LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

NGÀY ĐẦU TRONG QUÂN NGŨ


Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2

Chương I - NGÀY ĐẦU TRONG QUÂN NGŨ
Ngày đầu trong quân đội tôi được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 629, Trung đoàn 2, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3). Đơn vị tập trung tại xã An Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Do thay đổi sinh hoạt, nên sức khoẻ tôi có phần giảm sút, người đang từ 45 kg giảm xuống còn 42 kg, lo ngại bị trả về địa phương, nên khi quân y kiểm tra đã cùng mấy đồng chí sút cân cho thêm ít đá, sỏi, vào túi quần áo để được ở lại phục vụ trong quân đội.

Những ngày đầu đơn vị cùng nhân dân Hải Dương tham gia phòng chống bão lụt, trên con đê sông Thái Bình và Kinh Thày. Chuyển sang đất Chí Linh rồi đến thị trấn Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, nhận thay quân trang.
Những chàng trai tuổi mười bẩy mười tám vừa bước vào quân ngũ, khoác trên người bộ trang phục cũ lại rộng, thay đổi cho nhau mãi mà mặc vẫn không đúng với số đo, lính trẻ cười đùa nói với nhau; ăn cơm Chính phủ rồi sẽ vừa thôi.
Ngày đêm đơn vị học cách đánh địch trong hầm hào kiên cố, cùng phản kháng chống cự của giặc, học bắn máy bay, đánh xe tăng, học leo trèo cùng tác phong nghi lễ và kỷ luật trong quân đội…

Đường hành quân, trên vai chiếc ba lô đựng quần áo cùng đất cát cho vào căng phồng nặng trĩu, đoàn quân vừa đi vừa hát bài: Tiến bước dưới Quân Kỳ- Vì nhân dân quên mình- Hành quân đêm... qua đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ được nhân dân hát cho nghe những làn điệu chèo của đồng bằng Bắc bộ…
Đoàn quân hành quân qua Bến Tắm, Côn Sơn, vẫn thấy vang lên trong hồn thơ của Đại Cáo Bình Ngô. Dòng lục đầu Giang được gắn liền với chiến công Chương Dương Vạn Kiếp. Cánh núi Phượng Hoàng thoảng gió thông reo, nhắc truyện dâng sớ của thầy Chu Văn An mà khí phách kiên trung. Bao câu chuyện xưa vẫn ngân vang cùng hồn thiêng sông núi. Đất nước trải qua hàng ngàn năm cơn binh đao khói lửa, những gì có được hôm nay thì biết bao thế hệ đã phải ngã xuống cho Tổ quốc bình yên…


Lời ca tiếng hát được chúng tôi mang vào cuộc chiến, trong đoàn quân thay nhau ra mặt trận, cũng không ít người ôm ấp niềm tin chung thuỷ được gắn mãi cùng hồn thiêng sông núi, ẩn hiện giữa mây trời phương Nam Tổ quốc.
Sau năm tháng học tập chính trị quân sự, đơn vị tiến hành kiểm tra bắn xạ kích bài một, bài hai, ba, ném lựu đạn, thủ pháo, cùng tất cả các môn đánh địch trong mọi tình huống. Thế là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trên đất Bắc, được cấp trên cho về chia tay gia đình cùng bà con làng xóm để vào nơi gian khổ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Ngày chia tay đi chiến trường có người thân trong gia đình, cùng bà con thôn xóm tiễn chân tôi qua cây đa năm gốc cuối thôn. Chị Hà người con gái thứ ba trong gia đình đi lấy chồng xa tới muộn, chạy đến ấn vào túi cóc ba lô tôi chị nói: Chị cho cậu mấy đồng tích cóp từ việc bán mía, để em mua thuốc bồi dưỡng sức khoẻ, phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ thì cậu mới hoàn thành nhiệm vụ được giao, bố mẹ lo nghĩ về em nhiều lắm đấy. Chị chúc em đi chân cứng đá mềm… Chị chớp nhanh những giọt nước mắt vẫy nón nhìn theo…

Trở lại nơi đóng quân, mấy anh em đi thị trấn Phả Lại chụp ảnh nói với nhau: Chúng mình vào chiến trường B- C- K, trong cuộc chiến nếu có phải hy sinh, thì hình ảnh hôm nay sẽ mãi là tấm hình để gia đình cùng quê hương làm kỷ niệm. Khi chỉnh sửa thấy quần áo trên người mặc cũ quá, nên tôi đã mượn chiếc áo của đồng đội tên là Nguyễn Văn Doanh còn lành và mới hơn để chụp. Đồng chí nào cũng mua sổ tay, giấy bút, một vài kiều ảnh tô màu làm kỷ niệm.

Đầu tháng 10, các chiến sỹ đi chiến trường được cấp phát quần áo, mũ tai bèo, bình tông nước, cạp lồng, thuốc phòng chống sốt rét, dụng cụ chống độc, võng, màn, tăng bạt che mưa gió, cùng hai miếng lân tinh dùng cho việc hành quân cơ động ban đêm v.v… Phương tiện phục vụ cho cuộc hành quân vào mặt trận, được sắp đặt trong chiếc ba lô con cóc gọn gàng. Gia tài người lính vào cuộc chiến thật giản dị, nhưng cũng mang đầy một tình yêu quê hương đất nước.
Đêm khuya lắm rồi anh em ngày mai vào chiến trường tâm sự với nhau. Không lo gì cho cá nhân mà sao cứ thấy bâng khuâng, người nào cũng mong sớm có ngày vui thống nhất để không còn cảnh khắc khoải chờ mong. Gà đã gáy sang canh hai mà không ai chợp mắt, có lẽ tâm trạng người nào cũng đang nhớ về nơi làng quê yêu dấu của mình và các gia đình có người ngày mai ra trận, cũng đang nghĩ về những người con yêu quí của mình.
Còn bố mẹ tôi sẽ ghi vào sổ theo dõi người con trai thứ ba của gia đình, tham gia trong Quân đội ngày vào chiến trường với biết bao thử thách của khói lửa chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét