LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Lá cờ đặc biệt của Sư đoàn 2

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, lá cờ Mặt trận giải phóng dân tộc thêu 8 chữ vàng “Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn” đã tiếp lửa mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 tiến đánh vào Đà Nẵng. Lá cờ này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nhưng câu chuyện cảm động và hùng tráng về nó thì ít người được biết.
Hồ sơ lưu trữ của Bảo tàng Cách mạng, ghi “lá cờ do đồng chí Đỗ Sĩ Biên - nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 2 tặng cho Bảo tàng ngày 10-7-1970”.
Ngược thời gian, cuối năm 1967, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) được giao nhiệm vụ mở rộng địa bàn hoạt động từ núi Quế đến Hiệp Đức (Quảng Nam). Đầu tháng 12-1967, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường của Sư đoàn lọt vào ổ phục kích của địch. Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Chính ủy Nguyễn Minh Đức, Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 21, 31, Tham mưu phó, Chủ nhiệm hậu cần và một số cán bộ cơ quan của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh.
Lá cờ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Để ổn định tình hình, cấp trên điều động đồng chí Giáp Văn Cương - Tham mưu trưởng, Nguyễn Ngọc Sơn - Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu về làm Sư đoàn trưởng và Phó Chính uỷ Sư đoàn.
Ngày 5-12-1967, Hội nghị học tập chủ trương tổng khởi nghĩa, tổng công kích của Sư đoàn 2 có 182 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đồng chí Đỗ Sĩ Biên xúc động phát biểu trước hội nghị: “Để chuẩn bị cho chiến dịch, đoàn cán bộ của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh. Máu xương của các anh thấm đỏ mảnh đất Quảng Nam này. Tôi xin thề sẽ diệt giặc đến cùng, trả thù cho các anh”. Phó Chính ủy Sư đoàn đề nghị 182 cán bộ, chiến sĩ sẽ cùng ký tên vào lá cờ Mặt trận giải phóng dân tộc mà đơn vị vẫn thường treo khi làm lễ xuất quân.
Ngày 25-1-1968, Sư đoàn nhận lệnh tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Đồng chí Biên được giao nhiệm vụ sẽ treo lá cờ lên cột cờ thành phố khi đơn vị đánh vào Đà Nẵng. Trận tiến công đánh địch ở quận lỵ Duy Xuyên, đồng chí Biên bị thương nặng, việc cắm cờ chưa thực hiện được.
Giữa năm 1968, đồng chí Biên được lệnh ra Bắc học tập. Trước khi đi học, anh tìm cách liên lạc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 7 để giao lại lá cờ, nhưng lúc đó tiểu đoàn đang phân tán không gặp được ai, nên mang luôn lá cờ ra Bắc. Kết thúc khóa học, anh Biên được điều về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 71, Quân khu 3. Tình cờ một lần đi công tác, anh Biên gặp lại đồng chí Đào Mộng Hùng - Chính trị viên phó và đồng chí Nguyễn Ngọc Xửng - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 2 đang an dưỡng tại Đoàn 580. Ôn lại truyền thống đơn vị, các anh quyết định tặng lại lá cờ cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ngày 10-7-1970, đồng chí Hồ Sĩ Đắc cán bộ sưu tầm của Viện bảo tàng đã đến tận Đoàn 580 để nhận bàn giao hiện vật quý giá này.
Những năm qua, lá cờ luôn được các thế hệ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nâng niu, gìn giữ và giới thiệu đến đông đảo khách tham quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét