LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

CUỘC CHIẾN ĐẤU TRÊN MẶT TRẬN ĐƯỜNG 9- NAM LÀO 1971

Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2



Hai giờ sáng ngày 01 tháng 2 năm 1971, tức ngày mùng 6 tết Tân Hợi. Đơn vị báo động diễn tập chiến đấu, đoàn quân bám sát nhau theo miếng lân tinh gắn sau người trước phát sáng. Qua ngầm Koongle, nước sông chảy mạnh làm mấy đồng chí trượt chân trôi hàng chục mét. Đến thị trấn Mường Phìn, thì hai ngày sau được lãnh đạo phổ biến chuyển trạng thái từ diễn tập sang chiến đấu, đánh ngăn chặn cuộc hành quân của địch đưa ra đánh phá đường vận tải chiến lược của ta ở đường 9 Nam Lào, mà chúng lấy tên là: Cuộc hành quân Lam Sơn 719.
 Hàng chục ngày đợi địch đến tác chiến. Cuộc đánh ngăn chặn địch ra đường 9 đã được Bộ tư lệnh chỉ đạo đến từng khu vực. Chiều ngày 16 tháng 2 phân đội đang đào hầm trên bãi cỏ tranh, hàng đàn máy bay HU1A địch bay đến cách mặt đất hơn 100 mét bắn đại liên phóng Rốc két. Cả đơn vị định nổ súng nhưng đều phải dừng lại, vì chưa có ý kiến của chỉ huy mặt trận.


 Ngay sau khi bị máy bay địch phát hiện phân đội cơ động về phía Đông Bắc sân bay Thà Khống (sân bay chỉ còn là một bãi đất rộng), phục kích đánh địch đổ bộ theo chỉ đạo của Trung đoàn. Từng đàn máy bay địch, chúng nghi chỗ nào có quân đội và hàng hoá của ta, là chúng cho rà sát xuống mặt đất dùng cánh quạt rẽ nát cành cây ngọn cỏ rồi ném lựu đạn, cho binh lính xuống càn quét bắn phá. Hàng chục chiếc cần cẩu bay H34 vận chuyển vũ khí súng đạn cùng xe tăng đại bác đến các cao điểm, chúng tỏ ra với sức mạnh cùng ưu thế của vũ khí Hoa Kỳ. Nhằm cắt đứt ngăn chặn đường vận tải của ta từ Bắc vào chiến trường. Còn là cuộc thử nghiệm của chúng về “Việt Nam hoá chiến tranh”. Cho nên địch đã tập trung một số lượng lớn về pháo binh, không quân với trên một trăm nghìn binh lính bộ binh tinh nhuệ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hơn một vạn sỹ quan cố vấn Mỹ. Có trợ thủ tích cực của hàng chục tiểu đoàn phỉ nguỵ Lào quấy nhiễu đánh phá.
Nhưng kẻ thù đã bị ta biết trước ý đồ đen tối, nên khi địch đổ quân xuống Đông bắc đường số 9, ngay lập tức bị quân chủ lực ta cho một đòn, bằng việc tiêu diệt lữ đoàn biệt động số 39 và bắt sống tên đại tá Thọ. 


Từng đàn máy bay địch thi nhau lên xuống bắn phá chuẩn bị cho việc đổ quân. Khi chiếc cần cẩu H34 của Mỹ bị pháo cao xạ ta bắn cháy nổ gẫy đôi, kéo theo xe pháo văng xuống đất, lập tức bầu trời quanh khu vực đen đặc với trên 50 chiếc máy bay các loại, tạo thành ba tầng lao tới phóng Rốc két bắn đại liên.
Pháo phòng không 37 ly của mặt trận thỉnh thoảng điểm vào tốp máy bay chúng một loạt, địch sợ hãi không dám xuống thấp mà cho máy bay đánh bom phá huỷ khu vực. Thấy giặc đánh bom triệt phá như vậy chúng tôi nói; lũ giặc vô cùng tàn bạo phải trả giá với quân ta ở mặt trận này.


Mờ sáng hôm sau tôi cùng Trần Chí Sứ tiểu đội phó, chạy đến chỗ máy bay cháy, thấy hai xác giặc mặc quần áo trắng to béo chết gục. Anh Sứ nói; hai thằng này rất to con, khả năng đây là hai thằng Mỹ. Hai anh em định vào lục soát tìm vũ khí, thì có tiếng máy bay địch xuất hiện, hai người vừa về đến hầm thì mấy chục chiếc trực thăng đến bắn phá và cho quân xuống lấy xác hai tên chết thảm hại mang đi.
Khi địch cho binh lính xuống khu vực nào, là các loại máy bay trinh sát OV10- L19, máy bay chiến đấu F105 - AĐ6- C130, chiến lược B52 đánh phá, dùng cần cẩu bay vận chuyển xe tăng, súng đạn xe quân sự, máy xúc, máy ủi đến san lấp mặt bằng, lắp hầm Boong ke và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác. Phải khẳng định vũ khí quân sự cùng công tác hậu cần của địch đưa ra đường 9, để đánh vào đường vận tải của ta, địch hơn ta rất nhiều lần.
Nhưng phía ta đã chủ động đưa các Sư đoàn 320- 308- 304- 324, Sư đoàn 2, cùng một số quân binh chủng ra nghênh chiến với chúng. Sư đoàn 2 chúng tôi hành quân từ Khu 5 ra Nam Lào từ tháng 9 năm 1970. Đơn vị được bổ sung quân số và huấn luyện ngay ở khu vực sau này địch ra chiếm đóng.


Sau chiến dịch Lam Sơn 719 địch thất bại, chúng đã cách chức một số tên tình báo vì không nắm được quân số và di chuyển của quân chủ lực, trong đó có nói đến lực lượng của Sư đoàn 2 quân khu 5.
 Tiểu đoàn 2 (60), chúng tôi tổ chức đánh địch đổ ra phía tây bắc Bản Đông, hàng chục ngày cơ động làm mấy đồng chí đau chân, không bám đội hình. Đường thường xuyên chuyển hướng cho đơn vị khác di chuyển,(chuyển làn rẽ bằng cành lá cây cho phía sau), làm tôi lạc hướng. Đường tiếp cận mới phát cây cối rậm rạp khó nhận, đêm tối chân đau tôi không thể bám sát đội hình, nên phải nằm lại khe suối. Đến nửa đêm bị máy bay địch ném bom nổ cách hơn 100 mét, đất đá văng phủ kín người, làm cả đêm tôi suy nghĩ về việc không bám sát dẫn đến lạc đội hình vào lúc chuẩn bị tấn công địch, đồng đội có hiểu cho không hay nghĩ mình lẩn trốn trận chiến đấu.
Trời tảng sáng nhanh chóng quay lại đường cũ, qua bãi máy bay địch đánh phá trong đêm, gặp trinh sát tiểu đoàn đang tìm gọi người đi lạc. Như vậy trong đêm nhiều đồng chí đi không đúng đội hình và bị trúng bom, về đơn vị anh em chạy ra thăm hỏi động viên: Cả Trung đội lo nghĩ tới đồng chí trong trận bom máy bay B52 đêm qua…

Phân đội tập kết cạnh phía bắc sông Sê Pôn, nghe nhận lệnh trận tập kích vào bãi xe tăng địch, cùng các ký tín hiệu hỏi đáp khi đánh vào vị trí. Theo chỉ đạo từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ, pháo các hướng của Trung đoàn bắn vào bãi xe tăng địch, các chiến sỹ của đơn vị áp sát hàng rào. Đúng 19 giờ các đại đội bộ binh xung phong tiến lên vào cao điểm 229... Thực hiện lệnh đơn vị tôi ồ ạt chạy vào cao điểm theo hợp đồng. Nhưng lúc này các đơn vị hoả lực ĐKZ 75, cối 82, của Trung đoàn đi cùng cánh mới triển khai bắn được vào vị trí. Vì thế yêu cầu bộ binh dừng lại, tránh ra hai phía để bắn phá mục tiêu địch xong mới được xung phong.
Hoả lực ta cấp tập xong, bộ đội vượt mấy lớp rào dây thép gai bãi mìn, cùng cây thông tin nhiệt đới địch cài đặt, các chiến sỹ vừa chạy tấn công và gỡ cây gai xấu hổ bùng nhùng mới vào được bãi xe quân sự địch. Đơn vị dàn hàng ngang quét hàng loạt đạn AK, trung liên, B40, B41 vào khu trung tâm.
Sao địch không chống cự ? Đơn vị cho cơ động băng qua đường 9, chỉ thấy hai chiếc xe bốc cháy do tiểu đội đồng chí Phùng vừa bắn vào thêm mấy quả, cạnh xe là mấy tên lính địch chết cháy đen thui, hầm hào lán trại chúng đã rút chạy từ lúc nào. Như vậy là hàng trăm xe tăng, xe quân địch đã kịp tẩu thoát khỏi cao điểm.
Các mũi tấn công vào cao điểm 229 được lệnh nhanh chóng rút khỏi vị trí, vừa ra đến sông Sê Pôn, thì tiếng gầm rít của máy bay AĐ6, máy bay F 105 lao tới đánh bom phá huỷ.


Tiểu đoàn cho học tập rút kinh nghiệm, về cuộc tập kích vào bãi xe quân sự địch. Được lãnh đạo chỉ ra khá nghiêm túc các vấn đề cần khắc phục. Nổi lên là công tác hợp đồng tác chiến giữa hoả lực và bộ binh, phải thực hiện theo giờ hợp đồng, có phương án bổ sung khi cánh cơ động có vấn đề xảy ra. Mũi của tiểu đoàn phó Trần Đôi bị bom pháo, lại không có người thay thế kịp thời. Dẫn đến hàng trăm chiếc xe địch chạy thoát trên con đường độc đạo về Lao Bảo tỉnh Quảng Trị. Làm cho trận đánh của phân đội vào cao điểm không hiệu quả.
Sau khi một số vị trí chiếm đóng của địch ở đường 9 Nam Lào, bị pháo binh và bộ binh ta tấn công đánh chiếm, địch trên điểm cao 748 hoảng loạn bỏ chạy (đồi yên ngựa, không tên). Phân đội giao nhiệm vụ cho đại đội 7 chúng tôi lên giữ chốt. Nhận lệnh, cán bộ chiến sỹ khẩn trương bơi qua sông. Từng đồng chí lần bám vào mỏm đá tai mèo, gốc cây, núi đá dựng đứng 75- 80 độ, trèo từ dưới bờ sông lên bản cao hơn một trăm mét quanh co mất hơn một giờ đồng hồ mới tới.


Bản Sê Pôn, một khu vực của đồng bào ít người nằm trong hõm núi, cũng bị bom pháo địch bắn phá làm mấy người tử nạn, họ bới đất cát chôn vội vào đám hố bom pháo ngay trước cửa nhà bỏ chạy sơ tán. Xác người chết bị mấy đàn lợn nái đẻ thả rông, thi nhau dùng mõn nhọn đào bới phơi ra nắng trông thật thảm thương. Chúng tôi phải nhanh chóng đào bới chôn cất lại.


Bản có hơn hai chục nóc nhà trên một trăm nhân khẩu, lúc này chỉ còn một cô gái người ốm yếu, chân tay co dúm sợ hãi khóc nói bằng tiếng Lào pha Việt: Xin các ải đừng bắn… Chúng tôi lại gần mới biết, người con gái bị thương liệt hai chân và đã mấy ngày đói khát, bộ đội ân cần thăm hỏi nói với cô gái: Thà hán khăm Việt vào giữ bản cho đồng bào, noọng đừng sợ… Mấy phút sau cô gái bình tĩnh ra hiệu xin ăn uống. Tôi chia túi gạo rang đem theo, anh Lâm ra thác múc nước để lại ngay cạnh, thấy chúng tôi chăm sóc cô gái tật nguyền chắp tay nói: Xin cám ơn Thà hán (bộ đội) Việt Nam nhiều…

Điểm cao 748 ngay từ ngày đầu khi địch đánh ra đường 9 Nam Lào, chúng đã dùng máy khoét núi đào hầm làm mặt bằng đặt pháo 105 ly, cùng các phương tiện kỹ thuật để chỉ huy cho cuộc hành quân.
Chính từ trận địa trên cao điểm mà chúng đã chỉ điểm cho máy bay xe tăng pháo kích, cùng bộ binh đi đánh phá các khu vực của ta ở khu vực đường 9. Nhưng trước những đòn pháo kích cùng phản công của bộ đội, mà binh lính địch cùng cố vấn Mỹ trên cao điểm đã hốt hoảng bỏ chạy.


Đứng trên điểm cao quan sát thấy toàn bộ phía dưới thung lũng Sê Pôn, tuyến đường ngang dọc của ta ra chiến trường. Rất nhiều những chiếc vải dù của biệt kích thám báo đèn dù thả xuống còn mắc trên cành cây cổ thụ, từng dãy hố bom pháo khoét sâu cách nhau 5 đến 10 mét chạy dài hàng cây số, cây cối bị bom đạn chất độc hoá học rải xuống cháy đỏ tàn lụi.
Hàng chục chiếc máy bay địch đang săn đuổi chiếc xe vận tải của ta bụi đất cát mù mịt. Chúng tôi nhìn cầu mong cho đồng chí lái xe thoát nạn, nhưng không thể nào thoát được bởi hàng chục quả đạn Rốc két, bom từ máy bay chiến đấu trút xuống, chiếc xe ô tô bay lên cháy dữ dội. Tôi chợt nghĩ không biết đồng chí ấy tên gì, quê quán ở đâu và năm nay bao nhiêu tuổi. Với sức nổ của bom đạn địch như vậy, chắc thân thể người chiến sỹ này cũng chẳng còn gì.
Cánh rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Trị Việt Nam, không còn nhìn thấy màu xanh của cây cối, mà thay vào đó bằng một màu vàng cháy đỏ của sự tàn phá khốc liệt từ các quả bom pháo. Chúng tôi nói với nhau: Nếu địch còn chiếm giữ cao điểm 748, thì nó phát hiện thấy mọi hoạt động của quân ta trong khu vực.
Đơn vị đang triển khai củng cố hầm hào, thì một chiếc máy bay trinh sát OV10 đến bắn ba quả đạn khói chỉ dẫn mục tiêu để máy bay đến đánh bom bắn phá.
Chúng tôi gọi nhau vào vị trí chiến đấu, từng tốp máy bay địch lao xuống trút bom. Loạt đầu bom nổ cách chốt giữ mấy trăm mét, sau chúng xác định được toạ độ, ném vào nổ cách hầm tôi hai ba mươi mét. Cứ như vậy từng đợt máy bay F105 máy bay AĐ6 bổ nhào tới trút bom.
Bom nổ rung chuyển quả đồi, đầu óc chân tay tôi cuống cuồng, mắt nổ đom đóm, tiếng kêu ùng ục, vị trí chốt giữ nghiêng ngả, đất đá ngoài hầm văng vào người thình thịch. Chốt giữ trùm lên một màu đỏ của những quả bom nổ vô cùng dữ dội công phá lớn, sức ép bom đẩy Phạm Văn Tiến và tôi ép sát cạnh hầm. Hai người dùng ngón tay trỏ bịt chặt lỗ tai, nghiến răng, nhắm mắt nhẩm đếm 1-2-3 chết… không chết.


Cao điểm trùm lên một màu khói lửa tôi và Tiến ngạt thở, máu trong miệng trào ra, hai anh em gục sát vào sàn hầm nói với nhau, nếu máy bay địch đánh bom liên tục và đổ quân xuống ngay thì đơn vị ta khó mà giữ được vị trí, khả năng hai anh em mình hy sinh tại cao điểm này.
Lệnh giữ nguyên vị trí sẵn sàng đánh địch đổ bộ. Sau mỗi loạt bom chúng tôi thay nhau đứng lên quan sát xem địch có cho quân xuống cao điểm chốt giữ. Đồng chí Tiến được lệnh chuyển sang hầm bên cạnh, tránh một khi hầm bị sập gây thương vong mất hai người.
Hầm chốt giữ của trung đội trưởng có tiếng kêu cứu, tôi và Tiến chạy sang hất  các bao cát đè vào đồng chí Hài, hà hơi cứu chữa cầm máu cho anh xong, rồi dìu đưa anh ra cách hầm cũ bị sập khoảng 20 mét. Mấy loạt bom tiếp theo thì đến Tiến bị thương, phải đưa đồng chí trở lại hầm cùng tôi lúc ban đầu. Các vị trí chốt giữ thấy quá nguy hiểm, do vậy sau mỗi loạt bom máy bay địch đánh xuống, đồng đội đứng lên gọi báo cho nhau về khu hầm hào chốt giữ của mình.
 Quan sát hướng máy bay ném bom, chạy đến đưa mấy đồng chí bị thương chuyển sang hầm cạnh đồi. Trở lại vị trí chiến đấu quen dần với tiếng bom nổ và cách đề phòng, đói bụng quá lấy dao bổ hộp thịt cho vào miệng, khi bom gầm đặt bàn chân che không để đất cát văng vào và đưa hai tay lên ôm mặt bịt tai.
Máy bay địch ném bom nổ liên tục trên ba giờ đồng hồ, sau chúng ném xuống một đợt bom Napan và bom xăng. Kho đạn địch bỏ lại trên cao điểm cháy nổ bay tứ phía. Đồng chí Lâm tiểu đội trưởng gọi bảo tôi cùng anh Nhuận, dìu trung đội trưởng Hài và đồng chí Tiến đưa ra khỏi khu vực chốt giữ. Đưa được hai anh ra ngoài vị trí nguy hiểm khoảng 500 mét, thì gặp các đồng chí của C3 thuộc Tiểu đoàn vận tải số 19, vào đón đưa hai anh về tuyến sau.


Đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 19 làm nhiệm vụ vận tải của Sư đoàn, đều là chị em nữ người miền Nam, được Đảng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trở lại vị trí chốt giữ, hầm hào bị bom trút xuống nổ sập gần hết, 6 khẩu pháo  bị đất đá chôn vùi. Cao điểm 748 chỉ còn là một bãi đất cát bột, chân lội vào như bị sôi lên, ngập đến gần đầu gối nóng bỏng.

Các chiến sỹ còn lại trên vị trí chốt giữ trở lại bản Sê Pôn với bộ quần áo tả tơi, đầu tóc đỏ ngầu bụi đất cát của khói bom đạn bước đi lảo đảo không vững, miệng nhổ khạc ra máu hồng đắng ngắt, đi ra thác nước rửa mặt mũi chân tay giặt giũ quần áo. Cô gái tật nguyền trong hang đá bò ra vẫy gọi. Như một linh tính, do thấy thiếu người trước khi lên cao điểm, cô đã khóc và nói: Noọng thương Thà hán Việt Nam nhiều … Bộ đội hãy ở lại giúp bản cho noọng … bắt tu kay(con gà) giết thịt, lấy quả bầu bí nấu ăn… Nghe xong chúng tôi nói: Bộ đội Việt Nam không làm vậy đâu, còn phải đi đánh giặc, noọng đừng sợ có Thà hán khác đến giữ bản cho noọng... Chuẩn bị rời bản chúng tôi múc nước đưa thêm cho cô gái mấy gói cơm sấy và hai hộp thịt nhỏ vừa nhặt được của địch trên cao điểm.

Tạm biệt người con gái Lào tật nguyền không biết tên. Nhiều lúc tôi cứ mông lung suy nghĩ, không biết số phận người con gái ấy sẽ ra sao giữa chiến trường bom đạn? Nhiều lúc tôi vẫn nhớ tới bản làng trên triền núi cao có thác nước (Tả Sa Neng) chảy suốt ngày đêm thơ mộng, cùng một dẫy hoa Chăm pa xinh đẹp và những chuyện đau buồn đã xẩy ra trong chiến tranh ngày ấy. Chắc dân bản và cô gái sẽ không bao giờ quên những ngày khó khăn ác liệt. Song cũng chứa đầy tình cảm của người lính đi từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn đánh giặc, đem lại yên vui cho hai dân tộc Việt- Lào.

1 nhận xét:

  1. Kính gửi ban quản trị web, các CCB Việt nam.

    Theo thông tin Danh sách liệt sĩ tỉnh Thái Bình do Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn (Bình Định) quản lý (tiếp theo và hết)
    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/119/119/119/204218/Default.aspx
    tôi có tìm thấy thông tin của Bác tôi "Liệt sĩ Đào X Nghiễm; quê quán: An Bài, Phụ Dực, Thái Bình; hy sinh: 5-1971, có người thân là Đào Văn Chơn."
    Tôi xin gửi thêm thông tin để nhờ chỉ dẫn mã hiệu đơn vị, địa phương hy sinh, các cựu chiến binh để hỏi thăm.
    Cụ thể tôi chưa tìm được 02 Bác với thông tin như sau:
    Họ và tên liệt sĩ: Đào Xuân Nghiễm Sinh năm: 1945
    Quê quán: Xã An Thanh, Huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình
    Đơn vị: KT
    Hi sinh: ngày 09 tháng 07 năm 1966 Tại mặt trận phía nam
    Họ và tên liệt sĩ: Đào Xuân Nghiễn Sinh năm: 1947
    Quê quán: Xã An Thanh, Huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình
    Đơn vị: 6942
    Cấp bậc: B1
    Hi sinh: ngày 14 tháng 02 năm 1971 (Có danh sách các liệt sĩ tỉnh Thái Bình hy sinh tại Tây Sơn- Bình Định nhưng chưa tìm được nơi an nghỉ)
    Người nhắn tin: Đào Quang Hòa
    Địa chỉ: 35NH, Đường Số 14A, Khu Cứ Xá Ngân Hàng, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.Hồ Chí Minh
    Điện thoại: 0903335558
    Email: quanghoa@saothien.com; hoaquangdao@gmail.com

    Trả lờiXóa