LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Đêm chuẩn bị

Ngày mai chúng ta đòi lại phù sa
ngày mai chúng ta về cười rung bè rau muống…
đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Sau một chặng đường dài
đêm nay chúng ta ngồi trong hầm chật hẹp
súng với người ủ trong lòng đất
trận đánh ngày mai thức dậy với mầm cây.

Qua một chặng đường dài
chính khẩu súng đã làm ta tươi tốt
hạt gạo vẫn thường ăn mà người trồng không biết mặt
sao ta nhớ những ai đang ở đâu!

Ta nhìn lên trời, trời dậy ta khát khao
ta đi trong rừng, rừng nuôi ta dài rộng
mẹ dõi theo ta thức khuya dậy sớm
nắm cơm chiến hào xúc động quá, sao mai!

Xúc động quá, quê ơi!
nỗi căm giận không cứ chờ phải máu
mẹ ta ốm, húp bát canh rau dệu
chị ta hay ngồi khóc dưới bếp một mình
em ta ngủ hầm, sinh thấp khớp
ta nghe người ta nói đết bút, tưởng bút để mà ăn
chợp mắt mơ thấy người cho khoai, cho sắn.
Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Mưa choang choang như đá đập trên đầu
đất đẫm ướt gian nan không định trước
rừng cảm thấy điều gì không nói ra không được
ta nóng lòng ôm súng ngóng ngày lên.

Mưa bão liên miên, giặc giã cũng liên miên
ta nhạy cảm với trái tim chiến sĩ
cuộc chiến đấu nên thơ mà cũng khe khắt thế
để sống một nghìn năm, ta gắng vượt một ngày

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Ta đi trong rừng suốt một thời trai trẻ
đánh giặc là ước mơ vạm vỡ như rừng
quen nhớ nhà, quen nhạt muối
khúc dân ca hát đi hát lại
qua nhịp cầu, chân ta bước so le
măng lên sáng dọc đường đi
ôm bó chông dài săn thú dữ
đêm ngủ hầm, thèm sách vở
nghe tiếng chim hồi hộp chân trời
sao ta nhớ mùa, nhớ mùa quá, mùa ơi!
qua nương rẫy, ngẩn ngơ từng gốc rạ
sao ta yêu ta quá!
núi ngất quanh ta, đội ngũ đã xong rồi

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Sau một chặng đường dài
đêm nay chúng ta ngồi trong hầm chật hẹp
ngày mai chúng ta về
chúng ta về
cho con trai cày vỡ những bình minh
con gái đứng bên thềm hong tóc
cho chị lấy chồng xa về giỗ tết
cho mẹ già nhận mặt đứa con dâu.

Ngày mai chúng ta về gọi những cánh đồng bằng cái tên rất cổ
đất giấu những lá cờ như cây khô giấu lá
chúng ta về làm cơn mưa tự do..

Hữu Thỉnh.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

ANH HÙNG TRẦN VĂN ĐÌNH



   Trần Văn Đình, sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 8 năm 1960. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đội phó đặc công thuộc sư đoàn 2, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Được cách mạng giáo dục và giác ngộ, tháng 8 năm 1960, Trần Văn Đình đã vận động 2 thanh niên nữa bí mật trốn ra vùng căn cứ của ta tham gia bộ đội. Trong những năm đầu cuộc sống chiến đấu gặp muôn vàn gian khổ, thiếu thốn, đồng chí được điều về đơn vị bộ binh, rồi làm chiến sĩ nuôi quân, đi sản xuất, nhưng vẫn luôn luôn thể hiện rõ tinh thần tích cực, cần cù, tận tụy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

   Tháng 1 năm 1965, Trần Văn Đình được điều về đơn vị đặc công, đồng chí rất hăng hái luyện tập để nhanh chóng được tham gia chiến đấu. Mới học được 9 ngày, Trần Vãn Đình xin đi làm nhiệm vụ điều tra, chuẩn bị chiến trường.

   Trong 2 năm (1965 - 1966), Trần Văn Đình đã tham gia điều tra, chuẩn bị cho nhiều trận đánh, trực tiếp chiến đấu 9 trận, diệt 36 tên địch (có 7 tên Mỹ), bắt sống 5 tên, thu 21 súng các loại.

   Trong công tác điều tra, Trần Văn Đình có tác phong cụ thể, tỉ mỉ, chính xác. Trong chiến đấu, đồng chí luôn luôn thể hiện rõ tinh thần tiến công dũng cảm, kiên cường, tác phong đánh nhanh, đánh mạnh, đánh thọc sâu, đánh bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay.

   Trong trận đánh đồn Chà Vu (tháng 4 năm 1965), vừa được lệnh nổ súng, Trần Văn Đình đã nhanh chóng đánh thốc vào tung thâm vị trí địch. Bị thương vẩn không rời vị trí, đồng chí đã dũng cảm dùng tiểu liên, thủ pháo tiêu diệt từng hỏa điểm địch, chi viện tốt cho bạn diệt địch. Chỉ sau mấy phút, phân đội đồng chí đã diệt gọn vị trí địch và rút ra an toàn.

   Trong trận Ba Gia (tháng 5 năm 1965), vừa ở bệnh xá ra, vết thương chưa lành hẳn, Trần Văn Đình đã xin đi làm nhiệm vụ. Trận địa ta vừa bố trí xong thì địch phát hiện và nổ súng trước. Đồng chí dũng cảm lao lên như một mũi tên, giành quyền chủ động dùng tiểu liên diệt địch ngay từ đầu, truy kích sát gót địch, diệt 3 tên, bât sống 2 tên nứa. Sau đó đồng chí cùng phân đội làm nghi binh, tạo điều kiện cho đơn vị bạn diệt gọn 1 tiểu đoàn địch.

   Trong trận Chóp Chai (tháng 3 năm 1966), Trần Văn Đình được phân công đi chuẩn bị chiến trường, đồng chí đã kiên trì bám địch và chuẩn bị đường tốt, đưa bộ đội vào nhanh và an toàn. Khi nổ súng, thấy mũi chính diện chưa lên được, Trần Văn Đình dẫn phân đội xông thẳng vào dùng thủ pháo đánh sập ba gian nhà rồi vượt đoạn hào giao thông đánh chiếm ổ đại liên của địch. Hỗ trợ cho mũi chính diện, Trần Văn Đình chủ động, dũng cảm lao vào đánh khu nhà chỉ huy, nhà điện đài, trận địa cối, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị vào diệt gọn 1 đại đội địch, làm chủ trận địa.

   Trong mọi mặt công tác, Trần Văn Đình luôn luôn gương mẫu đi đầu, sống khiêm tốn, giản dị, đoàn kết thương yêu đồng đội, xây dựng đơn vị mạnh toàn diện, bảo đảm đã chiến đấu là giành thắng lợi.

   Trần Văn Đình đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 4 bằng khen và giấy khen, đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, Dũng sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ thi đua năm 1966 - 1968.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Trần Văn Đình được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.


Nguồn : DỰNG NƯỚC & GIỮ NƯỚC

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

ĐI TRONG RỪNG


Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao,
Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào,
Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng.

Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay;

Cây bồng bênh cười vui suốt ngày,
Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa

Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa,
Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò,
Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò,
Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh,
Cây lim uy nghi, sa nhân ma mỏng mảnh,
Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày.

Da bàn tay thường chạm với da cây,
Khuôn mặt người chạm vào mặt lá.

Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá!
Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau
Phạm Tiến Duật

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Cấm Dơi lừng lẫy

Âm mưu
Đầu năm 1967, Mỹ ào ạt đổ quân vào Quế Sơn, chọn Cấm Dơi xây dựng căn cứ quân sự của Lữ đoàn 173 (thủy quân lục chiến) và đặt tên “Ross”.
Đây là một trong những căn cứ lớn của chúng tại Quế Sơn với nhiều phương tiện hiện đại. Sau gần 1 tháng, chúng chặt phá gỗ quý, san bằng Rừng Cấm, xây công sự, hầm, hào với mục đích trở thành tuyến phòng thủ quan trọng để bảo vệ từ xa căn cứ liên hợp hải - lục - không quân tại Đà Nẵng.
Căn cứ được xây dựng với hệ thống công sự bê tông cốt thép, hệ thống bảo vệ được bố trí tầng ngoài, tầng giữa xen kẽ lô cốt với nhà hầm bê tông kiên cố. Trận địa pháo gồm 105 ly và 155 ly, cối 81 ly, cối 106 ly... đặt ở khoảng đất bằng giữa hai đồi Cấm Dơi và Đồi Gai. Sân bay cho HU1A, HU1B, tàu gáo, tàu rọ được bố trí phía nam đồi Cấm Dơi. Các ổ đề kháng DKZ75, đại liên cũng bố trí ở vị trí cao nhất mỏm đá của hai đồi này. Để bảo vệ căn cứ Cấm Dơi, chúng dựng 12 lớp rào kẽm gai, 6 lớp cọc sắt đan ô vuông thẳng đứng cao 2 mét, 6 lớp bùng nhùng kết hợp các loại mìn ba chấu, mìn ríp, mìn calaymo... Cứ khoảng 10-15 mét có 1 trụ đèn pha cao áp.

Cuối năm 1971, quân Mỹ rút khỏi Quế Sơn bàn giao chi đoàn thiết giáp cho quân chủ lực gồm Trung đoàn 5, Trung đoàn 6 thuộc Sư 2 bộ binh ngụy. Tại đây còn có Tiểu đoàn 77 biệt động quân biên phòng, 1 chi đoàn xe bọc thép và hơn 10.000 quân gồm một số đại đội địa phương, nghĩa quân, dân vệ. Quân chủ lực án ngữ và bảo vệ căn cứ Cấm Dơi phía bắc có dãy Động Mông, Đá Hàm; phía tây nam có Hòn Chiêng, Núi Đất, đồn Lạc Sơn; phía tây có Bằng Thùng; phía đông có quận lỵ Quế Sơn do lính địa phương trấn giữ.

Trận đánh oanh liệt
Vào khoảng tháng 4.1972, các đại đội trinh sát của quân khu và trinh sát sư đoàn 711 đã tiếp cận Cấm Dơi.
Du kích Sơn Lãnh có nhiệm vụ dẫn đường cho các đơn vị trinh sát chuẩn bị chiến trường. Các đồng chí trinh sát chia thành tổ 3 người, dùng lá khoai lang giã nhỏ trộn lọ nồi để ngụy trang, chui qua 12 lớp kẽm gai chằng chịt, trận địa mìn dày đặc và hệ thống đèn chiếu. Dù căn cứ địch được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng các trinh sát vẫn đột nhập vào được bên trong để kiểm tra tất cả lô cốt, hầm, hào của sở chỉ huy, các trận địa pháo, DKZ. Sau những ngày gian khổ chuẩn bị cho trận đánh sắp nổ ra, tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối. Tháng 7.1972, tôi còn nhớ có một vị chỉ huy cao cấp của sư đoàn đi kiểm tra lần cuối, sau này được biết là Sư đoàn trưởng 711 Nguyễn Chơn.
alt
Nhà thờ ở Quế Sơn bị Mỹ ném bom ngày 18.8.1972.        Ảnh tư liệu

Tối ngày 16.8.1972, đơn vị du kích Sơn Lãnh được chia thành 2 tổ dẫn đường bộ đội tập kết tất cả vị trí đã chuẩn bị. Một tổ du kích đưa đoàn quân của Sư đoàn 711 (xuất phát từ Cầu Đá, thôn Xuân Quê vượt qua đường 105, qua thôn Lãnh An đến giáp địa phận xã Sơn Thành) liên lạc với du kích Sơn Thành, đưa lãnh đạo chỉ huy của Trung đoàn 31 khảo sát và đặt sở chỉ huy tiền phương tại hang Ông Tân và hang Bà Già (thôn Tam Hòa). Sau khi đưa được đơn vị trinh sát và bộ đội tập kết, các chỉ huy của Trung đoàn 31 và 38 đã vào vị trí. Trong trận đánh này, lần đầu tiên hỏa tiễn B72 được bố trí về phía tây bắc Cấm Dơi cách 2km và tại đồi Phong (Đồng Bình, Lãnh Thượng 1). Sau này du kích địa phương hay gọi là đồi B72.
Cấm Dơi là một khu đồi thấp, có độ cao so với mặt nước biển khoảng 10-12m, địa hình có nhiều tảng đá lớn nằm ngay trung tâm huyện Quế Sơn. Khu Cấm Dơi có 2 mỏm đồi liền kề, Đồi Gai nằm về phía tây có diện tích chung khoảng 20 ha. Cấm Dơi thuộc địa phận thôn Thuận An, xã Sơn Thành cũ; Đồi Gai thuộc địa phận thôn Lãnh Thượng, xã Sơn Lãnh cũ. Trước năm 1967, nơi đây là rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, được người dân địa phương tôn vinh là Rừng Cấm, thu hút rất nhiều đàn dơi về trú ngụ. Về sau, người dân Thuận An ghép tên khu vực này thành Cấm Dơi.
Trung đoàn 31 do Trung đoàn trưởng Võ Đình Nã chỉ huy, đưa bộ đội tập kết phía bắc đường 105 (nay là ĐT611). Các trận địa hỏa lực như DKZ, cối 120 ly, 82 ly... đã bố trí sát trận địa tại Gò Ngu, Gò Sinh, gò Ông Chương thuộc thôn Thuận An, Đông Phú. Phía tây và tây nam, bộ đội Trung đoàn 38 tiếp cận do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Trí chỉ huy, Tiểu đoàn 18 do đồng chí Mỡ chỉ huy, Tiểu đoàn 19 đồng chí Sánh chỉ huy… Trong thời gian ngắn, bộ đội ta đã nhanh chóng triển khai các đại đội bộ binh, pháo binh tại khu vực gò Rang (Lãnh Thượng 1), phía nam Cầu Liêu, Cấm Lá (xã Sơn Thắng cũ). Các trận địa hỏa lực được bố trí rất thuận lợi, tầm bắn phát huy tối đa và tính chính xác cao.
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 17.8.1972, pháo hiệu của Sư đoàn 711 đã phát, tiếng súng bắt đầu rền vang mở màn cuộc tấn công. Những quả đạn ĐKB-B72 rời bệ phóng, pháo 130 ly từ Hiệp Đức bắn chính xác vào trận địa pháo của địch. Tại căn cứ Cấm Dơi, phòng không 12 ly 7 hạ nòng như bão lửa, các kho đạn, kho xăng bốc cháy, bọn địch hoàn toàn rơi vào thế bị động. Sau đó, địch bắt đầu phản kích, máy bay phản lực F5, A37… lao đến ném bom, B52 từng tốp 3 chiếc bắt đầu rải thảm vòng ngoài khu Lãnh Thượng và Tam Hòa. Sau hai ngày điên cuồng phản công, đến ngày 19.8 địch suy yếu hoàn toàn, căn cứ Cấm Dơi bị cô lập. Vào 3 giờ chiều cùng ngày, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh đồi Cấm Dơi.
Ngày nay, biểu tượng Cấm Dơi nằm giữa trung tâm huyện Quế Sơn với hình ảnh các chiến sĩ cầm súng bất khuất. Cuộc chiến đã lùi xa, ký ức về trận đánh Cấm Dơi oanh liệt, hào hùng vẫn đọng mãi trong tôi.

Nguồn : BÁO QN

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Gửi em, cô thanh niên xung phong


Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất

Người tinh nghịch là anh dễ thân

Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn"
Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù

Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối

Em ơi em, hãy nghe anh hỏi

Xong đọan đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều

Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm

Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạc trên đường hành quân

Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời mùa hanh

Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

Cạnh giếng nước có bom từ trường

En không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy...

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại

Sẽ giật mình đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường xá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngòeo trên mặt đất.

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt

Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.


Tác giả: Phạm Tiến Duật

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào


 


Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh chiến dịch điều Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 lên phía tây nhằm tăng cường giữ Sê Pôn, điều Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 cơ động về phía tây dự bị cho Sư đoàn 2 và dự bị cho hướng Bản Đông, sử dụng Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) để tiến công tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh địch, sử dụng Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 2) tiến công tiêu diệt Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến.
Đồng thời, sử dụng 3 trung đoàn: Trung đoàn 2 của Sư đoàn 324, Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 và Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 để cắt đường 9 đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông, đồng thời đánh địch từ Lao Bảo đến Khe Sanh; Sư đoàn 2 cùng với lực lượng phối thuộc, tăng cường bao vây, tiêu diệt Sư đoàn bộ binh số 1 ngụy; sử dụng Sư đoàn 308 để chuẩn bị tiêu diệt địch ở Bản Đông. Pháo binh chiến dịch được sử dụng tập trung để đánh Bản Đông, Lao Bảo, Khe Sanh. Sau khi điều chỉnh và cơ động lực lượng, ta đã hình thành thế bao vây, chia cắt cô lập địch trên từng khu vực, trong khi ta vẫn giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, sẵn sàng chuẩn bị chuyển sang thực hành tiến công lớn tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch.

Ngày 12-3-1971 ta mở đợt 3 chiến dịch thực hiện đòn tiêu diệt lực lượng địch ở Bản Đông. Trung đoàn 102 thực hiện cắt đường 9, trong trận đánh ở điểm cao 311 trung đoàn đã đánh lui 20 đợt phản kích của Lữ dù số 2 diệt 450 tên địch, bắn cháy 65 xe tăng, xe thiết giáp, bắn rơi 3 máy bay. Tại khu vực điểm cao 351, các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 và Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 kiên trì giữ vững trận địa chốt. Như vậy, các điểm chốt chặn của ta tại các điểm cao 311, 334, 351 đã chặn đứng mọi hoạt động tiếp ứng của địch trên đường 9.

Sáng ngày 16-3-1971, Sư đoàn 2 - Sư đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Chơn - được tăng cường Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh chiến dịch đánh địch, mục tiêu tiêu diệt là Trung đoàn 1 bộ binh thuộc Sư đoàn 1 ngụy khi chúng bỏ điểm cao 723 chạy về hướng Đông Bắc và lọt vào khu vực ta cài sẵn. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 141 từ các sườn núi cao đánh dốc xuống kẹp chặt toàn bộ quân địch. Cùng lúc, Tiểu đoàn 40 của Trung đoàn Ba Gia vận động đánh cắt ngang sườn đội hình của quân ngụy đang tháo chạy.

Các chiến sĩ ta từ 3 hướng dũng mãnh xung phong vào đội hình đang rối loạn của địch. Trung đội trưởng Lê Văn Phê của Tiểu đoàn 40 dẫn đầu 9 chiến sĩ dùng AK, lưỡi lê, lựu đạn đánh gần diệt 40 tên địch, riêng Phê diệt 26 tên; đến trưa ngày 16 tháng 3, toàn bộ Tiểu đoàn 1 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lực lượng còn lại của Trung đoàn 1 bộ binh ngụy co cụm, phân tuyến để máy bay B52 ném bom vào đội hình quân ta. Sau hai ngày tiến công, Sư đoàn 2 đã tiêu diệt và bắt sống 1.750 địch, diệt gọn Trung đoàn 1 của Sư 1 ngụy; bắn rơi 50 máy bay các loại, thu hàng trăm súng, pháo, cối hạng nặng.

Ngày 19-3-1971, sau 7 ngày vận chuyển gạo, đạn phục vụ chiến dịch, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên tiểu đoàn Trần Xuân Gứng được lệnh cơ động diệt địch ở động Na, Kế Sách, Ba Lào. Đường xa, địa hình phức tạp, bộ đội thấm mệt nhưng với quyết tâm không để địch chạy thoát, toàn tiểu đoàn hành quân thâu đêm để kịp vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công. Chờ xe tăng và thiết giáp địch lọt vào đội hình phục kích của tiểu đoàn trên đường số 9, Nguyễn Huy Hiệu dẫn mũi chủ yếu của tiểu đoàn đánh thẳng vào giữa đoàn xe. Sau 1 giờ chiến đấu, tiểu đoàn diệt gọn 28 xe tăng, thiết giáp, vận tải và tiêu diệt gần 100 tên Mỹ - ngụy.

Trên hướng Bản Đông, các Trung đoàn bộ binh 66, 64, 36 có xe tăng, pháo binh, cao xạ phối hợp bao vây, chia cắt cụm cứ điểm Bản Đông. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, ngày 18-3-1971 địch bắt đầu rút khỏi Bản Đông trong hoảng hốt, lo sợ, ta lập tức công kích vào toàn bộ khu vực Bản Đông. Sáng ngày 20 tháng 3 ta làm chủ hoàn toàn Bản Đông, diệt 1.762 tên, bắt sống 107 tên, thu và phá hủy 113 xe, 24 khẩu pháo, bắn rơi 52 máy bay.

Ở phía đông, ngày 23-3-1971, phối hợp với lực lượng đường 9 Nam Lào, Bộ đội Đặc công B5 đã tập kích địch ở Tà Cơn, tiêu diệt 100 tên giặc lái và nhân viên kỹ thuật, phá hủy 42 máy bay lên thẳng, 6 xe tăng. Một bộ phận lực lượng của ta phát triển đánh vào khu vực Hướng Hóa, Khe Sanh làm cho địch náo loạn, co cụm không dám phản kích.

Trong những ngày từ 19 đến 23-3-1971, Bộ tư lệnh chiến dịch chuyển dịch đội hình về phía đông, kết hợp truy kích địch với tác chiến ngăn chặn, lần lượt tiêu diệt địch co cụm ở các khu vực Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây. 16 giờ chiều ngày 22 tháng 3, trong tình thế bị uy hiếp từ nhiều phía, đặc biệt là các điểm chốt dọc đường số 9 do Trung đoàn 24 và Trung đoàn 102 đảm nhiệm đánh địch ngày đêm và giữ vững trận địa không cho quân địch vượt qua; hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải quân sự bị cháy, hỏng dọc các điểm chốt cũng góp phần cản trở, ùn tắc làm cho quân địch không thể cơ động trên đường 9 để về Lao Bảo, Khe Sanh, địch buộc phải vứt bỏ lại toàn bộ xe tăng, pháo cơ giới còn đang nổ máy để vượt qua phía Nam sông Sê-pôn, sông Sê-băng Hiên chạy bộ vào rừng. Do tổ chức hiệp đồng vây chặn phía Nam không chặt, nên có một bộ phận lực lượng quân địch có cả sĩ quan chạy thoát. Ta tổ chức một số đơn vị vượt sông bắt sống được hàng trăm tàn binh. Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra đường 9 - Nam Lào của Mỹ - ngụy biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn. Nhà lý luận quân sự Bri-ên Giên-Kin coi đây là “một thảm họa lớn nhất đã tiêu diệt số lớn sĩ quan trẻ của quân đội Sài Gòn”, rõ ràng là một cơn ác mộng của quân đội ngụy và chính quyền Sài Gòn.
Sau 52 ngày diễn biến chiến dịch, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, ta đã thu được kết quả chiến dịch hết sức to lớn: Loại khỏi vòng chiến đấu 19.960 tên, bắt làm tù binh 1.142 tên; tiêu diệt 3 lữ đoàn, trung đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn; đánh thiệt hại nặng sư đoàn dù, sư đoàn bộ binh 1, đánh thiệt hại sư đoàn thủy quân lục chiến; bắn rơi và phá hỏng 556 máy bay (trong đó 505 máy bay lên thẳng, phá hủy và đánh chìm 43 tàu, sà lan, phá hủy 1.138 xe cơ giới (trong đó có 528 xe tăng và bọc thép). Ta thu được một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh (máy bay, xe tăng, pháo, cối, xe vận tải, các loại đạn...).

Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào 1971 đã giáng cho Mỹ - ngụy một đòn thất bại nặng nề về cả quân sự lẫn chính trị, cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc chỉ đạo xây dựng huấn luyện và tác chiến cho lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với thắng lợi to lớn toàn diện, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Vinh quang thuộc về những người con đã xả thân vì Tổ quốc và chính sự hy sinh của những người con ưu tú ấy đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nguồn : ST

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

TRẬN ĐỐI MẶT




Pháo chưa nguội nòng, lại hối hả hành quân
Tiệm cận vào đêm
Đột kích !
Bí mật, bất ngờ, giáng đòn sấm sét
Pháo ơi, lại cùng ta lên đường !

Lũ địch cụm lại mé bên kia đồi
Ta kéo pháo lên cao đối mặt
Có khoái nào hơn được đánh giặc
Đại bác cũng nhằm thẳng…“xiết cò” !
Ém sát vào đêm, không được nói to
Hò dô ta nào…
Nén tiếng hô giữa hai hàm răng xiết chặt
Đêm chất chưa bao điều bí mật
Chỉ chực chờ giây phút nổ tung !
Đường lên cao điểm quá chông chênh
Sáng nay pháo ta vừa dội nát
Xác giặc ngổn ngang chưa dọn hết
Bánh pháo chèn qua từng hố bom !

Hò dô ta nào…
Ta lại kéo pháo lên cao
Bộ binh đã sẵn sàng phía trước
Chỉ chờ khẩu đội cuối cùng vào chốt
Đợi hừng đông pháo lệnh sẽ đỏ trời !

Cả đô thành sẽ thấy rõ phía Truồi*
Những vầng sáng niềm tin đang bùng cháy !
        
  Tác giả : Kiều Anh Hương