LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

GIẢI PHÓNG TAM KỲ

Huyện Tiên Phước lúc bấy giờ được xem như "nóc nhà” của Quảng Nam – Quảng Đà. "Nếu Tiên Phước - Phước Lâm mất, Tam Kỳ và đường 1 sẽ khó lòng giữ được, chiến trường Quảng Đà - Quảng Ngãi sẽ bị chia cắt”. Trước nhận định trên, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 quyết định tập trung lực lượng chủ lực tiêu diệt Chi khu quận lỵ huyện Tiên Phước.


Để chuẩn bị cho trận đánh lớn này, cuối tháng 12-1974, Tiểu đoàn Công binh (Sư đoàn 2) đã phải làm việc cật lực với hàng nghìn ngày công, để xây dựng 6 trận địa pháo và hàng chục cây số đường từ hướng Sơn Cẩm Hà vào, sẵn sàng cho xe tăng của quân ta xuất kích và phục vụ công tác kéo pháo lên đồi. Mặt trận được chia làm hai hướng, phía Bắc do Thượng tá Vũ Đình Nã - Sư đoàn phó làm chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Sư đoàn Trương Trung Thắng làm Chính ủy Mặt trận. Ta bố trí 3 trung đoàn, gồm Trung đoàn 31, Trung đoàn 38 và Trung đoàn 368 pháo binh cùng các đơn vị trực thuộc.

Phía Nam do Đại tá Nguyễn Chơn - Sư đoàn trưởng - Chỉ huy trưởng Mặt trận phụ trách, Chính ủy Sư đoàn Mai Thuận làm Chính ủy Mặt trận. Phía này, được bố trí Trung đoàn Bộ binh 1, Lữ đoàn 52, Trung đoàn 36, Tiểu đoàn 10 (đặc công). Ngoài ra, còn được tăng cường Trung đoàn 572 và Tiểu đoàn Vận tải.

Vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 10-3-1975, cùng với tiếng súng khai hỏa ở Buôn Mê Thuột trên chiến trường Tây Nguyên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Tiên Phước đã đồng loạt tập kích vào các cứ điểm, cơ quan đầu não của địch. Đến 16 giờ, cả 3 hướng tiến công của quân ta đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu quận lỵ Tiên Phước, Chi khu quận lỵ Phước Lâm và cụm cứ điểm Suối Đá. Ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, thu toàn bộ vũ khí trang bị, giải phóng một khu vực rộng lớn với 21 ngàn dân.

Ông Hoàng Minh Thắng – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) nhận định: "Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm tạo được địa bàn đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Tín, giải phóng thị xã Tam Kỳ, giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh. Đúng như vậy, sau khi giải phóng Tiên Phước, đến ngày 14-3, quân ta tiến vào giải phóng các xã vùng Đông Thăng Bình. Đêm 23-3, các lực lượng tham chiến ở Phước Lâm, Tiên Phước được lệnh tiếp tục tấn công tiêu diệt địch, tiến về giải phóng Tam Kỳ. Ngày 24-3, Sư trưởng Nguyễn Chơn ra lệnh cho quân ta đồng loạt đánh vào thị xã Tam Kỳ, thủ phủ là tỉnh đường Quảng Tín, từ các hướng theo vòng vây siết chặt. Từ Tiên Phước đánh về ta diệt gọn Trung đoàn 4 - Sư đoàn 2 ngụy làm chủ khu vực ngã 3 Trường Xuân - sân bay Kỳ Bích. Hướng phía Tây ta đánh chiếm Cẩm Khê, Cốc Rạng; Liên đoàn 12 biệt động ngụy bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy về Quán Rường... Tuyến phòng ngự lâm thời phía tây Tam Kỳ của địch bị phá vỡ. Thừa thắng, quân ta từ 3 hướng Đông - Tây - Nam có xe tăng dẫn đầu ồ ạt tấn công vào thị xã Tam Kỳ. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24-3-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đã phất phới tung bay trên nóc toà tỉnh đường Quảng Tín, thị xã Tam Kỳ - Tỉnh lỵ đồng bằng duyên hải miền Trung đầu tiên được giải phóng, tạo thế và lực cho dân và quân ta tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

1 nhận xét:

  1. Tôi là Nguyễn Chí Phong, là cựu chiến binh thuộc c7, d8, e31, f2, QK5 thời chống Mỹ, hiện đang sống tại Đà Nẵng. Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến các bạn chiến đấu f2, QK5.

    Xin hỏi, có ai thuộc c7, d8, f2, QK5 thời chống Mỹ đang sinh sống ở mọi miền đất nước lên web "CLB BẠN QUÂN NGŨ SƯ 2" không? Nếu có thì qua trang web này hãy cho biết để tiện liên hệ. Cả Đà nẵng chỉ còn 2 cựu chiến binh thuộc c7 đang sinh sống.

    Trân trọng cảm ơn.

    Trả lờiXóa