LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

CHƯƠNG VII - DẤU CHÂN SƯ ĐOÀN

Trích từ cuốn hồi ký " Chỉ có một con đường " của Trung tướng Nguyễn Huy Chương



Chiến lược chiến tranh “Quét và giữ”, thực chất là địch tăng cường về cường độ bom pháo đánh phá vào vùng hậu phương của ta một cách khốc liệt nhằm thực hiện chiến lược ”Phi Mĩ hóa chiến tranh”, “thay màu da trên xác chết”, “Lấy quân ngụy làm đối tượng chính với ta trên chiến trường và rút dần quân ra khỏi miền Nam trên thế thắng”. Những vùng chiến khu an toàn của ta trước đây đều bị máy bay B52 ném bom rải thảm, những cánh rừng đại ngàn bị chất độc khai hoang triệt trụi, bọn biệt kích thường xuyên thâm nhập lùng sục đánh phá. Hơn 60% nông dân ở vùng giải phóng không sản xuất được lương thực, nhiều vùng dân chúng phải nhờ sự chi viện của bà con ở vùng địch kiểm soát, các cửa khẩu cung cấp lương thực của ta đều bị địch phong tỏa bằng bom pháo và quân bộ. Nguồn lương thực tiếp tế từ hậu phương vào cũng gặp khó khăn. Số lượng lương thực về vùng giải phóng chỉ như “muối bỏ bể”. Từ cuối năm 1968, đến nửa năm 1970, lực lượng võ trang tập trung của các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và quân chủ lực của Quân khu đèu lâm vào hoàn cảnh hết sức gian nan. Bộ đội thiếu ăn, nhiều nơi đã xảy ra nạn đói. Anh em đi công tác, đói quá treo võng nằm ven rừng có người đã qua đời, có người lâm trọng bệnh.

Đối với sư đoàn 2 Quân khu 5, sự khó khăn về lương thực, nếu đem so sánh với những năm 1960, 1963, thì sự thiếu thốn lương thực ở thời điểm này gấp trăm lần. Tuy nhiên, trong gian khổ, tình đoàn kết, gắn bó yêu thương đồng chí, đồng đội càng thêm ngời sáng. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn hằng ngày cũng chỉ ăn cháo loãng với sắn, môn dóc. Do ăn uống kham khổ thiếu thốn như vậy, sợ sức khỏe các đồng chí suy sụp, phòng hậu cần có đề nghị:
“Khó thì khó, nhưng phải để cho các thủ trưởng đủ sức khỏe, để tâm trí cho lãnh đạo chiến đấu. Nếu bộ đội ăn rau, thì lãnh đạo ăn cháo. Nếu chiến sĩ ăn cháo, thì lãnh đạo ăn cơm”. Nhưng đề nghị đó đã không được chấp nhận. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh sư đoàn đưa ra ý kiến: “Đã là con người thì sự đói no, như nhau. Chúng ta là người cách mạng, làm cách mạng thì phải công bằng, sao chỉ có chỉ huy mới được ăn?”. Chi bộ phòng tham mưu sư đoàn cuối cùng phải đề ra nghị quyết: “Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh sư đoàn mỗi ngày phải ăn 250g gạo” (1 lon gạo/ngày). Nghị quyết buộc các đồng chí lãnh đạo sư đoàn phải chấp hành, nhưng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh xin nhận một nửa định lượng (nửa lon gạo/ngày) còn nửa định lượng gởi cho thương binh ở bệnh xá sư đoàn.

Ở các đơn vị, chiến sĩ thấy cán bộ chỉ huy đói, tự động đi tìm mọi cách để cải thiện bữa ăn, nhưng có gì hơn ngoài rau rừng và mon dóc. Hôm nào kiếm được vài củ sắn, chiến sĩ mời chỉ huy, chỉ huy lại nhường cho chiến sĩ. Cuối cùng phải chia nhau qua bữa. Truyền thống đồng cách mạng cộng khổ của cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn càng thể hiện tình giai cấp, tình đồng đội trong những ngày khó khăn chồng chất tưởng như không vượt qua được, nhưng sự chịu đựng, ý chí chiến đấu và bằng sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, vừa lo đánh địch, vừa sản xuất, mở các tuyến thọc sâu vào vùng địch tìm nguồn lương thực. Tình hình dần dần được khắc phục. Vào chiến dịch Hè năm 1970, sư đoàn 2 Quân khu 5, phải tác chiến ở 2 hướng: Quảng Ngãi và Quảng
Nam. Mỗi chiến trường đều gắn nhiệm vụ căng kéo địch ra để diệt, hạn chế sự sát thương của phi cơ và pháo binh Mĩ. Tác chiến theo địa bàn là để hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương phá kèm kẹp chống bình định, tạo thế cho nhiệm vụ giành dân, giành quyền làm chủ, mở rộng và phát triển chiến tranh du kích, giữ vững căn cứ. Đồng thời để giải quyết một vấn đề lớn là lương thực, chu cấp nuôi cả sư đoàn để đủ sức thực hiện nhiệm vụ liên tục tác chiến. tôi còn nhớ Bộ Tư lệnh sư đoàn lúc này do đồng chí Hoàng Anh Tuấn, sư đoàn trưởng(1), Nguyễn Chơn, sư đoàn phó, đồng chí Bùi Tùng, phó chính ủy và tôi, chính ủy sư đoàn.

Chấp hành mệnh lệnh của Quân khu 5, Bộ Tư lệnh sư đoàn chúng tôi phân công cho các đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường. Ở Quảng Ngãi do trung đoàn 21, đảm nhiệm nghiên cứu các cứ điểm địch ở 2 huyện Sơn Tịnh và Nghĩa Hành. Ở Quảng Nam do trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) sau một thời gian củng cố học tập ở phía tây tỉnh Quảng Nam đã trở về, trung đoàn 31, được lệnh nghiên cứu các cứ điểm địch ở Hiệp Đức, Tiên Phước, Tam Kì…


Chiến dịch hè bắt đầu từ ngày 1/5 đến ngày 10/6, thời gian kéo dài 40 ngày.


Bộ Tư lệnh sư đoàn chia 2 đoàn cán bộ đi công tác ở hai hướng chiến trường: Đoàn của đồng chí Nguyễn Chơn đi chuẩn bị hướng Tam Kì, Thăng Bình hợp điểm về khu vực Bình Kiều, bên Sông Tranh. Đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường ở Hiệp Đức có đồng chí Sư trưởng Hoàng Anh Tuấn bay chỉ huy trung đoàn 31 và tôi, gồm 13 người xuất phát từ dốc Đoát. Chúng tôi đi xuống Đồng Làng qua Tí, Sé vượt sông Tranh về Bình Kiều, Quế Sơn, chuẩn bị tiếp cận cứ điểm núi lớn ở Hiệp Đức và chuẩn bị khu chiến cho chiến dịch. Khi ra đi, khu lương thực dự trữ đã cạn. Tiêu chuẩn của mỗi người mang theo trong 10 ngày công tác, chỉ có 5 lon gạo và 2kg sắn lát khô. Mỗi bữa ăn tính ra chỉ có 2 lạng sắn khô và 1 lạng gạo. Đường xa lặn lội, sau 3 ngày mới về đến chiến trường. Chúng tôi dừng lại bên bờ sông Tranh kiểm tra các mặt và tính toán lương thực chi dùng trong thời gian ở lại nghiên cứu cứ điểm địch, đề phòng địch càn có gạo để ăn và chiến đấu. Đêm đầu tiên đoàn cán bộ trước khi xuất phát tiếp cận cứ điểm đị ch chỉ được ăn 2 lạng sắn khô luộc chấm với muối. Thời kì này đồng bào ở vùng giải phóng cũng quá nghèo không có điều kiện ủng hộ cho bộ đội. Thương đồng đội, đồng chí Phạm Thị Duyên (quê ở Hội An) quân y sĩ và kiêm nhiệm vụ chị nuôi của chúng tôi, lấy chiếc áo lót đổi cho dân được 12 củ dong riềng (có nơi gọi là củ huỷnh tinh) đem luộc. Trước khi đoàn chúng tôi xuất phát đi nghiên cứu cứ điểm núi Lớn, đồng chí Duyên đem phân phát cho 12 người chúng tôi “bồi dưỡng” (Sau này đồng chí Duyên về làm thị đội phó Hội An và hi sinh anh dũng).

Trong đêm, Duyên ở lại tranh thủ tìm hái được chừng 2kg rau má đem rửa sạch, dự kiến sáng ngày hôm sau nấu cho anh em thêm ngoài tiêu chuẩn. Xong công việc đoàn cán bộ trở về trời đã quá nửa đêm, bụng người nào cũng bị
“kiến cắn” nhưng cũng ráng xuống hầm tìm giấc ngủ để cố quên cái đói cồn cào. Có lẽ vì quá đói đồng chí Hoàng Anh Tuấn, đến hỏi tôi “Củ dong riềng hồi tối ở đâu vậy, còn không cho tôi 1 củ, đói quá anh Chương ơi!”. Tôi trả lời: “Đồng chí Duyên đổi cái áo lót được 12 củ như vậy cho anh em ăn hồi tối rồi, đồng chí Duyên đâu có ăn”. Nói như vậy, nhưng tôi cũng đến hầm của Duyên hỏi: “Đồng chí Duyên ơi, có cái gì lót lòng không, anh Tuấn đói quá”. Đồng chí Duyên lấy bọc rau má ra nói nhỏ với tôi: “Em tranh thủ lúc các anh đi làm nhiệm vụ đã hái được một mớ rau má đây, thôi thủ trưởng đem cho thủ trưởng Tuấ một ít ăn với con cá nục muối này may ra đỡ đói”.”. Trong bóng đêm mờ tỏ sao trời, tôi nhìn thấy hai giọt lệ của sư trưởng lăn dài trên gò má hốc hác vì thiếu ăn, vì đói, và vì chiến trường ác liệt không có thời gian nghỉ ngơi, tìm giấc ngủ để quên đói.

Hoàn thành công tác nghiên cứu cứ điểm địch ở Hiệp Đức, đoàn chúng tôi hành quân trở về căn cứ. Khi đi qua một đám sắn hoang anh em phân công đào mót được một người khoảng 2kg sắn tươi. Có rau, có sắn và một ít lương thực còn làn, trưa hôm đó chúng tôi “liên hoan” với nhau một bữa tương đối no nê. Kiểm tra lại cả đoàn chỉ còn được 3 lon gạo và chừng 1kg sắn lát khô. 3 giờ chiều hôm đó, đoàn húng tôi gặp 6 chiến sĩ treo võng nằm ven rừng. Hỏi thăm anh em cho biết, 6 người đi cõng gạo, nhưng cửa khẩu bị địch càn chốt quân, trở về đến đây, bụng đói, người mệt không còn sức đi nữa. Tôi và anh Tuấn, bàn nhau trút hết số lương thực còn lại “cứu đói” cho 6 chiến sĩ, 6 chiến sĩ đó được gạo cũng không còn sức để đi nấu ăn, chúng tôi phải nhóm lửa nấu cho anh em một nồi cháo và gói số lương thực còn lại bỏ vào ba lô cho các chiến sĩ ăn ngày hôm sau.


Chuyến đi công tác gian nan, vất vả nhưng đạt kết quả. Bộ Tư lệnh sư đoàn tổ chức hội nghị xác định quyết tâm mở chiến dịch. Cuộc họp kéo dài trong 4 ngày. Nhưng khổ nỗi, cán bộ của sư đoàn về dự hội nghị lại không có gạo sắn cho anh em ăn. Hôm đó đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu đến sư đoàn nghe báo cáo tình hình và dự hội nghị. Biết sư đoàn khó khăn, đồng chí Tư lệnh cho 6 người mang lương thực về chi viện cho sư đoàn có ăn trong 4 ngày hội nghị. Có lương thực hội nghị sôi nổi hẳn lên. Sư đoàn hạ quyết tâm chỉ đạo các đơn vị ở 2 hướng chiến trường vượt lên hoàn thành nhiệm vụ.


Trong 40 ngày của chiến dịch, hướng chiến trường Quảng
Nam tiêu diệt hơn 1.500 tên địch đánh thiệt hại trung đoàn 51 ngụy. Ở chiến trường Quảng Ngãi trung đoàn 21 của sư đoàn 2, đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn cơ động của sư đoàn 2 ngụy, tiêu diệt hơn 500 tên. Cả hai hướng chiến trường của sư đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ diệt và kéo, kèm lực lượng cơ động của địch, để cho các địa phương ở hai tỉnh đánh diệt bọn bình định nông thôn, hỗ trợ cho nhân dân giành quyền làm chủ và trở về làng cũ làm ăn.

Ngày 10/6/1970, Bộ Tư lệnh sư đoàn 2 nhận được bức điện của Bộ Tư lệnh Quân khu. Nội dung bức điện như sau:


“Sư đoàn 2 kết thúc chiến dịch, cho bộ đội dứt chiến. Ngày 12/6/1970, khẩn trương rút các đơn vị về lại hậu cứ để nhận lệnh mới của Quân khu. Riêng trung đoàn 21 vẫn đứng nguyên vị trí và tiếp tục tác chiến ở chiến trường Quảng Ngãi. Khi trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), trung đoàn 31 rút quân, mỗi đơn vị để lại một đài 15W có đủ cơ yếu, báo vụ thường xuyên phát điện 1 ngày 2 lần, vào trưa và chiều, còn các bộ phận về hậu cứ vẫn làm việc thường xuyên bằng vô tuyến với Quân khu, để địch không phát hiện sư đoàn ở đâu”.


Bộ Tư lệnh sư đoàn chúng tôi cấp tốc triệu tập họp Thường vụ Đảng ủy sư đoàn để thông báo lệnh dứt chiến và rút quân của Quân khu cho các đồng chí trong Thường vụ biết, thảo luận kế hoạch đưa quân về hậu cứ bảo đảm an toàn. Cuộc họp bàn các nội dung như sau:

- Quán triệt tư tưởng chỉ đạo khi rút uqân.


- Kiểm tra công tác thương binh, thực hiện chính sách mồ mả liệt sĩ.


- Quán triệt công tác bảo mật phòng gian, chống địch phát hiện dấu vết hành quân.


- Bảo đảm lương thực cho hành quân và vận chuyển lương thực ở các cửa khẩu về hậu cứ để nuôi quân.


- Chuẩn bị công tác tổng kết chiến dịch và tiến hành hội nghị quân chính sư đoàn.


Cuộc họp Thường vụ Đảng ủy vừa tiến hành được 40 phút, thì sư đoàn nhận tiếp bức điện thứ hai của Bộ Tư lệnh Quân khu. Nội dung bức điện ghi rõ:


“Sư đoàn chỉ về hậu cứ củng cố mọi mặt trong vòng phạm vi 10 ngày, trong đó có phần sơ kết chiến dịch ở cấp trung đoàn, còn sư đoàn về tổng kết sau.

Sư đoàn chuẩn bị khẩn trương hành quân về vị trí đứng chân ở khu vực bắc đường số 9 thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn thuộc miền Trung nước Lào. Đợi lệnh”.


Đọc xong bức điện, chúng tôi cứ nghĩ rằng, do cơ yếu dịch nhầm. Bán tín bán nghi, tôi liền cho mời trưởng ban cơ yếu lên, bảo đồng chí phải dịch lại mật mã bằng chữ và ghi tọa độ trên bản đồ. Lần thứ hai, Bộ chỉ huy sư đoàn gồm bốn chúng tôi giở bản đồ tìm địa danh, vẫn đúng như lần trước: là hành quân ra đường 9
Nam Lào. Bộ chỉ huy sư đoàn triệu tập cuộc Thường vụ, phổ biến bức điện. Chúng tôi đọc lại bức điện một lần nữa, lòng vẫn nghi hoặc không hiểu vì sao địch ở miền Nam còn đầy rẫy, mà sư đoàn 2 Quân khu 5 lại điều ra đường 9 Nam Lào. Tôi và anh Hoàng Anh Tuấn, trực tiếp gọi điện thoại lên Quân khu xin gặp đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu, hỏi rõ về mật danh và tọa độ như vậy có đúng không. Vì sao sư đoàn phải di chuyển đi xa như vậy. Đồng chí Chu Huy Mân trả lời như sau: “Chấp hành đúng như bức điện, các đồng chí sư đoàn đã nhận lệnh của Quân khu, không hỏi thêm, không thắc mắc. Các đồng chí hãy nhớ: “Quân lệnh như sơn” nghiêm chỉnh chấp hành không hỏi lại. Một ngày gần đây tôi sẽ trực tiếp gặp sư đoàn tại địa điểm mới”.

Sau khi nghe điện thoại, tôi báo cáo lại trong cuộc họp Thường vụ, mọi người vẫn thấy lo lắng. Nhưng điều quan trọng, là nguyên tắc Đảng, cấp dưới phải phục tùng cấp trên và cán bộ quân đội cách mạng lúc nào cũng phải quát triệt, có lệnh là đi, có giặc là đánh, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là tiêu chí của các cấp lãnh đạo trước hết là Thường vụ Đảng ủy sư đoàn. Cuộc họp hết buổi sáng, Thường vụ sư đoàn bàn toàn diện, thành nghị quyết. Tôi được Thường vụ phân công trực tiếp truyền đạt nghị quyết cho cơ quan và các đơn vị kịp thu xếp mọi việc, chấp hành mệnh lệnh lui quân về hậu cứ. Liền sau đó các trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), trung đoàn 31, các đơn vị trực thuộc họp Đảng ủy từ cơ sở trở lên bàn triển khai kế hoạch, để các chỉ huy đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện. Đúng ngày 20/6, sư đoàn tổ chức kiểm tra từng đơn vị chuẩn bị hành quân, những bộ phận nhỏ ở lại chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của sư đoàn.


Trong khi trung đoàn 21 vẫn đứng chân tại Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định điều trung đoàn 141, ở Mặt trận Quảng Đà về đứng trong đội hình thuộc biên chế của sư đoàn 2.


Trung đoàn 141, được thành lập từ cuối năm 1950, đã tham gia các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, như chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 141, đã lập những chiến công vang dội ở Tràng Bạch, Thu Cúc, Lai Đồng, điểm cao 660 (Ba Vì). Được Bộ Tổng tư lệnh tặng danh hiệu
“Ba Vì anh dũng”. Tiếp theo là chiến thắng Sài Lương, Xốp Hào, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ với trận thắng Him Lam oanh liệt, nổi danh anh hùng Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đầu năm 1968, khi cuộc tổng tiến công nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam đang diễn ra quyết liệt, trung đoàn được lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường miền Trung. Sau một năm thử thách ác liệt, trung đoàn 141 đã lập nên những chiến công mới ở khu vực Túy Loan, Thượng Đức.

Như vậy, trung đoàn 21 ở lại Quảng Ngãi, xa đội hình sư đoàn, nhưng sư đoàn được bổ sung trung đoàn 141, càng làm cho đội hình và lịch sử chiến đấu của sư đoàn thêm phong phú, sức chiến đấu cũng tăng lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét