LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

CHẮC TAY SÚNG BẢO VỆ VÙNG GIẢI PHÓNG

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của Trung tướng Nguyễn Huy Chương
 

Chiến dịch Hè Thu kết thúc. Sư đoàn 711 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi, phát triển đánh chiếm chi khu quận lị, giải phóng thung lũng Quế Sơn - chặt đứt mắc xích phòng ngự của quân địch ở phía nam thành phố Đà Nẵng, phía bắc thị xã Tam Kì. Căn cứ Nông Sơn - Trung Phước nằm chơi vơi giữa bốn bề núi non trùng điệp. Quân địch không cam chịu thất bại, chúng điên cuồng phản ứng. Pháo từ hạm đội 7 ngoài khơi vịnh Đà Nẵng bắn phá ác liệt vào khu chiến, B52 một ngày 3 lần rải bom dải Hòn Tàu - Mật Rạng, thung lũng Quế Sơn và đỉnh đèo Le… Sư đoàn 3 ngụy ở núi Quế tung quân phản kích. Tình hình chiến sự trên địa bàn Quế Sơn trong tháng 9/1972 vô cùng sôi động.

Buổi sáng tôi đang ở hầm chỉ huy chờ Bộ Tư lệnh sư đoàn đến họp, thì sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn bước vào, anh nói:
“Anh Chương có quà gì không đem ra đây tôi đổi bức điện này cho”. Tình hình quân địch phản kích đang căng thẳng, tôi trả lời sư đoàn trưởng: “Giặc đang đánh khắp nơi, còn đâu tư01] tưởng mà quà với cáp, anh”. Tuy nghe tôi trả lời như vậy, nhưng sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn không tỏ vẻ gì trách móc. Anh ngồi ngay xuống dãy bàn giao ban, mở bức điện ra đọc to giữa anh em cán bộ sư đoàn:

“Gửi anh Nguyễn Huy Chương,

Chính ủy sư đoàn 711

Chị đã sinh được một cháu gái hôm 2/9, mẹ tròn, con vuông. Báo để anh mừng.
Người điện
Nguyễn Văn Số

Tôi như muốn chồm tới giật bức điện trên tay của sư đoàn trrưởng Nguyễn Chơn, để tận mắt nhìn được những dòng chữ mang đầy niềm vui đột ngột trong đời người chiến sĩ giữa chiến trường lửa đạn, như trường hợp của tôi lúc này. Anh em trong Bộ Tư lệnh sư đoàn đã nhìn thấy nỗi xúc động hiện lên trên khuôn mặt tôi, sau buổi giao ban kết thúc. Trong khi bước ra khỏi hầm, anh em đến nắm tay tôi, đặt tay lên vai tôi như đang chia sẽ niềm vui của vợ chồng tôi. Còn tôi lúc đó, không thể nói gì hơn, lòng cứ rộn lên niềm yêu thương vô bờ bến. Vợ tôi đã sinh con! Chúng tôi đã có đứa con đầu lòng như mơ ước! Tôi nhớ lần gặp nhau đó đến nay đã hơn 9 tháng. Chúng tôi chưa có tin tức về nhau, Bắc Nam cách xa vời vợi. Nhưng tôi đã có những ngày thật hạnh phúc, tôi thầm cám ơn chuyến công tác đó, cám ơn các thủ trưởng. Khi đọc mấy dòng của đồng chí Số, Cục phó cục cán bộ điện vào, tôi lại nhớ như in lời anh Lê Quang Đạo động viên tôi, lúc tôi vào bệnh viện: “Cậu yên tâm ở lại điều trị khỏi bệnh, rồi vợ chồng gặp nhau, may ra có một đứa con, đó cũng là niềm vui…”. Và thế là ở tuổi 47, tôi đã có đứa con gái đầu lòng. Tôi vui mừng điện ra Hà Nội thăm vợ tội và nói với vợ đặt tên cho con là Nguyễn Khánh Nga, để nhớ ngày Quốc Khánh lần thứ 27 của đất nước, ngày con chào đời vào đúng Tết Độc Lập 2-9. Kỉ niệm ấy như còn xao xuyến trong tôi đến bây giờ.

Với bản chất của một tên sen đầm đầu sỏ, không từ bỏ dã tâm xâm lược và hiếu chiến, đế quốc Mĩ đã tráo trở lật lọng sau những thỏa thuận ở Hội nghị Pari. Đêm 18/12/1972, Nixơn trắng trợn hạ lệnh cho không quân chiến lược mở đợt tập kích với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền bắc nước ta trong chiến dịch “Linebacker II” kéo dài suốt 12 ngày đêm (Trận ném bom tội ác này, tôi tin rằng trong tương lại, nhân loại tiến bộ sẽ còn tiếp tục lên án hành động dã man của đế quốc Mĩ đánh vào thành phố và thị xã đông dân ở miền Bắc Việt Nam).


Trên chiến trường miền
Nam, quân ngụy tung quân càn quét bình định, lấn chiếm khắp 4 vùng chiến thuật. Ở ven biển miền Trung, sư đoàn 2, 3 cùng các liên đoàn biệt động quân số 11 và 12 ngụy quân, không ngừng phản kích vào các khu vực, căn cứ, vùng giải phóng của ta như ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), Hoài Ân (Bình Định), Hiệp Đức (Quảng Nam). Thế nhưng cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của đế quốc Mĩ trên miền Bắc, và cuộc phục kích của quân ngụy ở miền Nam không cứu vãn được thất bại thảm hại của bọn chúng. Hàng chục ngàn tên địch bị tiêu diệt. Ở miền Bắc 81 máy bay bị bắn rơi, có 34 pháo đài bay B52, 5 máy bay F111 loại hiện đại cánh cụp cánh xòe. Thất bại trên cả hai chiến trường, lại bị nhân dân thế giới lên án, đế quốc Mĩ buộc phải trở lại bàn hội nghị Pari trên thế yếu và bị cô lập. Nhưng trước khi đặt bút kí vào Hiệp định Pari, chúng còn ngoan cố xúi bẫy bọn Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam, hô hào tràn ngập lãnh thổ trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực. Ngày 27/01/1973, Mĩ cho B52 đánh bom suốt một ngày xuống khu vực Cấm Dơi - Quế Sơn và nhiều nơi trên đất Quảng Nam. Ngày 29/01, sư đoàn 3 ngụy, tung 3 tiểu đoàn, chia thành 3 mũi. Mũi 1 theo đường 16 qua sông Trầu lên sông Khan, ý định của địch là bất ngờ đánh chiếm lại khu vực Hiệp Đức. Ý thức của việc bảo vệ trọn vẹn một huyện được hoàn toàn giải phóng ở Khu 5, sư đoàn 711 đã kịp thời cho trung đoàn 31 chặn đánh quân địch ở hướng này, diệt 2 đại đội địch, bắt sống 50 tên, thù 100 súng, số còn lại vội vã tháo chạy về Việt An. Trong khi đó, mũi 2 của quân địch đột kích vùng giải phóng Quế Sơn, 1 đại đội của chúng đánh chiếm lại Hòn Chiêng và 2 đại đội khác tăng cường quân cho căn cứ Cấm Dơi. Mũi 3 của quân địch, gồm 1 tiểu đoàn, do tên trung tá Hếu, chỉ huy (Tên này bị ta bắt sống trên đường 9 - Nam Lào năm 1971), luồng binh bí mật bao vây và gọi pháo bắn cấp tập vào Châu Sa, trận địa do đại đội công binh của sư đoàn 711 chốt giữ và chiếm lại Châu Sơn.
Giao ban sư đoàn sáng ngày 29/01/1973, trưởng ban trinh sát sư đoàn báo cáo việc tên Huế xin đổi đất và đọc nguyên bức điện của tên Huế mà quân báo ta đã thu được trên tần số đài PRC 25: “Châu Sơn gọi Đại Bàng, Châu Sơn gọi Đại Bàng. Chúng tôi đã chiếm được Hòn Chiêng và Châu Sơn, hiện bị Việt cộng bao vây 4 phía. Đường xuống Việt An bị cắt, đường 16 cụt, qua Cấm Dơi đi không được. Khi đánh chiếm Châu Sơn có 20 con đi xa, 80 con đi gần phải ẵm theo nặng lắm. Tình thế khó khăn, tiến lui bất tiện. Đại Bàng cho tôi liên hệ đổi đất với Việt cộng - Trung tá Huế”.

Nghe xong, sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn hạ lệnh cho trưởng ban quân báo nói chuyện trực tiếp với trung tá Huế trên PRC 25, và tự tay anh bật công tắc để cho trưởng ban quân báo phát điện. Trưởng ban quân báo sư đoàn nói:
“Trung tá Hếu nghe đây, chúng tôi biết các ông đang cõng trên mình 80 lính bị thương và 20 tử binh, nặng lắm phải không? Hiệp định Pari đã có hiệu lực, các ông chiếm đất của giải phóng thì phải trả lại. Tôi cho thơi hạn đến 12 giờ trưa nay, các ông không trả lời, tôi sẽ cho cối 120mm bắn vào vị trí Châu Sơn. Nếu máy bay các ông đến, chúng tôi sẽ triển khai cao xạ 37mm bắn rụng hết”. Trưởng ban quân báo sư đoàn vừa dứt lời, lập tức tên trung tá Huế lên giọng: “Các ngài đánh là vi phạm Hiệp định”.

Tiếng của Trưởng ban quân báo trả lời tên trung tá Huế:
“Các ông lấn chiếm vùng giải phóng là vi phạm Hiệp định. Chúng tôi có quyền đánh trả”.

Lời nói đanh thép của Trưởng ban quân báo sư đoàn đã tác động lên tinh thần hoang mang của tên trung tá ngụy. Hắn nói:
“Các ngài cho tôi xin phép cấp trên của tôi và tôi trả lời ngay”.

Thời hạn 12 giờ trưa đã đến. Sư đoàn hạ lệnh cho cối 120mm bắn vào Châu Sơn 3 quả đạn, tiếp theo là hàng loạt cối 82mm đồng loạt nổ xuống cứ điểm Châu Sơn. Tên trung tá Huế lập tức phát điện xin được rút quân ra khỏi Châu Sơn ngay.


Trưởng ban quân báo sư đoàn lại phát lệnh trên máy PRC 25:
“Trung tá Huế nghe đây, ông cho lính đi hàng dọc, đầu súng chúc xuống đất, người đi trước cầm cờ trắng, tôi sẽ cho du kích gỡ mìn trên đường 16 để các ông đi về Việt An. Trái lệnh, tôi sẽ cho du kích đánh vào đội hình của ông nghe rõ chưa?”. Trung tá Huế “Thưa quý ngài, chúng tôi biết lỗi, chúng tôi xin rút quân chứ chúng tôi đâu có đầu hàng mà các ông bảo cầm cờ trắng, cấp trên của tôi không chịu đâu”. Tên Huế trả lời thế. Trưởng ban quân báo sư đoàn lại phát điện. “Đồng ý cho các ông không cầm cờ trắng, nhưng hành quân phải thực hiện quy định của chúng tôi đi hàng dọc, súng chúc đầu xuống đất. Trái lệnh chớ trách!”. Và bọn địch làm theo quy định của ta. Đến 16 giờ chiều,tiểu đoàn ngụy do tên trung tá Huế chỉ huy, đùm túm nhau rút khỏi cứ điểm Châu Sơn. Lập tức sư đoàn 711 của ta cho lực lượng lên chốt lại Châu Sơn. Như vậy, từ tháng 1/1973, sư đoàn 711 đã trực tiếp đánh bại hành động “tràn ngập lãnh thổ” của Nguyễn Văn Thiệu, giữ vững vùng giải phóng của ta ở Quế Sơn, Tiên Phước.

Để phù hợp với tình hình phát triển của chiến trường trong giai đoạn mới, cuối tháng 6/1973, Bộ Tư lệnh Quân khu có chủ trương tổ chức biên chế điều chỉnh lực lượng giải thể sư đoàn 711 để thành lập lữ đoàn 52, đồng thời biên chế lại sư đoàn 2. trung đoàn 1 (trung đoàn Ba Gia) cùng các đơn vị trực thuộc và cơ quan sư đoàn bộ, sư đoàn 2 từ chiến trường Quảng Ngãi được lệnh hành quân ra chiến trường Quảng
Nam tiếp nhận trung đoàn 38 và trung đoàn 31 về trong đội hình sư đoàn 2. Tôi trở về làm chính ủy sư đoàn 2, đồng chí Nguyễn Chơn vẫn làm sư đoàn trưởng. Nhưng sau đó, đồng chí được đi học tại Hà Nội, đồng chí Phạm Đượu, quê ở Quảng Bình về nhận công tác quyền sư đoàn trưởng.
Sư đoàn 2 được Quân khu giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước… đánh địch càn quét, làm thất bại kế hoạch tràn ngập lãnh thổ của địch, giữ dân, giữ đất, tổ chức thiết bị công trình phòng thủ vị trí then chốt trên tuyến tranh chấp giữa địch và ta giữ vững vùng giải phóng, củng cố bàn đạp, chuẩn bị cho những cuộc tấn công sau này. Còn đại bộ phận lực lượng của sư đoàn tập trung học tập, huấn luyện, thực hiện 3 nhiệm vụ của Quân khu giao: Dùng trung đoàn 31, trung đoàn 38, tiểu đoàn 15 công binh, tổ chức từng cụm điểm tựa, phòng ngự theo thế trận liên hoàn từ Châu Sơn, Liệt Kiểm, Lạc Sơn đến núi Ông Giai, đơn vị xây dựng hơn 1.021 hầm chiến đấu, hầm hỏa khí, hầm nghỉ ngơi, 42 trận địa pháo, 200m địa đạo, 10km hào giao thông. Bộ phận thông tin phát huy sáng kiến cải tiến kĩ thuật, dùng cọc rào ấp chiến lược và dây thép gai tháo mắt thay cho dây điện thoại, xây dựng hệ thống thông tin hữu tuyến dài gần 100km, từ sở chỉ huy sư đoàn, đến các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và trận địa pháo, hoàn thành 18km đường ô tô, bảo đảm cho vận chuyển lương thực và cơ động tác chiến. Trong năm 1973, sư đoàn vừa đánh địch lấn chiếm, vừa tổ chức các điểm tiếp xúc giữa quân giải phóng và quân ngụy Sài Gòn, buộc chúng phải thi hành hiệp định Pari. Phối hợp với địa phương nơi đóng quân, sư đoàn tổ chức 118 lần tiếp xúc với 737 binh lính và 85 tên sĩ quan ngụy. Trước thái độ đứng đắn và chính nghĩa của bộ đội ta, đã cảm hóa và hạn chế một được một phần hành động vi phạm cướp phá của binh lính ngụy.

Chuẩn bị chương trình công tác cho năm 1974, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo sư đoàn học tập nghị quyết Trung ương lần thứ 21. Nghị quyết khẳng định:
“Thắng lợi bước đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước là thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở 2 miền Nam Bắc đã không tiếc máu xương để làm nên”. Mĩ đã cút, nhưng ngụy chưa nhào. Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”.

Tháng 2/19743, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy 5 trực tiếp xuống sư đoàn triệu tập hội nghị bàn mở mặt trận trên địa bàn Tam Kì, Tiên Phước, nhằm diệt cứ điểm Dương Đế, Đức Phú, giải phóng khu đồn Đức Phú, đồng thời kéo địch ứng cứu để tiêu diệt, thu hồi toàn bộ vùng giải phóng bị chúng lấn chiếm sau Hiệp định Pari. Cuộc họp có các Bí thư tỉnh ủy Quảng
Nam, Quảng Đà, tỉnh đội và Mặt trận 4, Bộ Tư lệnh sư đoàn 2. Chủ trương của Quân khu lúc này là đánh nhỏ trong mùa hè, sư đoàn sử dụng trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), trung đoàn 31 (thiếu tiểu đoàn 8) mở chiến dịch Hè.

Lúc sư đoàn xuất quân, đồng chí Lê Trọng Tấn. Tổng tham mưu phó Quân đội Nhân dân Việt Nam vào giao nhiệm vụ cho Quân khu, đồng thời gọi tôi lên, đồng chí nói:
“Sư đoàn 2 ra quân trong chiến dịch này có nhiệm vụ diệt một số cứ điểm, diệt quân địch lấn chiếm, xem sức quân đội ngụy chịu đứng đến đâu, để chuẩn bị cho chiến dịch Thu đánh lớn hơn”.

Ngay 24/4, sư đoàn mở màn trận đánh cứ điểm Dương Đế. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, ta làm chủ chiến trường, bắt tù binh, thu vũ khí. Quân địch còn đang lúng túng thì ngày 25/4, sư đoàn tiếp tục tấn công bọn địch đồn trú ở Đức Phú, bao vây uy hiếp khu đồn, buộc địch lẫn lộn trong dân thoát chạy về Tam Kì, liên bị lực lượng đón sắn của ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 1 đại đội bảo an và tổng đoàn dân vệ. Mất Đức Phú, địch điều 2 tiểu đoàn Bảo An 102 và 116 đến giải tỏa, liền bị trung đoàn 1 chặn đánh diệt một số tên. 2 tiểu đoàn địch án binh bất động chống lệnh hành quân, tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an 116 bị tỉnh trưởng Quảng Tín, Đào Mộng Xuân bắt giam.


Quân địa phương của chúng phản chiến, buộc Ngô Quang Trưởng Tư lệnh quân đoàn 1 ngụy phải điều quân chủ lực ứng cứu. Khi tiểu đoàn chủ lực ngụy vừa đến khu vực Dương Bà Thi, cách Đức Phú 2km, liền bị trung đoàn 1, diệt 1 đại đội đi đầu, bắt sống tên tiểu đoàn phó. Trung đoàn 1 đã sử dụng ngay tên tiểu đoàn phó của địch bắt nó, gọi quân của chúng ngưng bắn pháo, và tiếp tục cho các đơn vị khác tiến lên. Nhờ vậy, ta tiêu diệt sạch đại đội thứ 2 của địch, đại đội thứ 3 của chúng hoảng loạn bỏ chạy tháo thân.


Trong chiến dịch Hè, tỉnh đội Quảng Nam đã cho tiểu đoàn 11 bộ đội địa phương tham gia diệt cứ điểm Dương Đế, diệt đại đội địch ở Nổng Cốc (Kì Lâm), diệt chốt Dương Cháy…


Trong 37 ngày của chiến dịch Hè trên dãy tiến công, Sư đoàn 2 và bộ đội tỉnh Quảng Nam đã diệt 2.700 tên địch, bắt sống 116 tên. Diệt 12 đại đội, 3 sở chỉ huy tiểu đoàn địch và tiêu diệt 12 cứ điểm, phá hủy 25 đại bác 105mm đến 155mm. Cùng lúc lực lượng địa phương, giải phóng hoàn toàn khu vực Đức Phú và mở rộng vùng làm chủ của nhân dân trong phạm vi 5 xã từ Kì Quế, Kì Long, Kì Sơn, Kì Trà đến Kì Thạnh… Quân địch co lại không dám lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Sư đoàn và tỉnh đội Quảng
Nam đã gởi thư cho tỉnh trưởng Quảng Tín và rải truyền đơn cảnh cáo bọn địch. Lúc này, bọn địch cũng đã núng thế không dám hung hăng càn quét lấn chiếm như trước và pháo binh cũng không dám bắn phá bừa bãi vào vùng giải phóng của ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét