LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

CHIẾN THẮNG CẤM DƠI - QUẾ SƠN

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của Trung tướng Nguyễn Huy Chương
Căn cứ Cấm Dơi còn có tên là căn cứ Roos, nguyên là căn cứ của lữ đoàn 173 thủy quân lục chiến Mĩ. Khi quân Mĩ rút đi, căn cứ này được giữ nguyên và bàn giao cho quân ngụy. Căn cứ Cấm Dơi nằm cách chi khu quận lị Quế Sơn chừng 2km và nằm sát đường 105. Đây là một căn cứ phòng thủ rộng và vững chắc. Quân địch dồn về đây 2 trung đoàn 5 và 6, thuộc sư đoàn 2 bộ binh và quân ngụy, 1 trung đoàn thiết kị, 1 chi đoàn xe bọc thép, 7 trận địa pháo binh và 50 khẩu từ 105mm đến 115mm, rải từ núi Quế đến Tuần Dưỡng sẵn sàng chi viện khi Cấm Dơi bị tấn công. Đó là chưa kể đến tiểu đoàn 37 biệt động quân cơ động, 2 liên đoàn bảo an, 2 tổng đoàn dân vệ và gần 2. 000 tên tề ngụy vũ trang tại chỗ, phần lớn là bọn quốc dân đảng địa phương. Có thể nói, căn cứ Cấm Dơi là một căn cứ mạnh về nhiều mặt, sau giai đoạn Mĩ rút quân là căn cứ duy nhất ở miền Trung có hệ thống công sự 3 tầng: Tầng ngoài là công sự chiến đấu, tầng giữa là lô cốt xen kẽ nhà hầm, tầng trong có nhiều hang đá lập thành khu cố thủ có xe tăng bố trí xen kẻ. Bao quanh căn cứ Cấm Dơi là 12 lớp rào, chủ yếu là kẽm gai bùng nhùng 3 khoanh. Từ hàng rào ngoài cùng vào đến hàng rào trong là 110 mét, giữa các hàng rào chúng gài mìn sáng, mìn Claymo. Trong 12 lớp rào có 3 đường xe chạy và quân bộ tuần tra. Căn cứ Cám Dơi và chi khu quận lị Quế Sơn rộng hàng ngàn ha, phía tây căn cứ có con sông Li Li chảy ngang qua đường số 1 đoạn cầu Hương An, ý đồ của quân ngụy ở đây là cố thủ, giữ cho kì được tuyến phòng thủ phía tây nam Đà Nẵng và phía tây bắc Tam Kì.

Sau khi mất các cao điểm chiến thuật: Hòn Chiêng, Bàng Thùng, Đồng Mông - Đá Hàm, Châu Sơn thì toàn bộ căn cứ Cấm Dơi - Chi khu quận lị Quế Sơn, như một con tàu bị mắc cạn nằm trong tầm ngắm của pháo 130mm, hỏa tiển B72 có điều khiến, cao xạ 37 của sư đoàn và Quân khu đang sẵn sàng băm nát căn cứ địch khi có lệnh.

Tôi còn nhớ, điều quan trọng cần phải giải quyết trước khi sư đoàn nổ súng tấn công Cấm Dơi đó là lương thực. Theo tính toán của cơ quan hậu cần sư đoàn, nếu bộ đội ăn theo tiêu chuẩn 0,5kg/1 người/ngày, thì mỗi ngày phải cần 6 tấn lương thực! Trong lúc kho của sư đoàn chỉ còn 10 ngày ăn. Quân khu đã tăng cường khẩn cấp được 100 tấn lương thực. Toàn bộ lương thực chỉ đủ cho 1/3 thời gian chiến dịch theo dự kiến. Làm thế nào để có 250 tấn lương thực cho bộ đội ăn trong suốt thời gian chiến dịch nổ ra? Chỉ còn 3 ngày nữa quân ta nổ súng tấn công căn cứ Cấm Dơi. Quả là cấp bách, ngặt nghèo, tôi được Quân khu giao nhiệm vụ họp bàn với Thường vụ huyện Quế Sơn để huy động nhân dân Quế Sơn giúp sức. Sau khi nghe tôi trình bày mục đích, các đồng chí Hồ Hoa, Bí thư huyện ủy, Phan Như Lâm, Nguyễn Quốc Dũng, Nguyễn Ngọc Tâm trong Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Sơn có ý kiến ngay: “Khó thì khó thật, khó vô cùng! Nhưng cấp trên quan tâm đưa quân về giải phóng quê hương Quế Sơn của chúng ta, chúng tôi xin hết lòng lo lương thực cho bộ đội”. Và Huyện ủy Quế Sơn đã tạo được cử khẩu ở xã Phú Hương, Phú Diên (vùng đông Quế Sơn) thu hút lương thực từ Quảng Đà vào, đồng thời vận động nhân dân ăn khoai sắn, nhường gạo và bắp xay cho bộ đội. Với truyền thống quân dân cá nước nặng tình lâu nay, ngay từ khi sư đoàn 711 về Hiệp Đức, Hội phụ nữ, Hội nông dân vận động hội viên đóng góp sữa, thuốc rê và đường, bồi dưỡng cho thương binh, bệnh binh, tình cảm đó được thể hiện qua ca dao kháng chiến:
Tặng anh một gánh đường đen
Đường tình, đường nghĩa. đường quen từ đầu.

Tôi nhớ hồi đó chưa có công thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhưng cách vận động và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân chứng minh câu nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chứng minh sự đúng đắn và sức mạnh của nhân dân là tuyệt vời, không có gì lay chuyển nổi.

Vậy là chỉ trong 3 ngày, huyện Quế Sơn, bằng sự dũng cảm và lòng nhiệt tình cách mạng, đã vận động nhân dân ủng hộ thu mua được hơn 200 tấn lương thực đưa về kho của sư đoàn. Riêng huyện Quế Sơn huy động được 57 tấn lương thực. Ngoài ra, bà con còn tự nguyện dở nhà, ván nằm, chặt cả chuối cây đang có trái để xây công sự, làm nắp hầm cho bộ đội và sẵn sàng phục vụ chiến đấu bất kể công việc gì được huy động, phân công.

Giai đoạn 3 của chiến dịch tiêu diệt căn cứ Cầm Dơi, phát triển đánh chiếm chi khu quận lị giải phóng thung lũng Quế Sơn đã được xác định. Bộ Tư lệnh sư đoàn hội nghị quán triệt tinh thần chiến đấu, kiểm tra binh khí kĩ thuật và hạ lệnh tấn công.

Trung đoàn 31 nhận nhiệm vụ tấn công hướng chủ yếu bằng 2 mũi, từ đông bắc đánh vào, đông nam đánh lên.

Trung đoàn 38 chia 3 mũi tấn công chủ yếu, hai mũi từ hướng tây đánh xuống, một mũi thọc sâu chia cắt giữa khu vực 1 và 2.

Trung đoàn 9 nhận nhiệm vụ cắt đường 105 đoạn từ Phước Đức đến An Xuân, đánh quân địch từ núi Quế lên cứu viện, diệt bọn phụ quân ở các ấp chiến lược trên trục đường 105, và tổ chức một mũi tiến công từ phía đông lên, để phối hợp cùng trung đoàn 31, trung đoàn 38 tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi

Ngày 18/8/1972, các cỡ hỏa lực của sư đoàn, có cả pháo 130mm của Quân khu lần đầu xuất hiện trên chiến trường đồng bằng Khu 5 dồn dập trút bão lửa lên đầu kẻ thù. Căn cứ Cấm Dơi chìm trong biển lửa. 7 trận địa pháo của chúng từ núi Quế đến Tuần Dưỡng bị pháo ta kim chế đều câm họng. Các cánh quân vây lấn áp sát hàng rào cứ điểm.

Đến 1 giờ 15’ các mũi quân của 2 trung đoàn 31 và trung đoàn 38 đánh chiếm các khu vực được phân công. Ở hướng trung đoàn 38, 2 tiểu đoàn 7 và 8 bị xe tăng địch phản kích ác liệt, quân ta và quân địch chiến đấu giằng co, giành giật từng mép rào, từng mỏm đá cho đến sáng thì quân địch bị đẩy lùi và bị tiêu diệt.

Đến 8 giờ ngày 19/8, đài quân báo của sư đoàn nhận được tin, sư đoàn 3 của chúng từ núi Quế, tập trung 3 tiểu đoàn bộ binh, có 1 trung đoàn thiệt kị tiến lên cứu nguy cho Cấm dơi. Lập tức, sư đoàn cho thê đội dự bị của trung đoàn 9 đánh quân phản kích, các tiêu diệt 38, 31 tiếp tục tiến công dứt điểm Cấm Dơi. Trong đem 19/8. Trung đoàn 31 và trung đoàn 38 được pháo 130mm và hỏa tiễn B 72 có bộ điều khiến đã tìm diệt từng chiếc xe tăng, công sự của địch, hỗ trợ cho các đơn vị tấn công thuận lợi. Trên hướng trung đoàn 31, xạ thủ Nguyễn Kim Quy, bắn 2 phát B40 đã diệt 2 xe tăng địch. Hàng rào quanh cứ điểm Cấm Dơi đã mở, pháo ta cấp tập lần cuối 20 phút, quân địch đồn trú trong Cấm Dơi không chịu nổi sức công phá của pháo 130mm và tinh thần dũng mãnh của bộ đội ta, đã chống trả yếu ớt. các cánh quân ứng cứu giải tỏa của sư đoàn 3 ngụy đều bị trung đoàn 9 của ta chặn đánh. Pháo binh của chúng không phát huy được hiệu quả, bọn phản kích lui quân về điểm xuất phát. 13 giờ ngày 19/8, các mũi quân của trung đoàn 31, trung đoàn 38 đánh thẳng vào tung thâm. Lúc này, pháo từ hạm đội 7 của Mĩ bắn cấp tập từng hồi vào khu chiến Cấm Dơi. Pháo đài bay B52 rải bom dọc các triền núi. Mặt đất, vùng trời rung chuyển, có lúc tưởng chừng mọi vật như biến mất dưới sức tàn phá của bom đạn. Dựa vào hầm trú ẩn, công sự kiên cố bộ đội ta tránh không để thương vong. Qua đợt B52, lại đến bọn máy bay phản lực ùa đến quần đảo, nhào lộn gầm rú đến nhức óc, để bất ngờ một chiếc trực thăng liều mạng lao đến hạ cánh ngay tại chỗ có hỏa điểm màu đỏ làm hiệu. Chiếc trực thăng bốc tên trung đoàn trưởng, trung đoàn 5 ngụy Tôn Thất Lữ chạy thoát. Bộ đội cao xạ của ta nghe tiếng trực thăng đáp cánh, liền vọt lên khỏi công sự nhanh chóng xoay mâm pháo dương nòng tìm diệt thì chiếc trực thăng đã bay thoát ra khỏi tầm xạ kích.

Các mũi quân của ta lúc này tấn công mãnh liệt vào tung thâm căn cứ Cấm Dơi. Tiểu đoàn 8 của trung đoàn 31 xông lên, cho chiến sĩ cắm cờ trên sở chỉ huy trung đoàn 5 ngụy, bắt sống toàn bộ ban tham mưu của chúng. Đến 16 giờ, các cánh quân của ta chiếm lĩnh hoàn toàn căn cứ Cấm Dơi, bắt tù binh, thu vũ khí.

Cướp thời cơ quân địch đang hoang mang, rối loạn, hai mũi quân của trung đoàn 38 và trung đoàn 31 đánh thẳng vào quận lị Quế Sơn. Tiểu đoàn 9 và mũi quân của trung đoàn 38, tiểu đoàn 8 của trung đoàn 31 đánh vào, hai tiểu đoàn của trung đoàn 9 từ hướng đông nam đánh lên. Chỉ trong vòng 30 phút, các mũi quân của trung đoàn 38, trung đoàn 31 và trung đoàn 9 đã chiếm xong chi khu quận lị Quế Sơn tiêu diệt gọn bọn địch đồn trú ở đây. Bọn trung đoàn 6 ngụy “khăn gói” trên đoàn xe 25 chiếc định tháo chạy về chợ Đàn, liền bị tiểu đoàn 4, trung đoàn 9 đón sẵn diệt gọn, bắt sống tên thiếu tá pháo binh và bắn rơi 3 máy bay lên thẳng.

Hợp đồng với tiếng súng tấn công của bộ đội khu chiến Cấm Dơi, các lực lượng địa phương và nhân dân đã tiến công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch từ cầu chợ Đụn, nằm trên đường huyện lộ Quế Sơn, vào đến phía tây cầu ông Triệu, huyện Thăng Bình.

Qua 2 ngày chiến đấu, sư đoàn 711 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3. 000 tên địch, tiêu diệt 7 tiểu đoàn gồm bộ binh, pháo binh, thiết kị, xe bọc thép và bọn bảo an, thu trên 500 súng, phá hủy 40 pháo, 70 xe các loại, thu 30 xe còn mới nguyên, trong đó có 12 xe tăng. Lực lượng vũ trang huyện Quế Sơn do đồng chí Nguyễn Quốc Dũng chỉ huy và bộ đội tỉnh quảng Nam do tỉnh đội trưởng Nguyễn Hoàn chỉ huy đón đánh quân địch tan rã từ vă cứ Cấm Dơi chạy xuống, bắt sống 450 tên.

Ngày 20/8/1972, thung lũng Quế Sơn sau 18 năm bị kẻ thù chiếm đóng, lần đầu tiên đã sạch bóng quân thù. Hơn 1 vạn đồng bào được giải phóng khỏi ách kèm kẹp của Mĩ - ngụy.
Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu 5. Trước hết là nghệ thuật điều hành chiến dịch chặt chẽ, tài tình, nhịp nhàng, ăn khớp, phù hợp với khả năng sử dụng lực lượng 3 thứ quân trên một địa bàn khu chiến rộng. Vận dụng đúng chiến thuật phân tán, tập trung cơ động và tại chỗ linh hoạt, đánh tiêu diệt nhỏ căng kéo, tiêu hao rộng rãi, kèm chân, buộc địch bị động đánh theo cách đánh của ta và cuối cùng thực hành trận then chốt, để kết thúc chiến dịch giành thắng lợi trọn vẹn. Lực lượng quân địch hơn 1 sư đoàn hỗn hợp, có pháo binh, phi cơ, xe tăng chi viện một cách tối đa trong một cụm căn cứ phòng ngự mạnh, ở không không gian rộng, nhưng ta hơn hẳn địch về nhiều mặt như trên đã nói, nên đã giành chiến thắng trong một thời gian tương đối ngắn.

Với chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn, trình độ kĩ chiến thuật của sư đoàn được nnag cao toàn diện, từ tiến công địch trên điểm cao, vận động tiến công tiêu diệt quân địch phản kích, hiệp đồng binh hỏa lực, từ vây lấn, đến đột phá tiến công tiêu diệt căn cứ phòng ngự vững chắc của địch, phục lót, bao vây chặt, truy diệt địch và đón bọn tháo chạy, tiến công mãnh liệt, cơ động nhanh, giải quyết triệt để các mục tiêu của chiến dịch đề ra.

Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn, với sự xuất hiện bất ngờ đầu tiên của pháo 130mm, hoả tiển B 72 có điều khiến, có sức công phá mạnh các loại công sự kiên cố của địch. Ngoài hiệu quả tiêu diệt địch, còn làm cho địch từ lâu tin tưởng vào trang bị kĩ thuật và hệ thống hầm ngầm công sự vững chắc, cho là an toàn, nay bị đánh tơi tả, chúng đã trở nên hoang mang cực độ, dẫn đến tâm lí thất bại trong chiến đấu và bị động đối phó trong chiến lược, chiến thuật sau nầy.

Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn, là một đòn đánh đau vào quân ngụy, khi quân Mĩ còn ở miền Nam hà hơi tiếp sức và đỡ đòn cho chúng, nhnng vẫn không cứu nguy nỗi trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng.

Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn, xét về hiệu năng chiến đấu, về hiệu quả chiến thuật của các nhà chỉ huy, về mục đích chọn trận then chốt chiến dịch trong hè thu 1972, là hoàn toàn đúng đắn, mang tính sáng tạo, hiểu rõ thế và lực của ta, chỗ yếu chỗ mạnh của kẻ địch, nên ra quân là tất thắng, làm chủ chiến trường. Một điều quan trọng trong chiến thuật Câm Dơi, đó là sư đoàn được đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy điều hành từng bước đi, từng thời khắc của chiến dịch và huy động phần lớn các cơ quan Quân khu phục vụ cho chiến dịch, đem đến thắng lợi toàn diện như trong dự kiến của sư đoàn.

Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn, còn là chiến thắng của lòng dũng cảm vô song của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 711 và tinh thần hợp đồng chiến đấu của bộ đội địa phương huyện Quế Sơn và tỉnh Quảng Nam. Sự hợp đồng linh hoạt, nhạy bén, hỗ trợ chia lửa trên toàn mặt trận, đẩy bọn địch vào thế bị động, xoay xở đối phó, để rồi chuốc lấy thất bại. ở chiến trường Quảng Nam, cũng như Quế Sơn, từ các đồng chí chỉ huy đến bộ đội đều nắm rõ đường đi nước bước, hang ổ, kể cả âm mưu thủ đoạn nống lấn, chà xát hằng ngày của bọn địch, đây là ưu thế và lợi thế của lực lượng vũ trang của ta chủ động trong đối phó cũng như đánh địch bất kì trong tình huống nào. Khi chiến dịch mở ra, lực lượng nhân dân tại chỗ đã đóng góp rất lớn cho chiến thắng vang dội này.

Chiến thắng Cấm Dơi - Quế sơn, còn thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và sức chịu đựng hi sinh gian khổ của các tầng lớp nhân dân Quế Sơn. Vốn là vùng đất nghèo, quanh năm sống nhờ khoai sắn, rau màu là chính, trong kháng chiến chống Pháp là vùng tự do, nơi có nhiều cơ quan tỉnh, huyện ở trong nhà dân làm việc và bộ đội địa phương đóng quân tập luyện. Từ năm 1954, sau ngày hòa bình, Quế Sơn là một trong những nơi bị địch đánh phá tàn khốc nhất, nhiều cơ sở bị vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên ở lại bị bắt cầm tù, bị tra tấn dã man, nhiều gia đình li tán một số tổ chức phản động như quốc dân đảng ngóc đầu dậy tiếp tay cho Mĩ - ngụy đe dọa cuộc sống nhân dân. Nhưng nơi đây là vùng đất có truyền thống cách mạng, nhân dân Quế Sơn không hề nao núng, luôn hướng về Đảng, Bác Hồ, tỏ rõ tấm lòng thủy chung son sắt. Khi chiến dịch nổ ra. Bà con đã không tiếc tài sản và cả tính mạng của mình, dù thiếu đói, bom đạn ác liệt, vẫn ngày đêm phục vụ chiến đấu, khi được thông báo, là nhận đi tải thương, gùi súng đạn, đào hầm hào, công sự, che dấu, bảo vệ bộ đội khi về làng trú quân. Ở các bệnh xá, lúc nào cũng sẵn sàng có người lo cơm nước, chăm sóc thương binh hết lòng. Trong khi đó, nhà cửa bị quân thù hủy diệt vẫn làm công việc được giao, để cùng với bộ đội giành chiến thắng trọn vẹn trong chiến dịch Hè Thu 1972. Có những tấm gương khó quên, như gia đình đồng chí Lê Xuân ở Sơn Thành, cả nhà đều làm trinh sát giúp sư đoàn nghiên cứu chiến trường, trận địa đánh địch nưh nói ở trên.

Thất bại của quân ngụy ở Cấm Dơi - Quế Sơn đã được đài VOA (Đài tiếng nói Hoa Kì) ngày 21/8/1972 bình luận: “Mất Quế Sơn, một chi khu quận lị có căn cứ Cấm Dơi được bố trí mạnh bậc nhất ở miền Nam, chứng tỏ quân đội Việt Nam cộng hòa (chỉ quân đội ngụy) không đủ sức đương đầu với Cộng sản ở miền Nam”.


2 nhận xét:

  1. bay gio a nguyen kim quy con song hay da khuat

    Trả lờiXóa
  2. thoi gian danh tran cam doi toi chi khoang 7 tuoi dung ben canh a nguyen kim quy xem a ban xe tang

    Trả lờiXóa