LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

CUỘC CHIẾN THẦM LẶNG TRONG VÙNG ĐỊCH

Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2 

Ảnh mang tính minh họa


Về đội thu mua thuộc Ban hậu cần Trung đoàn, tôi cùng các đồng chí trong đội thường xuyên xuống vùng địch tiếp nhận lương thực thực phẩm, để cấp phát cho các đơn vị trong Trung đoàn. Nhiệm vụ đặt ra không ít khó khăn vất vả, Trung đoàn cử tới ba đồng chí trinh sát làm nhiệm vụ bám địch mở đường và mấy chục chiến sỹ thuộc đại đội vận tải 19, để cõng gùi hàng đưa về kho dự trữ cấp phát. Khi tổ trinh sát nắm tình hình thấy bảo đảm an toàn, cho người bí mật vượt qua quốc lộ đi vào thôn ấp nhận gạo muối do nhân dân đóng góp giúp đỡ cách mạng. Nhiều mặt hàng mua của vợ con binh lính địch đi mua từ khu quân sự đem về bán. Thôn ấp ngày thì địch kiểm soát, đêm tối bộ đội giải phóng chúng tôi vào, nên việc phân định kẻ tốt-xấu, người liên quan tới công việc đòi hỏi rất thận trọng. Người được giao nhiệm vụ ở lại trực tiếp chỉ huy tiếp nhận hàng hoá, rất lo cho các chiến sỹ mới từ rừng núi xuống, sợ các đồng chí không nắm được đường đi và tình hình địch, sẽ lạc vào ổ phục kích, bãi mìn.

Ngày đêm địch cho máy bay quần đảo, bắn hàng trăm quả đạn pháo cỡ lớn từ hạm đội ngoài biển vào, làm cho các xã vùng ven của Quảng Ngãi bị bom đạn cày xới tan tành. Đồn bốt địch mở loa kêu gọi nhân dân bộ đội và dân quân du kích đi theo chúng khai báo chiêu hồi. Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Trung đoàn đang ém quân ở phía tây Nam huyện Mộ Đức, hơn 8 giờ sáng đất trời yên tiếng bom rơi đạn nổ. Chúng tôi đồng loạt nhảy lên khỏi mặt hầm mừng Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, anh em ôm hôn nhau mà trào rơi nước mắt, đồng đội cười nói với nhau: Đất nước hoà hợp rồi các đồng chí ơi…anh em ơi, mấy chục người chúng tôi đứng sát nhau ngân vang bài:
“ Giải phóng miền Nam
Chúng ta cùng quyết tiến bước
Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước…”.

Đất trời yên lặng gần một giờ thì tiếng pháo địch từ núi Xương Rồng, Đức Phổ, chiến hạm ngoài biển Sa Huỳnh lại bắn đến ác liệt hơn, làm cho các chiến sỹ và nhân dân nơi đây tiếp tục đổ máu.
Sau tết cổ truyền Quí Sửu 1973, đêm đến đội công tác vượt qua đường một sang các xã phía đông của huyện Mộ Đức. Đường đi được du kích địa phương cùng trinh sát dẫn đường, đơn vị men theo bờ ruộng đến cạnh quốc lộ quan sát, nếu không có địch mấy chục người nhanh chóng vượt qua, đồng chí đi cuối đoàn cầm cành cây xoá dấu vết mặt đường qua lại.
Bà con nhân dân thôn một, thôn hai đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đức Lân tới chúc mừng. Quà cho mỗi đồng chí là chiếc khăn tay mùi xoa, bánh xà phòng thơm, những chiếc bánh xèo và bát cháo thịt vịt nóng… Đêm tối ngày ấy trên quê hương núi Ấn sông Trà, còn thấm đậm tình quân dân trên dải cát trắng miền Trung đầy bóng giặc lúc bấy giờ.
Tôi cùng mấy đồng chí xuống nằm lại vùng ven biển đợi nhân dân huy động đóng góp lương thực, mua thực phẩm để giao cho bộ đội trong Trung đoàn đến khuân vác mang về. Có hàng vận chuyển bằng tàu biển không số từ miền Bắc đưa đến, được nhân dân làng chài ven biển đem vào chôn xuống bãi đất cát đắp thành mộ giả, thôn ấp luôn bị địch càn quét khống chế. Mỗi khi bộ đội qua lại được bà con, cùng các cháu nhỏ cảnh giới xoá dấu vết giầy dép, nhặt mẩu thuốc lá do sơ ý vất ra cho vào bếp đốt…
Mỗi khi có giặc càn quét vào làng đồng chí Phạm Thị Nguyện, bí thư Đảng ủy xã Đức Lân căn dặn du kích: Nếu thấy không an toàn thì đưa đồng chí Tần, đồng chí San xuống hầm bí mật. Có đợt địch càn quét hàng tuần trong khu vực không sao liên lạc về đơn vị, để khi bộ đội xuống tránh được sự kiểm soát và giữ bí mật cho đường dây cung cấp. Anh em nằm sâu trong vùng địch kiểm soát được bà con đùm bọc khi có giặc, chăm sóc lúc ốm đau. Tình cảm của nhân dân nơi đây không bao giờ phai mờ trong ký ức của chúng tôi trong những ngày khó khăn gian khổ ấy.

Đêm ngày 13 tháng 3 năm 1973, đội công tác đi từ huyện Nghĩa Hành vượt đường quốc lộ số một sang xã Đức Tân- Đức Minh, gồm có: Trần Văn Tần, Phan Văn Tao, Trần Văn Ngọc và tôi, chỉ huy đơn vị xuống tiếp nhận mang vác hàng hoá về. Khoảng 22 giờ đêm hôm sau gùi hàng và bám theo kênh dẫn nước đến giáp đường quốc lộ, người dẫn đường dừng lại quan sát, thì từ phía sau có người nói nhỏ truyền lên: “các đồng chí không được đi vào đoạn này, vì chiều nay nhân dân đi làm, quan sát thấy địch ở cầu Dắt Giây chúng đem mìn ra khu vực này cài đặt …”
Nghe như vậy nên toàn đoàn quay đầu lại đi sang khu đất có mộ đắp, cách vị trí nói có mìn khoảng 100 mét. Khi quay lại đồng chí Phan Văn Tao đi trước, đến Trần Văn Ngọc và tôi, mỗi người cõng một thùng hàng đi cách nhau hơn 2 mét, khi anh Tao bước lên thì vướng vào quả mìn Clâymo của địch cài đặt, mìn nổ đẩy lùi anh Tao lại mấy mét, đồng chí Ngọc và tôi bị hất về phía sau. Ngay lập tức tiếng đề ba của pháo cối cùng tiếng nổ của đạn M79- AR15, đại liên pháo sáng của địch từ cầu Dắt Giây chúng bắn đến cấp tập. Tôi bò vào lay gọi đồng chí Tao, anh khẽ nghiêng người lắc đầu. Đồng chí Ngọc cố tháo chiếc đai gùi thùng dầu đậu phụng để tôi nâng anh sang lấp phía sau ngôi mộ tránh đạn bắn thẳng đến, anh Ngọc gượng nói; đồng chí quan sát xem địch có cho lính đến không, rồi anh tháo chiếc túi đựng sổ sách ghi chép diễn biến hàng ngày của đội đang quản lý cho tôi và nói: “Đồng chí mang túi cặp này về giao cho đơn vị, khả năng tôi và đồng chí Tao bị thương nặng không chắc có sống được…”. Nhận xong túi anh đưa tôi nói; hai đồng chí đợi tôi ra đón người vào khiêng anh ra. Anh Ngọc cầm tay tôi nói: “Em đi nhanh lên, đề phòng địch và pháo đấy”. Tôi chạy lại được hơn 100 mét thì gặp đội trưởng Tần cùng anh em du kích đang vào.

 Đồng chí Trần Văn Ngọc và Phan Văn Tao, được nhanh chóng khiêng đến trạm quân y tiền phương. Tại đây hai anh được Quân y trạm tận tình cứu chữa, nhưng vết thương quá nặng đã làm hai đồng chí hy sinh, vào quá nửa đêm ngày 15 tháng 3 năm 1973, trạm quân y tiền phương của tỉnh đội Quảng Ngãi đóng ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức.
Tôi cùng đội trưởng Trần Văn Tần, đứng lặng người vĩnh biệt đồng chí Trần Văn Ngọc, anh được sinh ra trên vùng đất kiên cường thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đồng chí luôn được các chiến sỹ quí trọng bởi vượt lên muôn vàn khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và chúng tôi nhớ đến câu chuyện mà đồng chí Phan Văn Tao, mới kể cho anh em nghe trong bữa cơm chiều nay:
Ngày Tao còn làm anh nuôi ở đại đội 14 súng 12,7 ly, trực thuộc Trung đoàn. Sau chiến dịch về đơn vị đóng quân gần cơ quan tham mưu. Một hôm mình lên ban chỉ huy thăm Trần Văn Tần, người đồng hương tỉnh Quảng Nam, thấy máy điện thoại kêu liên tục mà không ai nghe. Mình chạy vào nhà nhấc máy, đầu dây gọi hỏi đồng chí nào cầm máy đấy, mình nhanh nhảu trả lời; Tao nghe đây, đầu dây kia hỏi tiếp ai nghe đấy? Tôi vẫn trả lời Tao đây mà, đầu dây gọi nói to đồng chí nào mà lại trả lời như vậy. Mình không hiểu nên vẫn trả lời chiến sỹ Tao đây mà. Đầu dây gọi dập máy. Khoảng 15 phút sau thủ trưởng Phạm Xưởng có mặt tại ban chỉ huy hỏi đại đội trưởng, vừa rồi đồng chí nào thường trực máy điện thoại, anh Tần chưa hiểu đầu đuôi câu truyện báo cáo thủ trưởng: Tôi vừa xuống các trung đội kiểm tra chỗ ăn ở của anh em bộ đội, có Phan Văn Tao chiến sỹ nuôi quân nghe điện thoại hộ, đồng chí vừa gọi tôi về đây thì thủ trưởng tới...

Lúc này thủ trưởng Trung đoàn hiểu ra tên người trả lời trên máy điện thoại với ông là như vậy. Lãnh đạo ngồi tâm sự với chiến sỹ nuôi quân Phan Văn Tao, một gia đình có nhiều người tham gia cách mạng, mà hôm ấy cũng chỉ còn một bà mẹ già vẫn ngày đêm tần tảo vì miếng cơm manh áo và hương khói cho người chồng cùng mấy đứa con hy sinh cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Và giờ này đêm nay mẹ lại phải nuốt nước mắt vào trong, vĩnh biệt người con yêu quí cuối cùng của bà cho Tổ quốc, trên dải cát trắng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày hôm sau binh lính địch tràn vào các xã Đức Chánh, Đức Minh, Đức Lân, Đức Tân… tìm Cộng sản tiêu diệt, tôi cùng Trần Văn Tần mặc quần áo bà ba  đi ra cánh đồng ven biển huyện Mộ Đức, Bình Sơn, hàng tuần sau mới trở lại được Ban hậu cần Trung đoàn.

Cánh tiếp nhận mua hàng của đơn vị ở Quảng Ngãi bị địch phát hiện ngăn chặn, việc ra vào vùng ven gặp nhiều khó khăn. Trung đoàn quyết định cho đội di chuyển sang huyện Hoài Nhơn và Tam Quan tỉnh Bình Định, để tiếp nhận và mua hàng, đảm bảo cho công tác chiến đấu của Trung và Sư đoàn.
Sau khi đội chuyển sang tỉnh Bình Định, thì việc đi lại tiếp nhận có nhiều thuận lợi, hàng hoá được bà con vùng giải phóng và vợ con bính lính địch đi mua từ các thành phố thị xã vận chuyển về. Tiếp nhận mua hàng xong thuê xe Honda chạy mấy chục km về xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, cho vận tải cõng hàng lên kho trong hang đá ở khu vực An Đỗ cất dấu. Ngày nào cũng phải một hai giờ sáng mới về đến thôn ấp, dân làng nơi trú quân ngồi đợi xem đơn vị có mua được hàng về đủ an toàn không? Vì rất nhiều các chiến sỹ vận tải của Trung đoàn phải vượt núi trèo đèo, mong có lương thực thực phẩm mang về phục vụ cho các chiến sỹ đang ngày đêm chiến đấu ở Quảng Ngãi.
Chúng tôi được bà con thăm hỏi xong, đem xôi, sắn luộc, cơm nếp, bổ những trái dừa ngon mời chiến sỹ ăn uống. Biết bao khó khăn gian khổ những tháng ngày phải luồn sâu trong lòng địch, để móc nối tiếp nhận hàng về cho đơn vị, hình ảnh thân thương của người dân xứ dừa Bình Định, vẫn đậm mãi trong mỗi cán bộ chiến sỹ chúng tôi ngày ấy.

( Đầu đề bài viết do người đăng bài đặt )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét