LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Đánh nhanh thắng lớn Đắc Tô - Tân Cảnh

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về phối hợp với các chiến trường mở cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam, tháng 3-1972, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch tiến công ở khu vực Bắc Tây Nguyên (gồm Kon Tum, Gia Lai). Mục đích chiến dịch là nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng địch, giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum, mở rộng vùng căn cứ phía tây Gia Lai, Đắc Lắc, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Chiến dịch diễn ra rất quyết liệt từ ngày 30-3 đến 5-6-1972. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt thứ nhất từ ngày 30-3 đến 24-4-1972 và đợt 2 từ ngày 25-4 đến 5-6-1972. Đây là chiến dịch thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng giữa ta và địch, đặc biệt là sự sáng tạo về nghệ thuật lập thế trận và nghi binh, hiệp đồng binh chủng đánh địch của các lực lượng tham gia chiến dịch của ta.
Ban đầu, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phương án tiến công quân địch phòng ngự ở Đắc Tô-Tân Cảnh theo cách bóc vỏ, đánh từ ngoài vào trong. Thế nhưng sau khi nghiên cứu kỹ điều kiện địa hình, cách bố trí phòng ngự của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch thống nhất đánh theo phương án đề xuất của Sư đoàn 2: Bí mật mở một con đường nhanh chóng đưa lực lượng và phương tiện vũ khí áp sát, bất ngờ đánh thẳng vào Đắc Tô-Tân Cảnh từ hướng đông - hướng địch bố trí phòng ngự sơ hở.
Đội hình xe tăng ta vận động tiến công vào Đắc Tô-Tân Cảnh năm 1972. Ảnh tư liệu.
Để tạo thế bảo đảm cho phương án đánh địch từ hướng đông, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng một bộ phận lực lượng công binh mở con đường 50A theo sườn phía đông dãy Ngọc Linh để đưa lực lượng, nhất là xe tăng, pháo binh, pháo phòng không có xe kéo gấp rút vào vị trí tập kết chiến dịch. Cùng thời gian này, ta tổ chức lực lượng làm lại cầu Đắc Mót (trên đường số 18 bị địch phá), tiếp tục mở đường 70B qua dãy núi phía tây sông Pô Cô sang Võ Định.
Trong quá trình xây dựng đường và triển khai lực lượng, Bộ tư lệnh chiến dịch tổ chức một số đơn vị tập kích vào các vị trí vòng ngoài của địch ở tây sông Pô Cô, sau đó tiến vào bao vây Võ Định; đồng thời ta sử dụng 2 trung đoàn phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh cắt các vị trí địch trên đường số 14 và 19, thực hiện bao vây chia cắt chiến dịch. Lợi dụng thế bố trí dài và hẹp của địch trên địa bàn rừng núi vùng bắc Tây Nguyên, ta tạo thế chia cắt buộc địch phải đối phó cả ở phía trên và dưới thị xã Kon Tum, khiến 2 lữ đoàn dù và Sư đoàn 23 Quân đội Sài Gòn bị giam chân không thể ứng cứu cho nhau. Cụm phòng ngự của Sư đoàn 22 (thiếu) của Quân đội Sài Gòn ở Đắc Tô-Tân Cảnh cũng bị cô lập. Sau khi tập trung tạo thế trực tiếp đánh vào Đắc Tô-Tân Cảnh, bộ đội ta tiến công bất ngờ vào hệ thống phòng ngự sơ hở do địch không thể ngờ tới để tiêu diệt chúng.
Điểm đặc sắc của chiến dịch là nghệ thuật nghi binh hạn chế thế mạnh của địch, phát huy thế mạnh của ta. Quyết tâm chiến dịch là: Để nghi binh không cho địch phát hiện được ý đồ của ta và để chúng vẫn xác định hướng tiến công chủ yếu vào Đắc Tô-Tân Cảnh từ đường số 18, Bộ tư lệnh chiến dịch thống nhất với Sư đoàn 2 sử dụng một số đơn vị, chủ yếu là hai trung đoàn 1 và 141 (Sư đoàn 2), tập kích vào một số vị trí địch ở vòng ngoài và tổ chức một số trận địa phòng không chi viện hỏa lực, khiến địch phải đưa quân ra đối phó. Ta tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch ở phía tây sông Pô Cô, tạo điều kiện để tập kết bộ đội chủ lực tiến công vào mục tiêu chủ yếu. Các hoạt động nghi binh chiến dịch đã chín muồi, thời cơ đánh Đắc Tô-Tân Cảnh xuất hiện. Sau đó, ta tập trung lực lượng bí mật cơ động theo đường 50A nhanh chóng triển khai, bất ngờ tiến công Đắc Tô-Tân Cảnh.
Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội ta vận dụng cách đánh vây ép, buộc địch phải co cụm lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng cấp sư đoàn vào cụm cứ điểm Đắc Tô-Tân Cảnh. Khi nhận nhiệm vụ, Sư đoàn 2 (thiếu) được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn đặc công 37 cùng một đại đội xe tăng và một bộ phận pháo binh, pháo phòng không cùng lực lượng vũ trang địa phương tập trung lực lượng và vận dụng cách đánh phù hợp. Đặc biệt, ta bí mật triển khai lực lượng, trong đó bố trí cả xe tăng và pháo lớn ở nơi hiểm yếu, hướng địch không ngờ, khi nổ súng phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng đánh vào các mục tiêu chủ yếu, phá vỡ hoàn toàn căn cứ phòng thủ then chốt vững chắc của địch ở Đắc Tô-Tân Cảnh. Phát huy thắng lợi, cả bộ binh và xe tăng ta phát triển tiến công căn cứ Diên Bình. Từ ngày 28-4 đến 5-6-1972, bộ đội ta phát triển tiến công vào cụm phòng thủ thị xã Kon Tum, gây cho địch một số thiệt hại.
Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên đã vận dụng thành công nghệ thuật lập thế trận, điều địch ra khỏi công sự để tiêu diệt, làm giảm sức chiến đấu của chúng; đồng thời thực hành nghi binh buộc địch phải để một bộ phận lực lượng quan trọng ở trong thị xã đối phó, tạo điều kiện cho ta tập trung tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng tiêu diệt địch. Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên đã thực hiện được phần cơ bản của ý định chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, tạo hành lang nối thông giữa Mặt trận Trị - Thiên, Tây Nguyên với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, góp phần tạo thế và lực phát triển cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam năm 1972.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét