LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

CUỘC CHIẾN TRONG THỊ XÃ KON TUM

Cuộc chiến trong Thị Xã Kon Tum -1972 ( Ảnh ST)

Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2 



Để phối hợp với các mặt trận, đặc biệt là chiến trường Quảng Trị và Khu 5. Ngay sau khi chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, đơn vị tôi nhận lệnh về đánh địch trong thị xã Kon Tum. Vượt qua bãi bom lân tinh, mìn lá, mấy ngày sau phân đội tiến vào giáp khu vực có địch, nhưng lại quay ra cách thị xã hơn chục km.
Như vậy đơn vị tạm dừng tấn công địch. Phân đội củng cố bổ sung điều chỉnh lực lượng, học tập bình xét thi đua. Tôi được đại đội đề nghị mặt trận tặng huân chương chiến công hạng ba, về thành tích chiến đấu đánh địch ở đồi Ngọc Tụ, chỉ huy bắn cháy xe tăng, tiêu diệt bắt sống thu hồi nhiều vũ khí trang bị, góp phần giải phóng căn cứ Phượng Hoàng, Đắk Tô II.

Ngày 20 tháng 5, đơn vị triển khai học tập chỉ dẫn trên bản đồ, và hướng tấn công thu hút địch vào phía Nam của thị xã. Để các hướng của ta từ phía Tây Bắc tấn công vào biệt khu 24 của địch. Khi lãnh đạo chỉ dẫn trên bản đồ xong, các chiến sỹ chất vấn chi tiết đồn bốt giặc đang án ngữ. Nhưng chỉ huy đơn vị chỉ đưa ra một con số địch chung chung, và nhân dân trong thị xã nghĩ bộ đội Giải phóng như những bóng ma, “ Cộng sản nhẹ như những con nhái bén, bảy tên Việt cộng không đu gẫy cành đu đủ, cướp bóc giết người v v…”. Do vậy, khi đơn vị vào đánh địch và tiếp cận với nhân dân phải thận trọng, gây lòng tin cho đồng bào.

Cánh quân phía Nam đơn vị tôi lúc này gặp vô cùng khó khăn về lương thực, thực phẩm, nhiều đồng chí bị phù vì ăn thiếu muối, mỗi bữa được hơn bát cơm độn ngô và củ chuối. Mấy ngày liền toàn cháo loãng đồng đội thay nhau vào rừng đào củ mài, lấy cây môn ngứa mọc hoang dưới nước nấu canh, nhổ cỏ tranh phơi khô đốt hoà nước thay muối khoáng. Bát cơm canh rau cháo nhạt muối đen xì, anh em mời chào nhau mà hun đúc tình đồng chí trước khi vào trận.

Chiều ngày 24 tháng 5 năm 1972, nuôi quân đơn vị phát cho mỗi đồng chí một nắm cơm to bằng quả trứng vịt và 2 chiếc bánh sắn không nhân nhạt muối. Đến 21 giờ cánh quân phía Nam vượt qua đồi núi nương rẫy, đến cạnh bờ sông Đắk La bao quanh thị xã. Bộ đội dừng lại đào hầm, làm vừa xong thì có lệnh vượt sông tiến vào tấn công địch.
Cánh Nam tiến vào đánh địch trong Kon Tum có hai phân đội, đó là tiểu đoàn 2 (60) Trung đoàn 1, tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 141, cùng với đặc công trinh sát,  đại đội súng cối 82 và ĐKZ của Trung và Sư đoàn tăng cường.
Phân đội đang tiếp cận thì mũi của đại đội 5 vấp phải mìn, đã gây cho đồng chí Phan Minh Duệ đại đội trưởng và mấy chiến sỹ trinh sát hy sinh, (khi tôi mới vào, anh Duệ là đại đội trưởng C7). Ngay lập tức cánh quân chúng tôi bị địch ở ấp Hương An và lính bảo vệ cầu Đắk La trên trục đường 14, dùng súng đại liên cùng pháo cối từ trên cao bắn cấp tập vào đội hình. Bộ đội nằm sát gốc cây và mép bờ chắn nước tránh đạn. Mấy phút sau địch chuyển làn cho ấp bên cạnh nã đạn đến, từng loạt đầu và mảnh đạn pháo cắm phầm phập vào ruộng cùng thân cây chuối.

Trước tình hình vô cùng nguy hiểm, phân đội cho các chiến sỹ vượt qua bãi bùn lầy rau muống vào giáp mương nước cạch thị xã, anh em nhanh chóng rửa chân tay, bắt những con đỉa to bằng ngón tay đói khát bám quanh chân hút máu, gạt bùn rửa giầy dép quần áo.
Tiếng bộc phá của công binh bắt đầu đánh phá bốt đầu cầu địch, súng cối 82, hoả lực ĐKZ của Trung đoàn 141 bắn phá mục tiêu dọc đường phố. Cánh tấn công của đơn vị tôi bị địch chủ động bắn trả lại vô cùng dữ dội, mấy đồng chí vừa mới bổ sung về lúng túng rơi cả trang bị.

Đồng chí Thân Văn Cẩn, tiểu đoàn phó ra lệnh cho đại đội 6 xung phong. Chính trị viên Thảo báo cáo rơi súng ngắn, hai tay anh rà theo chớp đạn tìm súng,      ( đồng chí Thảo mới từ đại đội quân y về). Trước tình hình địch bắn trả như vậy, tiểu đoàn phó Cẩn ra lệnh cho đại đội 7 chúng tôi xung phong. Thực hiện lệnh, trung đội trưởng Nguyễn Đức Dục cho bộ đội vọt lên. Như một mũi tên đơn vị tiên lên đẩy được địch lùi cách xa 500 mét, phát triển đánh sâu vào bên trong. Lúc này đồng chí Dục tiến trước, đến tôi, đồng chí Quỳnh, Hoài và Khuyến, tiếp theo là một số chiến sỹ người Hà Tây mới bổ sung chưa kịp nhớ tên. Khi đánh địch chạy qua ngã ba đường phố Phan Thanh Giản (nay là đường Trần Phú) hơn 100 mét, thì đội hình bị quả đạn cỡ lớn bắn đến nổ, làm mấy đồng chí lăn vào cạnh đường. Anh Quỳnh chạy đến gục sát vào tôi nói; đồng chí San ơi tôi hy sinh rồi… anh gọi bố mẹ cùng anh chị em trong gia đình cùng các đồng chí ơi… Đồng chí Hoài người Nghệ An to khoẻ, được tiểu đội phân công cầm khẩu trung liên RPD ngã áp sát vào anh Quỳnh nói: Các đồng chí ơi, đồng chí San ơi tôi hy sinh mất rồi...

 Địch bắn vô cùng ác liệt vào chỗ các chiến sỹ bị thương hy sinh. Phía sau các đơn vị tiến lên bắn về phía địch qua chỗ chúng tôi, đạn nhảy từng tràng trên mặt đường nhựa, thấy rất nguy hiểm tôi hô lớn: Chúng tôi đang bị thương nằm ở phía trước, cẩn thận không bắn nhầm vào quân ta đấy. Hoả lực và bộ binh xông lên bắn đẩy được địch cách xa chỗ chúng tôi thêm mấy trăm mét.
Đồng chí Khuyến người tỉnh Nam Định, bị thương gẫy xương đùi trái nói to:   Đồng chí San ơi tôi hy sinh mất rồi… anh kêu đau và gọi đồng chí Toán y tá đại đội lên băng bó. Sau đó anh nói: Các đồng chí hãy giữ lấy vị trí chiến đấu, không thì hy sinh hết...(Đồng chí Khuyến tiểu đội phó vừa mới được kết Đảng trước khi vào trận).
Được 10 - 15 phút sau các đồng chí bị thương nặng đều hy sinh, vào khoảng 5 giờ sáng ngày 25 tháng 5 năm 1972, trên đường phố Phan Thanh Giản, trong đường phố của thị xã Kon Tum.

Các mũi tấn công của ta đánh vào trung tâm thị xã, bị địch chống cự rất ác liệt, các thương binh tử sỹ vẫn nằm ngoài mặt đường, thấy thế tôi nói các đồng chí đang băng bó vết thương vào gọi cửa nhờ nhân dân giúp đỡ. Mấy đồng chí vào gọi mãi mà không thấy có người ra mở, tôi bảo đồng chí Toán cầm súng AK bắn phá khoá mở cửa để đưa thương binh vào nhà ngay. Sau loạt đạn cùng tiếng đập gọi, cửa nhà cũng được mở, từ trong nhà hai mẹ con chạy ra chắp tay cúi lạy: Xin các ông Cộng sản đừng bắn…đừng bắn… Thấy như vậy tôi nói ngay. Cộng sản không bao giờ bắn, đồng bào đừng sợ… trước đó địch tuyên truyền về phía quân giải phóng miền Nam không đúng sự thật, đã làm cho nhân dân trong vùng địch rất hoang mang.

 Chiếc xe vận chuyển lính địch chạy đến bắn dữ dội vào khu chúng tôi đang chiếm giữ, các thương binh đều phải cầm súng bắn trả lại giặc. Hai thằng trên chiếc xe máy chạy đến nổ súng, đã bị quả đạn M79 của tôi bắn ra nổ, làm cho người và xe hai tên văng xuống đường, một tên chạy lại đầu hàng.
Trời rạng sáng thấy bảy tám đồng chí nằm ở mặt đường, một người còn động đậy, tôi bảo mấy anh ra đưa ngay vào nhà cấp cứu, khi đưa vào thì nhận được là anh Chính người của đại đội 6 cùng tiểu đoàn, anh bị thương mất miếng sọ đầu, không biết về sau đồng chí này có sống được không ?

Ba tên quần áo rằn ri lái xe chạy nhanh bị đồng chí Toán cầm khẩu trung liên RPD xả đạn, (súng đồng chí Hoài sử dụng trước lúc hy sinh) chiếc xe đâm vào tường nhà hai thằng nhẩy xuống giơ tay hàng. Các đồng chí đánh chiếm khu tháp nước tỉnh trưởng bắt đưa về thêm mấy tên, trói cho vào một chỗ với bộ phận đang bảo vệ thương binh.
Khoảng 10 giờ hai mẹ con gia đình chúng tôi trú ẩn, xin phép cho đi mua cơm thức ăn. Tôi nghĩ cho họ đi sẽ bị lộ, trước tình thế đó tôi đã phải rút hai chiếc bánh dự trữ đưa cho. Bóc bánh ăn xong hai mẹ con đi ra chắp tay cúi lạy, nói: Cám ơn ông Cộng sản, bánh các ông làm bằng thứ gì mà ngon thế…Chiếc bánh sắn tôi đưa cho họ ăn, không có nhân và nhạt muối, nếu gia đình người này còn sống, chắc họ không thể nào quên được sự kiện ngày đó.
 Ngay sau khi tổng thống nguỵ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, đến chỉ đạo trực tiếp cho chúng tại Kon Tum, địch cho máy bay phi pháo bắn phá tất cả các khu vực nghi có quân giải phóng chiếm giữ, dãy phố đơn vị tôi chiếm giữ dần dần sụp đổ.

 Đồng chí canh giữ 6 tên tù binh địch báo cáo: Tình hình này sẽ rất khó khăn, nếu để tù binh địch như thế này rất nguy hiểm, dồn mấy tên này xuống hầm cho chúng nó một quả lựu đạn… Chiến sỹ này vừa nói xong tôi nói ngay, cấm đồng chí không được làm như vậy, vi phạm chính sách tù hàng binh. Nhưng số chúng cũng không thoát được cái chết từ bom đạn của chính chúng gây ra, khoảng 21 giờ mấy tên tù binh bị ngay quả đạn pháo 105 ly của chúng bắn đến phá huỷ, dân trong nhà bị thương được các đồng chí y tá đơn vị cứu chữa ngay.

Khoảng hai giờ sáng ngày 27 tháng 5, chúng tôi bị thương nhưng chưa có người khiêng ra anh em bò sang dãy phố bên cạch, không còn một người dân nào trong nhà. Sau đó bị máy bay pháo kích địch đánh phá liên tục làm nhà cửa đổ nát, trâu, bò, lợn, gà, chết chương phình hôi thối. Khoảng 11 giờ tôi được nuôi quân bò vào đưa cho bát cơm canh cà chua, phải ăn vội và chỉ hướng cho các anh đi phục vụ thương binh khác, các đồng chí mang cơm canh vào phục vụ không rõ là người của đơn vị nào.

 Chiều tối tôi cùng đồng chí Ao chiến sỹ đại đội 5 cùng tiểu đoàn, cùng các đồng chí bị thương ẩn lấp trong ngôi nhà bị bom pháo đổ nát, phía sau là chuồng trại nuôi gia súc, phải tổ chức chống lại bọn dân vệ ở ấp ngoài thị xã đánh vào. Một số bị thương chưa có người đưa ra kịp hy sinh, phân heo trâu bò bắn tung toé đầy người.
 Súng AK của Phạm Như Ao và tôi đều hết đạn, súng ngắn (K54) anh Ao cầm còn mấy viên, hai anh em nói với nhau: Nếu địch vào lục soát khu chuồng lợn thì vào giả chết cùng các đồng chí đã hy sinh, nếu địch phát hiện thì Ao bắn nốt mấy viên đạn súng ngắn cuối cùng...

Khoảng 20 giờ mấy tên địch đến đá vào chân anh Duyên đi ra nói với nhau: Thấy mấy tên Việt cộng nằm trong chuồng heo và bụi chuối chết thẳng cẳng mà nổi cả gai ốc, bọn này chết hết rồi. Tôi và Phạm Như Ao giả nín thở thoát chết. Tối hôm sau được các đồng chí vận tải đến tìm đưa ra, tôi lấy chiếc xe trong nhà dân bỏ lại định đi, nhưng đau không thể nào lên xe đạp được. Các đồng chí vận tải chạy vào dìu tôi đưa ra ngoài khu vực nguy hiểm. Các anh cõng qua chỗ mấy ngày trước đơn vị vào thấy nhiều đồng chí chết đang bị phân huỷ mà chưa được đưa ra. Thấy vậy tôi nói, tình hình phục vụ thế nào mà mấy ngày hôm nay không có người vào vận chuyển anh em thương binh và tử sỹ ra…? Hai đồng chí khiêng võng cáng tôi nói: Chúng tôi bị bom pháo địch thương vong cũng khá nhiều, qua thôn ấp bị bọn bảo an dân vệ phục kích bắn ném lựu đạn, nên việc vào đón các đồng chí trong thị xã ra rất khó khăn, hàng chục đồng chí hy sinh trong khu tháp nước và biệt khu 24 không thể nào đưa ra được, phải chôn ngay ở vị trí chiến đấu, có đồng chí đưa ra ngoài cánh đồng vùi tạm vào rãnh luống ngô, khoai, dưới bụi chuối, vì không còn đủ người vận chuyển...

Gần bốn ngày bị thương chiến đấu trong thị xã, tôi được các đồng chí vận tải vào khiêng ra trạm cấp cứu tiền phương, trạm phẫu vừa bị máy bay B52 ném bom hầm hào nghiêng ngả. Y bác sỹ đưa lên bàn soi đèn pin kiểm tra rồi nói: Đồng chí bị đứt gân gót chân phải, mông đùi trái còn rất nhiều mảnh găm sâu trong thịt phải mổ mới lấy được, nhưng trạm phẫu không còn thuốc giảm đau, vì vậy đồng chí cho quân y buộc chân vào bàn chịu đau để mổ gắp mảnh, (bàn phẫu làm bằng tre nứa gỗ). Tôi nghiến răng nghe tiếng dao kéo thao tác nối gân và mổ gắp mảnh. Rồi y tá lấy quần áo cũ xé băng lại vết thương.

 Tiếp tục cho tôi lên võng khiêng về phía đông nam của dãy núi Chư hreng cách thị xã Kon Tum khoảng 12 km. Tại đây hơn chục ngày mà không có bông băng thay thế. Trước tình thế như vậy buộc các đồng chí trạm cấp cứu phải vào thôn bản nhặt chăn, màn, quần áo, của đồng bào dân tộc bỏ chạy, đem về băng bó cho thương binh. Do băng gạc không được hấp sấy tiệt trùng triệt để, đã làm vết thương của vài người bị nhiễm trùng hoại tử, có đồng chí phải tháo khớp cưa chân tay mấy lần. Lương thực thực phẩm càng khó khăn gấp bội, nuôi quân đi đào bới củ chuối, mót ngô, khoai, sắn, về xào nấu cho chúng tôi ăn qua ngày.

Tại trạm quân y tôi và Phạm Như Ao gặp nhau hoan hỷ; hai anh em nhờ vào phân rác lợn phủ đầy người mà che được mắt bọn bảo an dân vệ, địch phát hiện thì hôm nay không còn thấy nhau nữa. Hai anh em còn nói cho nhau biết dãy chuồng lợn hôm đó có sáu đồng chí hy sinh. Đại đội 6 cùng phân đội có hai đồng chí, anh Duyên xạ thủ B40 và một chiến sỹ đoàn Hà Tây mới bổ sung, cùng bốn đồng chí thuộc tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 141 vào đánh địch ở cánh phía Nam với đơn vị.
 - Đồng chí Phạm Như Ao điều trị xong, về chiến đấu và hy sinh ngày 17 tháng 9 năm 1972 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Hơn chục ngày sau tôi được cáng di chuyển, trên đường bị máy bay HU1A địch phát hiện, chúng rà sát ngọn cây bắn đại liên ném lựu đạn, làm cho mấy đồng chí thêm nặng. Tối đến qua sông bằng thuyền độc mộc, nước chảy mạnh lật đổ làm mấy anh em trôi mấy chục mét. Hàng chục ngày sau về đến Đội điều trị 5, lúc này có bông băng mới, và được tiêm thuốc chu đáo.
Mấy ngày sau được cáng về trạm điều trị 3, vừa chân ướt chân ráo thì đêm đến bị ngay một loạt bom từ máy bay B52 rải xuống phá huỷ. Thương binh trong hầm được đồng chí Nguyễn Hữu Gia, người con của đất lụa Hà Đông, là y tá phòng mổ đến cứu chữa. Bom địch ném xuống trạm đã làm cho gần 20 đồng chí bị thương và hy sinh.

 Tôi tiếp tục được chuyển đến bệnh viện 211, đóng trên đất Lào hay Căm Phu Chia gì đó. Viện có đủ phương tiện cùng y bác sỹ giỏi điều trị. Tại đây hơn một tháng nằm cùng nhà hầm với đồng chí Hoạ, anh bị mảnh bom nằm trong phổi cứ hai ba ngày bác sỹ lại phải vào hút máu mủ từ cơ thể anh ra mấy lít. Đồng chí Hoàn người Hà Tây bị bom phạt mất 2 cánh tay phải tháo đến hai khớp vai. Các đồng chí bị bom Na pan cháy mặt mũi chân tay cong queo, một hai ngày thay bông băng thì những con dòi bò ra đã to bằng đầu đũa, các anh bị bỏng cháy được quấn bằng một lớp vải phủ kín mà nước vàng vẫn chảy ra rất hôi thối. Hầu hết thương binh nằm điều trị ở viện đều là những đồng chí bị thương rất nặng, đưa từ chiến trường Khu 5 và Tây nguyên đến.
Một hôm có người chạy vào hốt hoảng nói, có thú giữ đang rình phục bên đầu nhà, tưởng thật mọi người trong lán lấy ống nứa cọ vào nhau doạ Cọp, một lúc sau thấy anh Tập đi từ đầu nhà vào, hoá ra do anh bị cháy bỏng nặng phải băng bó toàn thân làm hình thù thay đổi.

Chúng tôi bị thương mất máu người ốm yếu, nhưng đến bữa cũng chỉ có một hai bát cơm ăn cùng với nước mắm gạo rang, mấy anh em chống gậy đi gần một ngày mới tìm nhổ được mấy củ sắn con và ít lá bí ngô già về cho vào ống nứa nấu nướng để anh em cùng ăn.
Vết thương của tôi ổn định được vài ngày lại bị sưng tấy chảy mủ. Được y bác sỹ bệnh viện 211 có biện pháp khắc phục cứu chữa, đến tháng 8 năm 1972 vết thương mới ổn định, và được viết giấy chứng thương cho ra viện.

                                                      *
                                                  *       *

Thương bệnh binh ra viện được đồng chí Thật cán bộ Sư đoàn vào đón. Trên đường đi thỉnh thoảng anh bắn được thú rừng, liền chỉ đạo cho giết thịt nấu nướng bồi dưỡng cho anh em ăn để lấy sức hành quân. Bộ đội nghỉ ở trạm nào đều phải tham gia sản xuất, nhổ sắn lên lấy củ thì bẻ cành đem trồng lại, để sau này cho người đơn vị khác hành quân qua lấy củ nấu nướng. Đây là việc làm được cán bộ chiến sỹ trong chiến trường Khu 5 quán triệt. Tại trạm thu dung huyện Sa Thầy trong lúc đợi người ra viện về Sư đoàn một thể, anh em đi phát cây cối trồng ngô khoai, bị lũ ruồi vàng bám đuổi dày đặc đốt sưng cả mặt mũi chân tay.

Bữa ăn của thương bệnh binh trên đường hành quân, không quá một lạng gạo gạo đỏ Tây Nguyên trồng cấy, (loại gạo phải đun nấu rất lâu mới chín và không nở). Thức ăn được chế biến từ măng tre nứa thành nem, giò, chả... Có ngày hết gạo ăn toàn măng tre lồ ô đỏ luộc, làm cho người yếu bị say choáng váng, thỉnh thoảng vặt hái được mấy cây khoai môn nước dân ta thường lấy nấu cám cho lợn, anh em đun nấu nhừ mỗi đồng chí húp một bát, hơi ngứa họng nhưng cũng thấy ấm lòng và mát ruột.

Cuộc chiến đấu của đơn vị tôi trên vùng đất Tây Nguyên trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, là cuộc đọ sức về công tác quân sự tại chiến trường của ta và địch, còn là việc chia lửa cho chiến trường Quảng Trị. Song cũng khẳng định một khí phách kiên cường của bộ đội trên mảnh đất Cao Nguyên, với muôn vàn khó khăn gian khổ để chuẩn bị cho ngày toàn thắng.

Đường đi từ chiến trường Tây nguyên về mặt trận Quảng Ngãi, trong đoàn có mấy đồng chí thuộc Trung đoàn 141 và một số anh em trong Sư đoàn. Nơi đến là vùng ven biển miền Trung đơn vị đang chiến đấu ở huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Đức Phổ… Đường hành quân thương bệnh binh thường bị ốm yếu và sốt rét, cùng vết thương tái phát. Chúng tôi dắt nhau qua nương rẫy của đồng bào người Thượng, Cơ Tu... Trời mưa rừng núi hoang vắng côn trùng phát triển, những chú giun đất to như con rắn bò ngang trên mặt đường, loài vắt xanh, bọ cạp, muỗi rừng và ve chó, tìm người bâu đậu. Các đồng chí giao liên thường xuyên phổ biến phải cảnh giác với biệt kích thám báo cùng thú dữ rình rập, có ngày hành quân không gặp một người nào qua lại.

Trên đường anh Thuỷ tìm hái được nắm rau đem về cải thiện, bát canh rau rừng nấu cho mỗi người một bát, ăn vừa xong phải chạy đi nôn mửa, tôi vào trạm giao liên gọi y tá cấp cứu. May sao trạm có thuốc giải độc và cho mấy bò gạo đem về nấu cháo cứu đói.
Nhìn anh em quần áo rách rưới vì khó khăn gian khổ, đi lấy măng dưới trời mưa thu rả rích, nghĩ suy về ngày mai đến trạm có gạo muối để mà lấy không. Đội quân ngày một ốm đau thưa dần, chúng tôi ngồi lại động viên nhau, để vượt qua khó khăn hành quân trở về đơn vị.
Chặng đường gian lao vất vả anh em đến được Dốc Cọp- Gốc Khế và các xã vùng ven huyện Ba Tơ, được đồng bào đón vào kể cho nghe về một thời đen tối của nhân dân nơi đây, cũng từ đó mà nổi lên phong trào du kích Ba Tơ. Tôi thầm nghĩ thế mà đã thấm thoát hơn hai năm xa miền Bắc, hôm nay mới được quanh bếp lửa nghe nhân dân nói về gương đánh giặc giữ làng của đồng bào miền Tây Quảng Ngãi.
Vượt qua thác lũ mưa rừng chúng tôi đến dòng sông Vệ, trời mưa nước chảy cuồn cuộn, đồng đội bám vào nhau bơi qua sông bị trôi gần một km. Qua dòng nước hung dữ anh em tạm biệt nói với nhau: Chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, đồng chí nào còn sống nhớ đến thăm Thuỷ người đất mỏ Hòn Gai. Khải người huyện Sóc Sơn thành phố Hà Nội. Còn San người huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương. Chúng mình phải tìm đến nhà nhau chơi đấy nhé…

Đầu tháng 11 năm 1972, tôi về đến Núi Ngang- Hòn Dầu, nơi đóng quân của đơn vị, được đồng chí Đoàn Văn Quế chính trị viên tiểu đoàn ra đón, anh động viên giao nhiệm vụ cho tôi về trung đội trinh sát. Mấy hôm sau tôi cùng các đồng chí đi chuẩn bị cho việc đánh đồn bốt trên quốc lộ số một và địch ở núi Đất, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.
Đêm tối phải đi lại vận động nhiều làm vết thương dưới gót chân và mông tái phát, buộc tôi phải vào trạm xá C- 20 của Trung đoàn điều trị, ít ngày sau vết thương ổn định được cán bộ mời lên giao nhiệm vụ: Đồng chí bị thương vào chân không phù hợp với chiến đấu nữa. Nhưng công tác được giao lại rất quan trọng và cần thiết, do vậy lãnh đạo hai ban Tham mưu và Hậu cần đã thống nhất, điều đồng chí về nhận nhiệm vụ tại Ban hậu cần Trung đoàn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét