LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của
Trung tướng Nguyễn Huy Chương


Một trong những sai lầm của các chiến lược gia quân sự Mĩ là chủ quan, họ cho rằng mở rộng chiến tranh sang hai nước Campuchia và Lào, chiếm giữ các vị trí chiến lược, liên minh các lực lượng phản động khu vực để đàn áp phong trào cách mạng trên bán đảo Đông Dương, triệt đường tiếp tế của cách mạng miền Nam trên hai hướng: Qua cảng Si-Ha-Núc-Vin (Campuchia) và đường chiến lược Trường Sơn qua đường số 9 - Nam Lào là có thể hoàn thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thay “màu da trên xác chết” ở chiến trường miền Nam. Họ cho làm được việc đó quân ngụy sẽ mạnh lên.

Đầu năm 1970, đế quốc Mĩ mở cuộc càn lớn lấy tên là
”Chen la 1” xua quân ngụy Sài Gòn tràn sang biên giới Campuchia đánh chiếm cảng Si-Ha-Núc-Vin.

Đầu năm 1971, đế quốc Mĩ tiến hành cuộc phiêu lưu quân sự mới: triển khai cuộc càn mang tên
“Lam Sơn 719”. Kế hoạch nay đánh sang đường 9 - Nam Lào có tầm quan trọng đặc biệt đối với Mĩ - ngụy trong điểm “nút” của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Nếu cuộc càn quét này thành công, chúng cắt đứt được hành lang chiến lược, bịt nốt con đường tiếp tế từ miền Bắc theo đường Trường Sơn vào miền Nam, coi như thực hiện được mục tiêu bóp chết cách mạng miền Nam. Cuộc càn quét này còn nhằm mục đích đưa quân ngụy miền Nam ra thực nghiệm trong cuộc đọ sức với chủ lực của ta ở miền Bắc, tập luyện cho quân ngụy thành lực lượng nòng cốt của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

Để thực hiện tham vọng đó, Mĩ - ngụy tập trung một lực lượng lớn gồm tất cả các lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng cơ động của quân đoàn, thuộc Quân khu 1 của ngụy, có sự chi viện tối đa của hỏa lực và không quân Mĩ. Ngoài ra còn có một bộ phận bộ binh và thiết giáp của Mĩ phối hợp tác chiến hỗ trợ ở phía Nam (địa bàn Quân khu 1 từ bờ nam sông Bến Hải vào đến dốc Sỏi). Tính ra lực lượng Mĩ - ngụy tham gia cuộc hành quân càn quét này có:


Sư đoàn 1, các sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, liên đoàn biệt động quân gồm 42 ngàn tên (trong số này có 6 ngàn quân Mĩ), 2 lữ đoàn thiết giáp (464 xe tăng và xe bọc thép các loại), 11 tiểu đoàn pháo binh ngụy, 5 tiểu đoàn pháo binh Mĩ (258 khẩu pháo các cỡ), 700 máy bay (có 300 máy bay phản lực chiến đấu, 300 máy bay lên thẳng, 100 các loại máy bay khác). Lực lượng lúc cao nhất của chúng là: 55 ngàn tên (có 15 ngàn tên Mĩ) bao gồm 12 trung đoàn, 3 lữ đoàn quân ngụy, 3 lữ đoàn quân Mĩ, 578 xe tăng và xe thiết giáp, 318 đại bác từ 105mm trở lên, 1.000 máy bay các loại. Ngoài ra còn có 9 tiểu đoàn quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở phía tây đường số 9 - Mường Khương.


Theo kế hoạch của địch, cuộc càn quét đánh phá sang đường số 9 - Nam Lào sẽ chia thành 3 giai đoạn:


- Từ 30/01/1971 đến 08/02/1971 (nhằm ngày 04 Tết đến 13 tháng Giêng âm lịch), triển khai chiếm lĩnh bàn đạp Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo.


- Từ mồng 08/02 đến 14/02/1971, tiến công chiếm các mục tiêu: Bản Đông, Sêpon, lập tuyến ngăn chặn nhằm cắt đôi 3 nước Đông Dương.


- Từ 14/2 đến đầu tháng 5/19871, chuyển xuống phía nam đánh phá kho tàng của ta trong các khu vực Sa Di, Mường Noọng, A Túc, A Sầu, A Lưới.


Khi địch tập trung lực lượng chuẩn bị vượt biên giới, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là:
“Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mĩ - ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào, Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mĩ và tay sai

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương mở chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào. Đây là một chiến dịch có ý nghĩa như một trận quyết chiến chiến lược trên một diện rộng. Lực lượng tham gia chiến dịch của quân đội ta gồm:

Binh đoàn B70 (gồm các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320 và một số trung đoàn độc lập, các đơn vị binh chủng kĩ thuật) lực lượng của Bộ Tư lệnh đoàn 559, sư đoàn 324 và sư đoàn 2 Quân khu 5.


Với một khí thế mới, với một lòng tin và quyết tâm của toàn sư đoàn, với một tinh thần dũng cảm và quyết thắng, đội hình sư đoàn 2, lúc này, có 2 trung đoàn (trung đoàn 1 và trung đoàn 141 và các đơn vị trực thuộc). Trước khi triển khai đội hình đánh địch, tôi trực tiếp cầm điện thoại báo cáo với Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan của Bộ Tổng tham mưu:
“Sư đoàn đang triển khai đội hình với 2 trung đoàn 141 và trung đoàn 1, riêng trung đoàn 31 đã trở lại chiến trường Tây Nguyên theo lệnh của Bộ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời ngay qua điện thoại:
“Bộ sẽ điều bổ sung trung đoàn 64 vò đội hình sư đoàn 2. Trung đoàn 64 do đồng chí Khuất Duy Tiến, chỉ huy, trong nội nhựt ngày N sẽ đến tọa độ K, đề nghị sư đoàn cho trinh sát đón đợi”.

Tôi mừng quýnh, quên trả lời chào đồng chí Tổng Tư lệnh, liền cho bộ phận trinh sát đi đón trung đoàn 64. Sư đoàn nhận mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận triển khai đội hình đánh địch trên 2 hướng: Trung đoàn 141 cho một tiểu đoàn triển khai đội hình từ Phu-đơ-tuyn đến Pha Lan - Mường Noọng, trước khi quân ngụy Sài Gòn càn sang đường số 9 và sẵn sàng đánh tan quân địch trong khu vực Sa di - Tam Luông, Mường Noọng. Hai tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 141 nhanh chóng cơ động vềphía bắc điểm cao 1180, sẵn sàng đánh quân ngụy Lào (quân ngụy Lào lúc này theo lệnh Mĩ đưa lực lượng đến khu vực điểm cao 1188 phối hợp với quân ngụy Sài Gòn thực hiện đánh sau lưng đội hình chiến dịch của ta).


Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) và các đơn vị trực thuộc của sư đoàn kiên quyết chặn đánh, nếu quân địch ngoan cố đổ xuống Sêpon, thì không cho chúng nối liền Bản Đông với Tà Khống.


Lần đầu tiên tác chiến hợp đồng binh chủng trong đội hình chiến dịch lớn, gồm nhiều sư đoàn và các đơn vị pháo binh, cao xạ, thiết giáp được bảo đảm đầy đủ về trang bị kĩ thuật, toàn sư đoàn đều phấn khởi và quyết tâm thi đua lập công.


Để bộ đội phấn khởi ra quân đầu năm, Bộ Tư lệnh sư đoàn chủ động tổ chức cho bộ đội ăn Tết Tân Hợi mừng xuân. Noi gương Quang Trung Nguyễn Huệ cho quân ăn Tết trước khi giành thắng lợi ở Thăng Long.


Quyết tâm chiến đấu của toàn sư đoàn được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận thông qua và ra lệnh cho sư đoàn triển khai chiến đấu trước khi quân Mĩ - ngụy vượt biên giới càn sang đất Lào.


Ngày 08/02/1971 (nhằm ngày 13 tháng giêng Tân Hợi), quân ngụy bắt đầu vượt biên giới Việt - Lào.


Cánh quân thứ nhất của chúng do chiến đoàn dặc nhiệm, gồm lữ đoàn 1 quân dù và 2 thiết đoàn số 11và 17 theo đường số 9 đánh sang. Trong lúc đó, tiểu đoàn 9 của lữ đoàn dù dùng máy bay lên thẳng đổ quân đánh chiếm Bản Đông. Cùng lúc, 2 cánh quân bảo vệ sườn bắc và sườn nam của địch cũng ồ ạt đánh chiếmcác mục tiêu theo kế hoạch.

Địch vừa đổ quân, tiếng súng diệt địch của các chiến sĩ ta lập tức vang lên quyết liệt trên một diện rộng hàng chục km từ làng Sen đến điểm cao 500 ở bắc đường 9, vào đến Mường Noọng, Tam Luông và suốt từ Lao Bảo đến Bản Đông. Ở đâu cũng có lực lượng của ta nổ súng phủ đầu bọn địch khi cúng vừa đặt chân đến.

Với sự tính toán chủ quan, bọn chỉ huy cuộc càn quét dự kiến trong giai đoạn đầu chúng chỉ phải đối phó với lực lượng bảo vệ hành lang và kho tàng của binh đoàn vận tải chiến lược 559, quân chủ lực của ta không thể cơ động đến trước lúc chúng đạt được ý đồ của cuộc càn quét. Nhưng chủ lực ta đã bố trí sẵn và xuất hiện ngay từ đầu. Đây là bất ngờ lớn nhất đối với chúng. Thất bại trong đấu trí chiến lược, đã dẫn địch từ chỗ chủ động tiến công sang bị động đối phó.

Sau 23 ngày chiến đấu liên tục, ta đã bẻ gãy hoàn toàn cánh quân bảo vệ sườn phía bắc, tiêu diệt lữ đoàn quân dù số 3, thiết đoàn 17, đánh thiệt hại nặng liên đoàn 1 biệt động quân. Kế hoạch xây dựng các căn cứ hỏa lực để chi viện cho cánh quân chủ yếu của địch tấn công Sêpon bị đập tan.

Ở phía nam, ngay trong ngày đầu, lực lượng bảo vệ hành lang đã đánh địch ở Cô Bốc và điểm cao 550, bắn rơi 12 máy bay lên thẳng, tiêu diệt một đại đội và đánh thiệt hại nặng một đại đội khác của địch. Tiếp theo lực lượng cơ động của ta lại diệt gọn tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3, trung đoàn 3, sư đoàn 1 ngụy.

Cánh quân phía bắc bị bẻ gãy. Cánh quân phía nam không phát triển được. Trong lúc đó cánh quân chủ yếu của địch cũng bị quân ta chặn đánh quyết liệt ở Hội San, cầu Ka Ki.

Trước tình thế đó, bọn chỉ huy cuộc càn quét của địch phải cho cánh quân chủ yếu dừng lại ở Bản Đông.

Hợp đồng chiến đấu theo kế hoạch chung của toàn mặt trận, trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), cùng các đơn vị bạn chốt giữ, chặn đánh các toán quân địch nống ra phía tây Bản Đông. Ở phía nam, trung đoàn 141, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bẽ gãy cánh quân ngụy Lào, đã nhanh chóng cơ động về khu tam giác Sa Di - Tam Luông - Mường Noọng, trung đoàn đã liên tục chặn đánh và diệt trên 400 quân của trung đoàn 1 ngụy, bắn rơi 20 máy bay lên thẳng.

Bị thất bại ngay từ đầu, nhưng để vớt vát ảnh hướng về chính trị, phô trương và nghi binh để rút quân. Ngày 03/3, máy bay lên thẳng của chúng lần lượt bốc và đổ sư đoàn 1 của ngụy xuống các điểm cao: 660, 723, 748 ở phía nam đường 9. Sau khi tạo được bàn đạp, ngày 06/3 địch cho máy bay lên thẳng đổ 2 tiểu đoàn của trung đoàn 1 (sư đoàn 1 ngụy) xuống đông bắc Sêpon.

Sêpon là một thị trấn lớn ở miền trung nước Lào, nằm trong một tung lũng rộng, được bao bọc bởi những dãy núi cao từ 400m đến hơn 1.000. Con sông Sêpon và đường 9 chạy dọc theo ven thị trấn từ đông sang tây, vừa tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên non nước hữu tình, vừa thuận lợi cho giao thông thủy bộ. Vì vậy, thị trấn Sêpon trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mĩ. Theo kế hoạch, 2 tiểu đoàn của trung đoàn 1 ngụy, sau khi đổ bộ xuống đây sẽ bí mật luồn vào Sêpon đánh chiếm thị trấn. Tiếp đó, máy bay lên thẳng của chúng sẽ chở các phóng viên báo chí, vô tuyến truyền hình đến, tổ chức cuộc họp báo đưa tin, tuyên truyền chúng đã chiếm được Sêpon. Nhưng bọn đổ bộ quá hốt hoảng trước lưới lửa phòng không của quân ta, nên không một phóng viên nào dám đến Sêpon. 2 tiểu đoàn quân ngụy chỉ mới đến cách Sêpon 1km cũng vội vã tháo chạy qua sông Sêpon để nhập với đồng bọn ở điểm cao 748m.

Trong lúc đó, bọn địch ở đường số 9 đã chuyển sang phòng thủ giữ Bản Đông, ngăn chặn sức tiến công của ta từ phía Bắc vào, đồng thời ra sức giải tỏa đường số 9. Từ tiến công, địch phải chuyển sang phòng ngự và chuẩn bị rút quân. Thời cơ phản công đánh bại hoàn toàn cuộc càn quét của địch đã đến. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận đường 9 Nam Lào kịp thời hạ lệnh chuyển thế tiến công địch trên toàn chiến trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét