LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

NỖI ĐAU THỜI HẬU CHIẾN




 Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2


Lời hẹn ước khi chia tay trong buổi chiều thu năm 1972, bên dòng Sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi như một định mệnh cuộc đời.

Chúng tôi tìm được Đồng Văn Khải, người thương binh cùng nằm viện trên núi rừng Tây Nguyên theo lời hứa khi chia tay về đơn vị, Khải đang lang thang đi bán chè khô ở thị trấn Đông Anh, thành phố Hà Nội, người anh mang nhiều dấu tích của chiến tranh với đôi chân tập tễnh, cùng hai tai bị sức ép bom nghe không rõ.
Trên vai chiếc ba lô mang chè ngon của đất Thái Nguyên, bộ quần áo bạc màu điểm mấy miếng vá. Anh em ôm hôn nhau nhớ về một thời gian khó, trên đường về gia đình anh đã khóc và kể cho đồng đội nghe về nỗi đau sau chiến tranh của vợ chồng trong gia đình Khải:
Sau khi kết hôn xong người vợ mang thai cả nhà Khải mừng lắm. Nhưng rồi cái thai chẳng được bao lâu nằm trong bụng mẹ. Thuốc men chạy chữa mãi thì vợ sinh được một trai, một gái. Nhưng cả hai lại mang hậu quả của chất độc da cam/dioxin, chất độc tàn ác đã cướp đi quyền làm người của cả hai đứa con vợ chồng mình sinh ra.
Thằng con đầu mười mấy năm quằn quại trên giường bệnh như một con rắn, chữa mãi rồi cháu vẫn chết, đứa con gái thì loạn điên phá phách.
Chính từ bệnh tật của hai đứa, đã làm cho gia đình rơi vào cảnh nghèo khó và túng quẫn. Vợ chồng tần tảo khắp nơi, ai thuê việc gì cũng làm, mới có tiền mua gạo mắm muối cùng thuốc uống an thần cho hai đứa.
Lúc đầu hai con Khải mắc bệnh dị tật quái ác, do chưa hiểu biết đã có người nói độc mồm độc miệng, nào là hướng đất cát, mồ mả và ăn ở của gia đình. Năm cháu 18 tuổi bệnh quá nặng phải đưa đi bệnh viện, nhưng gia đình thì vô cùng khó khăn, chạy khắp xóm vay mượn được hơn triệu đồng bạc cho cháu đi viện. Rồi đứa con cũng vẫn ra đi trong nỗi buồn thảm thiết của gia đình. Còn món nợ vay của bà con hàng xóm cũng đã khá lâu mà vẫn không sao trả được, nhân dân nơi đây, còn khó khăn lắm.
Đứa con gái thứ hai đến nay mười bảy mười tám tuổi rồi, lẽ ra tuổi nó cũng sắp đi xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Thế nhưng người vợ chịu thương chịu khó lại phải ở nhà chăm sóc phục dịch cho con, sợ nó lên cơn phá phách chạy ra ngoài va phải ô tô, xe máy, nhẩy xuống cầu cống sông ngòi, moi móc chuột bọ cho vào miệng…
Gia đình họ hàng cũng cố chạy chữa, nhưng cũng khó mà qua được cái chất độc tàn ác ấy. Nhiều lúc nghĩ cơ cực quá vợ chồng Khải đã định liều mình xoá đi tất cả. Nhưng nghĩ đến những đồng chí đã một thời ra trận cũng vơi đi phần nào của nỗi buồn nghiệt ngã…

Chúng tôi còn cho nhau biết, anh em đồng đội đến thăm một số gia đình cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, nhìn thấy mà đau xót thương tâm.

Đó là anh Hạnh người thành phố Thái Bình, sinh bốn đứa thì đã chết mất ba. Vợ chồng Tôn người Nam Sách Hải Dương, sinh được hai cháu thì cả hai đều làm cho vợ chồng anh chị ấy sợ hãi trong những cơn hung dữ.

Đồng chí Nguyễn Đại Số, phường Hà Lầm thành phố Hạ Long, ba đứa con lúc đầu học giỏi, từng tham gia giải cờ vua cấp tỉnh. Không ngờ cả ba cháu lớn lên đều phát bệnh và phá phách những gì có trong nhà anh chị ấy vất vả làm ra.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xoay hai đứa con gái sinh đôi, gào thét mỗi khi nắng gió trở trời, cấu xé nhau lúc ăn cơm và mặt trời mới mọc.

Vào nhà hai chị em ruột Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Văn Tâm, con của vợ chồng đồng chí Liên ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, da hai cháu bị nứt vỡ như những con rắn lột và máu mủ rỉ ra ngày đêm. Dẫu đã biết hai cháu như vậy, nhưng mỗi lần vào thăm mà vẫn giật mình và người bị tăng huyết áp.

Mỗi gia đình Cựu chiến binh, Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến, tham gia chiến trường có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, là một biểu tượng được phơi bày bởi tội ác của chiến tranh do Mỹ gây ra. Chúng ta phải lên tiếng, các công ty sản xuất ra chất tác hại của Hoa Kỳ, phải có trách nhiệm về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này.

Tạm biệt Khải người thương binh nghèo, mang hậu quả tàn khốc của chiến tranh do Mỹ gây ra, chúng tôi quặn đau về một thời binh lửa, tôi và anh cùng biết bao đồng đội, từ chiến trường khói lửa trở về mà cuộc chiến vẫn quẩn quanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét