LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

NHỚ VỀ SƯ TRƯỞNG TRƯƠNG HỒNG ANH

 


Đã 40 năm kể từ khi Đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) Trương Hồng Anh hy sinh, đồng đội vẫn nhớ đến anh với những ký ức không bao giờ quên...
Trương Hồng Anh sinh năm 1948 ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 16 tuổi nhập ngũ vào Sư đoàn 2. Từng tham gia đánh trận Ba Gia, Vạn Tường, Đồng Dương, Quy Thạch, Nông Sơn, Trung Phước, đường 9 - Nam Lào, giải phóng Đà Nẵng. 22 tuổi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90, 29 tuổi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 và 35 tuổi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, anh được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, từ chiến sĩ trinh sát đến sư đoàn trưởng. Anh hai lần có mặt ở chiến trường Cam-pu-chia trên cương vị trung đoàn trưởng và sư đoàn trưởng.

Làm chỉ huy khi còn rất trẻ, lại có dáng thư sinh, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ, trang phục chỉn chu, lại hòa đồng với chiến sĩ, nên quanh người sĩ quan họ Trương này có rất nhiều giai thoại. Đó là năm 1970, khi Tiểu đoàn 90 (Trung đoàn 1) đóng quân ở Quế Phong, Hội phụ nữ huyện Quế Sơn, Quảng Nam khi đến thăm đã bán tín bán nghi khi thấy anh Tiểu đoàn trưởng gương mặt còn non hơn chiến sĩ. Năm 1971, nghệ sĩ ngâm thơ Kim Cúc từ Hà Nội vào biểu diễn ở Mặt trận đường 9-Nam Lào, gặp Trương Hồng Anh ở lán trại dã chiến, tưởng là chiến sĩ liên lạc, nhờ ngay: ‘’Em ơi cho chị xin ly nước”. Sau biết người rót nước cho chị rất lễ phép đó là Tiểu đoàn trưởng, chị không khỏi ngỡ ngàng. Đoàn nghệ thuật của Trung ương về biểu diễn mừng thành phố Đà Nẵng giải phóng, đến thăm Trung đoàn Ba Gia, mọi người cứ nhầm Trương Hồng Anh là công vụ, vì không tin một chỉ huy Trung đoàn nổi tiếng lại trẻ như thế.

Khi nói về Trương Hồng Anh, cố Trung tướng Nguyễn Huy Chương, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 nhận xét: “Đó là một cán bộ còn rất trẻ, thông minh, thực sự có tài chỉ huy, có cách nói năng rành rọt, có sức thuyết phục người khác. Anh nghiên cứu rất kỹ về địch, đánh giá đúng mức, luôn tìm cái yếu của địch để đánh, có khi thay đổi cả một phương án của đơn vị bằng một phương án mới hiệu quả hơn. Giao cho Trương Hồng Anh phụ trách một cánh quân nào đó, chúng tôi rất yên tâm, vì trong mọi tình huống anh có xử trí quyết đoán, táo bạo mà linh hoạt, đã đánh là phải thắng. Tài chỉ huy của Trương Hồng Anh thể hiện rõ rệt trên cương vị Sư đoàn trưởng chỉ huy diễn tập bài chiến thuật “Trung đoàn bộ binh hiệp đồng quân binh chủng, tiến hành tiến công quân địch lâm thời phòng ngự ở địa hình rừng núi”. Cuộc diễn tập đã thành công mỹ mãn, đơn vị đạt loại giỏi. Đồng chí Trung tướng cố vấn Liên Xô (trước đây) theo dõi cuộc diễn tập này đã khen ngợi: “Tôi có thể phát biểu với các đồng chí bằng hai chữ: tuyệt vời. Tôi không ngờ có một Sư đoàn trưởng trẻ lại thông minh đến vậy”.
Thật đáng tiếc, chỉ một năm sau diễn tập, người chỉ huy tài năng đầy triển vọng đã hy sinh. Đây là một tổn thất không chỉ của Quân khu 5 mà của cả quân đội ta.

Đại tá Lê Văn Cúc, nguyên Chính ủy Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) kể: “Tôi biết Trương Hồng Anh khi đang công tác ở Phòng Chính trị sư đoàn. Năm 1978, tôi là Chính ủy còn anh Anh là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, cùng sát cánh bên nhau ở chiến trường Cam-pu-chia suốt 2 năm. Nhớ trận đầu tiên, trung đoàn ra quân ở Ngã ba Săng-ke. Chiến sĩ ta thương vong nhiều, anh khóc rồi tìm mọi cách tổ chức phản công giành thắng lợi. Điều anh quan tâm đầu tiên là các trận địa pháo. Anh mạnh dạn bố trí khẩu đội ĐKZ nhô ra phía trước ở địa hình có lợi để dễ dàng phát hiện đánh địch và tiêu diệt địch ngay. Tôi nhớ nhất là trận đột phá toàn mặt trận trong đội hình của Quân đoàn 4. Anh bàn dời sở chỉ huy từ phía sau ra phía trước so với trận địa bố trí quân. Đây là phương án táo bạo có phần nguy hiểm, nhưng cái được lớn nhất là quan sát toàn bộ chiến trường, chỉ huy hiệp đồng binh chủng nhanh chóng. Như dự liệu, trận đột phá lần đó, Trung đoàn 1 đã giành thắng lợi giòn giã, là dấu ấn quan trọng để đơn vị được tuyên dương Anh hùng lần thứ 2. Trương Hồng Anh có trí nhớ rất kỳ lạ. Dựa trên bản đồ, anh có thể dẫn Trung đoàn hành quân trong đêm hàng chục cây số mà không bị lạc. Cách làm việc của anh khoa học, có sự chuẩn bị kỹ cho mỗi trận đánh từ con người, phương án, cơ sở chiến trường, đồng thời anh đòi hỏi chỉ huy cấp dưới cũng phải như thế.

Anh rất ít ngủ, đọc sách nhiều, nghiên cứu, ghi chép cẩn thận. Có khi nửa đêm bật dậy để viết vào sổ một ý nghĩ nào đó mới hình thành. Đọc, ghi chép, quan sát, phân tích, sự lao động nghiêm túc này cộng với sự từng trải chiến trường, ý chí quyết tâm cao là bí quyết để Trương Hồng Anh thành công trên cương vị chỉ huy. Trương Hồng Anh sống rất chân tình với đồng đội. Với cấp trên, anh khiêm tốn, lắng nghe, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Với cán bộ dưới quyền, bàn bạc dân chủ, không bao giờ hách dịch, nổi nóng. Với chiến sĩ, hết mực hòa đồng, thương yêu, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chỗ nghỉ ngơi tốt nhất dù là trong chiến tranh nên được mọi người yêu quý, tin tưởng. Khi anh bị thương nặng nằm ở Quân y viện 21 (Mặt trận 579), hàng trăm chiến sĩ đã xung phong truyền máu cho anh. Người lính quân y lâu nay phục vụ anh đã khóc tức tưởi, khi biết thủ trưởng của mình không qua khỏi.

- Chúng tôi có những kỷ niệm đẹp, ấm áp vừa là đồng chí vừa là anh em - Đại tá Nguyễn Đình Ngật xúc động kể - Khi tôi làm Sư đoàn phó về Chính trị thì Trương Hồng Anh làm Sư đoàn trưởng ở chiến trường Cam-pu-chia. Anh rất có bản lĩnh chỉ huy, trình độ tổ chức giỏi. Trong trận đánh vào căn cứ 547, ta và địch giằng co quyết liệt. Đây là căn cứ có 16 vị trí then chốt, với nhiều điểm tựa, cụm điểm tựa, trận địa hỏa lực liên hoàn, lực lượng địch bố trí dày đặc. Chính vì vậy ta đã 4 lần tổ chức tiến công nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Quan sát trực tiếp những thủ đoạn của địch, Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh ra lệnh cho Trung đoàn pháo binh 368 cơ động 2 khẩu pháo nòng dài 85mm và 4 khẩu pháo phòng không 37mm lên phía đài quan sát thực hiện “bắn xăm” vào các hốc đá, tiêu diệt các hỏa điểm địch. Trận địa pháo 105mm cũng được lệnh phối hợp với pháo của xe tăng bắn cấp tập ghìm đầu địch xuống, tạo điều kiện cho pháo 37mm cơ động. Nhờ cách đánh này, các hỏa điểm địch đã nhanh chóng bị tiêu diệt, căn cứ 547 của địch bị thất thủ. Tuy nhiên, Sư đoàn đã chịu một tổn thất lớn. Ngày 27-3-1984, trên đường đi kiểm tra chiến trường trở về, xe bị mìn của bọn Pôn Pốt cài lại, người chỉ huy Trương Hồng Anh bị thương nặng. Cuộc giành giật sự sống cho anh đã diễn ra khẩn trương, trên huy động cả máy bay trực thăng vận chuyển cấp cứu nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 2-4-1984. Thương nhớ anh, mấy đêm liền tôi thức trắng. Chiếc áo anh tặng vẫn còn đây mà người đồng chí thân thiết đã đi xa.

P/S: Thương tiếc vị sư đoàn trưởng trẻ tuổi tài cao,khi ra đi mới 36 tuổi...Anh là 1 trong hai sư đoàn trưởng trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.Chúng tôi thế hệ trẻ ngày nay vô cùng biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.Kỷ Xin được thắp 1 nén hương thơm kính cẩn lên các anh hùng liệt sĩ,cầu mong hương hồn các chú,các anh,các bác phù hộ cho đất nước bình an và xin hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay đang tiếp bước cha anh giữ vững lời thề "Sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Độc lập,Tự do của Tổ Quốc"

Nguồn : Nông Sơn tin tức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét