LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

CHIẾN THẮNG NÚI NGANG

Trích từ hồi ký " CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG"
của Trung tướng Nguyễn Huy Chương

Cuộc tấn công đồng loạt của quân và dân ta trong mùa xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ. Tuy nhiên quân địch vẫn lộng lộn điên cuồng tung quân đánh phá vào vùng giải phóng. Ở Quảng Nam trong chiến dịch “Toàn thắng”, “Đẩy Việt cộng về rừng”, hai lữ đoàn kị binh 196. 198 đóng tại Tuần Dưỡng, huyện Thăng Bình và núi Quế, huyện Quế Sơn mở cuộc càn vào vùng giải phóng phía tây huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước. Lữ đoàn 196 cho tiểu đoàn kị binh và đại đội pháo 105mm đóng chốt tại dãy núi Ngang nằm trên đại phận 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà thuộc huyện Tiên Phước, khống chế vùng hậu phương của ta. Hằng ngày tiểu đoàn kị binh ở núi Ngang dùng từ một đến hai đại đội lùng sục ra khu vực chung quanh và cho đồng bọn chiếm sườn núi Liệt Kiểm (cao 446 mét), núi Vú (cao 428 mét) để phòng ngự từ xa.

Khu chiến thứ hai đã xuất hiện. Để thử hiện ý đồn mở khu chiến thứ 2, Bộ Tư lệnh Quân khu điện gọi tôi trở về cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu. Ở hướng Khâm Đức, Tư lệnh sư đoàn Giáp Văn Cương, Chính ủy sư đoàn Nguyễn Ngọc Sơn trực tiếp chỉ huy tiến hành phương án giải phóng Khâm Đức. Tôi vừa bước vào cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu liền được đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu nói:
“Đồng chí mới về Quân khu, ưu tiên giao cho đồng chí và Sư phó Lê Kích, nghiên cứu mở khu chiến núi Ngang” - Nói đến đó, đồng chí Tư lệnh nắm lấy tay tôi siết mạnh - “Chắc ăn nghe!”. Tôi đứng nghiêm ráng chịu cái đau của bàn tay đồng chí Tư lệnh siết chặt, để thể hiện quyết tâm của mình.

Đoàn cán bộ nghiên cứu khu chiến núi Ngang ngoài tôi và sư đoàn phó Lê Kích, còn có ban chỉ huy trung đoàn 31 và tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn. Chúng tôi hình thành 2 mũi, một mũi do tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10 đặc công tổ chức nghiên cứu tiêu diệt bọn Mĩ đóng tại núi Ngang, mũi nghiên cứu địa hình chốt chặn, thực hiện ý đồ đánh địch của Bộ Tư lệnh Quân khu giao theo kế hoạch sau đây:


- Tiêu diệt đại đội kị binh Mĩ ở núi Ngang, diệt xong chốt lại, buộc địc phải dùng máy bay lên thẳng, đưa quân phản kích giải tỏa, lôi bọn kị binh ra khỏi
“công sự” di động là máy bay lên thẳng, biến chúng thành những tên lính bộ binh để tiêu diệt.

- Thực hiện ý định của Quân khu, kiềm giữ chân địch từ 20 đến 25 ngay cho các bộ phận của sư đoàn rảnh tay giải phóng hoàn chỉnh chi khu quận lị Khâm Đức.


- Rút kinh nghiệm cách đánh của Bộ Tư lệnh Tây Nguyên (B3), Tộ Tư lệnh Quân khu 5 bổ sung và thực hiện chiến thuật
“Chốt” kết hợp với cơ động để diệt địch tại núi Ngang, sau trận đánh này hoàn chỉnh chiến thuật: “Chốt” kết hợp với cơ động của bộ đội ta. Đây là một hình thức chiến thuật mới mà đồng chí Chu Huy Mân rất quan tâm.

Như vậy, trong chiến dịch giải phóng Khâm Đức, sư đoàn 2 chiến đấu trên 2 khu vực khác nhau và cách xa nhau:


- Sư đoàn đảm nhận tiêu diệt cụm cứ điểm Khâm Đức mở thông đường vận chuyển cơ giới.


- Trung đoàn 31, được sư đoàn tăng cường 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm, mở khu chiến tại núi Ngang, chủ động kéo quân của sư đoàn American ra để tiêu hao tiêu diệt và giữ kèm tại chỗ không cho chúng chi viện cho chi khu quận lị Khâm Đức.


Núi Ngang là một dải đồi dất đỏ chen đá núi, có độ cao 348 mét so với mặt biển. Mặt đồi núi Ngang bằng, thuận tiện cho điểm đóng. Núi Ngang nằm phía tây huyện Tiên Phước trên địa bàn 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà. Cách Tam Kì 30km và cách Việt An 2,5km. Bao quanh núi Ngang có Chóp Chài (407 mét) núi Gai (434 mét), núi Liệt Kiểm (446 mét), núi Ông Giai (434 mét), núi Dương Vọng (396 mét). Đối diện và cách núi Ngang khoảng 2km là con sông Khang, qua sông Khang đến núi Hàm Yên (112 mét), núi Đầu Voi (205 mét) đến núi Hàn Thôn (583 mét). Ở phía bắc núi Ngang là con đường 16 từ Hà Lam lên Việt An - Từ Việt An đi Đắc Nhe, đường 586 từ Cẩm Khê đi Quán Rường lên Phước Hà, Phước Hà lên An Tráng. Đây là những con đường huyện lộ và hương lộ có ý nghĩa cho hành quân vận chuyển và cơ động chiến đấu. Khu vực núi Ngang địa hình trung du, dưới chân núi Ngang xen kẽ đồng ruộng bậc thang, các lưng núi là đồi Cỏ tranh, lưa thưa các bụi cây sim, cây gió, cây bời lời…
Xa chiến trường Quảng Nam quá lâu, khi đặt chân trở lại trên những con đường hồi 9 năm, lòng tôi chợt bồi hồi trước thiên nhiên phong cảnh cũ. Dốc Lưng, Na Sơn, Sơn - Cầm - Hà, An Tráng… vùng chiến khu của 3 thơi kì cách mạng: Nguyễn Duy Hiệu (1885). đánh Pháp 9 năm (1945-1954), và nay là cuộc kháng chiến chống Mĩ đã có nhiều đổi thay lạ lẫm, đồng bào sinh sống thơ thớt, sản xuất chưa mấy phát triển. Sau 3 ngày nghiên cứu từng điểm cao, từng khu đồi, bố trí tuyến công sự chốt hút địch, đoàn cán bộ cắm tiền trạm và cho trinh sát trở về đưa công binh và bộ đội “thợ” lên chiếm lĩnh khai thác cây rừng làm kéo lắp chữ A. Địa hình của 12 khu đồi, xanh một màu cây cỏ, cũng có những lưng đồi đất đỏ, từ núi này nhìn sang đồi kia nếu không nghi trang kĩ địch sẽ dễ phát hiện ngay màu đất mới đào. Ban ngày, bộ đội nghỉ, đêm đến lên đào công sự và phải nghi trang thật tốt không cho địch phát hiện. Các đơn vị phải đào 3 loại công sự, loại lắp hầm kèo chữ A chống bom, chống pháo, loại hầm để thương binh chứa lương thực, loại công sự cá nhân chiến đấu. Cả ba loại công sự đều có giao thông hào dẫn về hầm chính của chốt trưởng chỉ huy để trận chiến nổ ra, ta di chuyển địch không phát hiện được.

Để phục vụ cho các đơn vị, trung đoàn 31 tổ chức lò rèn, lấy sắt ấp chiến lược rèn cuốc, xà beng, dao, rựa, xẻng phục vụ cho bộ đội đào công sự. Mọi công tác chuẩn bị cho khu chiến đều được làm rất khẩn trương. Tuyến công sự trên 12 khu đồi được hoàn tất, từ núi Dương Chấn qua đèo Cây Trâm, từ núi Dương Vọng đến núi Ông Giai, từ núi Hoắc qua sang dốc Xoài, từ núi Lớn qua núi Lợn, và từ núi Liệt Kiểm qua ngã ba Đồng Tranh… giao thông hào liên kết như những mạch máu trong cơ thể. Tất cả hỏa lực, súng bộ binh đều có thể chi viện cho nhau khi quân Mĩ nhảy vào khu chiến đánh phá, tháo chạy hay cứu viện.


Sau khi hoàn thành công tác
“độn áo giáp” công sự cho bộ đội có sự quan tâm của đồng chí Tư lệnh Quân khu, cử cán bộ xuống trực tiếp giúp đỡ. Bộ Tư lệnh sư đoàn và trung đoàn 31 mở lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ từ trung đội trưởng trở lên, để khi trở về đơn vị huấn luyện cho bộ đội. Phương án tác chiến của từng tiểu đoàn, đại đội đến trung đội, tiểu đội được thảo luận thông suốt, mọi vướng mắc đều được giải quyết dứt điểm.

Hậu cần trung đoàn chuẩn bị đủ gạo và thực phẩm cho toàn trung đoàn chiến đấu trong thời gian quy định. Mỗi chiến sĩ có 5 ngày lương khô, 2 cặp đường bát, mỗi chốt có 5 - 10 mét ni lông lót hầm đựng nước. Đến ngày 2/5 các tiểu đoàn, đại đội được phân công triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chốt bám công sự.


Do lộ bí mật, mất yếu tố bất ngờ, tiểu đoàn 10 đặc công không diệt được đại đội Mĩ ở núi Ngang như dự kiến. Có lẽ vì phát hiện được hoạt động của quân ta, tiểu đoàn kị binh của lữ 196 đóng ở núi Ngang xin thay quân.


Ngày 4/5, lữ 198 cho một tiểu đoàn kị binh lên thay tiểu đoàn 196 chốt núi Ngang. Bọn này chỉ bốc quân, còn trận địa pháo 6 khẩu 105mm vẫn để lại.


Ngaỳ 5/5, trung đoàn trưởng 31 Dương Bá Lợi lệnh cho cố 82mm, DKZ 75mm bắn trực tiếp vào bọn Mĩ đóng trên núi Ngang, vì bọn này mới đến nên hoàn toàn bị động không dám chống trả, im lặng nghe ngóng.


Ngày 7/5, bọn Mĩ ở núi Ngang cho 2 đại đội kéo xuống thôn 5 Phước Sơn lên chiếm núi Hoắc. Nếu để cho quân kị binh Mĩ chiếm núi Hoắc, trận địa ta sẽ bị chia cắt thành đôi. Các đại đội 1, đại đội 2 và đại đội 5 của tiểu đoàn 7 chốt tại đây được lệnh nổ súng. Ngay loạt đạn đầu hơn 10 tên Mĩ ngã gục trên sườn đồi. Những tên sống sót lôi bọn bị thương lùi ra. Các phía trước sau, bên sườn, quân ta đều đánh rát vào bọn kị binh Mĩ. Suốt ngày 7/5, những trận đánh ác liệt diễn ra ở hai nơi Dốc Xoài và núi Hoắc, lực lượng quân ta làm chủ trận địa, ghìm quân địch để tiêu diệt.


Ở khu chiến núi Ngang đã mở màn theo kế hoạch trước Khâm Đức 4 ngày. Sáng ngày 8/5, không quân Mĩ cho 2 tốp máy bay phản lực và máy bay AD6 (Skraider), có máy bay trinh sát OV10, OV13 dẫn đường ồ ạt ném bom xuống khu chiến núi Ngang. Chúng dùng nhiều loại bom khác nhau và thay đổi cách đánh. Chúng ném bom phá, là loại bom đào sâu xuống mặt đất mới nổ để phá công sự, còn bom phạt là loại bom vừa chạm đất là phát nổ để chặt (phạt) tất cả những gì có trên mặt đất, bom napal để đốt sạch cây cỏ trên mặt đất và bom khói tung hỏa mù, để cho bọn kị binh Mĩ luồn trong khói dấu mình tràn lên chiếm điểm chốt. Nhưng tất cả những thủ đoạn đó không thắng được sự cảnh giác và tinh thần chiến đấu quả cảm của chiến sĩ ta. Bọn kị binh luôn bị đánh bật trở lại.
Mặt trời đứng trưa, hai đại đội Mĩ từ phía tây tràn lên Dốc Xoài. Khảu đội súng máy phòng không của sư đoàn tăng cường bố tí ở hướng này lập tức hạ nòng theo góc tà nhả đạn. Cùng lúc đó, chính trị viên Nguyễn Minh Trang cho đơn vị nổ súng tạt sườn, bọn kị binh Mĩ đang hung hăng bỗng khựng lại. Tức thì những quả đạn cối 82mm, 60mm của đại đội trợ chiến tới tấp băm nát đội hình quân địch. Đợt tấn công của quân kị binh Mĩ bị đập tan. Những tên sống sót cố chạy tháo thân, có tên chúi đầu vào các thân cây tránh đạn trong cảnh khói lửa và tiếng nổ át cả một vùng.

Trong ngày 8/5, cán bộ chiến sĩ đại đội 1 của Nguyễn Minh Trang và các bộ phận trợ chiến phối thuộc, đã đánh bại 6 đợt tấn công của bọn kị binh. Đánh thiệt hại nặng một đại đội, tiêu hao 1 đại đội khác thuộc tiểu đoàn 1 lữ đoàn 198 Mĩ. Từ chỉ huy sở trung tâm tại đồi Liệt Kiểm, sư đoàn phó Lê Kích và tôi quan sát toàn cảnh khu chiến, chúng tôi thống nhất nhận định khả năng diễn biến chiến sự và quyết định tổ chức đưa đội cơ động của ta lên phía trước chờ địch.


Sáng ngày 9/5, sau những đợt bom pháo tàn khốc, địch tiếp tục đưa vào khu chiến 2 đại đội kị binh, mở đợt tấn công ác liệt lên Dốc Xoài và núi Hoắc cố chiếm giữ bằng được hai ngọn đồi này. Trận địa ta đã sẵn sàng chờ bọn kị binh bò lên lưng chừng sườn núi, liền cho hỏa lực bắn nát đội hình của chúng. Hỏa lực vừa dứt, đội cơ động được lệnh xuất kích dùng lưỡi lê đâm vào lưng bọn tháo chạy. Vùng trời và mặt đất trận địa Dốc Xoài, núi Hoắc rung chuyển tiếng pháo tiếng bom và tiếng gầm rú của máy bay địch. Từ trận địa súng máy phòng không, xạ thủ Lê Hữu Tựu cùng đồng đội ngẩng cao đầu bám chắc từng mục tiêu, bắn rơi liền 8 máy bay lên thẳng, có 1 chiếc HU1A bị đứt làm 3 đoạn.


Trải qua 3 ngày chiến đấu anh dũng, bộ đội tiểu đoàn 7 trung đoàn 31 giữ 02 chốt Dốc Xoài và núi Hoắc đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 lữ đoàn 198 kị binh Mĩ, chúng buộc phải rút chạy khỏi khu chiến.


Trong những ngày chiến trận, cán bộ sư đoàn, trung đoàn chúng tôi lên từng chốt nắm tình hình thăm hỏi động viên chiến sĩ, bộ phận cơ động của khu chiến, tích cực tu sửa bổ sung sự canh gác cho các chiến sĩ trên chốt nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu. Nhân dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà thẩm thỏm lo âu, nhưng luôn sẵn sàng vượt qua bom đạn cử người lên chốt đem quà bánh bồi dưỡng cho chiến sĩ và chuyển thương binh ra khỏi khu chiến để chăm sóc. Việc làm của bà con càng làm thắm đượm thêm tình quân dân gắn bó, chia sẻ những khó khăn ác liệt cùng bộ đội, động viên các chiến sĩ bám giữ trận địa chiến đấu đến cùng.


Ngày 12/5, tiểu đoàn Mĩ thay thế chốt ở núi Ngang, cho pháo 105 bắn ác liệt vào trận địa ta. Hai đại đội kị bình của tiểu đoàn này tổ chức nhiều đợt tấn công lên Dốc Xoài đều bị thất bại.


Ngày 14/5, các trận địa pháo núi Ngang, Tuần Dưỡng, Cấm Dơi chấu nòng bắn vào trận địa Dốc Xoài, núi Hoắc cùng 6 chiếc phản lực, 3 chiếc AD6 (Skraider) theo bọn trinh sát OV10, OV13 nhào lộn ném bom. Luồn trong khói bom dày đặc đó, bọn trực thăng HU1A quần đảo bắn rốc két, cho bọn CH47 rà thấp đổ quân. Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ giữ chốt Dốc Xoài bước vào những giây phút hiểm nghèo. Các trận địa pháo buổi sáng của địch làm hư hại một số vũ khí, bộ đội thương vong chưa kịp bổ sung, một vài công sự của ta bỏ ngỏ. Quân kị binh Mĩ liều lĩnh đã chiếm được 2 công sự tiền duyên của chốt, chúng liền theo giao thông hào trào lên chốt. Chính trị viên Nguyễn Minh Trang, linh hồn của chốt, anh động viên chiến sĩ “Còn người, còn vũ khí ta còn chiến đấu!”. Các chiến sĩ đại đội 1 từ trong những công sự đổ nát bật dậy dùng AK, lựu đạn đánh xối xả vào các tốp lính liều lĩnh. Những tên kị binh Mĩ cao to chết gục trong đường giao thông hào vào hầm thương binh của ta. Mũi tấn công của chúng bị chặn đứng dồn lại lúc nhúc. Lập tức những chùm lựu đạn được ném ra tới tấp, những tiếng nổ kép gầm lên đẩy xác Mĩ lăn lông lốc xuống đồi. Ở chốt phía nam Dốc Xoài, ta chỉ còn 2 chiến sĩ, nhưng bọn Mĩ không nhích lên được bước nào. Trước sức chiến đấu kiên cường của quân ta, bọn kị binh chạy thụt lùi ra khỏi trận địa Dốc Xoài, nhưng chúng làm sao thoát được thế trận khu chiến núi Ngang, nơi nào cũng nằm trong tầm ngắm của các chiến sĩ, theo sát và ghìm chúng vào thế bị động đối phó.


Cùng thời gian, trận địa chiến đấu ở chốt núi Hoắc cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Bọn Mĩ giành giật với ta từng khu đồi, từng công sự. Cuối cùng 140 tên xâm lược gục ngã trước mép công sự của các chiến sĩ giữ chốt.


Hồi học tập ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, tôi đã từng đọc truyện nói về trận đánh “Thượng Cam Lãnh” của Bắc Triều Tiên với quân Mĩ, đến nay so sánh với trận chiến trên núi Ngang thì ác liệt còn hơn thế nữa.
Thua đau, bọn chúng càng lồng lộn. Ngày 18/5, chúng tiếp tục tăng quân. Những trận đánh mở rộng ra trên toàn khu chiến núi Ngang. Hai đại đội kị binh Mĩ đánh lên núi Lớn liên bị đại đội 6, của tiểu đoàn 8 xuất kích 3 lần diệt gần hết một đại đội, tiêu hao một đại đội. Học tập tinh thần chiến đấu của đại đội 6, ngày 19/5, đại đội 11, lực lượng cơ động của tiểu đoàn 9 tại chốt núi Ông Giai đã loại khỏi vòng chiến đấu 80 kị binh Mĩ.

Khu chiến núi Ngang trong những ngày cuối tháng 5 tiếp tục lập công. Ngày 23, 25/5, 2 tiểu đoàn Mĩ đổ xuống chốt Hòa Yến bên tả ngạn sông Khang, bị lực lượng cơ động của trung đoàn 31 diệt 1 đại đội. Trong các ngày 5 và 6/6, trung đoàn 31 tập hợp lực lượng cơ động của tiểu đoàn 8 và 9 tập kích quân Mĩ tại Hòa Yến, diệt 240 tên.


Một điều phấn khởi cho ban chỉ huy khu chiến và đơn vị chiến đấu là một ngày, đồng chí Tư lệnh Quân khu gởi 2 bức điện: Buổi trưa thăm hỏi bộ đội liên tục chiến đấu, buổi chiều hướng cách đánh cho ngày hôm sau. Vì vậy ban chỉ huy khu chiến đã xử lí kịp thời.


Cả hai lữ đoàn 196, 198 kị binh Mĩ đã bị sa lầy trong thế trận “chốt” kết hợp với cơ động, hiểm hóc của trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5. Trong suốt thời gian lâm chiến, quân Mĩ không hề diệt được một “chốt” nào của ta, trái lại bị cán bộ chiến sĩ trung đoàn 31 đánh chúng “thất điên bát đảo”. Thế trận của ta giăng sẵn buộc quân Mĩ sa vào là thất bại, chúng muốn rút lui cũng không dễ dàng vì “chốt” của ta nằm cạnh sườn quân địch, như cái gai đâm vào mắt nhức nhối không chịu được, buộc địch phải đưa quân đối phó, mà càng đối phó càng bị sa lầy.


Hòa trong tiếng súng tấn công đợt 2 của toàn miền Nam, sư đoàn 2 Quân khu 5 hoàn thành chiến dịch giải phóng chi khu quận lị Khâm Đức. Mục tiêu phối hợp chung trên chiến trường và phối hợp chiến dịch trong phạm vi của sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 12/06/1968 nhận lệnh của Quân khu, trung đoàn 31 chủ động rút quân ra khỏi khu chiến núi Ngang.


Trải qua 38 ngày đêm liên tục chiến đấu, trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5 chốt chặn khu chiến núi Ngang đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên kị binh Mĩ, bắn rơi 65 máy bay, có 15 chiếc phản lực, 2 AD6 (Skraider).


Chiến thắng núi Ngang phát triển và nâng cao chiến thuật “cơ động, kết hợp chốt” dài ngày tạo cơ sở cho sư đoàn đúc rút kinh nghiệm trong việc dùng lực lượng ít, nhưng thu hút và kéo, kìm, giữ chân một lực lượng lớn của địch, thực hiện tốt kế hoạch hợp đồng chiến dịch.


Thành công của chiến dịch giải phóng Khâm Đức và mở khu chiến núi Naang là thành công của sự hợp đồng giữa điểm và diện, sử dụng lực lượng hợp lí giữa 2 khu chiến. Riêng ở núi Ngang, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 31, sư đoàn 2 đã hoàn thành 6 yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra:


1. Thực hiện đúng ý đồ kéo địch ra để diệt. Dùng chiến thuật “chốt” kết hợp cơ động thu hút quân địch vào khu chiến, đây là một sáng tạo mới làm cho quân địch bất ngờ.


2. Trên một địa bàn giữa 4 bên là địch, có điều kiện binh khí kĩ thuật hiện đại, vũ khí tối tân chi viện cho nhau. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chọn đúng địa điểm mở khu chiến đánh địch giữa ban ngày, tìm được chỗ nhược điểm của địch để đánh địch, buộc địch phải ra khỏi trực thăng, biến quân kị binh bay thành bộ binh để diệt.


3. Với chiến thuật này, sư đoàn 2 Quân khu đã diệt được nhiều sinh lực địch, bắn rơi nhiều máy bay, bên ta ít thương vong.


4. Khu chiến núi Ngang kèm giữ quân địch vượt thời gian trên giao, buộc địch điều quân chiến đấu theo ý của ta.


5. Trận núi Ngang là một chiến thuật mới, được áp dụng để đánh với một binh chủng sừng sỏ trên chiến trường là quân kị binh - Một binh chủng đặc thù của quân đội Mĩ.


6. Lần đầu tiên trên chiến trường đồng bằng Khu 5 chiến thuật “chốt” kết hợp với cơ động diệt địch được áp dụng thành công trong chiến dịch góp phần đánh địch hiệu quả trên chiến trường.


( Còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét