LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

NHỮNG NĂM THÁNG GẮN BÓ VỚI SƯ ĐOÀN

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của Trung tướng Nguyễn Huy Chương

Chiến dịch Thu năm 1974 kéo dài hơn một tháng, đem lại thắng lợi trên cả hai mặt trận quân sự và chính trị. Lần đầu tiên trên một chiến trường ác liệt của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, ta giải phóng và làm chủ một phần đất đai quan trọng, được xem là cánh cửa thép của quân địch ở phía tây thành phố Đà Nẵng. Bị ngấm đòn thu đau, quân địch điều quân phản kích, lại bị đánh bại liên tục, buộc Bộ Quốc phòng ngụy phải điều động cả quân dự bị chiến lược như lính dù, lính biệt động và lính thủy đánh bộ vẫn không đủ sức chống đỡ cứu nguy bọn chúng. Bọn chúng liên tục bị quân ta đánh cho tơi tả… Thắng lợi của chiến dịch Thu nhanh chóng tác động đến hình thái bố trí chiến lược của quân địch trên một chiến trường quan trọng bậc nhất ở miền Trung, tác động mạnh vào tư tưởng và tinh thần vốn đã tan rã của quân ngụy.

Thắng lợi của chiến dịch Thu năm 1974 là thắng lợi của quân và dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà trong hợp đồng chiến đấu, quyết đánh, quyết thắng kẻ địch trên một địa bàn rộng, có sự bố phòng mạnh của địch. Trong đó, sư đoàn 2 Quân khu 5 và sư đoàn 304 của Bộ tăng cường cho Quân khu 5, là hai đơn vị chủ công mở ra vùng giải phóng rộng lớn và liên hoàn. Từ tây nam huyện Đại Lộc, tây nam huyện Quế Sơn và tây huyện Thăng Bình - huyện Tam Kì lên Tiên Phước, Trà Mi, tiếp giáp với vùng đại ngàn của hai huyện Đông Giang và Tây Giang (2 huyện Hiên và Giàng). Thắng lợi của chiến dịch Thu tạo nên thế mới, lực mới, khả năng mới cho tấn công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang và nhân dân ta giành thắng lợi lớn hơn.


Những năm tháng cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam và chiến trường Quân khu 5 sau Nghị quyết 21 Trung ương ra đời đã có những chuyển biến mạnh. Nghị quyết chỉ rõ:
“Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực”. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, các lực lượng vũ trang trong quân khu quyết tâm tiến lên giành thế chủ động trên chiến trường, đẩy quân ngụy vào thế bị động đối phó.

Giữa lúc khí thế thắng lợi của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường đang sôi nổi, giữa những ngày toàn Quân khu tập trung chuẩn bị cho những đợt tấn công địch, mở ra vùng giải phóng thì một điều không may đã đến với tôi. Vết thương ở hai mắt mờ dần. Từ chiến trường tôi được đưa về hậu phương lớn để đi sang nước bạn điều trị.


Trong những ngày xa Tổ quốc, tôi có dịp ôn lại những tháng năm gắn bó với sư đoàn. Cho đến lúc tạm biệt sư đoàn, tôi đã có 6 năm vinh dự trong đội hình của sư đoàn 2 Quân khu 5. Lúc sư đoàn được thành lập cũng là lúc đế quốc Mĩ điên cuồng đổ quân vào miền
Nam, chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất thì lời kêu gọi của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân và các lực lượng vũ trang lên thành cao trào quyết chiến quyết thắng giặc Mĩ xâm lược. Sư đoàn 2 Quân khu 5 bước vào giai đoạn chiến đấu mặt đối mặt với các đơn vị thiện chiến nhất của quân Mĩ - ngụy - chư hầu, và trung đoàn Ba Gia, sư đoàn 2 Quân khu 5 đã làm nên chiến thuật Vạn Tường lừng lẫy một thời, mở đầu cho những trận thắng lớn sau này.

Vượt qua những gian khổ ác liệt, cán bộ chiến sĩ sư đoàn luôn mài sắc ý chí, xác định mục tiêu chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc -
“Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kể thù nào cũng đánh thắng!”. Cán bộ chiến sĩ sư đoàn 2 vững vàng bước vào cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, bằng những chiến công đánh Mĩ và thắng Mĩ ở đồi tranh Quang Thạnh, đánh quỵ cuộc càn “Liên kết 81” giữa liên quân Mĩ - ngụy - chư hầu trên đất Quảng Ngãi.

Sau mùa Xuân tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, sư đoàn giữ thế chủ động tấn công góp phần đánh bại các mưu đồ chiến lược chủ yếu của quân Mĩ như: Chiến lược
“Quét và giữ”, “Bình định nông thôn” phá vỡ từng mảng quan trọng tuyến phòng ngự cơ bản của địch và phối hợp lực lượng vũ trang địa phương giành dân, giữ đất, tiêu diệt một số chi khu quận lị của địch, mở rộng vùng giải phóng.

Trong chiến tranh cách mạng nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị chủ lực là tiêu diệt địch, tạo ra cơ sở để hoàn thành các nhiệm vụ khác. Mỗi kế hoạch chiến dịch, mỗi sa bàn chiến đấu đều được Đảng ủy Bộ Tư lệnh sư đoàn nghiên cứu tường tận, chu đáo. Từ công việc nghiên cứu đến thẩm định bổ sung, từ việc xác định đối tượng đến nổ súng tấn công đều được cân nhắc tỉ mỉ. Đối tượng chủ yếu của sư đoàn là các trung đoàn, chiến đoan, sư đoàn quân chủ lực Mĩ - ngụy - chư hầu. Bộ Tư lệnh sư đoàn tập trung suy nghĩ tìm tòi cách phát triển nghệ thuật chiến dịch, tạo nên ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mĩ, được thể hiện trong cách đánh địch ngoài công sự, đã tiêu diệt gọn từng chiến đoàn ngụy trong điều kiện thủy quân lục chiến Mĩ đã nhảy vào tham chiến ở miền Nam và liên tiếp đánh quỵ lữ đoàn Mĩ ở trận núi Ngang, đánh quỵ sư đoàn ngụy ở đường 9 - Nam Lào. Từ tiêu diệt đại đội Mĩ, tiến lên tiêu diệt tiểu đoàn Mĩ; từ diệt chi đoàn xe bọc thép của Mĩ, tiến lên tiêu diệt chiến đoàn xe bọc thép Mĩ; từ diệt đại đội Nam Triều Tiên, tiến lên tiêu diệt tiểu đoàn Nam Triều Tiên; từ diệt cứ điểm chi khu đến tấn công hợp đồng binh chủng đánh nhiều cứ điểm cùng một lúc. Sư đoàn đã phá vỡ từng mảng tuyến phòng ngự quan trọng của địch; từ tấn công giải phóng chi khu quận lị tiến lên tấn công giải phóng thị xã, thành phố. Nhiệm vụ nào sư đoàn cũng hoàn thành một cách xuất sắc.

Ý chí quyết chiến quyết thắng của sư đoàn 2 Quân khu 5 là luôn hướng sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn xây dựng từng đơn vị lớn mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và chiến đấu liên tục, khẩn trương tìm ra biện pháp nâng cao sức mạnh và chất lượng chiến đấu của sư đoàn. Trước mỗi chiến dịch, sư đoàn luôn xây dựng tư tưởng quyết tâm chăm lo huấn luyện kĩ chiến thuật và chấp hành mệnh lệnh, sau chiến dịch sư đoàn tổng kết, sinh hoạt chính trị rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm làm cho đơn vị tăng sức chiến đấu.


Những năm đánh Mĩ cứu nước tôi được sống, chiến đấu trong đội hình sư đoàn 2, một năm ở sư đoàn 711 (Quân khu 5), qua 6 đời sư đoàn trưởng. Mỗi đồng chí đều để lại trong tôi những dấu ấn khó quên. Một nét chung mà tôi nhớ mãi ở các đồng chí đó là biểu hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm; tận tụy công tác, đồng cách mạng cộng khổ, đói thiếu, gian khổ không nề hà, lúc nào cũng lo cho đơn vị làm sao để đánh thắng địch. Đồng chí nào cũng tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tìm hiểu những thủ đoạn, mánh lới của địch trong tất cả các tình huống chiến đấu, để xây dựng đơn vị mạnh hơn kẻ địch, đánh phải thắng và diệt gọn quân địch. Trong khó khăn ác liệt, các đồng chí càng thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi, làm giữ vững ý chí tiến công, tin yêu cán bộ, chiến sĩ, sống chết có nhau.


Tấm gương hi sinh oanh liệt, đạo đức phẩm chất sáng ngời của anh Lê Hữu Trữ (sư trưởng), Nguyễn Minh Đức (chính ủy), Trần Tiến Quảng (sư trưởng), Nguyễn Việt Sơn (sư trưởng), Dương Tiến Lợi (sư trưởng), đã để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ sư đoàn niềm thương tiếc vô hạn. Các anh ấy là lớp cán bộ kế tục, tiêu biểu đức tài như Giáp Văn Cương, quê ở Bắc Giang, năm 1949, chỉ huy tiểu đoàn 19, diệt tên đại tá Pháp Rôrê trên đèo Hải Vân, sau này là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân Việt Nam, đã qua đời năm 1992. Anh là một cán bộ quyết đoán, cương trực, giỏi kế hoạch, làm việc khoa học, dứt khoát. Anh Hoàng Anh Tuấn, một trí thức, quê Thừa Thiên - Huế, sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, hỏng một mắt. Suốt hai cuộc kháng chiến vẫn liên tục chiến đấu, anh rất thương yêu cán bộ chiến sĩ. Có lúc đơn vị hành quân, gặp chiến sĩ ốm đau, sốt rét, không mang vác được anh đã mang giúp ba lô, súng đạn, để chiến sĩ cùng đi theo kịp trong đội hình.. Anh Lê Kích, quê Quảng Ngãi, là chiến sĩ du kích Ba Tơ năm xưa, chiến đấu dũng cảm thông minh, lao động cần cù, sâu sát chiến sĩ, hòa mình với nhân dân. Anh Trần Tiến Quảng, quê Quảng Ngãi, một thư sinh nho nhã, nhưng biết rèn luyện trong gian khổ, qua hai cuộc kháng chiến, bám sát chiến trường, giỏi công tác tham mưu, tác phong dân chủ, tôn trọng tập thể, đồng chí, lắng nghe cấp dưới, làm việc ngày đêm, không biết mệt mỏi. Anh Nguyễn Chơn (sư trưởng) sau này là Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, là người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, được anh em cán bộ, chiến sĩ thán phục, có lời tặng
“Người anh hùng say mê đánh giặc”.

Tôi không thể nào quên được những tấm gương chiến đấu quên mình của các anh hùng và anh hùng liệt sĩ, các cán bộ chiến sĩ của sư đoàn như cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 17 thông tin, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, vượt dưới bom đạn địch hàng trăm lần để nối dây, rải dây phục vụ chiến đấu, trên mũ mỗi người dán khâu hiệu “Mạch máu có ngừng, nhưng đường dây không bao giờ tắt”, như anh Phạm Minh, chính trị viên đại đội, trong một trận đánh, khi cửa mở, gặp ổ đề kháng của địch ác liệt, anh lấy thân mình nằm vắt lên hàng rào kẽm gai, để cho đồng đội đạp lên, băng qua đột phá trung tâm cứ điểm địch giành thắng lợi. Anh Lê Hữu Tựu, với 4 năm tuổi quân, đã bắn rơi 31 máy bay các loại của địch, riêng năm 1968, anh bắn rơi 18 máy bay, diệt 64 tên địch. Anh Nguyễn Nhân Biểu, đánh 43 trận, trận nào cũng được biểu dương về thành tích chiến đấu. Anh Đặng Đình Trường, bám chốt núi Ngang, bắn rơi 13 máy bay trực thăng, có một chiếc bị anh bắn đứt làm đôi khi chưa kịp đổ quân. Anh Trần Đình, một chiến sĩ nuôi quân được đi chiến đấu, đã thể hiện tinh thần dũng cảm đánh nhanh, thọc sâu, làm cho quân địch bất ngờ và giành chiến thắng. Chị Nguyễn Thị Hồng ở đại đội 3 vận tải, bị 36 mảnh bom bi cắm vào người, vẫn nén cơn đau, đưa thuyền chở thương binh vượt qua vùng trọng điểm đến nơi an toàn. Anh Đặng Đình Đào, suốt 4 ngày đêm quần nhau với thiết giáp Mĩ, bắn cháy 6 xe tăng. Anh hùng Nguyễn Chuyễn, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, chiến sĩ trinh sát, đã điều tra nghiên cứu, bám địch, vượt hàng rào thép gai qua hàng thục cứ điểm để phục vụ cho chiến đấu.

Hình ảnh đại đội 3, thuộc tiểu đoàn 19, vận tải của sư đoàn, là đơn vị nữ được tuyên dương anh hùng. 120 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ gùi, thồ lương thực, vũ khí, thuốc men. Thân gầy mảnh khảnh, nhưng chị em vẫn lao động không mệt mỏi, mỗi người gùi nặng từ 50 đến 60kg. có chị gùi đến 100kg. Đầu trần, chân đất, qua sông lội suối, leo núi vượt đèo, ốm đau, bệnh tật, có khi lạt muối đói cơm, nhớ nhà, người thân, suốt 10 năm gian khổ ác liệt, ngược xuôi hàng vạn cây số phục vụ 20 chiến dịch đánh địch của sư đoàn. Đến nay thỉnh thoảng tôi gặp lại các nữ quân nhân ấy, có người đã làm mẹ, làm bà với mái gia đình hạnh phúc, có người còn ở vây để sống với quá khứ không nguôi, cón người chỉ là dòng tên trên bia mộ, hoặc trong kí ức của đồng đội, bạn bè.


Tôi không thể nào quên được, và cũng không thể nào nhớ hết được một đội ngũ cán bộ ác cấp từ tham mưu, chính trị, hậu cần, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lí, thợ quân giới, thông tin liên lạc, anh chị nuôi… lăn mình trong mưa bom, bão đạn, thiếu thốn mọi bề, vẫn lạc quan, ung dung thanh thản làm việc quên mình để bảo đảm trong công tác chiến đấu của sư đoàn trên các chiến trường, chiến dịch thắng lợi.


Hàng vạn, hàng vạn hành động anh hùng vượt qua ác liệt, gian khổ, bền gan vững chí để giành thắng lợi cho cách mạng nói chung và cho đơn vị nói riêng, đã được Đảng, Nhà nước, quân đội ghi công, tuyên dương, khen thưởng, nhưng cũng còn biết bao tấm gương ẩn mình trong thầm lặng vì nhiều lí do như chiến sĩ Bùi Thanh Thà, một mình với khẩu AK bám bắn liên tục, không cho trực thăng hạ cánh bắt sống tôi trên cánh đồng Phương Đông, Dương Yên (huyện Trà Mi). Chiến sĩ Đàm Văn Hưng, dân tộc Tày, quê tỉnh Cao Bằng, và Quách Văn Thành, dân tộc Mường, quê tỉnh Thanh Hóa, đã dũng cảm lấy thân mình nằm trùm lên người tôi, để cứu tôi thoát chết trong đợt B52 rải thảm tại xã Sơn thạch, huyện Quế Sơn… Khi được hỏi các chiến sĩ đều nói một cách chân tình, cởi mở và vô tư:
“Chúng tôi hi sinh để cho thủ trưởng sống chỉ huy chiến đấu”.

Tôi vô cùng thương tiếc những đồng đội đã hi sinh ở chiến trường Kon Tum, Tân Cảnh, Đắc Tô, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đà… Tôi như còn thấy bên tôi những anh em, đồng chí ngày nào:


Tấm choàng che mưa chôn xong đồng đội
Hẹn thắng giặc rồi lặn lội tìm anh
Hai mươi lăm năm chấm dứt chiến tranh
Mà anh còn ở rừng xanh chưa về
Thương anh nhớ lại lời thề
Tìm anh mà vẫn không hề gặp anh

               (Tình đồng đội - NHC)

Tất cả những hành động dũng cảm đó, từ lúc chuẩn bị lên đường cho đến khi xung trận, trong những phút hiểm nguy nhất đều chung một quyết tâm anh dũng chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì thắng lợi để làm nên chiến công tô thắm truyền thống anh hùng. Cao đẹp thay tình đồng chí, đồng đội. Những tấm gương tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ đã cùng tôi công tác trong sư đoàn 2, sư đoàn 711, là bài học lớn về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, cho tôi có điều kiện học tập, rèn luyện và trưởng thành.




Sư đoàn 2 Quân khu 5 là con đẻ của cao trào cách mạng, tấn công và nổi dậy của nhân dân. Sư đoàn đã gắn bó với nhân dân, hoạt động trên chiến trường đồng bằng và miền núi, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, các lực lượng chính trị và binh vận, gắn bó với thế trận chiến tranh nhân dân. ở những nơi cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đến trú quân và chiến đấu đều lưu lại hình ảnh, bước đi, việc làm, sinh hoạt của một tập thể bộ đội cụ Hồ trong sáng, ngoan cường. Nghĩa nặng tình sâu ấy được ghi lại từ buổi đầu sư đoàn sinh ra trên một mảnh đất nghèo lại bị bom đạn của kẻ thù tàn phá. Đêm như không có chỗ ngã lưng, ngày như không có chỗ đứng chân, đói cơm, lạt muối, khó khăn biết dường nào. Trong hoàn cảnh đó bà con đã nhường cơm xẻ muối, nhường nhà cho bộ đội ở, xẻ chia cho bộ đội từng lon gạo, từng bát khoai chà, từng bánh đường đen… Nhớ những ngày sư đoàn đánh Cấm Dơi, bộ đội thiếu lương thực, chỉ trong vòng 5 ngày nhân dân Quế Sơn đã huy động được 54 tấn lương thực cho chiến dịch, còn bà con thì ăn củ chuối, sắn non, khoai chạt… nhường tất cả thuận lợi cho bộ đội ăn no đánh giặc, cứu nước. Nhân dân ở vùng trụ bám không đèn lửa, đêm ngủ hầm trên manh chiếu mỏng, cấy lúa, trồng khoai dưới bom đạn địch, thế mà vẫn chắt chiu hạt gạo, củ khoai nuôi quân, góp công dựng làng chiến đấu, khiêng thương, tải đạn, đưa đò cho bộ binh chiến dịch sang sông. Vẫn còn đây hình ảnh các chị, các mẹ ngoan cường tay không chặn đầu xe bọc thép, những chiến sĩ đấu tranh chính trị, bao vây đem truyền đơn đưa tận tay sĩ quan, binh lính ngụy. Con em thiều nhi dũng cảm lừa quân Mĩ lấy súng về cho cách mạng… Mỗi lần sư đoàn mở chiến dịch, có hàng ngàn dân công, dân quân, phục vụ canh gác, dẫn đường, bảo vệ. Ở các thôn xã đồng bằng, nhân dân đào hàng vạn mét địa đạo, giao thông hào, hầm chiến đấu… để sư đoàn dựa vào đó mà chiến đấu và thắng giặc.

Mỗi chúng ta được sinh ra từ người mẹ, còn đoàn quân thì sinh ra từ nhân dân. Người mẹ Cẩm Khê dùng dao lỡ chém Mĩ để bảo vệ cho các con thương binh ucả mình toàn vẹn. Các chị ở Hòa Vang, Điện Bàn, Quế sơn… tự xóa dấu vết quân qua để bảo vệ bí mật hành lang, cất dấu thương binh ngay trong vùng địch kiểm soát. Hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Dày, là mẹ của sư đoàn chúng tôi. Mẹ còn có tên gọi khác
“Bà Mẹ Cấm Dơi”. Con bị giặc giết, nhà giặc đốt. Mẹ trụ bám dựng chòi, cắm nêu làm tín hiệu báo tin cho bộ đội, khi về đánh giặc. Bọn địch đã giết mẹ. Sự hi sinh của mẹ đời đời Tổ quốc ghi công. Còn chúng tôi vẫn coi mẹ là người mẹ của sư đoàn.

Mùa xuân 1975, lúc sư đoàn 2 Quân khu 5 gần tròn 10 tuổi, đã trải qua hơn 3.000 ngày đêm chiến đấu không nghỉ, với hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ, trong đó có 20 chiến dịch - Chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng là đỉnh cao của những chiến dịch tấn công của sư đoàn.


Trên đời có nhiều sự trùng hợp, thú vị. Ở sư đoàn 2 có một sự trùng hợp đặc biệt, đó là anh hùng Nguyễn Chơn, quê Hòa Vang, lúc thành lập sư đoàn (20-10-1965), anh là cán bộ trung đoàn 1 (Ba Gia), đứng tuyên thệ dưới quân kì ở làng An Lâm, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước, đây là vùng đất căn cứ địa của Hường Hiệu (Nguyễn Duy Hiệu), sau 10 năm chiến đấu, Nguyễn Chơn là sư đoàn trưởng, dẫn đoàn quân tiến về giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975). Quyết định trên giao cho sư đoàn, đúng là ý nguyện canh cánh bên lòng, cuối cùng anh và sư đoàn phối hợp với quân đoàn 2 của Bộ, cùng với nhân dân thành phố tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.


Với những chiến công đó, sư đoàn 2 Quân khu vinh dự được Đảng, Nhàn nước và quân đội tuyên dương 23 đơn vị Anh hùng, 14 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Về thành tích đánh địch, sư đoàn 2 Quân khu 5 đã tấn công tiêu diệt 1 trung đoàn, 1 chiến đoàn, 37 tiểu đoàn, 52 đại đội, 1 sở chỉ huy sư đoàn tiền phương, đánh quỵ và làm tan rã 3 sư đoàn ngụy, đánh thiệt hại 11 lữ đoàn, trung đoàn, chiến đoàn, trong đó có 2 sư đoàn Mĩ; loại khỏi vòng chiến đấu 94 ngàn tên Mĩ - ngụy - chư hầu, bắt sống trên 1 vạn tên, bắn rơi và phá hủy 1.466 máy bay các loại, 1.084 xe tăng, xe bọc thép và xe quân sự, phá hủy 613 khẩu pháo, thu hơn 17 ngàn súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh.


Tôi xin nghiêng mình trước anh linh của 20 ngàn liệt sĩ của sư đoàn - Những người con trung hiếu khắp các miền quê của Tổ quốc, đã hội tụ về sư đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thần thánh của dân tộc. Các anh đã cống hiến cả tài năng, trí tuệ và tâm huyết cuộc đời mình, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Máu đào của các liệt sĩ tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc, làm nên truyền thống nhân dân anh hùng, quân đội nhân dân anh hùng, đời đời ngân vang ban anh hùng ca dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét