trực đưa chúng tôi về lại núi Thiên Ấn. Lúc ra gần đến Quốc lộ, một Ông Thiếu uý Điạ phương quân đến gặp tôi, xưng là Đại đội trưởng Đại đội Điạ phưong quân, nhờ tôi giúp vào lấy xác một số Anh em Địa pương quân còn kẹt trong làng. Tôi chỉ ra sau, kêu Anh gặp Đại uý Đại đội trưởng cuả tôi, tôi chỉ là Thiếu uý Trung đội trưởng, không có quyền hạn chi cả.

Sáng hôm sau, một hoạt cảnh thật là bi thảm chưa từng thấy !! Nào mè xửng, kẹo gương, nón lá bài thơ ... bị đạp, đập... vứt tung toé tràn lan khắp cả vùng đóng quân. Cả Tiểu đoàn hầu như im lặng, không ai buồn nói đến ai ... Nếu có, chỉ toàn là những tiếng chửi đồng loạt cuả anh em binh sĩ thật thậm tệ dành cho toàn bộ các cấp chỉ huy thuộc Bộ tư lệnh Sư đoàn 2/BB.

Và ngay sau đó, chúng tôi, toàn bộ Tiểu đoàn 5/TQLC được đưa đến nằm tại Phi trường Quảng Ngãi, tại đây chúng tôi được trang bị, bổ xung quân số tại chỗ từ Sài gòn đưa ra. Và vài hôm sau, 5 chiếc C130 đáp xuống bốc toàn bộ Tiểu đoàn chúng tôi, không phải về Sài gòn mà lúc phi cơ đáp xuống, chúng tôi ai cũng nhìn thấy tấm bảng thật to với dòng chữ: WELCOME-PHÚ BÀI-HUẾ.
Một đoàn dài GMC cuả Sư đoàn 1, bốc chúng tôi ra Đông hà, thảy tiếp vào rừng núi KHE SANH. Lần nầy những chiếc quân xa chở chúng tôi, dường như có vẻ có chút nhẹ nhàng vì chúng tôi vưà thiếu mất một người Anh cả DƯƠNG HẠNH PHƯỚC và một số Anh em đồng đội chúng tôi, đã từ chối không theo chúng tôi, uất hận nằm lại mãi mãi nơi một làng nhỏ vô danh bên bờ sông Vệ thuộc Quận MỘ ĐỨC-QUẢNG NGÃI.


Nguồn : TẠI ĐÂY

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

CUỘC CHIẾN THẦM LẶNG TRONG VÙNG ĐỊCH

Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2 

Ảnh mang tính minh họa


Về đội thu mua thuộc Ban hậu cần Trung đoàn, tôi cùng các đồng chí trong đội thường xuyên xuống vùng địch tiếp nhận lương thực thực phẩm, để cấp phát cho các đơn vị trong Trung đoàn. Nhiệm vụ đặt ra không ít khó khăn vất vả, Trung đoàn cử tới ba đồng chí trinh sát làm nhiệm vụ bám địch mở đường và mấy chục chiến sỹ thuộc đại đội vận tải 19, để cõng gùi hàng đưa về kho dự trữ cấp phát. Khi tổ trinh sát nắm tình hình thấy bảo đảm an toàn, cho người bí mật vượt qua quốc lộ đi vào thôn ấp nhận gạo muối do nhân dân đóng góp giúp đỡ cách mạng. Nhiều mặt hàng mua của vợ con binh lính địch đi mua từ khu quân sự đem về bán. Thôn ấp ngày thì địch kiểm soát, đêm tối bộ đội giải phóng chúng tôi vào, nên việc phân định kẻ tốt-xấu, người liên quan tới công việc đòi hỏi rất thận trọng. Người được giao nhiệm vụ ở lại trực tiếp chỉ huy tiếp nhận hàng hoá, rất lo cho các chiến sỹ mới từ rừng núi xuống, sợ các đồng chí không nắm được đường đi và tình hình địch, sẽ lạc vào ổ phục kích, bãi mìn.

Ngày đêm địch cho máy bay quần đảo, bắn hàng trăm quả đạn pháo cỡ lớn từ hạm đội ngoài biển vào, làm cho các xã vùng ven của Quảng Ngãi bị bom đạn cày xới tan tành. Đồn bốt địch mở loa kêu gọi nhân dân bộ đội và dân quân du kích đi theo chúng khai báo chiêu hồi. Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Trung đoàn đang ém quân ở phía tây Nam huyện Mộ Đức, hơn 8 giờ sáng đất trời yên tiếng bom rơi đạn nổ. Chúng tôi đồng loạt nhảy lên khỏi mặt hầm mừng Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, anh em ôm hôn nhau mà trào rơi nước mắt, đồng đội cười nói với nhau: Đất nước hoà hợp rồi các đồng chí ơi…anh em ơi, mấy chục người chúng tôi đứng sát nhau ngân vang bài:
“ Giải phóng miền Nam
Chúng ta cùng quyết tiến bước
Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước…”.

Đất trời yên lặng gần một giờ thì tiếng pháo địch từ núi Xương Rồng, Đức Phổ, chiến hạm ngoài biển Sa Huỳnh lại bắn đến ác liệt hơn, làm cho các chiến sỹ và nhân dân nơi đây tiếp tục đổ máu.
Sau tết cổ truyền Quí Sửu 1973, đêm đến đội công tác vượt qua đường một sang các xã phía đông của huyện Mộ Đức. Đường đi được du kích địa phương cùng trinh sát dẫn đường, đơn vị men theo bờ ruộng đến cạnh quốc lộ quan sát, nếu không có địch mấy chục người nhanh chóng vượt qua, đồng chí đi cuối đoàn cầm cành cây xoá dấu vết mặt đường qua lại.
Bà con nhân dân thôn một, thôn hai đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đức Lân tới chúc mừng. Quà cho mỗi đồng chí là chiếc khăn tay mùi xoa, bánh xà phòng thơm, những chiếc bánh xèo và bát cháo thịt vịt nóng… Đêm tối ngày ấy trên quê hương núi Ấn sông Trà, còn thấm đậm tình quân dân trên dải cát trắng miền Trung đầy bóng giặc lúc bấy giờ.
Tôi cùng mấy đồng chí xuống nằm lại vùng ven biển đợi nhân dân huy động đóng góp lương thực, mua thực phẩm để giao cho bộ đội trong Trung đoàn đến khuân vác mang về. Có hàng vận chuyển bằng tàu biển không số từ miền Bắc đưa đến, được nhân dân làng chài ven biển đem vào chôn xuống bãi đất cát đắp thành mộ giả, thôn ấp luôn bị địch càn quét khống chế. Mỗi khi bộ đội qua lại được bà con, cùng các cháu nhỏ cảnh giới xoá dấu vết giầy dép, nhặt mẩu thuốc lá do sơ ý vất ra cho vào bếp đốt…
Mỗi khi có giặc càn quét vào làng đồng chí Phạm Thị Nguyện, bí thư Đảng ủy xã Đức Lân căn dặn du kích: Nếu thấy không an toàn thì đưa đồng chí Tần, đồng chí San xuống hầm bí mật. Có đợt địch càn quét hàng tuần trong khu vực không sao liên lạc về đơn vị, để khi bộ đội xuống tránh được sự kiểm soát và giữ bí mật cho đường dây cung cấp. Anh em nằm sâu trong vùng địch kiểm soát được bà con đùm bọc khi có giặc, chăm sóc lúc ốm đau. Tình cảm của nhân dân nơi đây không bao giờ phai mờ trong ký ức của chúng tôi trong những ngày khó khăn gian khổ ấy.

Đêm ngày 13 tháng 3 năm 1973, đội công tác đi từ huyện Nghĩa Hành vượt đường quốc lộ số một sang xã Đức Tân- Đức Minh, gồm có: Trần Văn Tần, Phan Văn Tao, Trần Văn Ngọc và tôi, chỉ huy đơn vị xuống tiếp nhận mang vác hàng hoá về. Khoảng 22 giờ đêm hôm sau gùi hàng và bám theo kênh dẫn nước đến giáp đường quốc lộ, người dẫn đường dừng lại quan sát, thì từ phía sau có người nói nhỏ truyền lên: “các đồng chí không được đi vào đoạn này, vì chiều nay nhân dân đi làm, quan sát thấy địch ở cầu Dắt Giây chúng đem mìn ra khu vực này cài đặt …”
Nghe như vậy nên toàn đoàn quay đầu lại đi sang khu đất có mộ đắp, cách vị trí nói có mìn khoảng 100 mét. Khi quay lại đồng chí Phan Văn Tao đi trước, đến Trần Văn Ngọc và tôi, mỗi người cõng một thùng hàng đi cách nhau hơn 2 mét, khi anh Tao bước lên thì vướng vào quả mìn Clâymo của địch cài đặt, mìn nổ đẩy lùi anh Tao lại mấy mét, đồng chí Ngọc và tôi bị hất về phía sau. Ngay lập tức tiếng đề ba của pháo cối cùng tiếng nổ của đạn M79- AR15, đại liên pháo sáng của địch từ cầu Dắt Giây chúng bắn đến cấp tập. Tôi bò vào lay gọi đồng chí Tao, anh khẽ nghiêng người lắc đầu. Đồng chí Ngọc cố tháo chiếc đai gùi thùng dầu đậu phụng để tôi nâng anh sang lấp phía sau ngôi mộ tránh đạn bắn thẳng đến, anh Ngọc gượng nói; đồng chí quan sát xem địch có cho lính đến không, rồi anh tháo chiếc túi đựng sổ sách ghi chép diễn biến hàng ngày của đội đang quản lý cho tôi và nói: “Đồng chí mang túi cặp này về giao cho đơn vị, khả năng tôi và đồng chí Tao bị thương nặng không chắc có sống được…”. Nhận xong túi anh đưa tôi nói; hai đồng chí đợi tôi ra đón người vào khiêng anh ra. Anh Ngọc cầm tay tôi nói: “Em đi nhanh lên, đề phòng địch và pháo đấy”. Tôi chạy lại được hơn 100 mét thì gặp đội trưởng Tần cùng anh em du kích đang vào.

 Đồng chí Trần Văn Ngọc và Phan Văn Tao, được nhanh chóng khiêng đến trạm quân y tiền phương. Tại đây hai anh được Quân y trạm tận tình cứu chữa, nhưng vết thương quá nặng đã làm hai đồng chí hy sinh, vào quá nửa đêm ngày 15 tháng 3 năm 1973, trạm quân y tiền phương của tỉnh đội Quảng Ngãi đóng ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức.
Tôi cùng đội trưởng Trần Văn Tần, đứng lặng người vĩnh biệt đồng chí Trần Văn Ngọc, anh được sinh ra trên vùng đất kiên cường thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đồng chí luôn được các chiến sỹ quí trọng bởi vượt lên muôn vàn khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và chúng tôi nhớ đến câu chuyện mà đồng chí Phan Văn Tao, mới kể cho anh em nghe trong bữa cơm chiều nay:
Ngày Tao còn làm anh nuôi ở đại đội 14 súng 12,7 ly, trực thuộc Trung đoàn. Sau chiến dịch về đơn vị đóng quân gần cơ quan tham mưu. Một hôm mình lên ban chỉ huy thăm Trần Văn Tần, người đồng hương tỉnh Quảng Nam, thấy máy điện thoại kêu liên tục mà không ai nghe. Mình chạy vào nhà nhấc máy, đầu dây gọi hỏi đồng chí nào cầm máy đấy, mình nhanh nhảu trả lời; Tao nghe đây, đầu dây kia hỏi tiếp ai nghe đấy? Tôi vẫn trả lời Tao đây mà, đầu dây gọi nói to đồng chí nào mà lại trả lời như vậy. Mình không hiểu nên vẫn trả lời chiến sỹ Tao đây mà. Đầu dây gọi dập máy. Khoảng 15 phút sau thủ trưởng Phạm Xưởng có mặt tại ban chỉ huy hỏi đại đội trưởng, vừa rồi đồng chí nào thường trực máy điện thoại, anh Tần chưa hiểu đầu đuôi câu truyện báo cáo thủ trưởng: Tôi vừa xuống các trung đội kiểm tra chỗ ăn ở của anh em bộ đội, có Phan Văn Tao chiến sỹ nuôi quân nghe điện thoại hộ, đồng chí vừa gọi tôi về đây thì thủ trưởng tới...

Lúc này thủ trưởng Trung đoàn hiểu ra tên người trả lời trên máy điện thoại với ông là như vậy. Lãnh đạo ngồi tâm sự với chiến sỹ nuôi quân Phan Văn Tao, một gia đình có nhiều người tham gia cách mạng, mà hôm ấy cũng chỉ còn một bà mẹ già vẫn ngày đêm tần tảo vì miếng cơm manh áo và hương khói cho người chồng cùng mấy đứa con hy sinh cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Và giờ này đêm nay mẹ lại phải nuốt nước mắt vào trong, vĩnh biệt người con yêu quí cuối cùng của bà cho Tổ quốc, trên dải cát trắng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày hôm sau binh lính địch tràn vào các xã Đức Chánh, Đức Minh, Đức Lân, Đức Tân… tìm Cộng sản tiêu diệt, tôi cùng Trần Văn Tần mặc quần áo bà ba  đi ra cánh đồng ven biển huyện Mộ Đức, Bình Sơn, hàng tuần sau mới trở lại được Ban hậu cần Trung đoàn.

Cánh tiếp nhận mua hàng của đơn vị ở Quảng Ngãi bị địch phát hiện ngăn chặn, việc ra vào vùng ven gặp nhiều khó khăn. Trung đoàn quyết định cho đội di chuyển sang huyện Hoài Nhơn và Tam Quan tỉnh Bình Định, để tiếp nhận và mua hàng, đảm bảo cho công tác chiến đấu của Trung và Sư đoàn.
Sau khi đội chuyển sang tỉnh Bình Định, thì việc đi lại tiếp nhận có nhiều thuận lợi, hàng hoá được bà con vùng giải phóng và vợ con bính lính địch đi mua từ các thành phố thị xã vận chuyển về. Tiếp nhận mua hàng xong thuê xe Honda chạy mấy chục km về xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, cho vận tải cõng hàng lên kho trong hang đá ở khu vực An Đỗ cất dấu. Ngày nào cũng phải một hai giờ sáng mới về đến thôn ấp, dân làng nơi trú quân ngồi đợi xem đơn vị có mua được hàng về đủ an toàn không? Vì rất nhiều các chiến sỹ vận tải của Trung đoàn phải vượt núi trèo đèo, mong có lương thực thực phẩm mang về phục vụ cho các chiến sỹ đang ngày đêm chiến đấu ở Quảng Ngãi.
Chúng tôi được bà con thăm hỏi xong, đem xôi, sắn luộc, cơm nếp, bổ những trái dừa ngon mời chiến sỹ ăn uống. Biết bao khó khăn gian khổ những tháng ngày phải luồn sâu trong lòng địch, để móc nối tiếp nhận hàng về cho đơn vị, hình ảnh thân thương của người dân xứ dừa Bình Định, vẫn đậm mãi trong mỗi cán bộ chiến sỹ chúng tôi ngày ấy.

( Đầu đề bài viết do người đăng bài đặt )

HOA MUỐNG



Thủa anh đi chiến trường
Mái tóc em mới chạm vai áo
Anh đứng trên đường
Nhìn hoa muống dăng đầy như những vì sao kỳ ảo
Em vơ con cua, con cá nhọc nhằn,
Ngước mắt nhìn anh
Trong bộ quân phục màu xanh
Hàng phi lao chim ríu rít chuyền cành
Rặng đưa ta trồng phía trước
Trái màu xanh thẫm
Trải vào tóc em năm tháng
Anh thấy em dịu dàng

Anh đi qua Thăng Bình, Tiên Phước
Đạp lên những hàng rào chiến lược
Qua đèo Dăm, đèo Le bom tọa độ bất ngờ
Rừng Trà Mi hoa quế nở vô tư
Qua sông Tranh như gặp em hồi hộp
Con đò đưa sóng dội nhớ quê nhà
Anh cúi xuống hôn dòng sông bỗng thấy
Trong lòng anh rực cháy một màu hoa

Cứ thế các anh đi xa
Cùng những người đồng chí
Những bữa cơm rau rừng
Chia nhau từng ngọn muống
Chia nhau từng sợi nhớ quê hương

Ôi! Đất nước từ màu hoa muống
Từ  bờ cỏ xanh rờn kẻ dọc kẻ ngang
Từ cái giỏ đựng nhọc nhằn năm tháng
Màu xanh qua khói lửa thêm xanh
Anh bỗng thấy bao điều bình dị
Cái màu hoa tinh khiết cuộc đời
Cái màu hoa tím như vẫy gọi
Sáng mùa đông như ánh mắt người ơi!

Tác giả: Nguyễn n Núc ( Việt Hồng)
ĐT. 01632 76 87 98

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

NHỚ QUẢNG NAM

Dòng sông Thu Bồn 

Ai về với Quảng Nam xưa
Mưa bom, bão đạn sớm trưa chiến trường
Quảng Nam trung dũng kiên cường
Một lòng đánh mỹ coi thường hiểm nguy

Ai còn, ai đã ra đi
Bao người nằm xuống, biết khi nào về
Bao người là bấy nhiêu quê
Hết thời chinh chiến mải mê đời thường
Tảo tần cơm, áo nắng sương
Gian nan vất vả khôn lường ngọt cay
Mong về họp mặt một ngày
Nhớ thời đói quắt, đói quay không sờn
Thượng Đức, Núi chúa, Quế Sơn
Hòa Vang, Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành
Bây giờ chắc đã tươi xanh
Rưng rưng nỗi nhớ, sao đành nỡ quyên
Biết bao ngôi mộ không tên
Bơ vơ đâu đó, khắp miền Quảng Nam
Thu Bồn réo gọi mênh mang
Ru hồn tử sĩm ngân vang đất trời
Nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi
Khôn thiêng bạn hỡi bạn ơi … Nhớ về

Tác giả : Tạ Quốc Chiến - 0989. 974.069
Hoàng Diệu- Chương Mỹ- Hà Tây