LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

ĐÁNH THẮNG NGAY TRẬN ĐẦU

Chiến trường Khu V, trong kháng chiến chống Mỹ gồm 6 tỉnh đồng bằng ven biển Miền Trung: Quảng Đà, Quảng Nam (nay là tỉnh Quảng Nam & TP Đà Nẵng), Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và 3 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc (nay là Đăk Lăk và Đăk Nông).

Phần lớn đất đai Khu V là rừng núi hiểm trở. Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng, giữ vị trí chiến lược trọng yếu ở chiến trường Miền Trung Đông Dương. Đồng bằng ven biển là kho nhân lực, tài lực, nơi có khả năng khai thác lực lượng tại chỗ cho kháng chiến lâu dài. Các cảng Đà Nẵng, Cam Ranh, Quy Nhơn là những quân cảng lớn, tàu biển trọng tài 1 vạn tấn có thể ra vào dễ dàng. Ở khoảng giữa của Tổ quốc, trước mặt là Biển Đông, phía sau có dải Trường Sơn, và Tây Nguyên hùng vĩ. Khu V là chiến trường có vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc, là căn cứ địa vững chắc và lâu dài của cách mạng, là chỗ dựa và bàn đạp để toả ra các hướng chiến lược khác ở phía Nam Đông Dương.
Do có vị trí chiến lược xung yếu như vậy cho nên ngay từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ - nguỵ đã chọn Khu V là một trong những địa bàn tập trung đánh phá, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.
Sau hơn 6 năm kiên trì và anh dũng đấu tranh, nhân dân Khu V đã cùng với nhân dân miền Nam đánh bại chính sách thống trị độc tài, phát xít thông qua biện pháp chiến lược “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm.
Nhằm cứu vãn bọn tay sai khỏi nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, đầu năm 1961, đế quốc Mỹ lại chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với quốc sách “Ấp chiến lược” và “Kế hoạch Stalây- Tay lo” để bình định Miền Nam trong vòng 18 tháng
Cuộc đọ sức giữa địch và ta từ đầu năm 1961 đến cuối năm 1963 diễn ra giằng co, vô cùng quyết liệt. Địch “bình định”, gom dân, lập “Ấp chiến lược”. Ta chống “bình định”, giành dân, giữ dân, mở rộng vùng làm chủ. Địch càn quét, ta chống càn quét. Cuộc chiến đấy anh dũng, bất khuất của nhân dân Miền nam đã đầy cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ vào con đường hầm không có lối thoát. 
Kế hoạch Stalây - Tay lo, tuy đã kéo dài thêm một năm nhưng vẫn không thực hiện được. Đế quốc Mỹ buộc phải phế bỏ anh em Diệm - Nhu để cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Việc thay ngựa giữa dòng đã không xoay chuyển được tình thế mà còn làm cho các kế hoạch chiến tranh của Mỹ thêm khó khăn. Cao trào đấu tranh vũ trang và chính trị của nhân dân Miền Nam ngày càng phát triển.
Đến cuối năm 1964, quân và dân Khu V đã phá tan 1248 ấp chiến lược ở đồng bằng và 292 ấp chiến lược ở miền núi. Số dân làm chủ và tranh chấp lên đến 1,897 triệu người. Căn cứ là vùng rừng núi nối liền từ Trị - Thiên đến Đắc Lắc. Vùng giải phóng ở đồng bằng xã liền xã, huyện liền huyện, hình thành trong thế bao vây, uy hiếp các thị xã, thị trấn, căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ - nguỵ. Đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân nông thôn và đô thị lên mạnh.

Tiếp đến Xuân - Hè 1965, các đơn vị chủ lực và địa phương trong khu đã đánh một loạt trận xuất sắc: tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh và một chi đoàn xe bọc thép M113 của sư đòan 22 nguỵ ở Đèo Nhông (Phù Mỹ - Bình Định); tập kích tiêu diệt 300 quân Mỹ, phá huỷ 42 máy bay ở căn cứ Hô-lu-uây và sân bay Cù Hanh (Gia Lai); tiêu diệt gọn một chiến đoàn quân nguỵ ở Ba Gia (Quảng Ngãi); tấn công sân bay Đà Nẵng (Quảng Đà) và sân bay Nha Trang (Khánh Hoà) phá huỷ gần 80 máy bay, diệt hàng trăm tên giặc lái Mỹ. Quân Nguỵ buốc phải rút bỏ các quận lỵ, thị trấn: Tam Quan, Vân Canh (Bình Định), Thuận Mẫn (Đắc Lắc). Đường số 1 từ Tài Lương đi Bình Đê (Hoài Nhơn - Bình Định), nơi tiếp giáp giữa Quân khu 1 và Quân khu 2 của địch bị cắt đứt. Cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng sôi động. 10 vạn nhân dân Quảng Ngãi kéo vào thị xã đòi quân Mỹ rút về nước, đòi xác chồng con bị chết trận.


Chiến lược chiến tranh đặc biệt bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Quân chiến đấu Mỹ ào ạt đổ vào Miền Nam, chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 -1965), Mỹ đã đưa vào chiến trường khu 5 hai sư đoàn lính thuỷ đánh bộ số 1 và số 3; sư đoàn kỵ binh không vận số 1, lữ đoàn 1 sư đoàn dù 101. Tháng 10, chúng đưa vào thêm sư đoàn Mãnh Hổ và lữ đoàn 1 sư đoàn Rồng Xanh lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Tổng quân số của địch trên chiến trường khu 5, từ 156.000 tên cuối năm 1964 tăng vọt lên 257.000 tên vào cuối năm 1965 (104.000 quân Mỹ). Cùng với quân lính, một khối lượng vũ khí, trang bị khổng lồ gồm 1200 máy bay, 600 đại bác, 855 xe tăng, xe bọc thép và nhiều phương tiện chiến tranh khác được Mỹ cho đổ bộ ồ ạt lên bờ biển Khu V.
Quy mô và cường độ chiến tranh đã khác trước. Cuộc chiến đấu của quân, dân miền Nam, quân và dân Khu V bước sang giai đoạn mới.
Nắm vững quy luật và nhạy bén trong chỉ đạo chiến tranh, lại được sự chi viện tích cực của hậu phương lớn, chỉ từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1965, Khu V đã tăng nhanh các đơn vị chủ lực từ 2 trung đoàn lên 6 trung đoàn (1). Bước phát triển nhảy vọt về lượng tạo ra sự nhảy vọt về chất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo ra hàng loạt chiến thắng vang dội trong mùa Xuân và mùa Hè năm 1965, góp phần đẩy nhanh tốc độ sụp đổ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt “ của đế quốc Mỹ.
Trong tình hình mới, trước đối tượng tác chiến mới, quy mô tác chiến tập trung cao hơn, yêu cầu đánh tiêu diệt địch lớn hơn, do đó nhất thiết phải có những đơn vị tập trung lớn hơn mới đáp ứng kịp yêu cầu của chiến tranh trong bước ngoặt mới.
Lúc này, vùng giải phóng đã bao gồm tuyệt đại bộ phận vùng rừng núi và phần lớn nông thôn đồng bằng. Phần lớn khối nhân lực và tài lực của vùng đồng bằng ven biển đã nằm ở trong tay ta. Đường hành lang chiến lược Bắc – Nam ngày càng mở rộng. Mức độ chi viện của hậu phương lớn cho chiến trường ngày một tăng nhanh. Yêu cầu khách quan và điều kiện chủ quan đã đủ.
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Thường vụ Đảng uỷ Quân Khu V họp và ra quyết định thành lập các sư đoàn chủ lực.

Sư đoàn 2, với các trung đoàn bộ binh 1; 21; tiểu đoàn bộ binh 70, tác chiến trên địa bàn trọng điểm của quân khu từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam.
Sư đoàn 3, với 3 trung đoàn 2, 12, 22, địa bàn tác chiến chủ yếu từ Quảng Ngãi đến bắc đường 19.
Trung đoàn 10 ở Phú Yên.
Cùng lúc này Tây nguyên thành lập sư đoàn 1 gồm các trung đoàn 320, 33, 66.
Khối chủ lực mạnh, cơ động trên các hướng kết hợp với phong trào đấu tranh du kích phát triển rộng rãi, đều khắp ở cả 3 vùng chiến lược, kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, tạo nên thế trận bao vây tiến công địch mọi chỗ, mọi nơi.

Có mặt trong đội hình chiến đấu của sư đoàn trong ngày đầu thành lập là các trung đoàn 1, trung đoàn 21, tiểu đoàn 70 bộ binh, tiểu đoàn pháo cối 12, tiểu đoàn súng máy phòng không 14, và các đơn vị bảo đảm.

*Trung đoàn 1 là đơn vị mang truyền thống trung đoàn 108 của Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn đã có mặt tại chiến trường ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương diệt kẹp, phá ấp, giành dân, mở phong trào trong những năm 1960-1961.

Tháng 11 năm 1963 (20-11-1963), theo quyết định cuả Quân Khu V, trung đoàn bộ binh 1 - một trong hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường được thành lập. Lúc này trung đoàn còn kiêm nhiệm vụ của tỉnh đội Quảng Nam. Các đồng chí Quách Tử Hấp, Trung đoàn trưởng kiêm Tỉnh đội trưởng, Dương Loan (Liên) Chính uỷ kiêm Chính trị viên tỉnh đội.
Cuối năm 1963, thực hiện chủ trương xây dựng và đẩy mạnh tác chiến tập trung, trung đoàn tách khỏi nhiệm vụ địa phương để chăm lo xây dựng thành một đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu. Biên chế trung đoàn lúc này có các tiểu đoàn bộ tinh 40, 60, 90, tiểu đoàn trợ chiến 400.
Đồng chí Phạm Huy Minh về làm Trung đoàn trưởng thay đồng chí Quách Tử Hấp, đồng chí Nguyễn Đình Trọng (Huyền) làm chính uỷ thay đồng chí Dương Loan.
Vừa tập trung lại, trung đoàn đã liên tiếp lập công xuất sắc. Trong hoạt động mùa thu năm 1964, trung đoàn đã đánh trận Kỳ Sanh - trận thắng có ý nghĩa lớn, mở đầu đánh bại chiến thuật thiết xa vận của địch trên chiến trường đồng bằng Khu V. Mùa xuân 1965, trung đoàn tiêu diệt cứ điểm Việt An, phá vỡ phòng tuyến sông Khang của địch ở tây Quảng Nam. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu cao tinh thần “nắm thắt lưng địch mà đánh”, liên tiếp đánh bại 5 cuộc hành quân giải toả dọc theo đường 16 của địch.
Mùa hè năm 1965, được tăng cường tiểu đoàn 45, trung đoàn phối hợp cùng lực lượng địa phương và nhân dân Quảng Ngãi mở chiến dịch ở tây Sơn Tịnh. 
+ Trong trận đầu, tiểu đoàn 90 của trung đoàn tiêu diệt gọn tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 nguỵ. 
+ Trận thứ 2, trung đoàn tập trung 3 tiểu đoàn, diệt gọn một chiến đoàn nguỵ gồm tiểu đoàn 39 biệt động quân, tiểu đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ, tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 nguỵ. 
+ Trận thứ 3, đánh công sự vững chắc, diệt gọn cứ điểm Gò Cao do một tiểu đoàn quân nguỵ đóng giữ. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu ba kỷ lục: tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn địch, trung đoàn ta diệt chiến đoàn địch, trung đoàn ta diệt tiểu đoàn địch trong cứ điểm có công sự vững chắc. Trung đoàn còn hỗ trợ cho địa phương tiến công và nổi dậy diệt địch giải phóng 27 xã với 20 vạn dân. Đây là chiến dịch tấn công tổng hợp đầu tiên tương đối hoàn chỉnh ở chiến trường Khu V. Với chiến thắng này trung đoàn được mang danh hiệu Trung Đoàn Ba Gia.
Quân Mỹ vào, trong điều kiên ta 1 địch 8, trung đoàn đã đánh bại hoàn toàn cuộc ra quân đầu tiên của 8 nghìn lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Vạn Tường (18-8-1965). Đây là trận đánh Mỹ và thắng Mỹ đầu tiên của các đơn vị bộ đội chủ lực ta ở chiến trường Miền Nam.
Từ bám dân, bám đất, đánh du kích hỗ trợ phong trào địa phương, trưởng thành lên, trở thành một đơn vị chủ lực mạnh, trung đoàn là đơn vị nòng cốt của sư đoàn. 
* Trung đoàn 21, thành lập tháng 4 năm 1965 tại tỉnh Hà Bắc. Phần lớn cac chiến sĩ của trung đoàn là con em của nhân dân 2 tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) và Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng yên). Một số từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển ngành về điạ phương công tác, nay trở lại đội ngũ theo tiếng gọi chống Mỹ, cứu nước của Đảng. Cán bộ từ đại đội đến trung đoàn là những sĩ quan được đào tạo cơ bản ở các trường trung, cao cấp quân sự, chính trị, trường sĩ quan lục quân, có kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp. Các đồng chí Phan Viên trung đoàn trưởng, Nguyễn Ngọc Tiến là chính uỷ Trung đoàn.
Được sự chăm sóc tận tinh của đảng uỷ Bộ Tư lệnh quân khu Tả Ngạn, các tỉnh uỷ Hà Bắc, Hải Hưng và nhân dân địa phương, trung đoàn khẩn trương rèn luyện, xây dựng. Tháng 7 - 1965 trung đoàn hành quân vào chiến trường.
Trung đoàn 21 là biểu tượng rực rỡ của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của tình cảm ruột thịt Bắc - Nam.
* Tiểu đoàn 70 bộ binh, là tiểu đoàn tập trung của tỉnh đội Quảng Nam. Phần lớn cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn là bộ đội Khu V tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Gắn chặt với phong trào địa phương, tiểu đoàn phân tán từng đại đội, trung đội để diệt ác, phá kìm, phát động quần chúng gây cơ sở. Cuối năm 1962, tiẻu đoàn cùng các đơn vị chủ lực của Quân khu mở chiến dịch vượt sông Tiên, giải phóng một khu vực liên hoàn 7 xã. Sau đó tiểu đoàn trụ lại, chiến đấu liên tục trong 6 tháng cùng với nhân dân và du kích điạ phương đánh bại chiến dịch “Bình Châu” của 10 tiểu đoàn quân Nguỵ, giữ vững khu căn cứ Sơn Cẩm Hà. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, tiểu đoàn ngày một trưởng thành, liên tiếp đánh địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ trong nhiều vùng rộng lớn ở Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn. Đặc biệt, trong hoạt động hè năm 1965, tiểu đoàn đã đánh một trận xuất sắc tiêu diệt gọn tiểu đoàn 4 trung đoàn 6 sư đoàn 2 nguỵ ở Mộc Bài (6-7-1965), nêu kỷ lục lần đầu tiên trên chiến trường: tiểu đoàn địa phương ta tiêu diệt tiểu đoàn chủ lực nguỵ.
*Tiểu đoàn súng máy phòng không (tiểu đoàn 19-5), thành lập ngày 19/5/1965 tại Đền Hùng - Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Sinh ra tại đất Tổ và đúng ngày sinh của Bác, tiểu đoàn được vinh dự mang tên tiểu đoàn 19-5.
Cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn hầu hết là con em của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Sư đoàn quân Tiên Phong, sự chăm sóc ruột thịt của nhân dân Hà Nội, tiểu đoàn nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp nhận trang bị và huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật.
Cuối tháng 7 năm 1965, theo lời kêu gọi đánh Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu đoàn 19-5, với hào khí Đông Đô – Thăng Long - Hà Nội, lên đường vào Nam đánh Mỹ.
*Tiểu đoàn 12 pháo cối, thành lập tháng 4-1965 tại Đông Lĩnh, tỉnh Thanh Hoá. Chiến sĩ của tiểu đoàn phần lớn là con em nhân dân Thanh Hoá. Cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn là của trung đoàn pháo binh 164 Quân khu 4.
Tiều đoàn gồm 1 đại đội súng cối 120 mm, một đại đội ĐKZ 75mm và một đại đội sơn pháo 75mm (2 khẩu). Là một đơn vị pháo phải mang vác cho nên việc di chuyển rất nặng nề, vất vả. Phát huy truyền thống “chân đồng vai sắt“ của pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam, tiểu đoàn đã nêu cao tinh thần khổ luyện, khổ tập.
Tháng 8-1965, những người con của đất Lam Sơn lịch sử lên đường vào Nam chiến đấu. Đường xa, nhiều đèo dốc mang vác nặng nhưng chỉ non 2 tháng tiểu đoàn đã đưa đủ pháo, đạn đến chiến trường đúng thời hạn.
Trong đội ngũ sư đoàn, còn có các đơn vị thông tin, trinh sát, công binh, quân y, vận tải… những đơn vị được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là các đơn vị của trung đoàn 1 đã từng lăn lộn chiến đấu trên chiến trường từ những ngày đầu đánh Mỹ.
Bộ Tư lệnh sư đoàn gồm : 
*đồng chí Nguyễn Năng (Việt) Sư đoàn trưởng, 
*đồng chí Nguyễn Minh Đức (Đạo) Chính uỷ, 
*đồng chí Lê Hữu Trữ (Thạch) Sư đoàn phó.
-Cơ quan chính trị do đồng chí Nguyễn Thiệu (Nguyễn Trọng Nghĩa) làm Phó chủ nhiệm 
(Tháng 12-1965, đồng chí Bùi Dư về làm Chủ nhiệm chính trị).
-Cơ quan hậu cần do đồng chí Nguyễn Thanh Phong làm chủ nhiệm


Nguồn : Khucquanhanh.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét