LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Cấm Dơi lừng lẫy

Âm mưu
Đầu năm 1967, Mỹ ào ạt đổ quân vào Quế Sơn, chọn Cấm Dơi xây dựng căn cứ quân sự của Lữ đoàn 173 (thủy quân lục chiến) và đặt tên “Ross”.
Đây là một trong những căn cứ lớn của chúng tại Quế Sơn với nhiều phương tiện hiện đại. Sau gần 1 tháng, chúng chặt phá gỗ quý, san bằng Rừng Cấm, xây công sự, hầm, hào với mục đích trở thành tuyến phòng thủ quan trọng để bảo vệ từ xa căn cứ liên hợp hải - lục - không quân tại Đà Nẵng.
Căn cứ được xây dựng với hệ thống công sự bê tông cốt thép, hệ thống bảo vệ được bố trí tầng ngoài, tầng giữa xen kẽ lô cốt với nhà hầm bê tông kiên cố. Trận địa pháo gồm 105 ly và 155 ly, cối 81 ly, cối 106 ly... đặt ở khoảng đất bằng giữa hai đồi Cấm Dơi và Đồi Gai. Sân bay cho HU1A, HU1B, tàu gáo, tàu rọ được bố trí phía nam đồi Cấm Dơi. Các ổ đề kháng DKZ75, đại liên cũng bố trí ở vị trí cao nhất mỏm đá của hai đồi này. Để bảo vệ căn cứ Cấm Dơi, chúng dựng 12 lớp rào kẽm gai, 6 lớp cọc sắt đan ô vuông thẳng đứng cao 2 mét, 6 lớp bùng nhùng kết hợp các loại mìn ba chấu, mìn ríp, mìn calaymo... Cứ khoảng 10-15 mét có 1 trụ đèn pha cao áp.

Cuối năm 1971, quân Mỹ rút khỏi Quế Sơn bàn giao chi đoàn thiết giáp cho quân chủ lực gồm Trung đoàn 5, Trung đoàn 6 thuộc Sư 2 bộ binh ngụy. Tại đây còn có Tiểu đoàn 77 biệt động quân biên phòng, 1 chi đoàn xe bọc thép và hơn 10.000 quân gồm một số đại đội địa phương, nghĩa quân, dân vệ. Quân chủ lực án ngữ và bảo vệ căn cứ Cấm Dơi phía bắc có dãy Động Mông, Đá Hàm; phía tây nam có Hòn Chiêng, Núi Đất, đồn Lạc Sơn; phía tây có Bằng Thùng; phía đông có quận lỵ Quế Sơn do lính địa phương trấn giữ.

Trận đánh oanh liệt
Vào khoảng tháng 4.1972, các đại đội trinh sát của quân khu và trinh sát sư đoàn 711 đã tiếp cận Cấm Dơi.
Du kích Sơn Lãnh có nhiệm vụ dẫn đường cho các đơn vị trinh sát chuẩn bị chiến trường. Các đồng chí trinh sát chia thành tổ 3 người, dùng lá khoai lang giã nhỏ trộn lọ nồi để ngụy trang, chui qua 12 lớp kẽm gai chằng chịt, trận địa mìn dày đặc và hệ thống đèn chiếu. Dù căn cứ địch được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng các trinh sát vẫn đột nhập vào được bên trong để kiểm tra tất cả lô cốt, hầm, hào của sở chỉ huy, các trận địa pháo, DKZ. Sau những ngày gian khổ chuẩn bị cho trận đánh sắp nổ ra, tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối. Tháng 7.1972, tôi còn nhớ có một vị chỉ huy cao cấp của sư đoàn đi kiểm tra lần cuối, sau này được biết là Sư đoàn trưởng 711 Nguyễn Chơn.
alt
Nhà thờ ở Quế Sơn bị Mỹ ném bom ngày 18.8.1972.        Ảnh tư liệu

Tối ngày 16.8.1972, đơn vị du kích Sơn Lãnh được chia thành 2 tổ dẫn đường bộ đội tập kết tất cả vị trí đã chuẩn bị. Một tổ du kích đưa đoàn quân của Sư đoàn 711 (xuất phát từ Cầu Đá, thôn Xuân Quê vượt qua đường 105, qua thôn Lãnh An đến giáp địa phận xã Sơn Thành) liên lạc với du kích Sơn Thành, đưa lãnh đạo chỉ huy của Trung đoàn 31 khảo sát và đặt sở chỉ huy tiền phương tại hang Ông Tân và hang Bà Già (thôn Tam Hòa). Sau khi đưa được đơn vị trinh sát và bộ đội tập kết, các chỉ huy của Trung đoàn 31 và 38 đã vào vị trí. Trong trận đánh này, lần đầu tiên hỏa tiễn B72 được bố trí về phía tây bắc Cấm Dơi cách 2km và tại đồi Phong (Đồng Bình, Lãnh Thượng 1). Sau này du kích địa phương hay gọi là đồi B72.
Cấm Dơi là một khu đồi thấp, có độ cao so với mặt nước biển khoảng 10-12m, địa hình có nhiều tảng đá lớn nằm ngay trung tâm huyện Quế Sơn. Khu Cấm Dơi có 2 mỏm đồi liền kề, Đồi Gai nằm về phía tây có diện tích chung khoảng 20 ha. Cấm Dơi thuộc địa phận thôn Thuận An, xã Sơn Thành cũ; Đồi Gai thuộc địa phận thôn Lãnh Thượng, xã Sơn Lãnh cũ. Trước năm 1967, nơi đây là rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, được người dân địa phương tôn vinh là Rừng Cấm, thu hút rất nhiều đàn dơi về trú ngụ. Về sau, người dân Thuận An ghép tên khu vực này thành Cấm Dơi.
Trung đoàn 31 do Trung đoàn trưởng Võ Đình Nã chỉ huy, đưa bộ đội tập kết phía bắc đường 105 (nay là ĐT611). Các trận địa hỏa lực như DKZ, cối 120 ly, 82 ly... đã bố trí sát trận địa tại Gò Ngu, Gò Sinh, gò Ông Chương thuộc thôn Thuận An, Đông Phú. Phía tây và tây nam, bộ đội Trung đoàn 38 tiếp cận do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Trí chỉ huy, Tiểu đoàn 18 do đồng chí Mỡ chỉ huy, Tiểu đoàn 19 đồng chí Sánh chỉ huy… Trong thời gian ngắn, bộ đội ta đã nhanh chóng triển khai các đại đội bộ binh, pháo binh tại khu vực gò Rang (Lãnh Thượng 1), phía nam Cầu Liêu, Cấm Lá (xã Sơn Thắng cũ). Các trận địa hỏa lực được bố trí rất thuận lợi, tầm bắn phát huy tối đa và tính chính xác cao.
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 17.8.1972, pháo hiệu của Sư đoàn 711 đã phát, tiếng súng bắt đầu rền vang mở màn cuộc tấn công. Những quả đạn ĐKB-B72 rời bệ phóng, pháo 130 ly từ Hiệp Đức bắn chính xác vào trận địa pháo của địch. Tại căn cứ Cấm Dơi, phòng không 12 ly 7 hạ nòng như bão lửa, các kho đạn, kho xăng bốc cháy, bọn địch hoàn toàn rơi vào thế bị động. Sau đó, địch bắt đầu phản kích, máy bay phản lực F5, A37… lao đến ném bom, B52 từng tốp 3 chiếc bắt đầu rải thảm vòng ngoài khu Lãnh Thượng và Tam Hòa. Sau hai ngày điên cuồng phản công, đến ngày 19.8 địch suy yếu hoàn toàn, căn cứ Cấm Dơi bị cô lập. Vào 3 giờ chiều cùng ngày, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh đồi Cấm Dơi.
Ngày nay, biểu tượng Cấm Dơi nằm giữa trung tâm huyện Quế Sơn với hình ảnh các chiến sĩ cầm súng bất khuất. Cuộc chiến đã lùi xa, ký ức về trận đánh Cấm Dơi oanh liệt, hào hùng vẫn đọng mãi trong tôi.

Nguồn : BÁO QN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét