LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

TÌNH NGƯỜI ĐẤT QUẢNG



Ảnh minh họa - Nguồn Trên NET
Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2

 Tháng 8 năm 1973. Trung đoàn hành quân về chiến đấu trên vùng đất Quảng Nam, Quảng Đà. Những chiến sỹ làm công tác hậu cần xuống ngay các huyện, Hiệp Đức, Duy Xuyên, tiếp nhận mua lương thực thực phẩm, ngày nào cũng có các tổ vào các ấp chiến lược, để tiếp cận vận động vợ con binh lính địch cho người vào khu quân sự địch mua hàng về bán cho bộ đội giải phóng. Nên việc tiếp cận với mọi người rất thận trọng. Đường đi lối lại theo chỉ dẫn của du kích địa phương, dò phá mìn của tổ trinh sát, có ký tín hiệu cụ thể chính xác cho từng ngày đêm vào vùng thôn ấp có địch kiểm soát.
Những ngày qua lại cánh đồng trên núi có đồn bốt địch chiếm đóng, phải vác cày cuốc đi làm đồng cùng nhân dân, được sự giúp đỡ của bà con thôn ấp đi mua hàng về hộ. Đồng chí Vui và tôi được giao nhiệm vụ qua đèo le đến thôn Đồng Nùng xã Sơn Trung, tại đây được sự giúp đỡ tận tình của Trần Thị Bốn một cô gái xinh đẹp, đã vận động bà con trong vùng địch bán trang sức đi mua lương thực thực phẩm từ vùng địch về bán lại cho bộ đội.

Một hôm ba đồng chí du kích khiêng quả mìn tự tạo về kiểm tra, vì địch đạp vào mà không tác dụng. Nhưng khi vừa gõ vào thì quả mìn phát nổ bay vào nhà, làm cho các cháu trong một gia đình tử vong, chúng tôi chạy đến cả ba cháu đã đứt thành mấy mảnh, ông bố nhặt để trong chiếc nia tre đan. Hình ảnh này vô cùng đau thương cho gia đình và nhân dân nơi đây. Đường vào thôn ấp dày đặc các loại vũ khí cài đặt, trâu bò vào bụi tre cây cối ăn cũng chạm phải mìn nổ.
Khi bị địch trên núi Hòn Tàu phát hiện bắn phá, đơn vị được lệnh chuyển hoạt động khu vực tiếp giáp cầu Bà Rén. Được cô dì chú bác nơi đây vào thị xã Hội An liên hệ mua hàng giúp đỡ, mỗi khi xuống giao nhận đều có kế hoạch cùng thời gian hoạt động. Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao là có sự giúp đỡ tích cực của nhân dân thôn xóm nơi giáp gianh giữa ta và địch, đặc biệt là gia đình thím Ba ở xã Phước Thạch.
Gần tết nguyên đán 1974, các đồng chí nuôi quân tiểu đoàn 3 cùng Trung đoàn, đi xuống vùng ven mua hàng nhưng không nắm được qui luật hoạt động của địch, đã bị chúng phục kích ném lựu đạn, làm ba đồng chí hy sinh, trong đó có Đồng Văn Hiệp, người xã Cẩm La cùng nhập ngũ đi chiến trường với nhau một ngày. Khi các anh hy sinh nhân dân trong ấp tưởng tôi bị tử nạn, hơn chục ngày sau đơn vị cho trinh sát xuống nối lại đường dây hoạt động, bà con gửi hương hoa đưa về thắp hương.
Lúc này càng khó khăn trong việc mua mắm, muối, về cấp phát cho các đơn vị, Ban hậu cần cử một tổ xuống các xã vùng ven huyện Đại Lộc- Duy Xuyên, sau gần một tháng ra vào nắm tình hình, nhưng khó khăn trong việc mua vận chuyển hàng đưa ra ngoài khu vực địch kiểm soát. Do vậy đơn vị tôi trở về Đèo le, Đá trắng, Đồng Nùng, trà trộn với nhân dân vào vùng địch mua hàng, nhận được việc giúp đỡ của nhân dân thị trấn Đông Phú, nhiều đêm phải bí mật mang vác hàng qua đồn bốt địch kiểm soát.

Trung đoàn cử 3 đồng chí trong ban tham mưu xuống làm việc, đi vấp phải mìn đã làm cho anh Phi bị thương gẫy chân. Nằm trong vùng địch kiểm soát, làm chúng tôi chạy chữa cho đồng chí gặp không ít khó khăn, mất gần chục ngày sau mới nhờ được người khiêng anh qua đồn bốt giặc kiểm soát.
Tôi cùng đồng chí Trường- Vui, mua hàng xong chưa có người xuống vận chuyển, bị địch phát hiện cho pháo bắn phá và cho quân vào càn quét, cướp mất hết số hàng trị giá trên 12.000 đồng (tiền Sài Gòn cũ), cất dấu trong khu nhà bỏ hoang và vườn cây rậm rạp. Sau khi bị địch càn quét, lãnh đạo địa phương cùng đơn vị  nghiêm khắc kiểm điểm, đảm bảo cho việc hoạt động trong những ngày tiếp theo.

 Khi Trung đoàn đánh vào Nông Sơn- Trung Phước và khu công nghiệp Đức Dục, đơn vị đem hàng qua dẫy núi Bàn Thùng qua xã Sơn Phúc, bị địch phát hiện bắn pháo hơi cay và chất độc, vừa thoát khỏi vùng ngạt thở thì bị pháo từ căn cứ Thượng Đức bắn tới. Công việc vận tải bằng đường bộ gặp nhiều khó khăn, nên đã cho vận chuyển bằng thuyền từ huyện Hiệp Đức xuôi theo dòng sông Thu Bồn, cấp đủ lương thực thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu. Mưa nước sông Thu dâng cao, thuyền bị trôi đột ngột nghiêng đổ hết người và hàng xuống nước, trong địa danh của đoạn  dốc dựng đá dừng. Khu trước đây quân đội địch thường cho máy bay luyện tập bắn phá trước khi bay ra đánh phá cầu cống miền Bắc. Những chuyến hàng đến vị trí chiến đấu của đơn vị tôi tại khu vực Nông Sơn- Trung Phước, cũng đầy những khó khăn gian khổ của các chiến sỹ làm công tác hậu cần.

Nhiều ngày phải luồn sâu trong vùng địch kiểm soát, bị chúng rình phục bắn phá. Được nhân dân cho xuống hầm che dấu tránh bom đạn, pha cho cốc nước bột khoai sắn sấy phơi khô, hát cho nghe những khúc tráng ca về tình người đất Quảng. Bao tấm gương cùng hình ảnh của bà con nhân dân nơi đây, vẫn mãi là động lực để mỗi người chúng tôi có thêm sức mạnh trên bước đường công tác.
Khu đơn vị đóng quân có thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà, các đồng chí trong đội biệt động hoạt động ở thành phố Đà Nẵng- Hội An- Tam Kỳ. Chúng tôi được các anh chị kể cho nghe về tình hình địch trong thành phố thị xã. Qua các anh các chị kể chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn, cùng thử thách của các đồng chí trong sào huyệt địch.

Ngày còn đi học tôi được đọc và xem tuyển tập: Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc. Là quyển truyện tập hợp các lá thư của nhân dân miền Nam gửi ra cho người thân của mình ngoài miền Bắc. Thư và Bưu thiếp của đồng bào phương Nam đều khắc hoạ về việc khó khăn và ác liệt cùng tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm.
Đồng bào rừng núi bị đói cơm nhạt muối, nhân dân các tỉnh miền Trung- Cao Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long bị giặc đàn áp bằng luật 10/59, máy chém, nhà tù đi đến đâu là nơi ấy người dân bị đầu rơi máu chảy, chúng thực hiện chính sách bằng việc bắn nhầm còn hơn bỏ xót, chôn sống người nghi là đi theo cách mạng đến vai, đem trâu bò cày bừa trên thân xác đến chết.
Hôm nay đứng bên đập nước Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đã làm tôi nhớ đến tội ác của quân thù được tố cáo trong truyện viết cách đây không xa: Mấy chục đồng chí và người dân bị giặc cắt tai mổ bụng cho vào bao tải vất xuống đập nước trong xanh này. Bên đập nước mà lòng tôi se lại, bởi dấu ấn cùng tội ác của kẻ thù còn đọng mãi nơi đây.

Người thanh niên ném quả đạn xuống đập nước vớt cá, lựu đạn nổ mà nước hơi gợn sóng, một lúc cá mới nổi lên được vì đáy hồ quá sâu, anh thanh niên nói: "Đồng chí San ơi có rất nhiều cá, anh biết bơi xuống vớt về cho đơn vị nấu canh ăn nhé."
Tôi nhảy xuống dòng nước rồi vội bơi lên ngay, vì khi người vừa chạm vào lòng hồ, thì tôi nghĩ dưới đập nước có các chiến sỹ và người dân vô tội đã bị giặc tra tấn giết hại đem vất xuống hồ nước này.
Thấy tôi lên người thanh niên nói: Sao nhiều cá thế mà anh không bắt lại lên ngay? Tôi bình tĩnh hỏi lại; đây có phải đập nước Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên không. Người thanh niên trả lời: Vâng, đập nước Vĩnh Trinh đấy anh ạ ... Tôi lặng người chân như có ai níu kéo, trên đường về tôi nói cho anh biết, trước đây những chiến sỹ cách mạng cùng người dân vô tội nơi đây đã bị bọn Quốc dân đảng và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đem tra tấn giết hại vô cùng dã man rồi đem quăng xác vất xuống đập nước này. Người thanh niên nghe câu chuyện xảy ra trong hồ nước rất xúc động nói: Tội ác kẻ thù được khắc cốt máu xương.

Trở lại Ban hậu cần Trung đoàn, tôi được giao công tác trợ lý cho các đồng chí lãnh đạo ban. Cùng các bộ phận trong hậu cần lập kế hoạch, tiếp nhận vũ khí súng đạn, lương thực thực phẩm chuẩn bị cho những trận chiến đấu của đơn vị.

Cơ quan Trung đoàn đóng quân tại xã Sơn An, huyện Hiệp Đức. Quanh khu đơn vị, là đội sản xuất của các đồng chí bị địch bắt giam mới được trả về từ bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, theo ký kết của Hiệp định Pa-ri năm 1973. Chúng tôi đến thăm động viên và được nghe các anh chị nói về sự tàn bạo của kẻ thù ở các nhà tù trong đất liền, cũng như ngoài Côn Đảo và Phú Quốc. Các đồng chí vừa kể vừa khóc, về nỗi đắng cay tủi nhục bởi những trận đòn roi nơi địa ngục trần gian của giặc. Ngày trở về với nhân dân đồng đội cũng không ít những khó khăn cùng câu hỏi đặt ra… chị cứng rắn hơn thì nói: Chúng tôi còn may mắn so với nhiều đồng chí, có người bị địch đem đi tháo khớp cưa chân tay, cắt gân, bẻ răng và bắt nuốt vào bụng. Có người bị chúng tra tấn đóng đinh vào các khớp và bắn giết hàng chục người cùng một lúc, các đồng chí ấy không còn nhìn thấy tương lai của đất nước như chúng tôi ngày hôm nay… Các chị được trao trả đã trên ba mươi tuổi, đan áo len hộ anh em bộ đội lộ rõ vẻ suy nghĩ: Chị em tôi bị địch bắt trả về nhưng rất khó xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái, vì trong lao tù bị địch tra tấn hành hạ giã man quá.  Nhìn đội quân chiến thắng với bộ quần áo bà ba đen, trồng cấy trên đồng ruộng cùng nương sắn đồi ngô. Chúng tôi không khỏi nghĩ suy về những năm tháng, đầy sóng gió trong cuộc đời các anh các chị.

Cuối năm 1974 theo chỉ thị của Bộ tư lệnh, các phân đội trong Trung đoàn được cấp phát đầy đủ vũ khí súng đạn, lương thực, thực phẩm, đảm bảo cho những trận đánh dài ngày của chiến trường. Ban hậu cần tổ chức cho bộ đội làm kho chứa với khối lượng lớn để phục vụ cho chiến đấu. Hàng tháng trời Ban hậu cần chỉ đạo đơn vị thu mua, vận tải, làm kho trong khe núi phía đông xã Sơn An, Sơn Tú... Do diễn biến của chiến trường có phần thuận lợi, nên việc làm kho dự trữ tạm dừng. Đầu năm 1975 các đơn vị cho học cách đánh địch trong thành phố thị xã. Các tiểu đoàn đại đội, được bổ sung quân số và vũ khí súng đạn, đảm bảo cho việc chiến đấu dài ngày.

Đường vận tải chiến lược của đoàn 559 được mở đến thị trấn Hiệp Đức. Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến, đi lại tấp nập đông vui. Máy bay pháo kích địch giảm dần, bà con tham gia tăng gia sản xuất tiếp lương tải đạn cho chiến dịch. Tiếp xúc với nhân dân, được bà con nói về tình hình binh lính địch đóng ở Hội An, cầu Bà Rén, thị xã Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng, và tư tưởng địch bị giảm sút nhiều khi Mỹ giảm bớt cố vấn và vũ khí súng đạn. Địch hoảng loạn nghe những binh đoàn Cộng sản rất thiện chiến, sắp tập trung đánh lớn vào sào huyệt chúng tại miền Trung. Địch còn nói nếu đụng vào quân của Trung đoàn 1(đoàn Ba Gia) Sư đoàn 2, do ông Nguyễn Chơn Sư chỉ huy đánh đâu thắng đấy, thì bỏ chạy cho an toàn tính mạng.

Thời cơ đánh địch và tin chiến thắng từ Buôn Ma Thuột trên Tây Nguyên truyền về, làm tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sỹ tiến lên giải phóng các khu căn cứ địch phòng thủ ngoan cố. Trung đoàn hạ quyết tâm theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh: Một ngày bằng hai mươi năm. Với khí thế tin tưởng vào ngày toàn thắng, đơn vị tiến vào giải phóng huyện lỵ Thăng Bình, Duy Xuyên, thị trấn Nam Phước và thị xã Tam Kỳ… Tin chiến thắng làm nức lòng cán bộ chiến sỹ bao ngày mong đợi, đồng chí nào cũng muốn làm thêm một việc gì cụ thể, góp phần vào việc giải phóng thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí từ cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Trung đoàn, muốn được xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu. Quân giặc từ các đồn bốt hoảng loạn di tản. Thời cơ đánh địch đã đến, các phân đội đồng loạt tiến lên đánh vào sào huyệt của trung tướng địch: Ngô Quang Trưởng, đang hô hào tự thủ. Các cánh quân phát triển đánh nhanh vào khu phi quân sự, quanh thành phố. Địch dùng máy bay pháo kích đánh phá giữ dội, cho trực thăng di chuyển cố vấn và bộ máy chỉ huy tại các khu đồn trú. Bầu trời thành phố Đà Nẵng, hàng chục chiếc trực thăng bay đến vận chuyển gia đình tướng tá, vợ con binh lính tháo chạy.

Thời cơ tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng đã đến, quân ta từ các hướng đồng loạt nổ súng, đánh vào trung tâm bộ máy chỉ huy địch trên sân bay, quân cảng và dinh luỹ sào huyệt của chúng tại miền Trung. Cờ mặt trận giải phóng và cờ đỏ sao vàng tung bay trên dinh luỹ đồn bốt địch trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975. Bộ đội nhân dân ôm hôn nhau trong niềm vui chiến thắng đầy xúc động. Dòng người cùng cờ hoa chiến thắng mà đồng chí nào cũng rơi nước mắt. Cha con gặp nhau, vợ gặp chồng và đồng đội gặp nhau, sau bao năm xa cách vì khói lửa chiến tranh bởi người còn người mất.

Chúng tôi đứng sát nhau ngân vang ca khúc: Giải Phóng Miền Nam và bài Tiến Quân Ca, đồng đội nhìn nhau mà bùi ngùi xúc động. Cờ tung bay trên dải đất miền Nam đã thấm đẫm máu xương của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, ngã xuống trên chiến trường đầy khó khăn cùng thử thách của khói lửa chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét