LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN



Trích hồi ký “ Đường ra trận “
của ông Nguyễn Đăng San - CCB Sư đoàn 2 

Đoàn quân sau mấy tháng hành quân đi bộ liên tục, vượt hàng trăm km đến gần ngã ba biên giới, Việt Nam- Lào- Căm Pu Chia, qua huyện Ngọc Hồi vào huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, đường hành quân vũ khí súng đạn, lương thực thực phẩm trên vai sức khoẻ bộ đội đã có phần giảm sút.
Nhân dân trên núi rừng Tây Nguyên, chịu đựng biết bao khó khăn gian khổ. Nhưng đồng bào vẫn một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, hôm nay chúng tôi về chiến đấu trên mảnh đất có văn hoá của Trường Ca Đam San và anh hùng Núp, cùng đứng lên lãnh đạo đánh Tây thắng lợi, nên cán bộ chiến sỹ đều xác định có khó khăn gian khổ ác liệt đến mấy cũng phải vượt lên. Cây cối vươn cao mấy người vòng tay nhau mới ôm hết một gốc cây to, rừng núi ẩm ướt ít người qua lại. Quân địch từng ví so sánh: Dốc Tây Nguyên- Gan Cộng sản.
Ngày đêm bộ đội qua dốc cao suối sâu, công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, trên lưng lúc nào cũng trên 60 kg súng đạn, quần áo, gạo, muối. Việc vận chuyển súng đạn cỡ lớn vào vị trí chiến đấu càng khó khăn hơn nhiều. Địch thường xuyên cho biệt kích thám báo vào bản làng quấy rối, xúi dục kẻ xấu nổi dậy, hổ báo thú giữ rình rập bắt người ăn thịt.

Gian khổ ác liệt đã có phần tử phản lại đồng đội, đi theo và chỉ điểm cho máy bay pháo kích địch đánh phá nơi trú quân. Nhưng bọn giặc đã bị đoàn quân cho một đòn choáng váng, không còn cơ hội tái chiếm cao điểm đồn bốt cũ.
Địch bắn vào khu trú quân hàng trăm quả đạn pháo 105 ly, bom từ những tốp máy bay F 105, AD6 và B52 rải xuống, nổ phá tan tành cả một khu rộng lớn, làm cho việc chiến đấu giữ chốt gặp nhiều khó khăn. Nhưng cán bộ chiến sỹ vẫn chiến đấu ngoan cường, xác định nhiệm vụ cho từng tổ công tác. Đồng đội thay nhau lên đánh chiếm điểm cao chiến đấu đến cùng, truy kích địch tái chiếm đồi Ngọc Tụ,(xã Ngọc Tụ thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum ngày nay).
Tổ trinh sát đi chốt giữ trên đường 14, một đồng chí bị thú dữ ăn thịt. Lúc đầu tưởng lộ vị trí phải di chuyển, đảm bảo an toàn trước giờ tiến quân đánh vào sào huyệt địch ở Tây Nguyên.

Thám báo biệt kích địch hoạt động mạnh bộ đội hạn chế ra sông suối tắm giặt,  đầu tóc quần áo chúng tôi bám đầy đất cát và khói bom đạn. Đến bữa phải cử người đi gần một giờ đồng hồ mới có cơm đem về ăn. Hàng tháng trời chiến đấu trên đất Cao nguyên. Đơn vị tôi hy sinh mất một số đồng chí, trong đó có anh Trần Văn Thành và Lê Quang Nhuận, hai anh cùng Trung đội.
Đầu tháng 4 năm 1972, lương thực thực phẩm gặp vô cùng khó khăn, mỗi chiến sỹ trong ngày được cấp 0,2 đến 0,3 kg gạo, đơn vị thay nhau đi đào củ chuối lấy măng tre nứa. Sau đó củ chuối măng rừng cũng không còn mà lấy cải thiện. Trong lúc đánh chiếm đồn bốt Ngọc Tụ vét được ít gạo địch bỏ lại hý hửng đem về, không biết gạo có thuốc mìn địch pha trộn đem nấu ăn với nhau, làm mấy anh bị nhiễm độc nặng phải cứu mãi mới sống.

Chiều ngày 23 tháng 4 đơn vị được lệnh cơ động xuống đánh vào cụm quân sự địch mạnh nhất tại Kon Tum lúc bấy giờ. Nuôi quân phát cho mỗi đồng chí mấy miếng sắn luộc, một nắm cơm nhai được hai miếng. Dù khó khăn gian khổ nhưng đồng chí nào cũng xác định và thực hiện theo đúng lời thề danh dự trong Quân đội. Đó là: Thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh không sờn lòng... Đơn vị hạ quyết tâm đánh thắng giải phóng bằng được cụm cứ điểm quan trọng của địch tại Đắk Tô II. Xứng đáng với truyền thống của Trung đoàn Ba Gia: Đánh là chiến thắng.

Khoảng 22 giờ đêm chúng tôi mang vác vũ khí súng đạn, cùng một bó cây dài hơn một mét bí mật qua mấy lớp rào dây kẽm gai, bò vào giữa sân bay thì pháo sáng địch bắn lên. Bộ đội nằm sát mặt đường băng hướng về lô cốt địch sẵn sàng chiến đấu. Đến vị trí phân công từng tổ nhanh chóng đào hầm, hạn chế tối đa tiếng cuốc xẻng.
Pháo cối địch từ cụm căn cứ bắn vượt về đường 14, xung quanh khu vực, đạn tiểu liên pháo sáng bắn cầm canh quan sát liên tục. Đại đội trưởng Lê Văn Khân, bò đến từng tổ chiến đấu kiểm tra chỉ hướng tấn công, đề phòng trong bốt địch đánh ra, anh động viên từng chiến sỹ của mình.
Hầm của từng tiểu đội chiến đấu được nhanh chóng đào xong, chúng tôi tựa vào nhau tâm sự: Hàng chục ngày nay bọn mình không được tắm giặt, quần áo đầu tóc bê bết đất cát, gian khổ ác liệt quá, đơn vị mình ăn toàn rau, măng, sắn, củ chuối rừng thay cơm, không biết ngày mai thế nào đây. Chiến tranh kết thúc chúng mình còn sống phải tìm đến nhà nhau chơi nhé: Riêng tiểu đội trưởng San về phố Bạch Mai, thành phố Hà Nội, Quỳnh nói với ông bố bà mẹ cùng toàn thể anh em trong gia đình, gả cho đồng chí một cô em gái rất xinh…

 Quê Khuyến vùng chiêm trũng Nam Định, dân làng chủ yếu theo đạo thiên chúa giáo, người dân quê mình cần cù chịu khó, con trai mười bảy mười tám đều lên đường đi đánh giặc, thôn xóm lúc này chỉ còn người lớn tuổi và chị em phụ nữ thay trai cày bừa đồng áng, người ngoài hậu phương miền Bắc hiện nay cũng vất vả không kém gì bọn mình ở mặt trận. Đồng lúa quê mình bằng phẳng thẳng cánh cò bay và gạo tám quê Khuyến thơm ngon nổi tiếng đấy…
Mấy anh em trong hầm nuốt nước bọt rồi nói; ước gì đêm nay có nắm cơm mà ăn thì sướng biết mấy. Thôi nhé, chúng mình phải chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm đã, đất nước hoà bình lúc đó có ăn cháo cũng sướng các đồng chí nhỉ. Bọn mình nhớ, khi đất nước thống nhất anh em mình còn sống phải tìm về đến nhà nhau chơi, nói lại những tháng ngày cực kỳ khó khăn gian khổ và ác liệt của chiến tranh, song cũng đầy tự hào vinh quang này.

Trong căn hầm nhỏ tôi điểm lại, mấy năm qua đơn vị đã lập lên nhiều chiến công ở mặt trận đường 9, trên cao nguyên Bôlôven Nam Lào. Trong niềm vui thắng trận, cũng không ít đồng chí hy sinh anh dũng, cùng tình cảm của đồng đội dành cho nhau trong những lúc nguy nan nhất của cuộc chiến. Ngày mai trận giáp mặt với kẻ thù hung bạo trong căn cứ, mỗi đồng chí lại phải vượt lên để chiến thắng vị trí quan trọng của địch trên Tây Nguyên, làm bàn đạp cho những trận chiến đấu tiếp theo của mặt trận. Tình đồng đội đã làm tôi bồi hồi nhớ lại, những tháng năm cùng nhau trên một chiến hào, vượt lên muôn vàn bão tố để chiến thắng quân thù.
… Ta đã cùng nhau chung sống một thời
Chung tiểu đội hành quân đi phía trước.
Đường Trường Sơn gian nan ta cùng bước
Một căn hầm mấy đứa ngủ chung nhau…


Trời vừa rạng sáng, địch trong cứ điểm phát hiện đã bị đơn vị tôi bao vây, ngay lập tức chúng bắn cấp tập đạn pháo 105 ly, cối 81ly, đạn đại liên và M79, cùng với 4 chiếc xe tăng chạy ầm ầm ra sân bay bắn phá tấn công đánh áp đảo để bắt sống đối phương.
Thấy xe địch chạy về hướng phục kích, Đại đội trưởng ra lệnh: Các đồng chí nhằm thẳng xe tăng địch, súng B.40- B.41 chuẩn bị bắn. Đợi xe địch chạy vào gần, đại trưởng Khân cầm khẩu B.41 bóp cò, quả đạn nổ bay vào chiếc xe địch đi đầu, chiếc xe đứt xích khựng lại cháy bùng lên, ba chiếc phía sau chạy vọt lên bắn về phía đơn vị.

Quả đạn từ khẩu M79 tôi bắn ra nổ vào tháp pháo xe tăng địch, các loại vũ khí đơn vị tôi nổ trút về phía chúng, xe tăng địch bắn tới tấp đại liên vào vị trí phục kích. Tôi lệnh cho đồng chí xạ thủ B.41 bình tĩnh đợi xe vào gần mới được bóp cò, quả đạn B41 từ khẩu súng đồng chí Côn bắn ra, nổ tung chiếc xe tăng đang hung dữ xông về phía chúng tôi.
Tiếng từ các hầm reo lên: Xe tăng địch cháy…cháy rồi… hai chiếc… hai chiếc tăng địch cháy các đồng chí ơi...
Mấy tên từ trong hai xe cháy nhảy ra bắn lại chống cự, ngay lập tức đã bị các đồng chí Khuyến, Quỳnh, và đồng đội dùng súng M79 và AK tiêu diệt. Hai chiếc tăng còn lại thấy thế bắn bữa bãi bỏ chạy. Cùng lúc ấy thì phân đội xe tăng của ta xuất hiện, thế là cả hai chiếc xe địch đã bị các chiến sỹ xe tăng ta nổ súng tiêu diệt.
Lúc này đạn pháo 105 ly, cối 81 của địch bắn liên tục vào khu vực chúng tôi chiếm giữ. Một lúc sau bốn xe tăng của ta từ phía Tân Cảnh chạy đến, một chiếc bốc cháy dữ dội, đồng chí lái xe và quay phim nhảy ra thoát hiểm chạy về phía chúng tôi. Anh phóng viên nhẩy vào hầm tiểu đội anh Hỗ, tiếp tục quay diễn biến trận đánh, đồng chí xe tăng chạy vào hầm tôi an toàn. Mấy phút sau anh hỏi về diễn biến trận đánh, rồi anh nói: Xe tăng của phân đội cùng với bộ binh của Sư đoàn 2, đánh và làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh xong, thì được lệnh về đây chiến đấu, nhưng xe của phân đội đã bị xe tăng địch bắn đứt xích và cháy thùng dầu phụ, tiếc quá…!
 Một lúc sau anh nói; các đồng chí đói lắm phải không…, nói xong anh lấy nắm cơm bẻ cho mỗi người một miếng. Vừa ăn xong miếng cơm gạo trắng của anh cho thật là ngon, thì nóc hầm tôi bị quả đạn cối 61 của địch bắn tới nổ đất cát rơi đầy người. Chúng tôi cười nói với nhau: Đêm qua nóc hầm làm ẩu, thì quả đạn cối địch vừa rồi đã chôn vùi ba chiến sỹ bộ binh C7- D2- E1- F2 và chiến sỹ phân đội xe tăng cùng một chỗ.

 Hình ảnh người chiến sỹ xe tăng trong trận chiến đấu ngày ấy, còn đậm mãi trong lòng tôi về những ngày vô cùng khó khăn ác liệt.



Hơn 10 giờ ngày 24 tháng 4 năm 1972. Đơn vị ra lệnh cho những người còn lại cầm súng vọt khỏi hầm đánh vào căn cứ địch. Tiểu đội được lệnh vòng phía tay trái, qua mấy lớp rào dây thép gai cắt dở tiến đến, lính địch trong cứ điểm bắn áp đảo mở lối chạy xuống sông Pô Kô, nhưng chúng đều bị các tay súng của đại đội 5 đại đội 6, cùng phân đội phục kích tiêu diệt.
Tổ chiến đấu qua được mấy lớp rào thép gai, vấp phải ổ súng đại liên địch không thể phát triển được, hai bên giằng co nhau từng thước đất. Đồng chí Hỗ phát hiện thấy hoả lực địch kìm chế, anh cho bắn quả đạn B40 vào cụm đại liên, hoả lực địch tắt, các mũi tấn công bắn cấp tập vào khu lô cốt, làm cho khói lửa trùm lên mù mịt, lợi dụng cơ hội tôi hô các đồng chí nhanh chóng tiến lên để chuẩn bị đánh vào khu trung tâm.

Tiểu đội tôi đang cơ động thì gặp tên lính địch người to cao bị thương vào cằm, đang quằn quại trong chiếc hố pháo mặt mũi đẫm máu, vẫy tay cầu cứu nói ú ớ trong mồm bằng tiếng nước ngoài pha Việt, chỉ tay vào miệng xin nước uống. Tôi thoáng nghĩ, có lẽ đây cũng là mấy phút cuối cùng ân hận của đời lính đi đánh thuê xâm lược.
Vừa nạp đạn xong thì phía sau các tổ vận động tới, tôi phân công đồng chí Hoài xạ thủ trung liên(RPD), bắn cấp tập uy hiếp số địch đang co cụm chống cự, để đồng chí Khuyến, Quỳnh và Thắng, vòng qua tay phải bắn yểm trợ ném lựu đạn. Các đồng chí được giao nhiệm vụ thực hiện theo đúng kế hoạch, đã quật ngã số địch ngoan cố, mấy tên còn lại chạy xuống bơi qua sông.
Đạn địch bắn đan chéo vô cùng dữ dội vào cánh tiểu đội, tôi cùng đồng đội lăn mấy vòng nổ súng tiêu diệt số chống đỡ, dập tắt được số địch đang co cụm trong cứ điểm.

Chúng tôi tiếp tục vận động đánh thẳng vào khu trung tâm chỉ huy chúng, tôi đang nổ súng bắn vào chiếc hầm thứ ba, thì khẩu M79 tôi sử dụng gẫy kim hoả. Trước tình thế nguy hiểm tôi yêu cầu các mũi nổ súng tiêu diệt bọn ngoan cố. Địch trong cứ điểm thấy không còn đủ khả năng chống cự đã gọi to vọng ra. “Xin các ông Cộng Sản đừng bắn, đừng bắn… để chúng tôi đầu hàng… ”. Số địch từ trong hầm bỏ vũ khí chạy ra giơ tay hàng.
Chúng tôi bắt binh lính địch giao ngay cho vệ binh để các đồng chí đưa ra khỏi khu vực đang bao vây truy quét. Đơn vị tôi cơ bản làm chủ được cụm quân sự địch Đắk Tô II, lúc gần 11 giờ, ngày 24 tháng 4 năm 1972.
Vừa đánh và làm chủ được căn cứ chúng mấy phút, thì tốp máy bay AĐ 6 địch từ hướng bắc lao tới đánh bom. Nhìn bom nổ lửa đỏ dội xuống, tôi hô lớn: Máy bay địch ném bom…bom Na Pan…bom cháy vào hầm…vào hầm ngay. Các đồng chí đang chạy từ hầm này sang hầm khác tiêu diệt bọn lẩn trốn, nghe thấy đã nhanh chóng vào hầm thoát nạn.

Cụm quân sự địch phủ kín một màu đỏ của bom đạn, binh lính nguỵ cùng quân xâm lược bị thương nằm rải rác trong ngoài cụm cứ điểm, bị ngọn lửa đỏ của bom đạn hung dữ thiêu huỷ. Nhìn binh lính vùng dậy chạy được mấy mét rồi quị xuống kêu hét chết cháy. Tôi nghĩ; bọn giặc dã man tàn bạo quá, nếu máy bay địch không ném bom bắn phá, thì rất nhiều binh lính chúng được sống sót.
Khoảng 15 phút sau tiếng bom đạn thưa dần. Như vậy đơn vị tôi đã chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm quan trọng của địch ở Đắk Tô II, căn cứ Phượng Hoàng, tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.
Sau khi đánh thắng chúng tôi được phân công chốt giữ trong chiếc nhà hầm nổi rất lớn, trong hầm địch thất trận bỏ chạy, còn khá nhiều vũ khí súng đạn, cùng trang thiết bị hậu cần cho binh lính. Khi thu nhặt lương thực thực phẩm tôi nghĩ, sao đơn vị mình lại may đến thế, nếu hôm nay không đánh thắng thu được chiến lợi phẩm như thế này, thì chúng tôi đói không biết như thế nào. Trong hầm anh em thu được máy thông tin điện đài PRC.25, súng tiểu liên cực nhanh AR15.
Tôi may mắn hơn, lượm được khẩu súng cùng một dây đạn 8 viên M.79 còn khá mới.Mừng quá tôi nói với đồng chí, Thắng, Quỳnh, Khuyến, Hoài, số đơn vị mình hôm nay rất may. Sáng nay xe tăng địch đưa ra tiêu diệt bắt sống anh em mình, nhưng chúng đã bị đơn vị ta bắn cháy 2 chiếc, tiêu diệt bắt sống hàng chục tên trong cụm quân sự mạnh nhất của chúng tại Tây Nguyên. Giải phóng Đắk Tô rồi không biết nước sông Pô Kô có chảy được ngược như quân giặc nói không,(trước đó địch tuyên truyền nếu Cộng sản đánh chiếm được Đắk Tô-Tân Cảnh, thì nước sông Pô Kô sẽ chảy ngược). Phút cuối đánh vào cứ điểm thì khẩu M79 của San mới bị gẫy kim hoả, súng vừa hỏng đạn sắp hết thì lại thu nhặt được khẩu M79 còn khá mới thay thế, anh em mình đang đói thì thu được lương thực, thực phẩm của địch. Chúng tôi nhìn nhau cười mà rơi nước mắt!

 Chiều tối các đơn vị phục vụ của ta từ trên núi xuống, vào hầm đốt đuốc tìm chiến lợi phẩm, để lửa rơi xuống sàn làm cho hầm lô cốt cháy. Tiếng hô trong hầm vọng lại báo cháy, thấy lửa đỏ tạt mạnh tôi hô mọi người cầm vũ khí ba lô thoát hiểm, anh Quỳnh nói; mẹ thằng nào đốt đuốc làm kho lô cốt cháy thế này, còn gì mà lấy được nữa. Khói lửa thốc mạnh vào mặt mũi ngạt thở, tôi cúi giáp xuống đất kéo được 2 khẩu súng chạy ra. Kiểm tra lại thấy anh em tiểu đội ra đủ, đồng chí Thắng không kịp đưa vũ khí trang bị ra theo.

Đơn vị được lệnh bàn giao cụm quân sự để mặt trận B3 quản lý. Trên đường cơ động về Kon Tum. Tôi và Nguyễn Văn Vặn gặp nhau, hai người cùng nhập ngũ ngoài miền Bắc và vào chiến trường với nhau một ngày. Vặn đang ở tiểu đoàn 3 (90) cùng Trung đoàn, chạy đến ôm chặt lấy tôi nói rất xúc động: Thế mà ai lại bảo là đồng chí hy sinh ở đường dây 559 rồi... Tôi nói; mình rất may trên cao điểm 748 và 723 ở chiến dịch đường 9, đến cao nguyên Bôlôven Nam Lào, trung đội mình bị quân giặc bao vây đánh phá rất ác liệt, anh em chốt giữ trên cùng cao điểm hy sinh gần hết, mình chỉ bị thương và sức ép nhẹ thôi.
Chúng mình trực tiếp cầm súng chiến đấu, còn đến ngày hôm nay là may lắm rồi đấy. Vặn hỏi: Đồng chí có nhận được tin tức gì ở quê nhà không? Nghe đâu, làng mạc khu mình bị máy bay Mỹ đánh phá dữ dội lắm. Bệ phóng tên lửa đóng ở xã Đồng Gia của bạn được pháo bắn bảo vệ dày đặc, thôn xóm mình toàn bị hứng bom của địch và đuôi thuốc đít tên lửa của ta cắt rơi xuống… Chúng tôi nói cho nhau biết số đồng chí cùng nhập ngũ đi chiến trường đã hy sinh mất các anh: Doanh- Xuân- Hiệu - Hùng - Càn… giờ chỉ còn lại có mấy người thôi. Sau đó Vặn hỏi; đồng chí có biên thư gửi về quê được không... Tôi trả lời; làm gì có giấy bút để viết mà gửi... Phút gợi nhớ của hai người về quê hương sao mà hồn nhiên tươi trẻ thế.

Thấy anh lặng người hạ thấp giọng nói: Không hiểu thế nào mà gần đây Vặn  thương người con gái nơi đóng quân quá San ạ. Nghe anh nói xong tôi nói; ngày còn trên đất Bình Giang, mình được mấy người cho biết là Vặn và Ninh yêu nhau lắm phải không?
Ngần ngừ mấy phút rồi Vặn kể: Tiểu đội mình đóng quân trong nhà bà Bát cả, tiểu đội đồng chí ở nhà bà Bát hai. Sau buổi học tập huấn luyện mình và cô ấy thường tâm sự với nhau, tớ giọng khàn khàn thuốc lào. Nhưng cũng học được vài làn điệu chèo để hát cho mấy cô ấy nghe. Ninh có cảm tình với mình, nhiều hôm hai đứa dắt tay nhau qua suối đi sang khu thao trường tâm sự, ngắm nhìn sao đổi ngôi, nghe tiếng chim cu và gà gô cất tiếng gáy, mà hai đứa xao xuyến đến rơi nước mắt. Tình yêu của hai đứa mình có mấy người trong đơn vị biết, và đến tai trung đội trưởng: Tô Sỹ Quảng, nên mình không được ở cùng nhà để ra vào gắm cô ấy nữa, mà phải di chuyển sang nhà ông bà Hải cùng xóm. Có hôm hai đứa đi năm sáu cây số ra thị trấn Phả Lại xem phim, trời mưa hai đứa đứng dưới bụi tre mơ ước, nếu đất nước mình không có giặc anh em mình không phải xa nhau, thì vui và hạnh phúc biết mấy.

Ông Bát hai bà vợ sinh được Đĩa to, Đĩa nhỏ (tức Ninh) và Văn, mấy cô con gái ông bà ấy khá là xinh. Làng Bình Giang có Len con ông Mát gia đình cô ấy hai anh em mình đã ở một thời gian, trong thôn còn có: Hương, Mơ, Lựu, Luyện và Na, họ cao to đẹp gái biết làm thơ hát đối với bọn mình, nhiều lúc lính đơn vị ta không sao vận thơ kịp để hát đối giao duyên.
Lửa tình lâu ngày cũng bén Vặn và Ninh yêu nhau say đắm. Ngày chuẩn bị đi chiến đấu mình nghĩ khó mà trở về với cô ấy được, nên đã nói với cô ấy là: Ninh đừng đợi Vặn nữa, em hãy đi xây dựng gia đình và khi sinh cháu, nhớ đặt tên có chữ cái vần (V) trùng với chữ cái của Vặn. Để hàng ngày gọi tên con mà nhớ tới mối tình của anh và em. Cô ấy gục đầu vào lòng khóc và nói sẽ đồng ý với đề nghị của Vặn.

Tôi và Vặn bảo nhau; nếu anh em mình còn nhất định phải về làng Bình Giang, để cám ơn các gia đình và những cô gái có cảm tình với anh em bộ đội. Một trong hai người còn về được thì thay mặt nói với nhân dân nơi đóng quân; là bọn mình rất nhớ và thương yêu cái làng quê bé nhỏ ấy.
Rồi Vặn ghé sát vào tôi nhấn mạnh: Nếu mình không may hy sinh, San còn may mắn trở về phải đến thăm và nói với Ninh hộ rằng; Nguyễn Văn Vặn vẫn ngày đêm nhớ về mối tình đầu của hai đứa ngày ấy.
Một lúc sau anh hỏi tôi; đơn vị đồng chí có đói lắm không, chứ đại đội mình hàng chục ngày nay gian khổ quá, đêm qua Vặn vào khu đồn bốt Trung đoàn ta đánh thắng làm chủ, mà không nhặt được một tý lương thực thực phẩm gì cho vào bụng. Mấy hôm nay đơn vị vận động đánh địch liên tục, mà chỉ có mấy miếng sắn nhỏ cho vào bụng thôi.

Tôi mở ba lô lấy đưa cho anh ba gói cơm sấy và hai hộp thịt ba lát nhỏ, vừa mới thu nhặt được trong hầm hào lô cốt địch. Đồng đội bắt tay tạm biệt những ngày vô cùng khó khăn ác liệt trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, hẹn gặp nhau ngày Nam Bắc thống nhất, trên quê hương Kim Thành của Hải Dương yêu dấu.
Nhưng rồi Nguyễn Văn Vặn một anh lính nhỏ bé nhanh nhẹn, cũng đã phải hy sinh trong một trận chiến đấu với quân thù tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, vào một chiều cuối thu ngày 06 tháng 10 năm 1972.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét