LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

ĐƯỜNG RA MẶT TRẬN

Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2


Chương II - ĐƯỜNG RA MẶT TRẬN


Đúng 8 giờ sáng ngày mùng 10 tháng 10 năm 1970. Bộ đội với trang phục cùng ngôi sao vàng lấp lánh, tập trung tại sân kho hợp tác xã Văn An. Đoàn quân nghiêm trang chào cờ Quân Giải phóng Miền Nam. Lễ xuất quân đi chiến trường hôm nay có lãnh đạo Trung đoàn, Bộ tư lệnh Quân khu. Nhân dân chính quyền nơi huấn luyện, cùng gia đình có người thân ra trận đến rất đông, trai gái hẹn hò nhau ngày Nam Bắc thống nhất. Khi chia tay còn có chị em cô gái nơi trung đội tôi đóng quân, Thuỳ Vân người con gái nhanh nhẹn chạy ra hàng quân nắm chặt tay nói trong nghẹn ngào: Hẹn các anh ngày đất nước hoà bình trên quê hương chúng em thôn Bình Giang, xã Cổ Thành, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương….

Tạm biệt mảnh đất Chí Linh vùng Đông Bắc, cùng bóng dáng cô thôn nữ trong chiếc áo vải nâu và chiếc nón bài thơ duyên dáng xinh đẹp, cũng làm cho trái tim khát vọng của tuổi trẻ chúng tôi đi vào cuộc chiến với bao ước hẹn của tương lai.
Đoàn quân đến ga Cao Xá thuộc huyện Cẩm Giàng, 14 giờ chiều hôm sau lên chuyến xe lửa đi vào phương Nam. Sân ga hôm nay có hàng trăm người đến tạm biệt  con em của mảnh đất Hải Dương vào chiến trường. Người đi người ở ôm hôn nhau mà không sao nén được xúc động của những giọt nước mắt chia ly. Bao người thân cùng đồng đội tôi không nói ra, nhưng vẫn nhận biết được một việc có thể xẩy ra, trong số người lên chuyến xe lửa vào chiến trường chiều nay, thì đây cũng sẽ là lần gặp người thân của mình lần cuối cùng.
Còi tàu cất lên đoàn xe dần dần chuyển bánh, hai bên sân ga bà con cầm nón mũ vẫy chào đoàn quân ra trận. Ôi mảnh đất Hải Dương quê hương tôi miền Bắc với khẩu hiệu. “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hôm nay lại vẫy chào con em mình vào chiến trường miền Nam đánh giặc.
Tàu qua mảnh đất Hải Dương, Hưng Yên, thành phố Hà Nội, dừng lại ga Thường Tín, Hà Tây. Nơi khởi đầu của việc đưa đón binh khách được nghỉ lại đây hai ngày, tối đến xem chiếu phim cùng văn công phục vụ. Không khí ngày ra trận thật nhộn nhịp đông vui, binh trạm có hàng ngàn người vào Nam ra Bắc, càng thúc dục đoàn quân tiến nhanh về phía trước.

Chúng tôi tạm biệt hậu phương lớn miền Bắc ra chiến trường với lời thề: Ra đi không hẹn ngày về, chưa tan hết giặc chưa về quê hương. Xe lửa chạy qua thành phố Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hoá - Vinh. Do chiến tranh quê tôi đã khó khăn, nhưng đi vào các tỉnh phía trong, thì làng mạc cùng nhân dân phía Nam càng khó khăn và ác liệt hơn nhiều. Qua sông Lam, núi Quyết, xe ô tô vận chuyển đến cách thị xã Hà Tĩnh gần chục km dừng lại. Đêm Khu 4 thường có máy bay địch đánh phá oanh tạc, đơn vị được các mẹ và dân quân du kích tới thăm hỏi động viên, kể cho nghe về những chiến công cùng với việc hy sinh của hàng trăm bộ đội thanh niên xung phong nơi tuyến lửa, đặc biệt là Tiểu đội mười cô gái hy sinh trên ngã ba Đồng Lộc. Chiều hôm sau xe chạy qua đèo Ngang, đường quốc lộ bị bom đạn máy bay đánh phá liên tục, có nhiều ổ trâu ổ gà chưa kịp sửa chữa, xe chạy trong đêm chỉ có đèn gầm, chiến sỹ lái xe nhìn không rõ chạy vấp phải hố bom pháo làm hất cả chính trị viên Đại đội xuống đất. Đêm ngày 20 tháng 10 năm 1970, đoàn quân đi chiến trường xuống mấy chiếc tàu kéo chạy ngược lên thượng lưu Sông Gianh đi vào trạm Xuân Sơn.

Trong khoang hầm sà lan trời tối đen như mực, anh em hát những khúc ca của đồng bằng Bắc bộ, còn tôi đứng lên ngâm bài thơ của Lưu Trùng Dương.
“ Vượt núi băng sông.
Chân tôi bước, qua hương đồng cỏ lội.
Vòng lá nguỵ trang đã bao lần thay lá mới.
Tôi lên đường, theo tiếng gọi quê hương.
Ra tiền tuyến, ra tiền tuyến
Đôi chân tôi mạnh bước.
Đời của ta đâu có giặc là ta cứ đi
Tiếng hát năm xưa, bay bổng diệu kỳ
Như chắp cánh vinh quang, người lính trẻ …”.

Đồng chí Hiệu chiến sỹ cùng trung đội, đứng lên bắt nhịp cho hát bài “ Vui hội tòng quân” của nhạc sỹ Huy Du, được phổ thơ Chính Hữu.
“ Có những ngày vui sao cả nước lên đường.
Xao xuyến bờ tre từng hồi tiếng trống
Có những ngày vui sao rộn rã lên đường
Tiếng hát hành quân từng hồi trống giục.
Xóm dưới làng trên con trai con gái,
          Xới nắm cơm đùm
Ríu rít theo nhau súng nhỏ súng to,
Trên đường chật chội
Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu…
          …Ơ đất nước mình đây hai mươi năm trước
Xôi nắm cơm đùm hành quân không mỏi
Xung sướng bao nhiêu tôi là đồng đội
Của những người đi đánh giặc hôm nay…”.

Lời bài hát này vừa dứt nhịp hát khác lại dâng lên, khúc ca chứa đựng tình yêu quê hương đất nước, làm chúng tôi thêm tự hào đã có những tháng năm cùng cả nước tham gia đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lời ca là động lực để mỗi người có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn thử thách.
Bỗng ngọn lửa trong khoang sà lan cháy bùng lên, tiếng kêu thất thanh: Sà lan cháy, sà lan cháy … những chiếc balô trong khoang tàu được đẩy lăn đi lăn lại chặn ngọn lửa, dầu trong thùng ống nổ vung ra tràn vào sàn có tre nứa, lửa cháy càng thêm hung dữ.
Trung đội trưởng Tô Sỹ Quảng ra lệnh cho bộ đội nhảy lên mặt boong, lựu đạn từ túi cóc ba lô rơi vào đám cháy, được mấy anh nhanh tay cầm vứt ra sông. Đồng chí Mai Hải, Kim Sơn cùng tôi kéo chiếc bạt bịt vào đám cháy.
Hầm sà lan cháy làm một số chiến sỹ mất bình tĩnh, người trước chưa nhảy lên được miệng hầm tàu, thì người sau đã nhảy thúc vào mông người trước rơi xuống sông. Tiếng kêu cứu… cứu… những đồng chí bám vào dây kéo lên được ngay, số người bị nước sông mưa to chảy mạnh trôi dạt vào bãi. Thật đau xót cho trung đội tôi trong số đồng chí ngã xuống sông đêm ấy, thì Nguyễn Văn Doanh đã phải vĩnh biệt yên nghỉ bên bờ sông Gianh của tỉnh Quảng Bình.
Xe vận chuyển đơn vị tôi vào xã có phong trào du kích mạnh Cự Nẫm, phía tây tỉnh Quảng Bình, cũng từ đó ngày đêm chúng tôi hành quân theo chiều dài dãy Trường Sơn đi vào phương nam. Vượt qua núi cao suối sâu, cung đường bị máy bay địch đánh phá thường xuyên. Đêm tối đồng đội chống gậy đi theo nhau bằng miếng lân tinh phát sáng gắn sau mũ. Những con vắt xanh to bằng cuống chiếu nhẩy từ cành cây bò vào cắn tai, cắn cổ, hút máu, dưới đất là đàn mối, rắn, rết, bọ cạp, người đi tới đâu thì hàng trăm con côn trùng đói khát nghiêng đầu bám đuổi. Nhiều lúc anh em không bám sát đội hình, phải gọi hú tìm nhau vang cả cánh rừng. Trời mưa to không lấy được củi khô đun nấu phải ăn toàn gạo rang và lương khô, bữa cơm là một hai soong nước gạo rang vàng pha muối, cho vào một hai hộp thịt lợn 0,25 kg làm nước mắm. Nắm cơm mang theo ăn đường hành quân chấm với ruốc thịt ruốc cá mặn chát, hơi sặc mùi ngũ vị hương.
Nhân dân trên rừng núi thiếu gạo, muối, quần áo, chăn màn, thuốc chữa bệnh, cuộc sống người dẻo cao thật đơn sơ, họ đem con sóc, chuột rừng, đứng ở đường mòn, đợi người qua lại đổi gạo muối… Anh em đi chiến trường cũng chẳng có gì trao đổi lấy ảnh tô màu cho đồng bào xem. Nhìn nhân dân trong rừng núi ngạc nhiên thích thú, nên chúng tôi đã tặng lại cho họ.
Trạm giao liên dưới cánh rừng cổ thụ bị máy bay địch bắn phá ngày đêm. Đã lâu không có rau ăn chúng tôi nói với nhau; anh nào biết rau tàu bay đi hái về cải thiện. Những tưởng được bát canh rau ngon và mát ruột, nhưng khi đưa lên miệng lại là bát nước canh đắng ngắt. Lúc ấy tìm hiểu ra mới biết; cây ấy dân làng tôi thường gọi nó là cây cứt lợn, đồng đội nhìn nhau cười mà rơi đầy nước mắt.

Đoàn quân vào chiến trường được cán bộ quân lực Trung đoàn 1- Sư đoàn 2, Quân khu 5 tiếp nhận bổ sung vào các phân đội chiến đấu. Trên đường đi đã có mấy người ốm đau sốt rét, tôi sốt cao không thể hành quân tiếp do vậy mà đồng chí Sơn cán bộ ra tiếp nhận đã gửi tôi vào trạm quân giới nhờ y tế cấp cứu.
Người tôi nóng lên 39- 41 độ, cơ thể rét run cầm cập mà mồ hôi chảy ra như tắm, miệng nôn ra nước vàng đắng ngắt. Các đồng chí đến kiểm tra nói với nhau: Chiến sỹ trẻ từ miền Bắc mới vào rất hay bị sốt ác tính, phải theo dõi và tiêm thuốc cắt cơn sốt cho đồng chí này.
Được y tế trạm chăm sóc tiêm thuốc liên tục, tôi qua được cơn sốt rét đầu trong núi rừng Trường Sơn nguy hiểm, tình cảm các anh đã làm tôi nhớ đến bài thơ “Tình Đồng Chí” của Chính Hữu, khi chia tay anh em chưa kịp nhớ tên, tôi giới thiệu và đọc tặng những người đồng đội.
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi hai người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày.
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
áo anh rách vai, quần tôi có đôi miếng vá.
Miệng cười buốt giá chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay…”.

Nghe xong mấy anh đứng lên bắt tay nói: Đồng chí đọc bài thơ làm chúng tôi cảm động quá, đơn vị đồng chí đóng cách đây không xa, thế nào rồi cũng ra kho đây lấy hàng, nếu ra nhớ vào thăm chúng mình ở xưởng cưa thuộc binh trạm 31, đóng quân ở tỉnh Savanakhẹt của đất nước Triệu Voi này nhé.

Được các anh chỉ vẽ đường tôi đi gần một ngày về đến sở chỉ huy Trung đoàn. Đoàn bộ đang đóng quân gần bản Chiềng thuộc khu địa đạo Kà Tồn, nằm ở phía bắc  huyện Mường Phìn. Được Ban quân lực E biên chế vào đại đội 7- D2 (tiểu đoàn 60), lần theo đường dây điện thoại về doanh trại trời cũng sắp tối. Chính trị viên Đoàn Văn Quế, gặp mặt thăm hỏi động viên và cho đồng chí Thập liên lạc dẫn bổ sung vào B.2, Trung đội do anh Nguyễn Văn Hài làm B trưởng, ở cùng nhà hầm với các đồng chí: Lâm- Khuyến- Nhuận- Quỳnh- Tân- Sứ- Đức- Tiến.

Các anh từ chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi mới ra, mỗi đồng chí mang theo một loại vũ khí, ngang lưng một hai quả lựu đạn US (lựu đạn thu được của Mỹ sản xuất), quần áo, tăng, võng các anh đựng trong chiếc gùi cũ bạc màu, do chiến trường khó khăn gian khổ người nào cũng ốm yếu. Chúng tôi những chiến sỹ trẻ đoàn Hà Nội, Hải Dương mới bổ sung chưa thích nghi với rừng sâu nước độc, do vậy ngày nào cũng có người ốm đau sốt rét. Quần áo chăn màn tắm giặt không có xà phòng thuốc tẩy, hạn chế phơi chỗ trống có nắng đề phòng máy bay biệt kích địch phát hiện. Vị trí ăn ở ẩm thấp đã làm cho cơ thể bị ghẻ nở và ký sinh trùng phát triển, lũ ve rận đẻ bám đầy gấu quần vạt áo phải vạch bắt cho nhau, đun nước sôi luộc chăn màn quần áo mấy lần mới hết ngứa. Người đau ốm ăn uống thiếu dinh dưỡng, dẫn đến thiếu hồng cầu nghiêm trọng, ngày đêm luyện tập trên thao trường vất vả, nên người nào cũng bị hoa mắt chóng mặt, đi lại mấy chục mét đến nhà bếp ăn cơm và đem nước về uống, cũng phải bám cây ngồi bệt xuống đất nghỉ mấy lần.
Tranh thủ giờ nghỉ anh em xuống khe suối câu con cua con cá, hái rau rừng nấu ăn, sau đó các loại rau cũng không thể mọc kịp để mà xào nấu cải thiện. Một lần hai chúng tôi ra suối bắt được con lười (xấu hổ) đem về chuẩn bị giết thịt, thì anh Nguyễn Xuân Cử người Thái Nguyên chiến sỹ trung đội 4 đến chơi bảo: Thả nó về với núi rừng, chứ giết con vật này “ đen” lắm. Anh em mang gạo giã làm bánh trôi bánh chay, lính trẻ chưa hiểu ẩm thực lấy đường ngọt trộn nắm thành cục, do vậy luộc mãi mà bột vẫn sống.
Chúng tôi mới vào được các anh vào trước mách bảo: Ba lô đồng chí nào cũng phải có túi gạo rang, gói muối, đề phòng lạc trong núi rừng, hết thực phẩm... Bữa cơm có bột cá khô, hạt đậu xị kho với quả trám rừng, bát canh lá tai chua, quả bứa, thỉnh thoảng được mấy ngọn lá rau khoai, sắn, măng tre nứa và củ chuối rừng xào với mỡ hoá học.
Trong khó khăn gian khổ nhưng tình đồng đội được thể hiện từ lời nói đến việc làm, chăm sóc khi ốm đau bệnh tật, bữa cơm có lá rau miếng thịt đều dành cho người ốm yếu. Anh em mời nhau bát nước chè rừng, hơi thuốc lào trộn lá sắn phơi khô. Cùng nhau tâm sự về làng quê yêu dấu, người có em gái trêu đùa: Chiến tranh kết thúc bạn nào còn sống trở về chưa vợ sẽ gả em gái cho...
Tiếng hát anh chị em thanh niên xung phong dân công hoả tuyến vang lên trên mỗi cung đường binh trạm: “ Ơ..ơ..! Trông lên mà đỉnh núi ơ thời cao, tình thần mà cứu nước ớ còn cao hơn nhiều. Bạn thanh niên ơi, lên cao trên núi mà trông. Sóng vỗ biển đông, mênh mông đất nước. Như nhắn nhủ khó khăn không lùi, mưa nắng gian khổ gió sương không ngại bạn thanh niên ơi… Đời chưa hết giặc là ta chưa về…”.
Đúng như vậy đời chưa hết giặc là ta chưa về. Ngày đêm máy bay địch quần đảo thả pháo sáng đèn dù ném bom phóng Rốc két, rừng núi không một lúc nào yên lặng. Cung đường binh trạm bị máy bay đánh phá, được các anh các chị nhanh chóng chạy ra san lấp phá bom nổ chậm, kịp cho những chuyến hàng tới tiền phương.
Một lần chiều trở trời thấy tiếng thú rừng kêu mấy anh trong tiểu đội đem súng đi săn về không tháo đạn để vào giá đỡ, hai giờ sáng tôi khoác súng đi diễn tập theo phương án phổ biến. Khi pháo hiệu bắn lên tấn công vào hầm hào quân xanh, khi tiến lên bóp cò thì một loạt đạn thật phát nổ kêu tằng tằng chiu chíu. Lệnh cho dừng cuộc diễn tập, đồng chí tiểu đội trưởng chạy đến nói: Súng đồng chí vừa có đạn nổ. Lúc đó mới biết là khẩu AK của mình có đạn thật bắn ra và tôi giật mình về sự bất cẩn nguy hiểm đó. Nhưng rất may không xảy ra mất an toàn cho đồng đội trên thao trường.



Đỉnh Phukatồn một dãy núi cao nhất khu vực Trung đoàn tôi đóng quân, phỉ biệt kích nguỵ Lào thường tập trung cho quân đi cướp phá kho tàng, chỉ điểm máy bay địch đánh phá nơi trú quân, vào cuối tháng 10 năm 1970 chúng đã cho quân xuống đánh phá khu trú quân của đơn vị.

Trước tình hình địch đánh phá như vậy, Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn chúng tôi triệt phá khu có giặc. Phân đội cho bao vây ba hướng là. Đông- Tây- Nam. Phía Bắc vách núi cao dựng đứng thác sâu không cần vây bỏ trống. Khi hoả lực nã vào địch chống cự bằng đạn cối 61 và M79, đạn súng cạc pin và tiểu liên cực nhanh. Không thấy địch phản ứng đơn vị cho bộ đội xung phong. Nhưng địch đã quăng dây rút chạy bằng con đường dốc đá hiểm trở mà phía phân đội chủ quan không vây hãm. Kiểm tra nơi đóng quân, chỉ còn một xác chết và mấy sợi dây buộc ở gốc cây, mỏm đá. Cho bộ đội truy kích thì vấp phải mìn lá địch rải trên đường rút chạy.
Rút kinh nghiệm về trận tập kích địch trên đỉnh núi, đơn vị chỉ ra rất nghiêm túc về việc đánh phỉ biệt kích nguỵ Lào trên núi cao có thác sâu hiểm trở.
Ngay sau khi đánh thu hồi khu trú quân địch trên dãy núi, các đơn vị trong tiểu đoàn thay nhau giữ chốt. Núi cao gió thổi ào ào các tay súng sẵn sàng đánh địch trong từng phút từng giờ, cuộc sống trên cao rất căng thẳng, hàng ngày nuôi quân đun nấu cơm nước đem từ chân núi lên sẵn sàng nhả đạn vào phỉ biệt kích địch rình phục, đường leo trèo hơn 8 giờ đồng hồ mới vào được vị trí chốt giữ.
Cao điểm được Trung đội tôi chốt giữ an toàn, đến lượt đơn vị khác thay thế, mấy ngày sau anh em nhận được tin đáng tiếc xẩy ra, đồng chí Trung đội phó đi kiểm tra đốc gác, bị chiến sỹ canh gác ngủ gật nghe tiếng động tưởng phỉ biệt kích địch đột nhập, đã nổ súng vào người anh bằng mấy viên đạn AK.
 Một hôm đơn vị đang học cách đánh địch có hầm hào kiên cố, thì Sư đoàn trưởng mặc quần áo bà ba đen đến kiểm tra đột suất, một lúc sau Sư đoàn trưởng ra lệnh: Đại đội 8, tiểu đoàn 2 dùng hoả lực bắn sát mặt đất…
 Lệnh của Sư trưởng được tiểu đoàn trưởng Trần Như Tiếp chấp hành. Tiếng súng đại liên nổ từng loạt, đạn bắn vào cành cây lá rụng bay tung toé, mùi khói súng khét lẹt, các chiến sỹ bò vận động đúng kỹ chiến thuật, tiến mãi mới vào được hầm hào quân xanh…
 Tôi đã được gặp và nghe Sư đoàn trưởng nói truyện mấy lần, chưa lần nào thấy ông cười, nhưng hôm nay thấy Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn cười vui hơn. Rút kinh nghiệm học tập tại thao trường. Thủ trưởng nói: Tình huống học tập, giả định, phải thật sát thực tế. Khi tiến đánh đồn bốt giặc chúng bắn trả rất dữ dội, các đồng chí phải vận dụng địa hình mới tiến lên vào được… thao trường có đổ mồ hôi, thì chiến trường mới giảm bớt thương vong đổ máu…
 Rừng già nhiều muỗi, vắt, bọ cạp, cắn đốt cùng chất độc hoá học rải xuống huỷ hoại. Truyền đơn địch kêu gọi đi theo rải xuống trắng các cánh rừng, lời lẽ bi ai, làm các chiến sỹ càng thêm căm tức bọn tay sai bán nước.
Hàng ngày tổ ba người đều hội ý rút kinh nghiệm, khoảng 10 đến 15 ngày phân công nhau đi lấy lương thực, thực phẩm. Vượt qua trọng điểm máy bay địch đánh phá cùng ngầm sông thác lũ, đến kho bãi trên đường vận tải có lúc gạo đã hết mà thực phẩm cũng chẳng còn, trời mưa tầm tã anh em mắc võng nằm đợi đoàn xe của 559 quấn xích vào lốp vận chuyển đến. Có ngày nằm đợi công binh lao xuống dòng nước vớt gạo, gói bọc trong túi nilon thả từ đầu nguồn sông xuống. Hàng nhận xong, chúng tôi đi hàng chục ngày mới về đến nơi trú quân, số gạo thực phẩm trên đường đi người đi lấy mang về ăn cũng gần hết.
Ngày lễ tết đơn vị cho người biết tiếng Lào đi mua lợn về giết thịt cải thiện, do nhiều ngày ăn uống thiếu dinh dưỡng, nên khi có mỡ thịt vào bụng, hầu hết các chiến sỹ đều bị đường ruột. Trên võng ngủ cũng như ngày đi công tác phải nhanh chóng đào hầm, chuẩn bị sẵn hướng đề phòng máy bay địch đánh phá.
Gian khổ ác liệt có người tinh thần sa sút giả vờ ốm đau. Nghiêm trọng hơn ở một đại đội trong Tiểu đoàn có người giả vờ điên loạn lấy súng tự thương vào chân tay, sát hại cán bộ. Có anh đang hành quân giả động kinh chết ngất, biết người này có biểu hiện như vậy y tá lấy nước cất tiêm vào người, mấy phút sau anh ta tỉnh dậy chúng tôi nhìn nhau cười mà suy ngẫm.
Trong số vào chiến trường với nhau một đợt, có tên cầm truyền đơn đi theo giặc, chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá khu đóng quân đơn vị. Tiếng tên phản lại đồng đội trên máy bay OV- 10 phát xuống, làm các chiến sỹ càng thêm căm phẫn.
Đêm giao thừa năm Tân Hợi 1971. Cái tết đầu tiên chúng tôi cầm súng xa nhà đi chiến đấu, đóng quân trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Đại đội tổ chức cho bộ đội đón xuân dưới ánh sáng đề phòng máy bay địch phát hiện, trong cánh rừng già hoang vắng, lời người giới thiệu nghe thật vui tai: Đàn thùng, Nhị nứa, Sáo tre, hoà cùng bản nhạc Tiếng Đàn Ta Lư. Đồng đội chúng tôi cùng ngân vang bài “… Xuân chiến khu nhớ từng làng quê xóm cũ…”, đến ca khúc: Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...
Cũng cái tết đón xuân cùng anh em đồng đội, anh Hoà người Hà Tây với cảm xúc đã đọc đoạn thơ: Đường vào, trong bài thơ dài “ Nước non ngàn dặm”, của nhà thơ Tố Hữu. Tiếng sáo trúc cùng giọng anh ngân lên làm chúng tôi trào dâng theo lời thơ đưa về một miền ký ức.
“ Đường vào khu Bốn, vào Thanh
Không đi thì nhớ không đành phải đi.
Lắng nghe sóng biển rầm rì.
Đường ra tiền tuyến lắm khi giục lòng!
Đường đi vào đó miền trong
Đường về Nam ấy, ai mong cũng là
Đường về xứ Huế quê ta
Mấy sông cũng lội, mấy xa cũng gần…
Đêm nay trăng lặn cuối tuần.
Còn thu hay đã lạnh dần hết thu?
Quân đi rung lá nguỵ trang
Xôn xao như sóng trường giang trùng trùng
Đường ta đi, đẹp vô cùng.
Nghìn năm luyện bước anh hùng đấy trăng?
Đường vui, không đợi mùa trăng
Ta đi, làm ánh sao băng giữa đời
Người đi, không thấy mặt người
Vẫn nghe ríu rít tiếng cười tuổi xuân…”.

Bữa cơm chiều 30 tết có thêm hộp thịt lợn hai lạng, gói thuốc lào thuốc lá Trường Sơn và mấy chiếc bánh kẹo. Trong căn nhà hầm đồng đội kể cho nhau nghe, về phong tục tập quán của mỗi người trên đất nước. Trong ánh sáng le lói hắt ra từ chiếc đèn dầu tự tạo, xa xa tiếng máy bay địch gầm rít, cùng tiếng bom rơi đạn nổ của núi rừng vọng lại; xin thùng… xin thùng… Võng đung đưa mà chúng tôi nhớ về làng quê yêu dấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét