LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây


Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.

Em thương anh bên tây mùa đông
Bướm khe cạn nước bay lèn đá
Biết lòng Anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.

Ðông sang tây không phải đường như
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵng sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn



Tác giả : Phạm Tién Duật

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

KỶ NIỆM VỀ NGÀY 27 THÁNG 1 NĂM 1973 CỦA TÔI



Sa Huỳnh ngay sát núi, một khúc Trường Sơn hiểm hóc áp sát biển  nhô ra hai dãy đồi đá trọc như hai cánh tay khổng lồ ôm biển, tạo thành một cái vịnh nhỏ gọi là đầm Nước Mặn. Trên vị trí cao nhất của hai cánh tay này quân lực VNCH bố trí hai cứ điểm là Long Thạnh và Đá heo.
Cứ điểm Long Thạnh, nằm trên đỉnh một quả đồi lớn một phần là đất phần kia là đá. Con đường chính lên cứ điểm nằm ngoài quốc lộ I. Dưới chân là ấp Long Thạnh ôm lấy một phần đầm Nước Mặn.
Bao quanh cứ điểm Đá heo là những khối đá đã bị gió và sóng biển bào mòn hàng triệu năm trước. Con đường độc đạo lên cứ điểm Đá Heo là từ đồi Hải Thuyền
Đóng chốt  tại mỗi cứ điểm này là một trung đội lính VNCH.  Hỏa lực gồm 1 trung liên, 1 cối M19- 60mm, còn lại là trang bị cá nhân AR15, và M79.
Do chủ quan với địa thế, các cứ điểm này chỉ có 3 lớp rào khá tuyền toàng, gần như không có mìn. Hỏa lực yểm trợ cho các cứ điểm này là pháo từ hạm đội của Mỹ ngoài biển, pháo từ Núi Dâu và không quân.

Sau những lần trinh sát  ”Long Thạnh” và “ Đá heo”, phương án tác chiến đã được thông qua.
Kế hoạch chuẩn y, đại đội 1 đánh Long Thạnh, đại đội 3 đánh Đá Heo. Sở chỉ huy tiểu đoàn đóng ở ấp Long Thạnh, dưới chân cứ điểm Long Thạnh.
Việc chốt giữ sư đoàn đã giao cho các đơn vị bộ binh sau khi D10 hoàn thành trận đánh.
Chiều ngày 26 tháng 1 năm 1973 các anh Trần Đình, Nguyễn Niệm (Tiểu đoàn phó, D10) dẫn 2 đại đội xuống núi. Theo đường mòn, chúng tôi lặng lẽ hướng về Sa Huỳnh. Khoảng 20h thì đã tiếp cận đường quốc lộ I và chờ thời điểm vượt đường I.
Để tiếp cận hai cứ điểm này con đường bất ngờ và an toàn nhất, là qua hồ Nước mặn. Đầm nước mặn thông với biển nên tuân thủ theo quy luật của con nước. Buổi chiều đầm cạn, nước chỉ tầm thắt lưng, nhưng sau 23 giờ đầm bắt đầu ngập nước.
21h15 sau khi đã chốt hai đầu đường theo ám hiệu của tổ du kích dẫn đường,  chúng tôi vượt quốc lộ và tiến về hồ nước.
Đã chuẩn bị sẵn, mọi người nhanh chóng gói quần áo vào vải mưa làm phao, súng đặt trên phao, từng người,  cách nhau 3m lội qua hồ.
Màn đêm và con nước đã che hết mọi vết tích của cuộc hành quân tiếp cận cứ điểm.

Khi xang tới bên kia hồ, hai đại đội rẽ theo hai hướng, tôi đi theo C1.
Anh du kích và tôi lúc bò, lúc cúi đi trước dẫn cán bộ C1 tiếp cận mục tiêu. Khi qua hàng rào thứ hai, nơi lần trước đã một lần dẫn tổ chuẩn bị chiến trường tôi nói: “ Còn một lớp rào nữa là đến công sự địch, hàng rào rất tềnh toàng không có trở ngại lắm, các anh không được chủ quan, bảo đảm bí mật. Đến 24h05 thì nổ súng, ưu tiên bên Đá Heo nổ súng trước. Theo lệnh tôi về sở chỉ huy tiểu đoàn.”

Sở chỉ huy tiểu đoàn đặt trong hầm tránh pháo cũ của một nhà dân bỏ hoang ngay dưới chân cứ điểm.
Đúng giờ G, phía cứ điểm Đá Heo bỗng sáng bừng lên, gần như đồng thời  cùng lúc là tiếng bộc phá, tiếng súng AK điểm nhịp chắc nịch ngay trên đỉnh Long Thạnh.
Trong hầm chỉ huy bộ đàm PRC25 được bật:
-        Đá Heo báo cáo, đã làm chủ trận địa.
-        Long Thạnh báo cáo, một số địch chạy về phía đường quốc lộ. Đã làm chủ trận địa. Bắt sống 2 tên và một phụ nữ. Ta hy sinh 2 1 bị thương.

Anh Niệm nói với tôi: “Em lên trên đó kiểm tra và giúp anh em làm công tác tử sĩ.”
Tôi chạy như phi lên trên đồi. Mọi người đang thu dọn, số khác vẫn truy kích những tên chạy theo hướng xuống quốc lộ I.
Sau khi kiểm tra, tôi gọi một chiến sĩ của C1 kiếm xẻng đi xuống lưng đồi tìm nơi chôn cất tử sĩ.

Hai chúng tôi chọn chỗ đất mềm và bắt đầu đào đất. Cái huyệt tôi đào mới ngập đầu gối thì nghe tiếng “Đềpa”. Linh tính tôi biết pháo bắn về phía chúng tôi, tôi nằm úp xuống cái huyệt mình đang đào còn chưa hoàn chỉnh thấy vừa in. Những tiếng nổ chát chúa nối nhau, mảnh pháo bay rào rào. Một ý nghĩ xoẹt trong đầu ” Mình đào huyệt cho chính mình” 

Dứt đợt pháo, như một phản xạ tự nhiên, tôi bật lên và lao thẳng xuống chân đồi. Mới chạy được một đoạn lại nghe tiếng “Đềpa” tôi nhanh chóng thu hai tay trước ngực cuộn người lăn tròn hướng về căn hầm sở chỉ huy mặc cho những mảnh pháo ràn rạt chém đứt lìa cành cây tán lá.

Tôi vừa kịp chui vào hầm thì cũng là loạt pháo thứ 3, căn hầm của sở chỉ huy rung lên đất rơi rào rào. Trong hầm, lờ mờ  tôi nhận ra bên phải tôi là anh Trần Đình, bên trái là anh Nguyễn Niệm, trước mặt là hai anh lính thông tin.
Một loạt pháo nữa, lần này tiếng nổ đanh hơn, có lẽ là đạn 175 chứ không phải là105, căn hầm như bị bứng lên. Anh Trần Đình bật lửa, trước mặt tôi một anh lính thông tin gục mặt đầu ngoẹo xang bên, máu giọt xuống áo. Một mảnh pháo xuyên qua lớp đất nóc hầm đâm vào đầu, khiến anh ấy hy sinh không kịp kêu lấy một tiếng, chiếc bộ đàm cũng bị một mảnh pháo khác xuyên qua, im tịt.

Lại một loạt pháo nữa, bỗng tôi thấy nhói ở lưng, dùng bàn tay trái tôi áp ngay lên chỗ vừa nhói đau ấy. Mảnh pháo còn nóng, cháy chín đốt 3 và 2 ngón tay áp út. Tôi nói:  Em bị mảnh rồi. Anh Niệm hỏi bị vào đâu? Tôi nói bị vào lưng nhưng không thấy máu.
Anh Trần Đình bật lửa thấy mảnh pháo cắm vào ngay bên phải sống lưng, một phần vẫn ở bên ngoài, do sức nóng mảnh pháo đã làm chín phần thịt xung quanh nên máu không chảy.
Anh Niệm nói với chúng tôi. Căn hầm này sắp không trụ nổi rồi, do máy bộ đàm trong hầm phát sóng nên địch nó bắn trúng, chúng ta phải chuyển chỗ thôi.
Anh hỏi tôi: Em đi được không?
Tôi cử động chân, tay thấy vẫn bình thường liền nói: Em đi được.
Anh Niệm nói: Ra khỏi đây em đi ngược lại về dẫy dừa lúc sáng lội xang, bộ phần hậu cần của tiểu đoàn ở đó. Anh còn phải liên lạc với anh em.

Tôi rời khỏi căn hầm “Tử địa” chạy theo các ruộng muối, tranh thủ pháo sáng nhận phương hướng tìm về trạm hậu cần là 4h30 sáng ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Anh em trong tiểu đội trinh sát chúng tôi gặp lại nhau, không ai bị thương, ngoại trừ tôi với một mảnh pháo cắm ngay sát sống lưng.
Nằm trong lều, thỉnh thoảng Ngà cùng tiểu đội, quê ở Thanh Hóa lại vào nắn chân tôi và yêu cầu cử động.
Một ý nghĩ tiêu cực bám lấy tôi từ khi gặp lại anh em là nếu không may bị liệt chắc tôi tự sát. Dường như Ngà đọc được ý nghĩ đó, đã tịch thu trái lựu đạn US mà anh ấy cho tôi trong lần đi chuẩn bị Núi Dâu năm ngoái.

Hiệp định ngừng bắn chính thức có hiệu lực, những loạt pháo biển không còn bắn về Long Thạnh nữa. Cả ngày 27/1/1973 chúng tôi vẫn ở đất Long Thạnh sát với đầm Nước Mặn. Cho đến sáng ngày 28/1/1973 thuyền của dân chở tôi qua đầm về trạm phẫu thuật tiền phương.
Tôi còn nhớ mãi câu nói của anh Y sĩ trạm phẫu thuật tiền phương khi sử lý vết thương cho tôi “ Hồng phúc nhà ông thật lớn, mảnh pháo nó chê xương nên ăn cái thăn của ông, chỉ xang phải 1 cm thì ông tiêu rồi” Anh đưa cho tôi mảnh pháo và nói: “Giữ làm kỷ niệm”
Tôi được chuyển về bệnh viện tuyến trên với vết lõm trên lưng vì bị khoét đi phần thịt bị chín đường kính khoảng 3 cm.
Vết thương xoàng vậy mà mất đến 1 tháng cái ngón tay áp út mới duỗi thẳng ra được bởi hai đốt bị cháy khi giữ mảnh pháo nóng còn cái miếng khoét ở lưng thì sau hơn hai tháng mới liền sẹo.

40 năm trôi qua, những nét chính về trận đánh cứ điểm Long Thạnh Sa Huỳnh mà tôi tham gia giai đoạn đầu vẫn còn nguyên vẹn. Có một điều tôi biết được là những người lính của trung đoàn 141 đã phải chiến đấu và hy sinh dũng cảm khi chốt giữ Sa Huỳnh.

Đỗ Đặng Biên

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Cuộc chia ly màu đỏ

Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai sắc hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt lonh lanh nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
- Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Ðã toả sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi...

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau..."

Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...



TG: Nguyễn Mỹ