LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

VỀ SƯ ĐOÀN 2

Trích từ hồi ký " CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG"
của Trung tướng Nguyễn Huy Chương


CHƯƠNG VI -VỀ SƯ ĐOÀN 2


Thế là tôi phải xa chiến trường Quảng Ngãi, xa quê hương Núi Ấn - Sông Trà mang truyền thống khởi nghĩa Ba Tơ (1945), khởi nghĩa Trà Bồng (1959), xa biển Sa Kì, Mĩ Á… quanh năm lộng gió, xa những con đường tỉnh lộ thân quen: Châu Ổ - Trà Bồng, Sơn Tịnh - Sơn Hà, Minh Long - Giá Vụt; xa thiên nhiên miền tây Quảng Ngãi, nơi phát nguyên sông Rin, sông Tang, sông Xàlò, sông Re (H’Re) và các con sông đầu nguồn cần mẫn quanh năm đưa nước về sông Trà Bồng, Trà Khúc, để cho những guồng xe mang nước tắm mát những cánh đồng Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa trù phú, làm nên những mùa vàng nuôi quân đánh giặc. Quảng Ngãi với những đặc sản đường phổi, đường phèn, mạch nha, những đồng suối Sa Huỳnh đã từng cứu sống đồng đội tôi trong những năm tháng ở căn cứ Nước Rễ, và những di tích và cảnh đẹp mà hai năm qua tôi đã biết trong những lần đi nghiên cứu chiến trường như: “Thành Gấm” nằm bên bờ sông Trà Khúc, “Thiên Ấn - Niêm Hà, Long đầu hí thủy, Thiên Bút phê văn, Hà Nhai vãn độ, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn…” khó quên trong kí ức chúng tôi. Ngoài cảnh đẹp và di tích lịch sử, chính nơi đây đã sinh ra nhiều văn thân chí sĩ yêu nước như danh tướng Bình tây Đại nguyên soái Trương Công Định, cầm quân chống Pháp ở Gò Công Nam Bộ, như Lê Trung Đình, Cảnh Thụy, Lê Ngung khởi nghĩa Duy Tân 1916. Vào thời có Đảng Cộng sản lãnh đạo như Thủ tưởng Phạm Văn Đồng, một nhà ngoại giao, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tướng lãnh tài ba như Nguyễn Chánh, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Trần Văn Trà… mà cả nước đều biết đến, làm sao không lưu luyến khi xa vùng đất này.

Tôi về đến căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu, tại đây tôi gặp đồng chí Hà Văn Trí. Hai anh em tay bắt mặt mừng, lòng dạt dào cảm xúc, nhưng rồi phải chia tay sau đó. Tôi nhận quyết định về làm Phó chính ủy sư đoàn 2 Quân khu 5. Hà Văn Trí về làm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà, và anh hi sinh sau mùa tổng tiến công 1968. Được tin Hà Văn Trí hi sinh, tôi bàng hoàng và thương tiếc một cán bộ quân sự tài năng, thông minh và đức độ. Trong tâm tưởng tôi tự hẹn rằng, nếu ngày thống nhất đất nước tôi còn sống, sẽ về thăm quê của Trí và thắp nén nhang của anh. Tôi chưa thực hiện được ước mong đó, mà chỉ gặp con gái anh đang là cô giáo dạy học ở Quảng Ngãi.


Nhận công tác ở sư đoàn 2, ấn tượng trong tôi tươi nguyên hình ảnh và kỉ niệm hồi năm 1965-1966, khi chiến dịch Sơn Tịnh nổ ra. Khi đó, tôi là thành viên của bộ chỉ huy chiến dịch, được tiếp xúc với Sư trưởng Nguyễn Năng (quê Thanh Hóa). Ngay lần gặp đầu tiên anh đã để lại cho tôi ấn tượng đậm nét. Người anh cao nghệu, giọng nói sang sảng, tác phong sâu sát từng đơn vị, khi chiến đấu thì bình tĩnh và dũng cảm, trong sinh hoạt thì tôn trọng tổ chức, khi tiếp xúc với mọi người thì đôn hậu ôn hòa. Với sư đoàn phó Lê Hữu Trữ (Lê Thạch), quê Quảng Trị, Phó chỉ huy sư đoàn, đẹp trai, thông minh, quyết đoán. Anh là một trong những thanh niên
“xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” Trong cương vị một sĩ quan trong đoàn quân Nam tiến thơi đánh Pháp hồi 9 năm, tính tình hiền lành nhưng rất nghiêm trong sinh hoạt, nhất là khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới tỉ mỉ và cụ thể. Với Chính ủy sư đoàn, Nguyễn Minh Đạo (quê Thanh Hóa), anh là một cán bộ mẫu mực trong sinh hoạt, tận tụy với đồng đội, gặp giai đoạn khó khăn, đơn vị thiếu lương thực, thực phẩm, anh cùng cần vụ lội suối bắt ốc, chia ngọt sẻ bùi cùng chiến sĩ. Trong lãnh đạo anh nắm vững nguyên tắc Đảng, tôn trọng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trước một việc quan trọng bao giờ anh cũng đem ra bàn bạc rồi mới quyết định.

Điều đáng tiếc là khi tôi về sư đoàn, anh Lê Hữu Trữ và Nguyễn Minh Đạo đã hi sinh, anh Năng thì đi nhận công tác khác. Đội ngũ lãnh đạo của sư đoàn về sau này là những tướng lĩnh tài ba như: Đồng chí Thượng tướng Giáp Văn Cương, Hoàng Anh Tuấn, Lê Kích và đồng chí Nguyễn Chơn, sư trưởng trực tiếp chỉ huy đường 9 Nam Lào, về sau là Thượng tướng, thứ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đơn vị cảm phục tặng anh cái tên trìu mến:
“Anh hùng Nguyễn Chơn, suốt đời say mê đánh giặc”.

Sư đoàn 2 là sư đoàn chủ lực của Quân khu, được thành lập ngày 20/10/1965 tại làng An Tráng, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Có mặt trong đội hình sư đoàn là trung đoàn 1, trung đoàn 21, tiểu đoàn 12 pháo cối, tiểu đoàn cao xạ 19/5, cùng với nhiều đơn vị hợp thành, bảo đảm về kĩ chiến thuật và sức chiến đấu cơ động.



Trung đoàn 1 là trung đoàn quy tụ phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở các tỉnh trong Quân khu 5 ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Họ là những cán bộ chiến sĩ đã cùng với nhân dân và dân quân du kích địa phương diệt đồng, phá ấp dành dân, mở rộng phong trào trong những năm quân địch thực hiện chiến dịch “tố cộng diệt cộng” ở miền Nam. Từ tháng 3/1962, trung đoàn được tăng cường cán bộ, chiến sĩ con em các tỉnh Khu 5 tập kết ra Bắc, trở về và trở thành trung đoàn, kiêm luôn công việc của tỉnh đội Quảng Nam, do đồng chí Quách Tử Hấp, làm trung đoàn trưởng, Dương Loan, chính ủy trung đoàn. Đến cuối năm 1963, được cấp trên quyết định tách khỏi nhiệm vụ quân sự địa phương để tập trung xây dựng thành một đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu. Biên chế trung đoàn lúc này có các tiểu đoàn bộ binh 40, 60, 90 và tiểu đoàn 400 trợ chiến do đồng chí Lưu Thành Đức, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Trọng, chính ủy. Mùa thu 1964, trung đoàn đánh trận Kì Sanh, Tam Kì. Trận đánh có ý nghĩa lớn, mở đầu đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch trên chiến trường đồng bằng Khu 5. Mùa xuân 1965, trung đoàn diệt cứ điểm Việt An, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở phía tây tỉnh Quảng Nam. Trong trận này, trung đoàn thực hiện khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, liên tiếp đánh bại 5 cuộc hành quân giải tỏa của quân ngụy trên đường 16. Trong chiến dịch Sơn Tịnh 1965, tiểu đoàn 90 của trung đoàn, đã diệt gọn tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 ngụy. Trận thứ hai, trung đoàn tập trung 3 tiểu đoàn, đã diệt gọn một chiến đoàn quân ngụy gồm tiểu đoàn 39 biệt động quân, tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ, tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 ngụy. Trận thứ 3, trung đoàn diệt cứ điểm Gò Cao, do 1 tiểu đoàn ngụy đóng giữ. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu 3 kỉ lục: Tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn ngụy, trung đoàn ta diệt chiến đoàn ngụy, tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn địch trong cứ điểm có công sự vững chắc. Trung đoàn còn hỗ trợ cho địa phương tiến công và nổi dậy diệt địch, giải phóng 27 xã và 20 vạn dân. Đây là chiến dịch tiến công tổng hợp đầu tiên tương đối hoàn chỉnh trên chiến trường Quân khu 5.

Từ bám dân, bám đất đánh du kích, hỗ trợ cho phong trào địa phương, khi Mĩ vào, trung đoàn 1 trở thành trung đoàn nòng cốt của sư đoàn trong điều kiện quân Mĩ 8 ta 1, trung đoàn dã đánh thắng Mĩ trận đầu ở Vạn Tường (18/8/1965). Trung đoàn 1 nổi dậy với cái tên
“Trung đoàn Ba Gia” “Trung đoàn thép” và chiến công đi vào lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 5 với những trận đánh như:

Nhanh như Chóp Nón
Gọn như Ba Gia
Dũng cảm như Vạn Tường
Kiên cường như Hội Đức


Trung đoàn 21 là trung đoàn tập trung, con em của nhân dân hai tỉnh Hải Dương và Hà Bắc. Một số cán bộ chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển ngành về địa phương công tác được gọi trở lại đội ngũ theo tiếng gọi chống Mĩ cứu nước của Đảng. Tháng 7/1965, trung đoàn 21 vào chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Đây là một trung đoàn “cựu binh” có truyền thống và tinh thần quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ xâm lược khi được vào miền
Nam. Trong chiến dịch tây Sơn Tịnh đầu năm 1966, trung đoàn đã đánh tiêu diệt một tiểu đoàn Mĩ và đánh bại một tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu 800 tên Mĩ, bắn rơi 6 máy bay.

Trung đoàn 31 tiền thân là Trung đoàn 54 của sư đoàn 310, một trong những trung đoàn chiến đấu giỏi trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ thời kháng chiến chống Pháp, đã được Bác Hồ tặng danh hiệu
“Dũng cảm đánh hăng”. Trung đoàn do đồng chí Nguyễn Việt Sơn, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Thận, chính ủy. Tháng 10 năm 1966, trung đoàn 31 về đứng chân trong đội hình sư đoàn 2. Thêm trung đoàn 31, sức chiến đấu của sư đoàn tăng lên rõ rệt và lịch sử của sư đoàn cũng thêm phần phong phú.

Sau khi trung đoàn 31 về sư đoàn 2, tiểu đoàn 70, được Quân khu quyết định điều trở lại chiến trường Quảng
Nam.
Tiểu đoàn súng máy phòng không, sinh ra trên đất Tổ Hùng Vương, tiểu đoàn vinh dự được mang tên ngày 19/5. Hầu hết cán bộ chiến sĩ là con em của Thủ đô Hà Nội, với hào khí Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Theo lời kêu gọi chống Mĩ cứu nước, tiểu đoàn vào Nam đánh Mĩ được cấp trên bổ sung về sư đoàn 2.

Tiểu đoàn 12 pháo, cối, cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn là con em của tỉnh Thanh Hóa, tiểu đoàn có 1 đại đội DKZ 75, 1 đại đội sơn pháo 75, 1 đại đội súng cối 120 li. Với truyền thống
“Chân đồng vai sắt” của pháo binh quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1965, tiểu đoàn có mặt trong đội hình chiến đấu của sư đoàn 2.

Trong đội ngũ của sư đoàn có những đơn vị được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là cán bộ chiến sĩ của trung đoàn 1, từng lăn lộn chiến đấu nhiều năm trên chiến trường được rút về làm công tác chuyên môn như trinh sát, thông tin, quân y, vận tải, hậu cần…


Sư đoàn 2 Quân khu lấy nhiệm vụ tác chiến tập trung tiêu diệt địch, giành dân mở rộng vùng giải phóng. Sư đoàn 2 phải vưa tác chiến vừa xây dựng, không ngừng nâng cao trình độ quy mô tác chiến tập trung diệt sinh lực và phá hủy phương tiện chiến tranh, phá vỡ từng khu vực phòng thủ của địch.


Địa bàn tác chiến của sư đoàn 2 là từ các tỉnh Quảng Ngãi đến thành phố Đà nẵng. Đảng bộ sư đoàn có 3 Đảng bộ trung đoàn, 3 Đảng bộ cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần và 11 Đảng bộ tiểu đoàn, gần 100 chi bộ, tổng số đảng viên hơn 2.000 đồng chí, chiếm 30% quân số trong sư đoàn.


Tôi về đến sư đoàn bộ hôm trước, liền hôm sau được Bộ Tư lệnh phân công cùng đồng chí Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương, đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị phương án chiến dịch giải phóng chi khu quận lị Khâm Đức, ở phía tây tỉnh Quảng Nam.


Chủ trương của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu là tiêu diệt cụm cứ điểm quận lị Khâm Đức, giải phóng địa bàn này thành khu liên hoàn nối đường vận chuyển chiến lược của Trung ương, đưa lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men vào chi viện cho các hướng chiến trường Khu 5.


Thung lũng Khâm Đức có chiều dài 3km, chiều rộng 1,5km, phía nam giáp sông Nước Chè, bên kia sông Nước Chè là trại nuôi dê nằm trên độ cao (676 mét) Ngọk Tà Vák (738 mét), phía Đông có sông Nước Trảo, ngầm nước Mĩ, phía tây là rừng đại ngàn. Đường 14 từ Hòa Cầm qua Thượng Đức đến Khâm Đức, gặp đường 165 tạo thành ngã ba Khâm Đức, đi vào Nam Bộ. Tại đây, quân địch xây dựng một trung đoàn huấn luyện biệt kích, tạo bàn đạp đánh phá phong trào cách mạng ở khu tam giác các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Sau nhiều lần củng cố và mở rộng, Khâm Đức có 10 cứ điểm phòng ngự. Khu trung tâm chi khu có 5 cứ điểm, khu ngoại vi có 5 cứ điểm, quân số địch gồm 7 đại đội, nằm trong hệ thống công sự ngầm kiên cố.


Tuy nhiên, chi khu quận lị Khâm Đức là một cứ điểm bị cô lập giữa bốn bề là rừng đại ngàn và vùng kiểm soát của ta, nên tiếp tế của bọn địch trông cậy vào đường hàng không mỗi tháng 2 lần.


Đứng trước nguy cơ chi khu quận lị Khâm Đức bị tiêu diệt, quân địch đã lập tuyến tiền tiêu hướng tây nam - Hướng duy nhất quân ta triển khai đánh chiếm Khâm Đức nên quân địch thường xuyên cho quân sục sạo quanh địa bàn có bán kính từ 1 - 2km, sân bay Khâm Đức cũng gấp rút được sửa chữa để có thể đổ quân tăng viện trong trường hợp khẩn cấp.


Khi giao nhiệm vụ cho sư đoàn đi nghiên cứu chiến trường, Tư lệnh Quân khu đã đề ra một yêu cầu quan trọng là phải chủ động kìm giữ, không cho quân địch đưa quân tiếp viện lên Khâm Đức.


Phân tích thế và lực của địch, nếu ta đánh Khâm Đức, lực lượng chi viện tốt cho Khâm Đức, chỉ có thể là sư đoàn không vận số 1 (sư đoàn American) với 2 lữ đoàn 196 và 198 đóng ở Quảng Nam. Với khả năng của địch như vậy, để việc tấn công giải phóng Khâm Đức đạt kết quả, Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho sư đoàn 2 tổ chức một khu chiến mới. Khu chiến này có nhiệm vụ nổ súng trước để căng kéo, đánh tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, khiến quân địch không thể chi viện cho Khâm Đức và nếu chi viện thì lực lượng địch cũng không đáng kể. Sư đoàn 2 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trận đánh này.

( Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét