LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

TÀN KHỐC CỦA CHIẾN TRANH

Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2 



Sau khi chiến thắng địch ở cao điểm 660, chúng tôi cùng vệ binh chỉ dẫn bọn sỹ quan binh lính địch đầu hàng đưa về ban chỉ huy Trung đoàn cách cao điểm tác chiến mấy km. Đồng chí Tịch chính trị viên (anh nói tiếng Anh và Pháp khá tốt), cùng với Tiểu đoàn trưởng Trần Như Tiếp và một số đồng chí trong Ban chính trị hỏi binh lính sỹ quan địch. Được chúng khai báo đã biết được ý đồ của địch, các anh yêu cầu tên lính phục vụ điện đài cho tên tiểu đoàn trưởng bị bắt mở máy gọi điện về báo cáo trực tiếp với sở chỉ huy chúng: Không được để máy bay ném bom một thời gian, vì con cái còn đang đi lạc trong vùng giao chiến và tản mát trong rừng.
Mấy ngày sau địch cho máy bay đến khu vực hai bên giao chiến, bắn phá với lượng bom đạn chưa từng có vào vị trí giặc thất trận bỏ chạy. Trước tình hình bom đạn như vậy, đơn vị cử người đi làm lại công tác tử sỹ thu dọn chiến trường, có đồng chí được phân công nhiệm vụ này cáo đủ lý do…

Thấy vậy, tôi xung phong đi cùng các đồng chí trong Tiểu đoàn. Tổ công tác đến cao điểm 660 và 723 khu chôn cất chiến sỹ ta hy sinh. Một cảnh tượng hết sức đau xót và tàn khốc tận cùng của chiến tranh được hiện ra trước mắt: …kia bộ quần áo màu xanh vải Ga ba đin, chiếc thắt lưng da màu nâu nhạt Trung Quốc, đây cánh tay, bàn chân và đầu người trơ trọi trên mặt đất. Cành cây cháy dở vắt ngang từng đoạn ruột, gan, ruồi bọ và những con mối…
Tất cả những gì có trên mặt đất đều được trộn lẫn và trở về với đất.
                                                       
Sau khi chiến thắng địch trên mặt trận đường 9 Nam Lào cuối tháng 3 năm 1971 về. Đơn vị trở lại khu Kà Tồn phía Bắc huyện Mường Phìn, chúng tôi được nghe cán bộ tuyên huấn vào nói chuyện ý nghĩa của thắng lợi việc đánh địch đưa ra đường 9 Nam Lào. Làm cho chúng thất bại ý định của việc: Việt Nam hoá chiến tranh. Lúc này chiến trường có nhiều phóng viên báo chí vào phỏng vấn ghi chép, hình ảnh ngoan cường của cán bộ chiến sỹ trên mặt trận.
Đơn vị có Đội văn Công của Tổng cục Chính trị đến biểu diễn. Nghệ sỹ Kim Cúc người to béo hát mấy bài rồi ngâm lời thơ của Tố Hữu có đoạn.
                                     
“ Em là ai, cô gái hay nàng tiên.
Em có tuổi, hay không có tuổi…”.

Các chiến sỹ xem văn công biểu diễn xong về lán trại nghêu ngao: Em là ai Kim Cúc hay thùng phi... Sau chiến thắng trên chiến trường khó khăn ác liệt, lại có các anh chị trong đội văn công xung kích vào biểu diễn, trong lúc còn khét mùi khói bom đạn, làm cho các chiến sỹ rất xúc động. Bởi làm lên chiến thắng còn có cả: Tiếng hát át tiếng bom.
Đơn vị nhận được rất nhiều quà của nhân dân miền Bắc gửi tặng. Những lá thư của thanh thiếu niên học sinh Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình… viết thăm hỏi động viên các chiến sỹ ngoài mặt trận. Thư được Chính uỷ Trung đoàn Nguyễn Tá, đọc lại cho bộ đội nghe tình cảm của nhân dân hậu phương gửi vào. Trong nhiều lá thư ấy, có nội dung của nữ sỹ Ngân Giang, làm tôi còn nhớ mãi, thư bà viết động viên con trai cùng các chiến sỹ có đoạn:                      
“… Nếu chỉ biết ăn và biết ngủ
Lớn khôn thành vợ lại thành chồng
Dòng đời như vậy sao yên được
Khi cả miền Nam lửa bão bùng…”.

Cũng lâu lắm rồi chúng tôi mới được yên lặng ngồi nghe lời nhắn nhủ của người thân từ miền Bắc gửi vào, nên khi lời thơ của bà vang lên thấm vào chúng tôi theo từng huyết mạch.
(Đồng chí Mão con nữ sỹ Ngân Giang, chiến sỹ trinh sát Trung đoàn, bị thương ốm yếu đưa ra Bắc cứu chữa, nhưng quá nặng đã mất).
Sơ kết chiến dịch, đánh phản công ngăn chặn địch ở đường 9 Nam Lào, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1971, với năm mươi tư ngày đêm đại đội 7- D2- E1- F2 chúng tôi đánh tiêu diệt thu hồi nhiều vũ khí trang bị của địch, làm tốt công tác dân vận và chính sách tù hàng binh. Bình quân mỗi cán bộ chiến sỹ trong đơn vị bắt sống 13 tù binh địch.


TRÊN CAO NGUYÊN- BÔLÔVEN

Để an toàn cho tuyến đường vận tải của ta ở Hạ Lào. Đầu tháng 4 năm 1971, Sư đoàn 2 chúng tôi cùng quân tình nguyện Lào, chủ động tấn công mở rộng hành lang cho đường vận tải chiến lược 559. Nhằm xoá đồn bốt quân phiến loạn Thái Lan, phỉ nguỵ Lào phản động, đang quấy nhiễu đánh phá theo chỉ đạo của chính quyền nguỵ ở Sài Gòn.
Nhận lệnh lên Cao Nguyên Bôlôven, đường hành quân vào vị trí chiến đấu bộ đội chủ yếu ăn lương khô giảm bớt khói lửa, tránh qua lại khu đông dân, bảo đảm bí mật trước giờ nổ súng. Hàng chục ngày mang vác vũ khí lương thực thực phẩm chúng tôi đến cánh đồng Pha Lan- Đồng Hến. Mấy ngày sau phân đội tổ chức đánh tiêu diệt số đồn bốt nhỏ của địch nằm rải rác trên trục đường án ngữ. Đến trung tuần tháng 5, Trung đoàn giao nhiệm vụ cho phân đội đánh địch giải phóng thị trấn Pắk Soòng. Một khu đông dân cư sầm uất của vùng Hạ Lào, vị trí được chúng bảo vệ rất vững chắc.
Song với tinh thần quyết chiến quyết thắng, chỉ sau mấy ngày thắt chặt vòng vây đơn vị tôi đã đánh và làm chủ hoàn toàn khu vực. Nhân dân thị trấn lúc đầu hoang mang lo sợ, nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền và giữ nghiêm kỷ luật. Đơn vị đã lấy được lòng tin của nhân dân các bộ tộc Lào, với anh bộ đội Giải phóng quân Việt Nam. Cửa hàng cửa hiệu bán hàng trở lại, dưới gầm nhà sàn đều có xe ô tô và xe Honda của nhân dân để đi lại vận chuyển. Hàng tiêu dùng; chăn, màn, quấn, áo, đồng hồ, xe đạp, lương thực thực phẩm bày bán tự do, người qua lại mua bán đông đúc.
Ngược lại công tác hậu cần của đơn vị tôi lúc này gặp rất nhiều khó khăn, các bếp không còn gạo nấu tiếp tế cho vị trí chiến đấu, mấy ngày liền bộ đội trên cao điểm ăn toàn rau tàu bay lá sắn, nấm chân chim luộc. Gần chục ngày mỗi chiến sỹ được cấp 0,5 kg gạo nếp/ngày, gói được nắm cơm nhỏ. Thấy anh em đứt bữa anh Phan Văn Thanh (Liễu) quân nhu tiểu đoàn, lấy súng bắn mấy con bò thả rông của bọn phỉ Vàng Pao quân phản động Lào giết lấy thịt. Đại đội tôi được bữa thịt bò đỡ đói, nhưng đồng chí Liễu ngay lập tức đã bị kỷ luật về chính sách dân vận.
Các bếp nuôi quân hầu như không còn gì mà nấu ăn cho bộ đội, anh em thay nhau vào rừng cà phê tìm mật ong, có đồng chí bị ong bò vẽ cắn đốt ngộ độc nặng, phải cứu mãi mới sống. Đói quá anh em tìm mật và ăn chuối chín, đã làm cho người say cồn cào choáng váng.
Mặc dù đói khổ như vậy, nhưng hàng hoá đường sữa bánh kẹo bày bán tự do. Được cán bộ chiến sỹ giữ nghiêm kỷ luật:“ Không lấy cái kim sợi chỉ của nhân dân…”, giữ vững lòng tin của đồng bào trên vùng đất.
Sau khi Trung đoàn đánh chiếm giải phóng thị trấn, phân đội tiến hành đánh địch trên quốc lộ 13. Đánh chiếm xong, Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho đại đội 7 chúng tôi chốt giữ cao điểm Pắk Kụt. Vị trí được lãnh đạo đơn vị quán triệt: Không cho địch từ Pắk Sế theo đường 13 quay lại tái chiếm Pắk Soòng, không cho chúng chạy về Pắk Sế... Chỉ đạo của Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn là: Đánh kéo địch từ Pắk Sế và các nơi vào khu vực Pắk Kụt. Trung đoàn Ba Gia dùng một lực lượng đánh thọc phía sau sườn địch, phải cho chúng một đòn thật bất ngờ, không kịp chống đỡ. Tiêu diệt bằng được binh lính đang có ý đồ phản kích lại, bẻ gẫy bằng được cuộc tái chiếm của chúng vào khu vực; Pha Lan, Đồng Hến và thị trấn Pắk Soòng.
Điểm cao Pắk Kụt một ngọn đồi nằm cạnh đường quốc lộ số 13, có sông suối cầu bắc qua, một vị trí án ngữ hết sức quan trọng của cả hai phía. Với địch đây là vị trí bảo vệ vòng ngoài cho cụm quân sự ở Y Tu- Bản Nhik. Chính vì thế mà địch phải ra sức đánh chiếm hòng lấy lại vị trí.
Đơn vị lên chốt được lãnh đạo chỉ thị: Phải chiến đấu và thu hút địch vào cao điểm, tạo thuận lợi để Trung đoàn tập trung đánh vào cụm quân sự chúng.
BỐN CHIẾN SỸ TRÊN CAO ĐIỂM PẮK KỤT

Sau khi chúng tôi được giao lên cao điểm Pắk Kụt giữ chốt, triển khai đào hầm củng cố vị trí chiến đấu vừa xong, thì bị máy bay cùng pháo kích địch bắn vào vô cùng dữ dội. Chốt giữ trở thành nơi mưa bom bão đạn của kẻ thù, từng tốp máy bay địch lao tới ném bom, đạn pháo 105 ly, cối 165 ly từ căn cứ quân sự Bản Nhík bắn tới, sau là những đợt lính bộ binh địch tràn lên tấn công.
Trong ba ngày địch tấn công vào cao điểm bị đơn vị tôi đánh thiệt hại gần một tiểu đoàn, gồm 3 đại đội lính Com Măng Đô nguỵ Lào, quân Thái Lan. Vị trí được giữ vững, nhưng chốt giữ thương vong một số đồng chí phải điều động và thay thế liên tục.
Ngày mùng 9 tháng 6, từ mờ sáng địch cho máy bay đánh bom, bắn pháo cối vào cao điểm. Cuộc chiến đấu trở nên ngay go và vô cùng ác liệt, có đồng chí vừa bổ sung vào đến vị trí thì đã bị thương. Sau mấy giờ bị địch đánh phá và cho lính bao vây đường tiếp viện. Khoảng 14 giờ chốt giữ bị một đợt pháo cối và bộ binh địch tràn lên đánh phá làm nhiều đồng chí thương vong. Chốt giữ lúc này còn có: Tô Ngọc Lâm tiểu đội trưởng và các đồng chí Vũ Minh Quỳnh, Phạm Văn Tiến, cùng tôi.
Những tay súng còn lại, triển khai đánh từng đợt phản công của địch lên vị trí chốt giữ. Pháo cối địch bắn cấp tập vào cao điểm, tiếp đến là hàng loạt đạn súng đại liên, đạn M79, cùng với hàng loạt lính bộ binh tràn lên dùng tiểu liên AR 15 bắn như vãi đạn vào cao điểm
Quân số trên chốt còn ít, phải đánh trả với quân số địch quá đông, chốt giữ mỏng manh khó giữ, lúc này ta và địch giành giật nhau từng thước đất của quả đồi. Cơ số đạn cũng không còn đảm bảo cho cuộc chiến đấu với lũ giặc hung dữ, do vậy người lãnh đạo chỉ huy: Nhằm thật chính xác từng tên mới được nổ súng, tiết kiệm đạn, để địch đến thật gần mới được bắn … Thực hiện lệnh chiến đấu của người chỉ huy cao nhất còn lại trên cao điểm, chúng tôi xác định sống chết với quân thù tại vị trí vô cùng ác liệt này.
Địch tiếp tục cho bắn một đợt pháo cối cỡ lớn vào cao điểm, 30 phút sau cho lính bộ binh tiến lên. Các tay súng ngắm chính xác từng tên lính đi đầu đang khật khưỡng thở hồng hộc lao đến.
Thời cơ đánh địch đã đến, được chỉ huy ra lệnh. Chúng tôi đồng loạt nổ súng vào những tên đi đầu. Có lẽ địch tưởng chốt giữ đã bị bom pháo của chúng đánh chết hết, cho nên khi bị chốt giữ đánh trả lại địch đã hoảng hốt rút chạy. Ngay lập tức chúng tôi được lệnh đồng loạt bật khỏi hào quét đạn sát lưng địch. Xác giặc chết ngay mép chiến hào, số địch còn lại chạy thục mạng lăn xuống chân cao điểm.
Tranh thủ cơ hội ấy chúng tôi nhanh chóng thu lượm vũ khí, bổ sung cho cuộc chiến đấu. Pháo cối địch lại tiếp tục bắn đến, và trước tình hình một mất một còn của cao điểm, đồng chí Lâm xác định cho những người còn lại: Phải giữ bằng được cái chốt quan trọng này, vì đây là vị trí thu hút để cho Trung đoàn đánh được vào cụm quân sự của chúng ở Y Tu- Bản Nhik”.
Quân giặc với ý đồ phải chiếm bằng được cao điểm, chúng tiếp tục điều thêm quân, cho pháo cối triệt phá để bộ binh tràn lên bắt sống chúng tôi. Giờ phút trên Pắk Kụt hết sức căng thẳng, đơn vị cho quân đến nhưng không thể vào được. Vũ khí đạn trên chốt cạn dần, không còn cách nào khác đồng chí Lâm phân công mỗi người quan sát bảo vệ vững chắc một hướng, để địch vào thật gần mới được nổ súng, bắn tỉa chính xác, ném lựu đạn khi mấy thằng chụm vào nhau. Nhưng tuyệt đối không cho địch phát hiện chốt còn lại ít người, dùng AK phải kết hợp với vũ khí thu được của chúng, nhưng không cho địch biết là vũ khí lấy được của chúng.
Thực hiện ý định của người chỉ huy, khi địch vào cách vị trí chốt giữ khoảng 25 mét, chúng tôi đánh trả lại chúng bằng những loạt đạn AK, kèm theo là tiếng nổ của lựu đạn chày, lựu đạn US- đạn AR15 của Mỹ, khói lửa trên cao điểm mù mịt, địch hoảng loạn hô hét- Vici… Vici …còn rất nhiều, rút ngay- rút ngay.
Tiếng súng giảm dần, chốt chiến hào biến dạng đồng đội gọi tìm lại nhau, thì thấy đồng chí Lâm ngã vật người xuống hào và tay ôm chiếc mũ ở bụng, tôi vội lao đến, thấy ruột trong bụng xổ ra nằm trong chiếc mũ và anh đang cố nén giữ. Tôi hiểu đồng chí bị thương rất nặng, nhưng dấu kín không để cho chiến sỹ của mình biết, nhằm giữ vững lòng tin cho cuộc chiến đấu của đơn vị. Máu từ bụng đổ xuống đã đông đặc dưới chiến hào anh đứng chỉ huy.
Anh nói với chúng tôi trong hơi thở đứt quãng: Các em còn lại gần đây nghe anh nói, khi nói xong thì sẽ cho anh uống nước… Các đồng chí … các em hãy chiến đấu giữ chốt và thu hút địch, để cho đơn vị đánh vào Y Tu bản Nhik… trả thù cho anh cùng đồng đội hy sinh … Anh vẫy tay ra hiệu cho tôi ghé sát xuống người nghe anh nói.“Sau này chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, em nào còn sống trở về, nhớ tìm đến quê hương anh ở đất Thái Bình, kể lại trận đánh của đơn vị, để cha mẹ gia đình quê hương anh biết, về cuộc chiến đấu giữ chốt vô cùng ác liệt này, cùng với việc mà anh hy sinh hôm nay …”.
Ba chúng tôi ghé sát vào người để anh hôn và cầm tay vĩnh biệt mấy người còn lại trên cao điểm. Anh mỉm cười… tin tưởng vào các chiến sỹ của anh còn lại chiến đấu giữ chốt.
Người tiểu đội trưởng kiên cường dũng cảm của đơn vị trên chốt Pắk Kụt, đã thanh thản ra đi trong vòng tay của đồng đội vào khoảng 16 giờ ngày mùng 9 tháng 6 năm 1971. Cao điểm lúc này còn lại ba người nổ súng chiến đấu giữ chốt, trời tối đơn vị tăng cường lực lượng củng cố trận địa. Cùng lúc ấy tiếng súng pháo cối của ta đã nã vào trúng cụm quân sự địch đóng ở khu vực Y Tu- Bản Nhík.
Mấy ngày sau Trung đoàn đã tập trung đánh tiêu diệt được cụm cứ điểm quan trọng của địch ở Hạ Lào, giữ vững mở rộng tuyến đường vận tải Trường Sơn, trả thù cho các đồng chí anh dũng hy sinh trên Cao Nguyên Bôlôven, đất nước hoa Chăm Pa xinh đẹp.


Sau khi chiến đấu giải phóng được một vùng rộng lớn ở miền Hạ Lào. Cuối tháng 6 năm 1971, Trung đoàn hành quân trở về đóng quân ở phía nam huyện Mường Phìn thuộc Lào. Làm lán trại cho bộ đội ăn ở học tập chính trị huấn luyện quân sự. Đơn vị chỉnh đốn theo nghị quyết số 19 của Mặt Trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong học tập thảo luận các chiến sỹ đều phân tích đặt câu hỏi. Nếu có phải hy sinh trên chiến trường đánh giặc xâm lược có thiệt không …? Cả đơn vị bàn luận rồi cùng nhau đồng tâm ra nghị quyết: Hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam yêu quí không thiệt...
Do có nhiều thành tích chiến đấu công tác, tôi được chi bộ xét kết nạp vào Đảng, lớp đảng viên Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Văn Thành người Hà Tây, trung đội trưởng, đảm bảo số một. Đồng chí Trần Văn Sơn người Quảng Nam, chính trị viên phó đại đội bí thư chi đoàn đảm bảo thứ hai, giúp đỡ tôi đứng trong hàng ngũ. Lễ kết nạp diễn ra trang trọng vào 14 giờ ngày 14, tháng 12, năm 1971, trên sườn núi phía tây của cánh rừng Trường Sơn đất nước Triệu Voi hùng vĩ. Dưới lá cờ quang vinh tôi nguyện hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Quân đội trao cho trên chiến trường đầy khó khăn ác liệt.
Là tiểu đội trưởng đảng viên trẻ tôi được tham dự các lớp tập huấn, từ đó mà nâng cao về kỹ chiến thuật trong chiến đấu. Được nghe giới thiệu lại những trận đánh có tính chất quyết định của Trung và Sư đoàn trong chiến dịch. Và các bức điện của, Anh Văn- Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt là bức điện của Tổng Tư lệnh chỉ đạo cho phân đội trong chiến dịch Nam Lào.
Tôi cũng không thể quên hình ảnh và câu nói của Sư đoàn trưởng, Nguyễn Chơn, thời kỳ ấy. Làm tăng thêm sức mạnh cho mỗi người lính chúng tôi trên bước đường công tác, chiến đấu. “… Người chỉ huy phải thật giỏi và sâu sát cụ thể. Có giỏi thì chiến sỹ mới bớt thương vong hy sinh … Đơn vị cử người đi trinh sát đồn bốt địch đóng quân, về báo cáo với lãnh đạo để chuẩn bị cho việc chiến đấu chỉ có khoảng 9 lô cốt. Khi cho trinh sát đi kiểm tra lại, thì có tới 11 chiếc. Nếu quan liêu không chuẩn bị lại, thì hai chiếc lô cốt địch còn lại kia nó bắn ra, thì hậu quả nghiêm trọng như thế nào ?...”. Cùng bao câu truyện cụ thể khác được Sư đoàn trưởng nêu ra, mang đầy ý nghĩa trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sỹ với đất nước.
Dưới tán cây trong rừng già che khuất, đơn vị được huấn luyện kỹ từng động tác đánh địch trong hầm ngầm, lô cốt và thành phố thị xã, luyện bắn súng và ném lựu đạn thật. Một hôm trong buổi huấn luyện Tiểu đoàn phó Cẩn ra tình huống, đưa tiểu đội tôi lên tiêu diệt cụm hoả lực địch phía trước. Thấy địch quân xanh chống cự mạnh, tôi báo cáo địch chống cự rất quyết liệt không thể tiến vào được, đề nghị dùng hoả lực tiêu diệt, được chỉ huy ra lệnh cho tiêu diệt mục tiêu. Nhưng lúc rút kinh nghiệm tôi đã bị Tiểu đoàn phó Thân Văn Cẩn phê bình “ Đồng chí San tiểu đội trưởng lại ra tình huống cho cán bộ Tiểu đoàn… ”.
Thời kỳ này trong Trung đoàn đều được cải thiện bồi dưỡng sức cho bộ đội, vào ngày lễ Quốc khánh, thành lập Quân đội, cho các đồng chí là người dân tộc Mường, Tày, biết tiếng Lào mang tiền Kíp tới các bản mua trâu, bò, lợn, gà về giết thịt nấu ăn cho đơn vị. Có con, trâu, bò, lợn, mổ ra thì trong thịt đầy những con giun sán gạo cựa quậy. Anh em tiếc vì mấy tháng mới được cấp tiền mua về giết đun nấu cải thiện mà lại phải đem chúng đi chôn.
Ngày đêm máy bay địch đánh bom ở các gầm sông binh trạm và rải chất độc hoá học như mưa phùn xuống. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ lá cây rụng phủ kín mặt đất. Rồi máy bay B52 ném bom phá và bom bi nổ chậm kéo dài hàng chục giờ liền. Nhiều đoạn đường ô tô ta bị máy bay chúng săn đuổi đánh hỏng hàng chục chiếc xe cháy nổ còn mang đầy hàng hoá.
Máy bay trinh sát L.19- OV10 phát hiện có đường ống xăng dầu, dây thông tin liên lạc, là cho máy bay lao tới đánh bom phá huỷ. Tiếng gầm rít từ những trái bom giặc ném xuống mà lo cho các đồng chí thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, đang ngày đêm trên các đoạn đường trọng điểm.
Thỉnh thoảng đơn vị có anh chị em văn công chiếu phim từ miền Bắc và Quân Khu 5 vào biểu diễn thì đoàn bộ sắp xếp bộ đội lần lượt đến chiếc nhà hầm lớn ngồi xem, nhà phủ kín lá nguỵ trang đề phòng máy bay biệt kích địch phát hiện. Còn được cán bộ tuyên huấn vào nói chuyện tình hình sản xuất và chiến đấu của quân dân ngoài miền Bắc
Một hôm trung đội tôi có đồng chí trong đội văn nghệ xung kích vào chơi, đoàn đang biểu diễn ở trạm giao liên 31- 32. Chị là đồng hương với Trung đội trưởng Trần Văn Thành, người Hà Tây. Sau những câu truyện ấm tình trên quê hương đất Bắc, chúng tôi đề nghị chị hát tặng cho các chiến sỹ đơn vị nghe mấy bài.
Trong bộ quân phục cùng chiếc mũ tai bèo còn mới. Chị Liên đứng lên ngân vang bài: Đường tôi đi dài theo đất nước, Hà Tây quê lụa và ca khúc “ Nổi lửa lên em”. Khi chị ca sỹ hát tới đoạn:… Nổi lửa lên em miếng nước ngọt ngào, muối đượm quê hương tình thương chiến trận, phút ngọt bùi nhớ nắm cơm ngon...
Đã làm tôi nhớ đến đồng chí Võ người tỉnh Hưng Yên, khi còn huấn luyện trên đất Bắc, anh là nuôi quân của đại đội. Trên đường hành quân ra trận anh đứng lên giới thiệu rồi hát bài: Nổi lửa lên em. Trong núi rừng Trường Sơn ngày đầu gian lao vất vả, tiếng Võ cất lên bay bổng làm các chiến sỹ rất xúc động.“…Lửa chiến tranh còn, bỏng đất quê mình…. Đôi quang gánh nặng tình yêu đất nước. Hơi bếp Hoàng Cầm ta sưởi ấm nơi nơi…”.
Lời hát chứa chan tình yêu quê hương đất nước đi vào cuộc chiến, thì giờ đây đồng đội của Võ ngày ra đi còn sống, chỉ còn là câu chuyện kể về một chàng trai trẻ đất nhãn lồng có giọng hát hay, đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình trong trận chiến đấu đánh ngăn chặn địch ở chiến trường đường 9 Nam Lào.
Chị ca sỹ vừa hát xong thì trung đội trưởng Trần Văn Thành, chạy vào giá đỡ kéo chiếc ba lô rút ra tấm vải dù nhờ chuyển đến gia đình giúp anh: “Anh nhờ Liên, chuyển giúp tới mẹ hộ anh ba chéo vải dù hoa, mảnh dù của người con trai nơi chiến trường ác liệt gửi về làm quà tặng mẹ, để mẹ cùng gia đình làm kỷ niệm! Món quà chắc cũng là kỷ vật của người từ chiến trường gửi về quê nhà miền Bắc… Biết đâu khi tấm vải dù hoa này đến được tay mẹ anh cùng gia đình, thì trong mặt trận gian khổ ác liệt này thì Thành cũng hy sinh mất rồi…”.
Như một lời tiên tri trăng trối. Đồng chí Trần Văn Thành trung đội trưởng, người đảm bảo tôi vào Đảng đã hy sinh trong trận đánh giữ chốt vô cùng ác liệt, tại  điểm cao thuộc xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét