LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

CHIẾN CÔNG TIÊU DIỆT CẤM DƠI

Khi ta hoàn thành trận đánh tiêu diệt Cấm Dơi, đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong bản tin ngày 21.8.1972 bình luận: “Mất Quế Sơn, một chi khu quận lỵ có căn cứ Cấm Dơi được phòng ngự mạnh vào bậc nhất Việt Nam chứng tỏ quân đội Việt Nam Cộng hòa không đủ sức đương đầu với cộng sản ở Nam Việt”.


NỖI ĐAU LỚN
Cấm Dơi - cứ điểm lớn của địch bố trí ở vùng tây Quế Sơn, tập trung cả pháo tầm xa, công sự vững chắc, khống chế yết hầu tây nam của căn cứ quân sự Đà Nẵng, chắn con đường chiến lược nối vùng tây xuống phía đông, đồng bằng ven biển Quảng Nam. Mọi động tĩnh, an nguy của Cấm Dơi, chỉ trong chốc lát sẽ có quân chi viện cơ động từ Đà Nẵng lên. 
Ta đã tổ chức đánh Cấm Dơi nhiều lần nhưng không bứt được cứ điểm này hoàn toàn. Có trận ta đánh quyết liệt, song sau đó địch chiếm lại và củng cố chắc hơn. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân 1968, vào cuối năm 1967 cả Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2 của Quân khu 5 đi khảo sát xây dựng phương án đánh Cấm Dơi, bất ngờ bị máy bay trinh sát địch phát hiện trên dải Động Mông - Đá Hàm của Hòn Tàu. Rồi máy bay trinh sát Mỹ gọi thêm 4 chiếc HU1A ào tới, quét trung liên, Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ ra lệnh chiến đấu. Ở thế bất lợi, toàn bộ các đồng chí chỉ huy của Sư đoàn 2 từ Sư trưởng Lê Hữu Trữ đến Chính ủy Nguyễn Minh Đức, các cán bộ chủ chốt của các ban tham mưu, hậu cần, chính trị và các Trung đoàn trưởng 21, 31 đều hy sinh.

RỬA HỜN
Do làm nhiệm vụ đi thị sát, điều nghiên chuẩn bị một hướng khác. Lúc máy bay địch ào tới thì anh Nguyễn Chơn còn ở Sơn Long.

Tổn thất của Sư đoàn 2 quá lớn, khiến sau đó, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia do Nguyễn Chơn chỉ huy đã thề quyết tổ chức một trận tiêu diệt Mỹ để rửa hờn. Trận đánh lớn ở An Sơn (Hiệp Đức) nổ ra vào đầu tháng giêng năm 1968 đã loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên Mỹ là một chiến công được lập nên từ nỗi đau thương biến thành hành động như thế.

QUYẾT TÂM NHỔ GAI “ CẤM SƠN”
Trận đánh Cấm Dơi - Quế Sơn vào tháng 8.1972 là một chiến công lớn của quân chủ lực Khu 5, trong đó đơn vị thực hiện chủ yếu là Sư đoàn 711 (thành lập vào 7.11.1971 - Nguyễn Chơn từ Sư đoàn 2 mới được điều về chỉ huy Sư đoàn 711). Trước tháng 8 thì sư đoàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức các trận đánh “bóc vỏ” ngoại vi, và đến đầu tháng 8,.
Anh Hai Mạnh (Đại tướng Chu Huy Mân) xác định trận đánh Cấm Dơi có ý nghĩa chiến lược lớn nên đích thân xuống chỉ đạo, điều pháo xe kéo loại 130 ly, hỏa tiễn có điều khiển B72. Đây là loại hỏa lực mạnh lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường đồng bằng Khu 5, do  đó tạo thế bình phong từ phía sau để Nguyễn Chơn thỏa sức tung hoành.

Trước khi đánh Cấm Dơi, ta cũng đã giải phóng Hiệp Đức (30.4.1972), do đó có thể kéo pháo lớn lên các điểm cao để pháo kích vào căn cứ địch ở quận lỵ Quế Sơn. Trung đoàn 38 của anh Trí (sau này lên Thiếu tướng) nhận lệnh tác chiến trên vùng rộng phía tây nhằm nghi binh che mục tiêu chủ yếu.

Nguyễn Chơn vốn là người chỉ huy gan dạ, điều nghiên sát tận hàng rào căn cứ địch. Vì vậy, khi trình bày quyết tâm với quân khu anh cũng đầy cơ sở lập luận. Tuy nhiên, trận đánh sắp mở màn thì địch liên tục điều máy bay ở Đà Nẵng lên quần đảo, và các báo cáo quân báo cho thấy địch có thể nắm bắt ý đồ của ta nên rục rịch điều quân tăng viện..
Trong khi ta đã bố trí gần xong thế trận đánh vào Cấm Dơi mà quyết tâm đánh hay không còn phải bàn. Mà thực là địch dường như “ngửi thấy” ý đồ của ta, tăng viện thêm hai khẩu pháo lớn cho căn cứ này. Pháo địch vừa kéo lên tới quận lỵ Quế Sơn thì cũng đúng lúc ta pháo kích. Ai dè một quả pháo trúng ngay vào khẩu 175 ly của địch, một quả trúng vào khẩu kia làm hư bánh xe. Địch hoảng hốt, cho rằng ta phát hiện và điểm pháo phá hủy vũ khí hạng nặng của chúng. Tin này làm rúng động hàng ngũ địch ở căn cứ Cấm Dơi, tạo thêm điều kiện để anh Chơn đặt quyết tâm cao bứt nhổ cứ điểm này.
Lại nói khi ta đã cài gần xong thế trận đánh Cấm Dơi thì có điện của Bộ Tổng tham mưu yêu cầu dừng trận đánh nếu không chắc thắng. Lúc ấy, nếu quân của Nguyễn Chơn phải dừng và lui ra thì sẽ thiệt hại lớn.
Lại nói, Nguyễn Chơn là con người quyết đoán, nắm được thời cơ, ngày 18.8.1972, với sự hỗ trợ của hỏa lực các loại của Sư đoàn 711 và hỏa lực tăng cường của quân khu, có pháo 130 ly lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường đồng bằng Khu 5, dồn dập bắn vào Cấm Dơi, quận lỵ Quế Sơn. Cùng lúc các cánh quân vây lấn của ta tiếp cận cứ điểm địch. Đến 1 giờ 15 ngày 19.8, mũi ở hướng chủ yếu của ta là Trung đoàn 31 và mũi ở hướng thứ yếu của Trung đoàn 38 đã chiếm được các khu vực phân công. Ở hướng của Trung đoàn 38, phát hiện quân ta đang cắt rào, xe tăng địch tiến ra phản kích quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng mép rào, mõm đá…

8 giờ ngày 19.8.1972, theo tin quân báo, các đơn vị địch có thiết giáp đi kèm theo đường 105 từ Núi Quế tiến về phía Cấm Dơi, Sư đoàn 711 lệnh cho Trung đoàn 9 đánh chặn lực lượng địch tăng viện. Ta dùng hỏa lực mạnh với pháo 130 ly, hỏa tiễn có điều khiển B72, cối 120 ly,  hơn 10 khẩu DKZ 75 và 82 ly  bắn dồn dập các khu vực cố thủ của địch ở trong cùng. Dứt đợt pháo, quân ta xung phong vượt cửa mở đánh vào tung thâm. Quân địch chống cự quyết liệt nhưng đến 10 giờ sáng, bộ đội ta đã phát triển đến sở chỉ huy Trung đoàn 5 ngụy. Tên Đại tá Tôn Thất Lữ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 ngụy chết tại trận. Khoảng 11 giờ, lá cờ chiến thắng của ta được kéo lên trên cứ điểm địch. Cấm Dơi thất thủ, các lực lượng ta thừa thắng xông lên làm chủ hoàn toàn quận lỵ Quế Sơn, đồng thời triển khai truy kích các cánh quân địch tháo chạy.

18 giờ ngày 19.8.1972, trận đánh địch trong công sự vững chắc ở Cấm Dơi, tiêu diệt quận lỵ Quế Sơn và đánh địch tháo chạy kết thúc. Thung lũng Quế Sơn, sau 18 năm bị địch chiếm đóng đã được giải phóng.

Với trận tổng tấn công vào công sự vững chắc của địch ở Cấm Dơi, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Quế Sơn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3 nghìn tên địch, xóa sổ phiên hiệu 7 tiểu đoàn địch. Đặc biệt trong trận này ta đã phá hủy 40 khẩu pháo lớn của địch, thu hơn 500 súng các loại và 30 xe cơ giới, trong đó có 12 xe M113 và xe tăng. Chiến công này đã vang danh trong lịch sử quân sự đất Quảng, là trận đánh thắng lớn sau mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, cho thấy thực lực ta có thể đánh bại quân chủ lực địch với cách đánh hiệp đồng binh chủng.

Nguồn : Báo QUẢNG NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét