LÍNH SƯ 2 CÓ LỆNH LÀ ĐI, ĐÃ ĐI LÀ ĐÉN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

GIẢI PHÓNG TAM KỲ

Sau khi bàn giao các vùng giải phóng cho địa phương quản lý, sáng 20.3 các đơn vị bộ đội chủ lực tham gia giải phóng Tiên Phước chia làm 3 mũi tiếp tục tiến về Tam Kỳ. Trong đó, Trung đoàn 31 và Trung đoàn 36 phụ trách mũi phía nam; Trung đoàn 1 theo mũi chính diện từ Tiên Phước xuống; Trung đoàn 38 tiến công theo mũi phía bắc từ Quán Rường vào, nhằm bao vây không cho địch chạy thoát về Đà Nẵng.


alt
Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 đánh chiếm tỉnh đường Quảng Tín ngày 24.3.1975.

Đến sân bay Kỳ Nghĩa (Tam Ngọc, Tam Kỳ), Trung đoàn 36, Tiểu đoàn 10 (đặc công), Đại đội 3, Tiểu đoàn 15 (công binh) được giao nhiệm vụ chiếm giữ cầu Tam Kỳ và tiến đánh giải phóng Chu Lai. Các đơn vị còn lại phối hợp với bộ đội địa phương và các Đội công tác của thị xã đánh chiếm tỉnh đường Quảng Tín. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24.3, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh tỉnh đường Quảng Tín. Tam Kỳ trở thành đô thị đầu tiên ở khu vực đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ được hoàn toàn giải phóng.
Ông Huỳnh Văn Hạnh - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) hiện đang ở tại số nhà 77 Nguyễn Thái Học, An Mỹ, Tam Kỳ bồi hồi kể, trước thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở huyện Tiên Phước, các đơn vị bộ đội địa phương phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực tổ chức đánh địch ở các xã vùng đông huyện Thăng Bình. Chúng buộc phải co cụm lại rồi tháo chạy, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta làm chủ trận địa, chia cắt liên lạc và ngăn không cho bọn chúng chi viện. Trước thời cơ đó, đêm 18.3 các Tiểu đoàn 70, 72, 74, Đại đội V12 Bắc Tam Kỳ và Bộ Tư lệnh tiền phương Tỉnh đội Quảng Nam do đồng chí Lê Hải Lý - Tỉnh đội trưởng Quảng Nam chỉ huy hành quân xuống vùng đông Thăng Bình.
Ngày 20.3 địch sử dụng 2 tiểu đoàn Cộng hòa, 2 tiểu đoàn Bảo an, 1 chi đoàn và 1 đội xe bọc thép chia làm nhiều hướng đồng loạt đánh vào các khu chợ Được - Hương Mỹ. Song trước sự hùng mạnh và dũng mãnh của Tiểu đoàn 72, quân địch thua tan tác, trận địa lại thuộc về quyền làm chủ của quân ta.
Ngày 22.3, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 ra lệnh cho Tỉnh đội sử dụng toàn bộ lực lượng đang tác chiến ở vùng đông gấp rút quay vào phối hợp tiêu diệt quân địch ở phía đông thị xã Tam Kỳ. Đêm 22.3, Tiểu đoàn 72 sử dụng Đại đội 3 phối hợp cùng hỏa lực đánh sập cầu Kỳ Phú 2, sau đó rút về đóng quân ở thôn Vĩnh Bình, xã Kỳ Anh (nay là Tam Thăng, Tam Kỳ). Cùng ngày 23.3, Tiểu đoàn 72 phối hợp Đại đội V12 Bắc Tam Kỳ đánh chiếm trận địa pháo ở Núi Cấm và tiếp tục chiếm ngã 3 Kỳ Phú (nay là ngã tư Duy Tân - Phan Châu Trinh). Sau đó tiến thẳng ra ngã ba Nam Ngãi (nay là ngã tư Trần Cao Vân - Phan Châu Trinh) phối hợp cùng Trung đoàn Ba Gia (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2) tiến đánh các cơ quan đầu não của địch.
alt
Bộ đội Phòng không bảo vệ bầu trời thị xã Tam Kỳ vừa được giải phóng.
Sáng ngày 24.3, các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực từ 3 hướng đồng loạt tấn công tỉnh đường Quảng Tín. Một mũi từ Tam Xuân (Núi Thành) ra, hướng thứ hai từ Kỳ Phú tràn lên, mũi còn lại từ sân bay Kỳ Nghĩa xuống cùng với lực lượng xe tăng từ Trà Cai tiến vào. Trước sức mạnh của lực lượng cách mạng, địch hầu như đã bỏ chạy gần hết, chỉ còn súng, mũ, áo quần và các phương tiện chiến tranh vứt bừa bãi trên các trục đường trong thị xã.
Tam Kỳ được giải phóng mà gần như không có tiếng súng. Tuy nhiên đến 15 giờ cùng ngày, địch dùng máy bay phản kích. Nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân ta đã đánh trả quyết liệt. Bọn chúng thất bại thảm hại, quay đầu bay về hướng Đà Nẵng. Quân và dân Tam Kỳ nhanh chóng làm chủ hoàn toàn quê hương. Đặc biệt, tập trung kiểm soát không để xảy ra tình trạng cướp bóc, chú trọng ổn định tình hình an ninh chính trị, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ông Trần Xuân Hợi, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, thuộc Tiểu đoàn 74 pháo binh, hiện ở tại khối phố 5, Phước Hòa (Tam Kỳ) cho biết, sau khi bàn giao cho địa phương quản lý, các đơn vị bộ đội chủ lực tiếp tục tiến về giải phóng các địa phương trong tỉnh. Trung đoàn 1, Trung đoàn 31 và Lữ 52 tiến quân dọc theo tuyến đường sắt; Trung đoàn 38 đi theo tuyến đường bộ Nam - Bắc; các đơn vị còn lại tiến quân theo tuyến đường ven biển. Tiểu đoàn 74 (Tỉnh đội Quảng Nam) được nhanh chóng điều ra giữ căn cứ Tuần Dưỡng; Tiểu đoàn 72 đóng quân chốt chặn tại ngã ba Kỳ Phú; Tiểu đoàn 70 tiến quân ra Bình Sa (Thăng Bình) để phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Thăng Bình; Tiểu đoàn 11 chiếm giữ sân bay Kỳ Nghĩa. Các đại đội độc lập được phân công đóng quân theo thế chân kiềng để bảo vệ thị xã Tam Kỳ trong những ngày đầu giải phóng. Riêng Tiểu đoàn 74 làm nhiệm vụ kiểm soát tuyến đường 1 bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các lực lượng bộ đội chủ lực và các đoàn xe vận tải từ miền Bắc vào hỗ trợ giải phóng miền Nam.

Nguồn : NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét