LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

CHÚ BÁC NÀO BIẾT CHỈ GIÙM CHÁU

Cháu là Đậu Văn Nam tìm mộ liệt sỹ



Họ và Tên: ĐẬU QUỐC KHÁNH

Năm sinh:1940

Quê Quán:Nam Mỹ,Nam Đàn,Nghệ Tĩnh

Nhập ngũ:(theo giầy báo tử 6/1962)

Đơn vị: C11.D3.E1.F2.QK5

Cấp Bậc/Chức vụ:Tiểu đội bậc truởng/Tiểu Đội Trưởng

Ngày hi sinh:7/2/1965

Truờng hợp hi sinh: Chiến Đấu

Nơi hi sinh: THĂNG BÌNH.QUẢNG NAM

Nơi an táng ban đầu:ĐỒNG DUƠNG.BÌNH ĐỊNH,THĂNG BÌNH.QUẢNG NAM



Cháu có đính kèm các giấy tờ liên quan đây, mong các chú, các bác và mọi người giúp cháu.
Cháu cảm ơn bác rất nhiều
ĐT của cháu : 0169 713 7132.









Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Quả lựu đạn Mỹ dưới lưng bạn tôi nằm

QĐND - Tôi nguyên là chiến sĩ đại đội 18 thông tin của Trung đoàn 141, đoàn H. Sau khi đánh Nam Lào xong, hè 1971,  đơn vị tôi vào giải phóng Pha Lan, Đồng Hến, tiếp tục hành quân hướng Tây Nguyên với tinh thần: “Trường Sơn chuyển mình, Pô kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên”. Chúng tôi vào đánh Đắc Tô-Tân Cảnh như xem phim: Pháo rót vào, tăng tiến lên, bộ binh theo sau giải phóng. Anh bạn tôi là Nguyễn Xuân Hương, ở đại đội trinh sát tâm sự: Thế hệ chúng mình sẽ tiếp quản thành phố Sài Gòn. Nhưng...

Biệt khu 24 - Những ngày máu lửa
41 năm trước, chúng tôi hăng hái lên đường. Gia đình Hương có hai trai, anh trai đang ở mặt trận. Hương được miễn nghĩa vụ, lại đang công tác ở nhà máy xay. Thế mà, nghe tin ở quê tuyển quân, Hương vội về viết đơn tình nguyện lên đường. Hương ngoan, hiền lành, chịu khó, nên trung đoàn đưa Hương làm công vụ cho đồng chí trung đoàn phó tên Đăng. Sau đó, Hương được cử đi học y tá và làm y tá cho đại đội 21 trinh sát. Công việc nào Hương cũng làm tốt, được đồng đội tin yêu.

Thăm người đồng đội chưa biết tên ( chụp tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận - ảnh:NGUYỄN VĂN MINH)


Ta quyết định đánh vào thị xã Kon Tum dịp 19-5-1972 để lập thành tích dâng lên mừng sinh nhật Bác Hồ. Lương thực quá khó khăn, chúng tôi xuất trận với súng ống và cả… bánh sắn bên mình!

Tôi được lệnh đeo máy dẫn đường vào cửa mở. Hương cũng đánh trận thị xã Kon Tum. Mấy ngày khi ngớt tiếng súng, tôi gặp Hương ngồi giữa mênh mông của phi trường. Hương chia sẻ cho tôi ít đường, sữa, lương khô. Còn cái bánh sắn, Hương cũng chia đôi bảo tôi ăn. Thấy tôi ngần ngại, Hương nói: "Cậu ăn với mình đi, kẻo rồi đánh nhau nhỡ có chết không phải làm... ma đói!".

Tôi và Hương đều cùng được lệnh chiến đấu giữ biệt khu 24 của sân bay. Cả thị xã Kon Tum ầm ào tiếng gầm rú của các loại pháo, đạn, xe tăng ù ù chà đi chà lại đến nhức óc. Rồi có lẽ, ruồi nhiều thế nào thì trực thăng của địch lúc đó gầm thét giữa bầu trời nhiều như thế. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó “Quyết tử thủ Kon Tum” mà!

10 ngày sau, 5-6-1972, khoảng 8 giờ tối, tôi nhìn sang lô cốt của Hương (vì từ chỗ tôi sang chỗ Hương khoảng 10-12m), Hương đang chững chạc nhả đạn về phía quân thù. Nhưng ôi! Một ánh chớp chói lòa, một âm thanh chói tai! Hương hy sinh rồi! Tôi và đại đội phó Quang nhảy lên khỏi hầm, một ánh chớp nữa lóe lên, tôi “bị” rồi và một suy nghĩ thoáng nhanh: “Vĩnh biệt mẹ!”. Nhưng may mà tôi không hy sinh, được cấp cứu, điều trị và ra Bắc.

Chiến tranh kết thúc, làng tôi có 3 anh em là  tôi, Biềng, Hương cùng lên đường chiến đấu từ cuối năm 1969 thì hai người hy sinh. Tháng 4-1970, Biềng được điều đi trước vào đơn vị xăng dầu đường dây 559. Chúng tôi bảo nhau: Được vào đơn vị đó, chắc chắn cuộc chiến kết thúc, “cái gáo” chắc chắn đem về cho “u” rồi…

Thế mà, một bữa, sau khi đánh Nam Lào xong, tôi và Hương lếch thếch trên vạt đồi đi lấy gạo. Thấy mấy nấm mồ ven đường, đất lấp gần như còn mới, chúng tôi nói với nhau:
- Vào xem ai lại hy sinh ở đây!
 Vào đến ngôi mộ đầu tiên, chúng tôi không tin vào mắt mình: “Hạ sĩ Trần Đức Biềng. Quê quán: Ninh Sơn, Gia Khánh, Ninh Bình...”. Hai chúng tôi đột ngột quá! Đứa nọ nhìn nhanh sang đứa kia, từ từ ngả mũ, nghẹn ngào…
Hè 2007, vợ chồng tôi trong một chuyến du lịch, được thăm viếng nghĩa trang Trường Sơn, tôi lại bàng hoàng thấy mộ Biềng, Biềng đã được quy tập về đây. Việc của Biềng thế là tạm ổn, còn Hương?

Tôi về tìm lại bạn tôi
Hương và tôi cùng cảnh ngộ, cùng sở thích nên hình ảnh bạn vẫn theo tôi suốt cuộc đời. Vợ chồng tôi bảo nhau, cố gắng 27-7 hằng năm xuống gia đình thắp nhang cho Hương. Một trong những nỗi trăn trở day dứt trong tôi là chiến tranh trôi qua đã nhiều năm, giờ vẫn chưa biết Hương nằm lại nơi nào. Cũng một phần bởi gia đình Hương nghèo lắm! Bố mẹ mất rồi, anh trai mất rồi, chị gái bị mù từ nhỏ, chị dâu và các cháu còn vất vả với cuộc sống mưu sinh.

Tôi bàn với vợ, phải gặp gia đình Hương, lo cho được chuyện này. Khi tôi đến gặp, gia đình rất mừng, đặc biệt chị dâu của Hương và cháu gái Huệ. Nhưng quyết tâm là thế, trước mắt còn bao nan giải. Một là, chỉ biết Hương hy sinh ở Kon Tum, khu vực biệt khu 24, giờ chẳng rõ nơi nào. Hai là, tổ chức chuyến đi Kon Tum sẽ tốn kém không phải một triệu, hai triệu mà phải vài chục triệu, một con số không nhỏ với gia đình Hương! Song, tôi đề nghị gia đình cứ mạnh dạn lên, có quyết tâm, có sự đoàn kết, mọi khó khăn sẽ qua. Tôi quyết tâm cùng gia đình bạn đi tìm hài cốt, vì tôi đã từng trực tiếp chứng kiến lúc Hương hy sinh. May mà khi tôi xin phép Ban giám hiệu trường tôi công tác, các anh đều ủng hộ ngay. Khó khăn thứ hai, chúng tôi tìm đến một nhà ngoại cảm chuyên tìm hài cốt liệt sĩ, nhờ hướng dẫn, giúp đỡ. Bạn tôi hy sinh ở thành phố Kon Tum là chính xác rồi nhưng phường, phố nào thì tôi đâu biết? Thông tin thu được từ nhà ngoại cảm cho biết, nơi yên nghỉ của bạn tôi hiện ở tổ 3, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum, khá khớp với hoàn cảnh bạn tôi hy sinh, càng củng cố quyết tâm lên đường của chúng tôi.

Chúng tôi quyết định lên đường vào Kon Tum ngày 6-5-2011. Tôi về viết giấy xin phép, xuống trường nơi tôi dạy. Thời gian này đang cuối năm, công việc ở trường cực kỳ bận rộn. Không ngờ thầy Trần Quang Vinh-Hiệu trưởng, không chỉ đồng ý ngay mà còn nắm tay tôi: “Đi tìm đồng đội, liệt sĩ là việc thiêng liêng, là trách nhiệm của tất cả chúng ta, anh cứ đi, việc ở nhà có chúng tôi!”. Tôi gặp anh chị em trong tổ, nói anh em thông cảm và bàn giao chuyên môn. Thật tuyệt, từ chị Loan tổ phó đến tất cả các anh em đều rất nhiệt tình ủng hộ và động viên tôi lên đường.

Đoàn đi gồm 9 người từ Ninh Bình, nhằm hướng Kon Tum lên đường. Rất nhiều bà con, kể cả không phải họ hàng đưa tiễn chúng tôi, nhiều người khóc, cả Yến (vợ tôi) nước mắt cũng dàn dụa. Thế đấy, một dân tộc, cuộc chiến tranh lùi qua gần nửa thế kỷ, vẫn những cuộc tiễn đưa đầy lệ. Giây phút ngắn ngủi ấy tôi chạnh nhớ mấy câu thơ trong bài “Đại đội 18, gia đình tôi” mà tôi sáng tác tặng đại đội 18 thông tin của mình, có đoạn: Bàn tay vẫy những bàn tay/Gạt đi dòng lệ, ngày mai trở về/Ra đi, nặng một lời thề/Diệt xong giặc Mỹ mới về quê hương...

Xe sắp đến ranh giới Ninh Bình-Thanh Hóa, tôi thầm nói với Hương:
- Hương à! Nơi đây là điểm nghỉ chân từ quê vào của những ngày kéo xe cải tiến đi lấy củi. Cơm đùm, cơm nắm vào đây phải không Hương. Đây cách nhà trên hai chục cây và còn phải vào sâu, trèo đèo lội suối trên dưới chục cây nữa, may mà giao thông ngày đó, xe cộ còn ít, nhiều khi vừa dắt xe, vừa đi, vừa ngủ gật. Bây giờ mà thế thì toi!”.

Xe vào miền Trung, qua cầu Bến Thủy. Tôi lại thầm nhớ tháng 7-1970, chúng tôi ngồi trên thuyền để tiến vào Nam, trên dòng sông này vang lên những câu hò, tiếng hát đầy lạc quan. Tiếng hò xứ Nghệ sao da diết đến vậy? Cầu Bến Thủy giờ quá hiện đại và nghe nói đang tiến hành xây dựng cây cầu Bến Thủy 2 nữa. Qua Đèo Ngang, không còn hoang tàn nữa mà nay là một hầm xuyên đèo khá hiện đại. Thật quá nhiều đổi thay, xương máu chúng tôi đổ xuống đã không uổng phí!

Cuối cùng, chúng tôi cũng tới UBND phường Thắng Lợi. Đồng chí Lê Đức Hòa-Phó chủ tịch phụ trách văn xã trực tiếp ra đón chúng tôi, dù hôm nay là ngày nghỉ chủ nhật. Anh nói: “Không sao, chúng ta đi tìm đồng đội mà!”. Nhìn vùng đất cao nguyên bạt ngàn mây gió giờ san sát nhà cửa, tôi chẳng thể hình dung nơi Hương nằm ở đâu. Hỏi hoài mà chưa ai biết biệt khu 24. Bà con thấy lạ vây quanh rất đông. Bỗng dưng tôi thấy xúc động lạ kỳ, thương bạn, tôi bật khóc đến khản tiếng. Lúc này, may mắn sao, tôi gặp anh Tuân đồng hương, quê Yên Mô, nhà anh chếch phía trước nhà văn hóa. Anh chỉ tay phía trước:
- Tôi về đây năm 1978, khoảng kia khi tôi về nó là phi trường, biệt khu 24 là khoảng nhà văn hóa.

Chúng tôi tới khu nhà văn hóa còn đơn sơ, hè có thảm cỏ khá rộng. Hình ảnh của 39 năm về trước, trận tấn công vào thị xã Kon Tum năm 1972 như những thước phim quay chậm hiện về.

Ngày hôm sau, thật diệu kỳ, chúng tôi đã tìm được nơi Hương nằm, khớp với thông tin thu thập từ trước và thực địa nơi chúng tôi từng chiến đấu. Bác Lê Văn Binh, nhà ngay sau gốc cây to, cho chúng tôi mượn bàn và nhiều thứ cần thiết để đặt lễ, làm thủ tục tìm hài cốt.

Chúng tôi bắt đầu đào. Một thanh niên từ nãy cứ theo dõi mọi hoạt động của đoàn, tự nguyện cầm xẻng, cuốc làm rất nhiệt tình, say sưa, mồ hôi vã ra, giúp chúng tôi từ đầu đến cuối. Sau tôi mới biết anh là Nguyễn Huy Dần, giáo viên Trường THCS Thắng Lợi. Càng lúc, bà con kéo đến càng đông. Có hai người đàn ông khoảng 40-50 tuổi nói nhỏ với nhau:
-  Họ lấy hài cốt người đã hy sinh, mình xuống giúp họ một lúc.
Nói rồi, họ tìm xẻng, tìm cuốc, cùng đào rất say sưa. Bác Lê Văn Binh, chủ nhà cạnh gốc cây, đào cuốc miệt mài, mồ hôi đầm đìa trên áo. Công việc ở ngay góc ngã ba đường phố, nghe nói tìm hài cốt liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trên quê hương nên bà con địa phương đứng vây chặt vòng trong, vòng ngoài, nhiều người nước mắt rưng rưng.

Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được Hương. Đúng là Hương qua xác nhận của tôi, người trực tiếp chứng kiến lúc Hương ngã xuống. Tôi đề nghị bồi dưỡng cô bác đã nhiệt tình giúp đỡ, nhưng bà con đều khước từ. Chúng tôi làm các thủ tục với  UBND phường rồi lên đường đưa Hương về quê mẹ. 

 Khi tất cả mọi việc của nơi hốt cốt hoàn thành, xe lăn bánh về phía Quảng Nam, khoảng 20 giờ, xe dừng lại ăn cơm và nghỉ ngơi. Ngồi uống nước, cậu Thiện cùng đoàn thổ lộ với tôi: "Lúc lấy hài cốt, em nhặt được một con dao quắm và một quả lựu đạn anh à. Em đang để trên xe".

Tôi giật mình! Thì ra, đó là con dao quắm và quả lựu đạn US của Mỹ lâu ngày không còn mỏ vịt. Tôi thủ thỉ bên Hương:
- Hương à! Kẻ thù của ta nguy hiểm là thế! Chúng biết chính sách thương binh, liệt sĩ của ta mà! Một đồng chí hy sinh, nếu phải tiếp tục hy sinh cả tiểu đoàn để lấy xác đồng đội, ta vẫn phải làm. Nên khi chôn Hương, chúng đã cài lựu đạn, đúng không Hương! Cũng may mà thời gian đã 39 năm, lựu đạn mất tác dụng rồi Hương nhỉ!

Sau khi chúng tôi về quê, phường, đội xuống thu quả lựu đạn kiểm nghiệm sự an toàn, nó đã không còn khả năng gây nổ, họ trả lại gia đình làm kỷ vật. Nhưng gia đình Hương không muốn nhìn thấy thêm nỗi đau thương, chú em Hương đã mang vứt xuống dòng sông, dòng sông quê hương từng nuôi lớn chúng tôi... 

(Giáo viên Trường THPT Yên Khánh B - Ninh Bình)

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

PHIÊN HIỆU SƯ 2



I. SƯ ĐOÀN 2
Thành lập 20/10/1965 tại làng An Lâm, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước , tỉnh Quảng Nam
Sư đoàn trưởng huyền thoại : Nguyễn Chơn – Anh hùng LL vũ trang nhân dân Việt Nam

II. CÁC TRUNG ĐOÀN.
1. Trung đoàn Ba Gia ( E1) vốn là đơn vị truyền thống của E 108 thành lập từ năm 1962. Sau chiến thắng Ba Gia E1 mang tên trung đoàn Ba Gia
Gồm các tiểu đoàn  : D40, D60, D90, D trợ chiến và các đại đội trực thuộc.
Sau đổi thành D1, D2, D3

2. Trung đoàn Ba Gia ( E21)  thành lập năm 1965 ở Hà Bắc .Tháng 7/1965 vào chiến trường nhập vào sư đoàn 2. Tháng 6/1971 nhập về sư đoàn 3 Sao Vàng. Tháng 6/1973 sau giải thể  về nhập lữ đoàn 52
Gồm các tiểu đoàn  : D22, D33, D44.

3. Trung đoàn 141 ( E141) vốn là đơn vị của sư đoàn 312 vào chiến trường Quảng Đà. Đến 7/1970 nhập Sư 2 . Từ tháng 6/1973 nhập vào Sư 3.
Gồm các tiểu đoàn  : D3, D4, D5
4. Trung đoàn 31 ( E31) vốn là E 64  sư đoàn 320 vào chiến trường  10/1966 được bổ xung cho  Sư 2 . Năm 1971 E31 được tăng cường cho chiến trường B3 Tây Nguyên trong chiens dịch Đắc Siêng.  Năm 1972 đầu quân cho sư 711. Đến tháng 6/1973 sau khi F711 giải thể, E31 trở về sư 2.
Gồm các tiểu đoàn  : D7, D8, D9

5. Trung đoàn 52 ( E52) vốn là đơn vị của sư đoàn 320 vào chiến trường Tây Nguyên tháng 1/ 1972. Cuối năm 1972 nhập Sư 2 . Từ tháng 6/1973 E52 và D12 pháo binh tách khỏi sư 2 thành hình thành  lữ đoàn 52

6. Trung đoàn 36 ( E36) - Nguyên gốc E36 thuộc sư đoàn 308 tăng cường cho quân khu V trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Năm 1969 tạm giải thể và tập trung lại vào năm 1974 tham gia chiến dịch Nông Sơn- Tiên Phước. Đến tháng 10 năm 1974 đầu quân sư 2

7. Trung đoàn 38 ( E38) - Nguyên gốc E90 thuộc sư đoàn 324 tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơ ne vơ . Năm 1961 khi  quay lại chiến trường rút gọn lại thành D trong đội hình lữ đoàn 324
Năm 1966 làm nhiệm vụ quốc tế ở Xavanakhets , sau chuyển về đường 9 đánh trận Gio An. Năm 1968 chốt giữ TP Huế. Năm 1972 đứng chân trong đội hình sư 711 cùng E 31 đánh Hiệp Đức , Cấm Dơi..Quế Sơn. Tháng 6 năm 1973 sau khi F711 giải tán trở về sư 2.

8. Trung đoàn pháo binh  368 ( E368) thành lập 22/12/1974 trên cơ sở tập hợp các tiểu đoàn pháo binh, cao xạ, súng máy của sư 2 và lực lượng tăng cường của quân khu V.

III. CÁC TIỂU ĐOÀN
1. Tiểu đoàn 70 bộ binh ( D70 ) nguyên là CBCS của tỉnh đội Quảng Nam sau tập kết trở lại chiến trường. D70 nằm trong đội hình sư 2 từ ngày đầu thành lập sau dó chuyển về tỉnh đội Quảng Nam
2. Tiểu đoàn 10 đặc công ( D10 ) thành lập tháng 6/1967
3. Tiểu đoàn 12 pháo mặt đất( D12 )
4. Tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm  súng phòng không  ( D13) Nguyên gốc D28  thuộc bộ tư lệnh 559 . Một bộ phận của E 368 sau này
5. Tiểu đoàn 14 súng phòng không  ( D14) một bộ phận của E 368 sau này

6. Tiểu đoàn công binh  (D15)

7. Tiểu đoàn pháo 85 mm  được QKV bổ xung tháng 1/1974 . Một bộ phận của E 368 sau này

8. Tiểu đoàn vận tải ( D19)

IV. ĐẠI ĐỘI 21 – Đại đội trinh sát trực thuộc F2

Ghi chú: Sưu tầm và nhớ lại nên còn gì chưa hoàn tất xin các đồng chí góp ý bổ xung