LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

BÓC VỎ NGOẠI VI

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của Trung tướng Nguyễn Huy Chương
 

Nhận nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Quân khu, sư đoàn tổ chức đoàn cán bộ đi nghiên cứu chiến trường gồm:
Quyền sư đoàn trưởng Trần Tiến Quảng; Trần Trọng Son, sư đoàn phó, Hoàng Bình tham mưu trưởng sư đoàn, tôi, chính ủy sư đoàn, 3 trung đoàn trưởng và 3 chính ủy trung đoàn. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tiến hành tìm nhập. Trung đoàn 31 nhận lệnh tiêu diệt cứ điểm Bàng Thùng, trung đoàn 38 được giao nhiệm vụ diệt cứ điểm Hòn Chiêng, trung đoàn 9 đánh Đồng Mông - Đá Hàm, cứ điểm Châu Sơn giao cho 1 đại đội công binh của sư đoàn. Các cứ điểm Đá Tịnh - Núii Kiến được giao cho lực lượng vũ trang Quảng Nam, các ấp chiến lược ở chung quanh Cấm Dơi… được giao cho huỵện đội Quế Sơn phối hợp tấn công địch. Trong các cứ điểm ngoại vi quan trọng bấc nhất của tuyến phòng thủ này là núi Hòn Chiêng, có thể vì cứ điểm Hòn Chiêng là “Mái nhà phòng thủ trên cao” của căn cứ Cấm Dơi. Hòn Chiêng là một đồi độc lập cao đột xuất. Cái trụ compa: Tính từ Hòn Chiêng đến Bàng Thùng, Cấm Dơi, Đồng Mông - Đá Hàm cách nhau trên dưới 3km theo đường chim bay. Vì vậy, diệt được Hòn Chiêng là diệt được các cứ điểm chung quanh của nó. Các cứ điểm Hòn Chiêng, Bàng Thùng, Cấm Dơi, Đồng Mông - Đá Hàm, nằm cách quận lị Quế Sơn không xa, cách quốc lộ 1 ở hướng đông khoảng 18km, có đường huyện lộ 105, từ cầu Hương An ngang qua căn cứ Núi Quế lên huyện đều bị địch phát quang bố phòng chặt chẽ. Từ những năm 1965, vùng trung và vùng đông Quế Sơn đều được giải phóng, nhưng địch vẫn nống lấn và xây dựng nhiều căn cứ, đồn bót, đóng giữ chốt chặn, kết hợp với càn quét, nống lấn. Mĩ lết, pháo bầy khống chế hoạt động của ta, cũng như việc làm ăn sinh sống của bà con. Tuy nhiên, bọn Mĩ - ngụy cũng chỉ chiếm giữ được các điểm cao nói trên, còn lòng dân, sức mạnh chiến tranh nhân dân thì vẫn ngày đêm phát triển, kiên trì trụ bám, cung cấp lương thực, thực phẩm xây dựng cơ sở, gửi con em lên đường tham gia quân giải phóng.

Khi bộ đội về, bà con Quế Sơn hồ hởi mở rộng vòng tay như đón con em về nhà. Phần tôi, sau 26 năm đi chiến đấu khắp các chiến trường, nay trở về mảnh đất quê hương nơi sinh thành của mình, lòng tôi dậy lên dạt dào bao cảm xúc… Nhà tôi ở không xa nơi sư đoàn đóng quân, nhưng tôi không về được, vì còn nằm trong ấp chiến lược của địch, hơn nữa cán bộ chuẩn bị cho chiến dịch dồn dập, phải cùng anh em tập trung giải quyết.

Về ở trong lòng dân, có biết bao tấm gtương trung hiếu, hào hiệp đã để lại trong tôi những điều sâu sắc khó phai mờ. Hồi đó có gia đình anh Lê Xuân, anh làm Chủ tịch xã Sơn Thành (nay là thị trấn Đông Phú), con trai anh là Lê Hồng, làm xã đội trưởng, vợ anh, chị Bùi Thị Chanh, làm hội trưởng phụ nữ xã. Anh Lê Xuân nhận ra tôi là bộ đội huyện hồi năm 1947, hai chúng tôi xiết bao vui mừng. Anh Xuân cho tôi biết tin về gia đình tôi ở dưới quê: Anh Cả tôi già yếu không còn làm lụng gì được, anh Lộc đã qua đời vì bệnh dạ dày, các cháu tôi Năm Ai, Sáu Thương tối nào cũng phải vào khu đồn Hương An, theo lệnh bọn ngụy quyền ác ôn. Tôi bồi hồi khi nghe anh Xuân kể về gia đình mình. Nhưng biết nói sao, khi nhiệm vụ còn nạng nề, phải dốc tâm lực cho chiến dịch sắp tới mở màn, đến nỗi tôi và anh Xuân chưa có thì giờ tâm sự và thăm hỏi gia đình anh cặn kẽ. Những ngày chuẩn bị chiến trường, gia đình anh Xuân, cả 3 người đều làm trinh sát dẫn đường cho chúng tôi vào điều tra căn cứ địch. Lê Hồng, con trai anh, dẫn đoàn cán bộ, do đồng chí Trần Tiến Quảng, sư trưởng, sư đoàn 711 đi một hướng. Chị Chanh, vợ anh, dẫn đoàn cán bộ, do đồng chí Trần Trọng Sơn, sư đoàn phó đi một hướng. Còn anh Xuân, dẫn đoàn do tôi phụ trách đi một hướng. Nhờ gia đình anh Lê Xuân thuộc địa hình, nắm rõ được quy luật hoạt động của địch, giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn thành phương án đánh địch an toàn và hiệu quả.

Đến cuối năm 1972, trong những đợt phản kích chiếm lại Cấm Dơi của địch, anh Lê Hồng đã hi sinh, sau đó chị Bùi Thị Chanh cũng hi sinh trong khi dẫn đoàn đấu tranh chính trị trực diện với địch. Còn lại anh Lê Xuân, nay là cán bộ hưu trí, đã già yếu và bệnh tật, do những năm lăn lộn gian khổ trong chiến đấu và một phần thương nhớ những người thân yêu của mình, đã nằm xuống vĩnh viễn nơi quê hương thấm máu biết bao anh hùng, chiến sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bên cạnh căn cứ Cấm Dơi là thôn Mĩ Thứ, khi xây dựng cứ điểm này, bọn Mĩ đã xúc dân đi nơi khác, duy chỉ có 5 gia đình không chịu đi đâu cả, bà con quyết bám trụ lại sát nách địch. Nam nữ thanh niên con cái họ đều lánh đi nơi khác làm ăn, hoặc vào du kích, đi bộ đội, thoát li làm cán bộ phong trào, số gia đình ở lại chỉ có những người già cả. Trong số đó, có cụ bà Nguyễn Thị Dày là cơ sở cách mạng. Cụ Dày có một con trai là anh Nguyễn Vàng đã hi sinh trong chiến đấu, con gái đi lấy chồng ở xa. Lấy cớ già yếu, không đi đâu được nữa, cụ ở lại bám cây cau, cây mít, cây thơm trong vườn sống qua ngày, nhưng chủ yếu cụ bà ở lại là để giữ thế hợp pháp, nắm tình hình địch, tạo điều kiện để cán bộ ta đi, về có chỗ dựa. Cụ nghĩ cách, sắm một cây sào bằng tre khô dài hơn 6 mét dựng trước nhà, hẹn với anh em cán bộ ta, cứ mỗi chiều lên đài quan sát, hoặc leo lên cây cao đâu đó, nhìn thấy đầu sào có miếng áo rách là có địch đi tuần tra, hoặc chui lại trong nhà dân, không được vào. Nhờ ám hiệu đó, mà cán bộ, bộ đội ta vào ra trong ấp, hoặc đi sát đồn địch vẫn an toàn, cả khi trinh sát ta đi bám địch cũng được cụ giúp đỡ, chỉ vẽ tường tận.

Đầu năm 1971, cụ Dày bị bọn ngụy bắn cụ hi sinh, sau hơn hai năm trụ bám ngay trong lòng địch, làm nhiệm vụ cách mạng giao. Khi cụ bà hi sinh, bọn lính ngụy không chôn, mà đưa vào một hang đá lớn, cách căn cứ Cấm Dơi 700 mét, lấp thi thể cụ qua loa một ít đất. Dụng ý của bọn chúng, là sẽ không ai dám vào đây trú ẩn, hoặc ở. Khi sư đoàn chuẩn bị đánh Cấm Dơi, Bộ Tư lệnh sư đoàn chọn hang đá nầy làm chỉ huy sở, là nơi vừa bất ngờ, vừa thuận lợi, máy bay B52, pháo bầy không đánh vào đấy vì sát cứ điểm địch, bên trong hang có tảng đá cao, đứng quan sát, theo dõi bọn địch trong Cấm Dơi rất tốt. Bộ Tư lệnh sư đoàn cho công binh chọn địa điểm cách đó 200 mét, dùng nilông cốt hài cốt cụ an táng đường hoàng. Sau ngày hòa bình, mộ cụ bà được Đảng ủy, UBND xã xây lớn, gắn bia. Cụ Bà được Đảng, Chính phủ phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đã 29 năm trôi qua (1972-2001), hôm nay nhắc lại chuyện này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi và đồng đội tôi đến bà con Quế Sơn, xin thắp nén hương kính viếng hương hồn mẹ Dày, chị Chanh, anh Hồng, anh Vàng… những người chiến sĩ dũng cảm, một trong những gia đình, những con người cách mạng tiêu biểu của quê hương Quế Sơn thân yêu của tôi.

Cuộc điều tra các cứ điểm ngoại vi căn cứ Cấm Dơi hoàn thành. Bộ Tư lệnh sư đoàn 711, họp báo cáo phương án tác chiến trình Bộ tư lệnh Quân khu. Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu đặt câu hỏi với tôi: “Vì sao các đồng chí không dùng 1 trung đoàn để tiêu diệt cứ điểm ngoại vi? Ta còn 2 trung đoàn, do sư đoàn nắm trong tay, nếu có tình huống phức tạp thì sư đoàn dễ xử lí hơn, có lực lượng để tiếp ứng bổ sung. Nếu các đồng chí sử dụng 3 trung đoàn đánh một lúc, chẳng khác nào ta xòe hết cả hai bàn tay cho quân địch thấy”. Được sự nhất trí và phân công của sư đoàn lúc họp ở “nhà”, tôi thay mặt trả lời Tư lệnh Quân khu: “Thưa đồng chí Tư lệnh Quân khu, nếu dùng một trung đoàn tấn công 3 cứ điểm trên, thì chỉ huy trận đánh là tiểu đoàn, khi gặp trở ngại, không còn quân dự bị thì tiểu đoàn khó xử lí tình huống. Sư đoàn tuy dùng 3 trung đoàn để đánh địch, nhưng mỗi trung đoàn chỉ có 1 tiểu đoàn trực tiếp chiến đấu, như vậy, mỗi trung đoàn còn hai tiểu đoàn dự bị, khi địch phản kích ta còn có 2 tiểu đoàn đánh địch. Dùng binh như vậy, theo sư đoàn vừa có lợi vừa đủ sức cho trung đoàn giải quyết khi trận chiến đấu nổ ra”. Bộ Tư lệnh Quân khu sau khi cân nhắc đã nhất trí phương án đánh địch của sư đoàn 711. Để quan sát và chỉ đạo chiến trường, Bộ Tư lệnh Quân khu dời chỉ huy sở tiền phương xuống đứng tại núi Choang (núi Hường Hiệu) ở Trung Lộc, phía trên đèo Le theo dõi và chỉ huy; chỉ huy sở của sư đoàn được thiết kế dưới chân núi đèo Le.

Trận tấn công các cứ điểm ngoại vi căn cứ Cấm Dơi mở màn đềm 22 rạng ngày 23/7/1972. Trong lúc chiếm lĩnh cứ điểm địch, đại đội 10 tiểu đoàn 9 bị vướng mìn rào cản. Bọn địch bắn ra 3 quả M79. Không thấy động tĩnh, chúng tưởng thú rừng ăn đêm bị vướng mìn, bọn địch lặng yên. Cảnh giác địch phát hiện, các đơn vị được lệnh nằm tại chỗ, chưa được lệnh nổ súng. Thời gian đã qua, 4 giờ 30’ sáng ngày 23/7/1972, Quyền sư trưởng Trần Tiến Quảng hạ lệnh cho các trung đoàn trưởng Vũ Đình Nã (trung đoàn 31), Nguyễn Văn Trí(1) (trung đoàn 38), Trần Thanh Cương (trung đoàn 9), và các chính ủy trung đoàn Lê Văn Ba, Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Võ, kiểm tra lại khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị lần cuối. Tất cả đều trả lời: sẵn sàng!
5 giờ 10 phút, trung đoàn 31 nổ súng làm lệnh đánh chiếm núi Bàng Thùng, tiếp đến là trung đoàn 38 nổ súng tiến công điểm cao Hòn Chiêng; trung đoàn 9 tiêu diệt Đồng Mông - Đá Hàm. Tiếng nổ của các loại vũ khí của bộ đội ta ầm vang, ánh chớp sáng lòe các hướng tựa như một chuỗi hợp xướng âm thanh sắc lạnh giáng xuống đầu giặc.

Quân địch các cứ điểm bị đánh bất ngờ, sức chống trả rối loạn, yếu ớt. Sau 30 phút chiến đấu, trung đoàn 38 đã diệt gọn đại đội 2, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 6 ngụy, làm chủ hoàn toàn núi Hòn Chiêng; cứ điểm cao nhất và khó khăn, lại là nơi diệt địch nhanh nhất. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Trí báo cáo về sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, ta diệt 120 tên và bắt sống 8 tên địch, trong tiếng reo hò của bộ đội ta.

7 giờ 15 phút, trung đoàn 9 chiếm xong các chốt của cứ điểm Đồng Mông - Đá Hàm, diệt và bắt sống hơn 100 tên của đại đội trinh sát, trung đoàn 6 ngụy. Đến 9 giờ 15 phút, trung đoàn 31 chiếm và làm chủ điểm cao 579,621 của cứ điểm Bàng Thùng. Riêng 2 chốt Rừng Xanh và đồi 700 bọn địch còn chống trả rất mạnh. Đồng chí Giao, trung đoàn phó và phó chính ủy trung đoàn 31, bất chấp phi pháo của địch, cùng đại đội trưởng Nguyễn Nhân Biểu, 5 lần đánh lui quân địch, tiêu diệt 14 tên, thu 3 súng. Trận đánh Bàng Thùng kéo dài đến ngày 25/7 sư đoàn điều pháo tập trung tấn công lần cuối mới dứt điểm, diệt gọn tiểu đoàn 2, trung đoàn 6 ngụy, làm chủ núi Bàng Thùng.

Hợp đồng với tiếng súng tấn công của 3 trung đoàn, đại đội công binh sư đoàn tiêu diệt và làm chủ cứ điểm Châu Sơn, bộ đội địa phương Quảng Nam đánh chiếm Đá Tịnh và núi Kiến. Lực lượng huyện đội Quế Sơn, khống chế, tiêu diệt ở các ấp chiến lược và bọn phụ quân ở đây.

Mất 3 điểm cao chiến thuật vòng ngoài, tên chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp, sư đoàn trưởng sư đoàn 2 ngụy lồng lộn như hổ bị thương, hắn tung ngay trung đoàn 5 lên giải tỏa, quyết sống chết để chiếm lại Hòn Chiêng, Bàng Thàng. Pháo binh và B52 của chúng sử dụng tối đa, đánh phá ác liệt vào trận địa. Nhưng các chiến sĩ ta trên các điểm cao núi Hón Chiêng, Bàng Thùng, Đồng Mông, Đá Hám… yên tâm trong các hang đá và công sự, bịt tai để ngăn bớt tiếng dội của bom pháo, sẵn sàng để đánh trả bọn địch.

Cuộc phản kích của địch kéo dài suốt nửa tháng, chúng càng chuốc lấy thất bại nặng nề. Trung đoàn 38 cùng trung đoàn 31, trung đoàn 9 đã chiến đấu anh dũng kiên cường tiêu diệt 2. 107 tên địch, giữ vững các điểm cao chiến thuật Hòn Chiêng, Bàng Thùng, Đồng Mông, Đá Hàm…

Như vậy bước 2, diệt cạn quân cơ động địch diễn ra đúng ý đồ của sư đoàn.

Sau khi quân địch phản kích, quyền sư trưởng Trần Tiến Quảng và tôi, được lệnh Quân khu lui về chỉ huy sở dưới chân núi đèo Le. Một điều không may cho sư đoàn 711 trong những ngày đánh địch phản kích, quyền sư trưởng Trần Tiến Quảng, bị pháo hạm của Mĩ bắn vào trúng hầm chỉ huy, đồng chí đã hi sinh, để lại nỗi tiếc thương cho cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, giữa những ngày quân ta giành chiến thắng.

Để tiến hành bước 3 của chiến dịch, Bộ Tư lệnh Quân khu điều đồng chí Nguyễn Chơn, sư đoàn trưởng sư đoàn 2 về làm sư đoàn trưởng sư đoàn 711. Đồng chí Dương Bá Lợi, sư đoàn phó, sư đoàn 2, quyền sư đoàn trưởng, sư đoàn 2, tiến hành đánh địch trên chiến trường Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn về đến sở chỉ huy sư đoàn 711, các đơn vị đã hoàn thành bước 2 của chiến dịch đánh quân địch phản kích.

Bộ Tư lệnh sư đoàn họp báo cáo tình hình tác chiến của các đơn vị với sư đoàn trưởng. Sau khi nắm chắc tình hình, sư đoàn trưởng quyết định tổ chức trinh sát kiểm tra căn cứ Cấm Dơi một lần nữa. Sau 4 ngày bám hiện trường, có đêm tôi và sư trưởng tìm nhập đến hàng rào thứ 3, nghe cả tiếng bọn lính gác kháo nhau về những lần càn quét, cướp bóc và hà hiếp dân lành. Bộ phận trinh sát có các phóng viên quay phin theo sát sau tôi, thấy nguy hiểm quá, các anh níu chân tôi và anh Chơn lại, không cho bò sâu hơn trong căn cứ địch.
Ngày 14/8/1972, Bộ Tư lệnh sư đoàn 711 gồm sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn, sư đoàn phó Trần Trọng Sơn, tham mưu trưởng Hoàng bình, phó chính ủy Mai Thuận và tôi, lên báo cáo với Tư lệnh Quân khu phương án tác chiến đánh và giải phóng căn cứ Cấm Dơi, Chi khu quận lị Quế Sơn. Cuộc họp đang tiến hành, thì cơ yếu đem bức điện của Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tổng Tư lệnh đến. Nội dung bức điện như sau:

“Gởi anh Hai Mạnh(1)

Bộ đã nghiên cứu quyết tâm của sư đoàn 711 tiêu diệt địch ở căn cứ Cấm Dơi và giải phóng quận lị Quế Sơn. Bộ thấy có mấy khó khăn gợi ý cho các đồng chí Quân khu 5 suy nghĩ.

1. Các đơn vị ở chiến trường B1 đã dứt chến, địch rảnh tay để tập trung quân đối phó.

2. Sư đoàn 3 ngụy ở Súng Mây đã vào đóng ở Tuần Dưỡng và núi Quế, như vậy là địch đông.

3. Cấm Dơi, Quế Sơn là căn cứ lớn có chi khu quận lị, hỏa lực địch mạnh, có công sự kiên cố, ta đánh đã chắc thắng chưa? Chưa chắc thắng thì chưa nên đánh.

Kí tên, Văn”.


Đọc xong bức điện, đồng chí Tư lệnh Quân khu cho dừng hội nghị, nắm tay tôi và sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn vào căn hầm bên trong (hầm chìm), Tư lệnh Quân khu đang dò xét ý tứ chúng tôi, thì anh Chơn nói: “Cấp trên điện cho chúng ta nghiên cứu. Đây là ý tứ chặt chẽ, để đảm bảo chắc thắng chứ đâu có lệnh cho chúng ta dừng trận đánh Cấm Dơi. Theo tôi là trận này đánh chắc thắng. Đợt 1 bóc vỏ ngoại vi, đợt 2 đánh quân địch phản kích thắng lợi, hơn nữa anh Chương và các anh trong Bộ Tư lệnh sư đoàn đã điều tra Cấm Dơi kĩ, tôi về cũng đã tiến hành trinh sát thực địa thêm lần nữa. Sau đó tôi và anh Chương làm phương án tác chiến đưa ra bàn. Bộ Tư lệnh sư đoàn thấy giống nhau về cách đánh, cách phân công chỉ huy. Tôi đề nghị cấp trên cho đánh trận này”. Tôi tiếp lời anh Chơn: “Tôi cũng nhất trí với đề nghị của anh Chơn. Riêng tôi, có ý kiến là ta đánh trận này sẽ bất ngờ lớn. Quân ta tác chiến từ xuân đến hè, địch nghĩ là ta đã dứt chiến. Đây la một yếu tố đặc biệt để giành thắng lợi, hơn nữa lần đầu tiên ta có hỏa lực mới, phát huy tác dụng. Đề nghị cấp trên cho anh em “tụi tôi”làm ăn trận này”. Nghe chúng tôi đồng lòng, Tư lệnh Chu Huy Mân, nhất trí, anh quay trở lên hầm “nổi” thảo điện trả lời Bộ Tổng Tư lệnh, và anh nói với chúng tôi:

Hội nghị này chúng ta nhất trí tiêu diệt địch ở Cấm Dơi, chỉ còn chờ ý kiến của Bộ. Đồng chí Tư lệnh Quân khu vén tay xem đồng hồi rồi nói tiếp: “Hôm nay là ngày 14/8/1972, sắp đến ngày 19/8, ngày Cách mạng Tháng 8 thành công. Thôi, các đồng chí về tiến hành sắp xếp phản công, chuẩn bị mọi mặt, tính toán thời gian nổ súng và vận chuyển lương thực cho bộ đội ăn trong suốt thời gian tấn công cứ điểm quân địch. Phần Bộ Tư lệnh Quân khu, sẽ phát điện nghi binh công khai trên sóng PPC25, tạo bất ngờ đối với địch và tạo thuận lợi cho các đồng chí đưa quân chiếm lĩnh. Nội dung bức điện sẽ là:
“Các đơn vị dứt chiến, rút quân về hậu cứ làm lễ kỉ niệm Cách mạng Tháng 8”. Điện sẽ phát ngày 17/8, các đồng chí cho trinh sát bám địch phát hện diễn biến để xử trí”
.

Đúng như Tư lệnh Quân khu nói, chúng tôi cho trinh sát bám địch phát hiện chúng kháo với nhau: “Việt cộng rút quân kết thúc chiến dịch để mừng Cách mạng Tháng 8, bọn mình có thể sống qua con trăng này rồi”. Từ đó biểu hiện của quân địch ở cứ điểm Cấm Dơi và chi khu Quế Sơn có phần lơ là hơn trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét