LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

TIÊU DIỆT CĂN CỨ NÔNG SƠN - TRUNG PHƯỚC, ĐẬP TAN TUYẾN PHÒNG THỦ TÂY NAM ĐẦ NẴNG

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của Trung tướng Nguyễn Huy Chương

Trang sử cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta đã chuyển sang giai đoạn mới. Vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, quân ngụy trên khắp các chiến trường co lại. Đường xe cơ giới từ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã thông xuống đồng bằng. Kho dự trữ của sư đoàn đầy quân trang quân dụng, vũ khí, lương thực, thuốc men… Không còn cảnh thiếu đói như những năm trước đây. Bộ đội yên tâm học tập và rèn luyện.

Tháng 6/1974, sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn sau thời gian đi học ở miền Bắc đã trở lại chiến trường. Chiến dịch Hè kết thúc. Sư đoàn tiếp tục nhận lệnh củng cố huấn luyện để thực hiện kế hoạch tiến công địch trong chiến dịch Thu.


Nhiệm vụ chủ yếu của sư đoàn 2 trong chiến dịch Thu là tập trung tiêu diệt địch trong cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, đánh và tiêu diệt quân địch phản kích, mở rộng và củng cố vùng giải phóng phía tây huyện Quế Sơn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển tiến công giải phóng chi khu An Hòa - Đức Dục.


Chiến dịch Thu của Quân khu chia làm 3 khu chiến ở trên và 2 chiến trường của tỉnh Quảng
Nam và tỉnh Quảng Đà.

Khu chiến 1: Nông Sơn - Trung Phước có sư đoàn 2, trung đoàn pháo binh 572, trung đoàn cao xạ 573.


Khu chiến 2: Chi khu quận lị Thượng Đức, có sư đoàn 304 mang phiên hiệu sư đoàn 711.


Khu chiến 3: Tây huyện Quế Sơn, có trung đoàn 38 của sư đoàn 2, lực lượng pháo binh của Quân khu tăng cường và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam. Trọng điểm hoạt động của lực lượng tỉnh là ở vùng trung và vùng đông huyện Quế Sơn. Hướng trọng điểm hoạt động của lực lượng vũ trang Quảng Đà là vùng A, B huyện Điện Bàn.


Nông Sơn (tức khu mỏ than Nông Sơn), nằm trên độ cao 298 mét, xưa thuộc xã Sơn Ninh, nay thuộc xã Quế Trung huyện Quế Sơn. Nông Sơn nằm cách khu công nghiệp An Hòa, Đức Dục 11km về phía tây, cách núi Cà Tang cao 452 mét và ấp chiến lược Khánh Bình 2 cây số.


Trung Phước là thị tứ sầm uất, xưa thuộc xã Sơn Viên, nay thuộc xã Quế Trung - Nằm trên đường 104 từ Nam Phước lên Phường Rạnh đến bến phà Nông Sơn gặp đường 105 từ ngã ba Hương An lên tạo thành ngã 3 Nông Sơn - Trung Phước. Nông Sơn nằm trên bờ nam sông Thu Bồn. Trung Phước nằm bên bờ bắc sông Thu Bồn.


Do địa điểm liên đới và điều kiện kinh tế hình thành từ lâu đời trên vùng đất trung du này nên người ta nói đến Nông Sơn là phải ghép Trung Phước và ngược lại. Ở ngay Nông Sơn - Trung Phước còn có một địa danh mà nhiều người đều biết đến đó là Đại Bình (Dân địa phương gọi là Đại Bường). Làng Đại Bình được thiên nhiên ưu đãi, bốn mùa đều có cây trái như
Nam bộ.

Trong 9 năm kháng chiến, Nông Sơn - Trung Phước là vùng tự do của cách mạng có chợ búa, bệnh viện, trên bến dưới thuyền tấp nập và cũng là nơi nghỉ ngơi lí tưởng cho cán bộ và bộ đội.


Từ sau 1954, Nông Sơn - Trung Phước trở thành khu căn cứ phòng thủ của địch, nơi xuất phát những cuộc càn quét đánh phá gây nợ máu với nhân dân. Trong 20 năm qua Nông Sơn - Trung Phước trở thành tuyến phòng thủ có tầm quan trọng phía tây của địch. Nông Sơn - Trung Phước trước đây chỉ bị quân giải phóng tấn công 1 lần vào năm 1967, nhưng không dứt điểm được. Vì vậy từ đó đến nay, Nông Sơn - Trung Phước được quân địch tổ chức thành khu căn cứ mạnh và chúng luôn huênh hoang:
“Khi nào nước sông Thu Bồn chảy ngược thì Việt cộng mới tấn công nổi Trung Sơn”. Nếu như cứ điểm Cấm Dơi có 14 hàng rào, công sự 3 tàng thì Nông Sơn có 9 lớp rào và 41 lo cốt, nhiều hầm ngầm, 1 trận địa pháo 105mm, 1 tiểu đoàn biệt động biên phòng đảm nhận các điểm cao 452 Cà Tang, 298 Nông Sơn, kiểm soát toàn bộ vùng mỏ Nông Sơn. Ngoài khu phòng thủ căn cứ Nông Sơn còn có 11 cứ điểm ngoại vi, mỗi cứ điểm có từ 1 đến 2 trung đội lính Bảo An, Dân vệ chiếm giữ các điểm cao từ Khương Quế, Phường Rạnh đến Khương Bình, Ninh Hòa - Trung Phước.

Sau chiến dịch Hè, tình hình quân địch trên 2 chiến trường Quảng Nam và Quảng Đà không có gì thay đổi. Quân ngụy còn 2 sư đoàn, đó là sư đoàn 2 và sư đoàn 3, và liên đoàn biệt động số 12, còn các liên đoàn biệt động 14, trung đoàn 51 bị quân ta đánh tiêu hao, chúng chưa đủ sức tập trung phải nằm ở hậu cứ trốn lánh. Khi tấn công Nông Sơn - Trung Phước, ta dự kiến quân địch sẽ huy động tư 4 đến 6 trung đoàn đến phản kích giải tỏa. Như vậy về lực lượng và hỏa lực thì quân địch vẫn có ưu thế hơn ta.

Từ cách đánh giá tình hình quân địch để quán triệt nhiệm vụ cấp trên giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh sư đoàn hạ quyết tâm tấn công dứt điểm quân địch trên một cụm chốt điểm lớn, có hệ thống phòng ngự vững chắc và cũng thấy rõ địa hình di trú quân của sư đoàn có những phức tạp, vì vậy sư đoàn cần phải tiến hành từng bước.


Bước 1: Sư đoàn dùng một lực lượng nhỏ bí mật tập kích đồng loạt tiêu diệt các chốt điểm do bọn Bảo An chốt giữ vòng ngoài, giải phóng khu vực Trung Phước trước, hình thành thế bao vây không cho tiểu đoàn biệt động biên phòng ở Nông Sơn tháo chạy và ngăn chặn địch từ An Hòa lên ứng cứu. Bước 2: Vây lấn căn cứ Nông Sơn tiêu diệt tiểu đoàn 78 biệt động quân biên phòng bằng hợp đồng binh chủng.


Theo phương án tính chất và để tạo cho sư đoàn 2 có đủ quân thực hành chiến dịch đánh địch bước 2, Bộ Tư lệnh Quân khu tăng cường cho sư đoàn 2 trung đoàn 36, 2 đại đội pháo 85mm nòng dài, 1 đại đội lựu pháo 122mm, 1 đại đội cối 160mm, 1 đại đội tên lửa B72 có điều khiển, 1 lựu pháo 105mm, 1 tiểu đoàn cao xạ 37mm, 3 xe tăng PT 85 có nhiệm vụ đánh địch trên 2 hướng: Tiêu diệt cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, đánh tiêu diệt một bộ phận quân địch phản kích mở rộng và củng cố vùng giải phóng tây Quế Sơn. Và từ thế trận vây lấn, tấn công dứt điểm khu căn cứ Nông Sơn, trung đoàn 38 có nhiệm vụ lật má chuyển sang tấn công tiêu diệt các cứ điểm Hòn Chiêng, Lạc Sơn, Núi Giai, Đồng Mông Đá Hàm, Cấm Dơi… Mở rộng thế trận tấn công của sư đoàn trên khu vực này, giải phóng hoàn toàn 6 xã phía tây Quế Sơn.


Cùng phối hợp tác chiến với sư đoàn 2 trên dãi tiến công phía tây nam thành phố Đà Nẵng, có sư đoàn 304 mang mật danh sư đoàn 711 của Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Quân khu 5, có nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm chi khu quận lị Thượng Đức.


Thượng Đức - An Hòa - Đức Dục, Nông Sơn - Trung Phước là tập đoàn cứ điểm nằm trong tuyến phòng thủ của địch ở phía tây - nam thành phố Đà Nẵng. Đây còn gọi là cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng, khu liên hợp quân sự lớn nhất ở miền Trung.


Các đơn vị sau khi được giao nhiệm vụ, đêm 16/7/1974, trung đoàn 1, trung đoàn 31, trung đoàn 36 và các đơn vị trực thuộc của sư đoàn 2 bí mật hành quân vào địa điểm tập kết. Các trận địa pháo từ 85mm nòng dài được đưa lên chiếm lĩnh các điểm cao. Chờ lệnh sư đoàn.


Nhưng một tình huống bất ngờ ngoài dự kiến đã xảy ra. 14h ngày 17/7, đài trinh sát quân báo báo cáo về sư đoàn 2:
“12 chiếc trực thăng đổ 100 lính xuống Nông Sơn”. Bọn địch nói tiếng lóng trên đài PRC 25: “Cha mẹ họ đã đến nơi đầy đủ an toàn”. Sau hơn 30 phút, lại có 4 đợt máy bay hạ cánh đổ quân xuống Nông Sơn. Cùng giọng nói lóng lúc nãy trên đài PRC 25 vang lên: “Cha mẹ con cái họ đã đến nơi đầy đủ an toàn”. Sau hơn 30 phút lại có 4 đợt máy bay hạ cánh đổ 400 quân xuống Nông Sơn. Tình hình diễn biến phức tạp, cả phía trước bám chặt, theo dõi từng hành động cụ thể của chúng để có đối sách. Tại chỉ huy sở sư đoàn, có mặt các đồng chí Thường vụ Đảng ủy, cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, trưởng ban tác chiến, trưởng ban trinh sát tập trung thảo luận sôi nổi, phân tích đánh giá, xem xét tình hình sẽ diễn ra trên những khả năng nào. Chúng tôi trao đổi và đi đến nhận định: Khả năng thứ nhất, do quá trình chuẩn bị chiến trường, các đơn vị của ta tiếp cận ngoại vi, có thể bị lộ, nên địch tăng quân để đối phó. Khả năng thứ hai, là địch đưa quân cộng hòa lên thay cho tiểu đoàn biệt động để giữ căn cứ này.

Trong lúc tại chỉ huy sở sư đoàn đang khẩn trương thảo luận, thì cùng lúc đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu điện hỏi và đồng chí Bí thư Khu ủy cũng điện hỏi:
Địch tăng một tiểu đoàn cho Nông Sơn, như vậy, tại căn cứ Nông Sơn quân số địch gấp đôi, Bộ Tư lệnh sư đoàn xử trí thế nào. Báo cáo ngay về Tư lệnh Quân khu để có ý kiến.

Qua phân tích cụ thể hai khả năng như trên, chúng tôi trao đổi: Nếu địch tăng quân đối phó, tại sao khi đổ xuống quân không đi lùng sục ra ngoài, phi pháo địch không thấy hoạt động, mà chỉ nằm im trong căn cứ. Như vậy việc bị lộ, địch đối phó là không có, mà đây chỉ là cuộc thay quân, tăng quân để giữ căn cứ, cho nên sư đoàn hạ quyết tâm đánh. Đồng chí sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn, có ý kiến tiếp: Khả năng địch thay quân thì rõ. Trong đêm nay đã có trên 1.000 tên trong căn cứ. Nhà ở chưa làm thêm, công sự chưa đào kịp, bọn lính mới đến mệt mỏi, nghỉ ngơi, chưa nhận vị trí chiến đấu. Tiểu đoàn 78 biệt động quân ở tại chỗ lâu nay, ỷ lại bọn mới đến, đêm nay thế nào cũng vào ấp lùng sục bắt heo, gà ăn thịt, kiếm gái. Ta tấn công bất ngờ, bọn đồn trú bên trong lúng túng, bọn địch bên ngoài làng chạy về sẽ tranh nhau giành công sự, nơi ẩn nấp, tìm cái sống sẽ rối loạn. Vì thế đây là cơ hội tốt, ta hạ quyết tâm tấn công tiêu diệt địch.


Cả cuộc họp trong hầm chỉ huy hoàn toàn nhất trí sự phân tích của sư đoàn trưởng, đề nghị trên cho sư đoàn đánh. Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn cầm điện thoại báo cáo quyết tâm với Tư lệnh Quân khu. Tôi cầm điện thoại báo cáo với Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy và quyết tâm của sư đoàn. Đồng chí Bí thư Khu ủy nhất trí và hoan nghênh quyết tâm của sư đoàn.

Theo phương án đánh địch đã vạch, cuộc tiến công bắt đầu lúc 0 giờ 15’ ngay 18/7. Đại đội 2 của tiểu đoàn công binh sư đoàn 2 nổ súng đánh địch trên chốt Cà Tang làm lệnh cho cả chiến trường. Trong lúc đó, đại đội 15 công binh trung đoàn Ba Gia cho một mũi đột sâu tháo cầu phao rồi dùng dây cáp bện bằng thép gai băng qua sông phục kích chờ địch thất trận dùng canô tháo chạy, dây cáp giăng qua sông sẽ vướng vào chân vịt canô. Lập tức đại liên bố trí sẵn bên bờ nam sông nhả đạn nhấn chìm chúng xuống sông. Bằng cách đánh mưu trí, đại đội công binh 15 của trung đoàn Ba Gia đã diệt và bắt sống hơn 100 tên địch. Đây là một cách đánh giặc tuyệt đẹp, một chác đánh khôn ngoan của bộ đội sư đoàn đã làm cho kẻ địch kinh hoàng. Các chiến sĩ công binh bình luận ví von với nhau: Chúng ta con cháu của Ngô Quyền xưa kia cắm cọc trên sông Bạch Đằng giết quân Nam Hán, nay bộ đội công binh sư đoàn 2 Quân khu 5 chăng dây qua sông Thu Bồn để đánh địch. Thật là một cách đánh vừa truyền thống vừa hiện đại.

Hợp đồng với các mũi, tiểu đoàn 60 trung đoàn 3 nổ súng đánh chiếm 3 vị trí của địch ở Khương Quế thực hiện việc cài then chiến dịch. Trung đoàn 36 và đại đội 11 của tiểu đoàn 90 đồng loạt tiến công địch ở ngã 3 Nông Sơn - Trung Phước, tiểu đoàn 9 nổ súng đánh bọn Dân vệ, Bảo an ở các ấp chiến lược Khương Nam 1 và Khương Nam 2, đồng thời tổ chức một bộ phận đón lõng quân địch từ căn cứ Nông Sơn chạy ra. Đồng chí Phạm Xưởng trung đoàn trưởng, Lê Lung chính ủy trung đoàn 1, trực tiếp chỉ huy tiêu diệt cứ điểm địch ở thôn 4 đồi tranh Sơn Phúc, tiêu diệt mâm tề Sơn Thọ. Phối hợp các mũi tiến công của bộ binh, pháo binh sư đoàn áp chế các trận địa pháo địch từ An Hòa, Đức Dục, Nam Phước, Mậu Thành không cho chúng ngóc đầu phản pháo. Tiếng súng tấn công của quân ta nổ rền vang như sấm, rung chuyển suốt dọc một hành lang rộng và dài hàng trăm cây số vuông.


Đến 6 giờ ngay 18/7, quân ta đã quét sạch các chốt ngoại vi, tiêu diệt và bắt sống 35 trung đội Bảo an, Dân vệ, 3 phân cuộc cảnh sát, 6 mâm tề ngụy, giải phóng hoàn toàn 6 xã phía tây Quế Sơn.


Đòn tấn công bất ngờ áp đảo của quân ta làm kinh động bọn chỉ huy quân đoàn ngụy. Trời vừa mờ sáng, máy bay lên thẳng của chúng ùa lên đảo vòng, thám sát uy hiếp. Nhưng bọn chúng vừa mon men đến trận địa đã bị đại đội súng máy 12,7mm của trung đoàn Ba Gia chốt giữ ở núi Khương Quế bắn rơi tại chỗ buộc chúng phải tháo chạy. Trong lúc các đơn vị bạn nổ súng vòng ngoài, thì tiểu đoàn 8 của trung đoàn 31 đưa đội hình áp sát vào cứ điểm Nông Sơn. 8 giờ sáng, mặt trời tháng 7 lên cao xua tan sương mờ và khói núi, các mục tiêu ở Nông Sơn hiện rõ trong ống nhòm của trinh sát. Những tràng đạn pháo của quân ta từ trên những mỏm núi cao dội xuống. Sau một tiếng đồng hồ bắn chế áp, các trận địa pháo trên điểm cao hạ nòng bắn thẳng vào từng lô cốt, ụ súng, công sự theo hướng dẫn của trinh sát. Bọn biệt động quân trong căn cứ Nông Sơn không chịu nổi sức ép của pháo binh ta bức phá, chúng lấp ngóp bò ra khỏi miệng hầm, tinh thần hoang mang cực độ.


Đến lúc đó, Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân đoàn 1 ngụy nhận thấy nguy cơ tuyến phòng thủ tây nam bị phá vỡ, hằn liền hạ lệnh cho sư đoàn 3 ở Sũng Mây (Hòa Cầm, Đà Nẵng) gấp rút đưa lực lượng lên An Hòa chuẩn bị phản kích. Trên bẩu trời khu chiến Nông Sơn xuất hiện từng tốp máy bay phản lực, trinh sát, HU 1A vũ trang quần lộn ném bom, bắn rốc két, tung hỏa điểm vào những nơi chúng nghi có quân ta. Nắng tháng 7 là nắng nóng nhất ở Quảng
Nam, những đám cỏ tranh quanh sườn núi Nông Sơn bốc cháy dữ dội. Khu chiến Nông Sơn bên ngoài nhìn vào là một chảo lửa. Kiên quyết không để cho bọn giặc trời hoành hành, các khẩu đội 37mm phóng lên những quả đạn căm thù, quật rơi ngay một phản lực, 3 máy bay lên thẳng. Bọn chúng phải dạt ra. Tình huống chiến trường được cải thiện, các mũi tấn công của trung đoàn 31 rê đội hình bám sát hàng rào cuối cùng, bám chắc công sự đánh bại các đợt phản kích của địch.

16 giờ, ở sở chỉ huy sư đoàn, qua ống nhóm, tôi nhìn thấy quang cảnh cứ điểm Nông Sơn tan tành dưới hỏa lực của ta. 36/41 lô cốt của địch đã bị phá vỡ, xác địch nằm ngổn ngang. Nhân thấy thời cơ dứt điểm đã đế, Bộ Tư lệnh sư đoàn hội ý chớp nhoáng, và sư đoàn trưởng hạ lệnh tấn công dứt điểm Nông Sơn.


16 giờ 30’, nhận lệnh của sư đoàn trưởng, các mũi xung kích bật dậy, hỏa lực B40, B41 dồn dập bắn vào các công sự còn lại và xung phong. Trên hướng chủ yếu, đại đội 7 đã chiếm xong tuyến chiến hào thứ nhất, đang tiến vào tuyến chiến hào thứ 2, rồi thứ 3, thì bị hỏa điểm đại liên của địch từ hầm ngầm bắn ra. Khẩu đội 81 bị thương, pháo thủ hi sinh. Thấy hỏa điểm địch, nhưng sườn núi dốc đứng ngăn trở, B40, B41 không phát huy được tác dụng, nếu bằn thì lửa phía sau nòng súng sẽ thiêu cháy ngay xạ thủ. Quân địch lại tập trung bắn xối xả ra hướng cửa mở, đạn cày đất đá tung tóe, khói bụi mù mit. Chiến sĩ Lê Văn Cường trèo lên vách đá đứng thẳng bóp cò, 1 quả B41 bắt mục tiêu dập tắt nay hỏa điểm đại liên của địch. Nhưng cũng liền sau quả B41 nổ, 1 quả M79 bắn trúng Cường. Cường đã hi sinh trong tư thế của một người lính đang lao tới. Ở hướng đại đội 5, mặc dù cửa tấn công chưa mở xong, nhưng toàn thể đại đội đã dũng mãnh xung phong đạp bằng rào kẽm gai đánh chiếm mục tiêu phía trước. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Hường ghìm súng đi trên chiến hào lùa bọn địch từ hầm ngầm láp ngáp bò ra. Bất ngờ một tên biệt động quân nấp trong một vách đá nhảy bổ ra chộp lấy trung đội trưởng Hường. Cả hai mất đà lăn xuống vực chiến hào. Hưởng bắt chỏ đè lên yết hầu tên địch, tay kia rút quả lựu đạn chạy đập vào mặt nó. Tên giặc mất phương hướng không chống đỡ được. Một nhát đập tiếp theo của Hường kết liễu tên giặc. Cùng lúc đó, trung đội trưởng Nguyễn Văn Chiến dẫn đầu mũi thọc sâu, đánh thẳng vào sở chỉ huy cứ điểm Nông Sơn. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu mang dòng chữ:
“Đoàn dũng cảm đánh hăng, vây lấn điểm cao, tiêu diệt gọn, dứt điểm nhanh, tấn công liên tục”, do đồng chí Đoàn Khuê, Phó chính ủy Quân khu 5 trực tiếp trao cho trung đoàn 31, đã được phân đội thọc sâu do trung đội trưởng Nguyễn Văn Chiến chỉ huy cắm trên Sở chỉ huy cứ điểm Nông Sơn Đồng chí Đoàn Khuê sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã qua đời năm 1999).

1 nhận xét:

  1. Đêm nay con lại hành quân ra hoả tuyến, vòng nguỵ trang lá quyện màu xanh, Khẩu súng chồm lên toả nắng long lanh, bướm lượn theo chân trên cành chim hót, đường vào xuân hương đưa ngào ngạt, đất nước mênh mông rào rạt ân tình, bao năm vượt thác băng ghềnh vẫn mang hình ảnh mẹ hiền trong tim, hành quân qua mấy ngàn đêm, vẫn nghe tiếng mẹ không quên ngày nào, con qua an lỗ ba gia, vạn tường non nước, khánh hoà, núi đôi, vẫn nghe lời mẹ ru hời, cầu tre lắc lẻo mấy thời đu đưa, à ơi, chớ quê mình ơ, Chớ quê mình sớm nắng chiều mưa, nắng chan trước mặt mưa lùa sau lưng, ăn ở sao cho trọn đạo thuỷ chung à ơi mà dẫu gió dông không ngả, mà dẫu bão bùng không nghiên, lên đênh sóng đánh mạn thuyền, dù bom rơi cột cái vẫn không nghiên không nghiên tấc lòng, nhớ gì nhớ gì bằng nhớ quê hương, thương ai da diết bằng thương bằng thương mẹ già , mẹ ơi, mẹ ơi mười mấy năm qua con biết mẹ ngày chưa ăn trọn bữa, căm uất đầy với tim bầm máu ứa vẫn kiên trung bám trụ giữ quê nhà, lòng mẹ trong như ngọc như ngà, dạn dày hơn thép, mượt mà hơn nhung, chỉ bằng, chỉ bằng nhân nghĩa lương tâm mà bạo tàn cúi mặt, sói lang phải gục đầu , trãi bao sóng dập gió dồi, đôi chân mẹ vẫn không rời đoàn con, trãi bao cực khổ lao lung, cơm chưa trọn bữa bỗng dưng tắt nụ cười, thương đời mẹ lắm mẹ ơi, bao năm không một phút nào dừng chân, huống chi con là người chiến sĩ giải phóng quân dám đâu lùi bước hành quân công đồn, mẹ giao con đứng trên trận địa, lịch sử giao con phải thắng trận đầu, con thề làm mũi tên lao mang hình bóng mẹ tiến vào tiến vào Nông Sơn

    Trả lờiXóa